Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Hàng nghìn thanh niên cạnh tranh mỗi năm cho chiếc ghế tuyển thủ eSports chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, nhưng chỉ số ít đạt được ước mơ này.

“Tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày. Nhưng tôi ước trở thành ngôi sao, tham gia các giải đấu lớn với đông đảo fan hâm mộ”, Kim Min-soo, thanh niên 17 tuổi tham gia học viện Gen.G eSports chia sẻ. Anh đang đeo nẹp quanh tay phải để giảm đau do chơi game quá nhiều.

Tại học viện Gen.G eSports ở Seoul (Hàn Quốc), những thanh niên trẻ ngồi ăn trưa trước khi tập luyện cùng dàn máy tính cấu hình cao. Dù tan học lúc 5h chiều, buổi tập luyện vẫn kéo dài đến nửa đêm.

Những học viên như Min-soo khiến người ta nghĩ đến sự cạnh tranh khốc liệt trong các kỳ thi cuối cấp tại Hàn Quốc, nhưng dành cho eSports.

Hàn Quốc được xem là “thánh địa” eSports, nhưng nhiều người vẫn có cái nhìn tiêu cực với ngành công nghiệp tỷ USD. Do đó, các học viện ra đời để thay đổi quan điểm, giúp hàng nghìn bạn trẻ có cơ hội theo đuổi đam mê.

Một trong những công việc được mơ ước tại Hàn Quốc

“Tại Hàn Quốc, học viên phải làm bài về nhà trên game trước khi thực sự chơi chuyên nghiệp bởi nếu không phối hợp tốt với đồng đội, họ có thể bị đuổi học… Những game thủ Hàn Quốc cực kỳ coi trọng việc này”, Jeon Dong-jin, Giám đốc hãng game Blizzard Entertainment tại Hàn Quốc chia sẻ.

Game online ra đời và phát triển khá sớm tại Hàn Quốc so với phần còn lại của thế giới. Khi triển khai Internet tốc độ cao vào cuối những năm 1990, các quán Internet mở cửa 24/24 (còn gọi là PC bang) đã nở rộ tại Hàn Quốc.

Hoc vien Gen.G eSports anh 2
Một buổi luyện tập tại học viện Gen.G eSports ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: New York Times.

Những quán net trở thành văn hóa quen thuộc của game thủ Hàn Quốc, là nơi tổ chức các giải đấu không chính thức. Đến năm 2000, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên phát sóng giải đấu game trên truyền hình cáp.

Khi thấy người khác tập luyện chăm chỉ, điều đó sẽ thúc đẩy bạn nỗ lực hơn.

Anthony Bazire, cựu học viên từ Pháp về Hàn Quốc để theo học tại Gen.G

eSports xếp thứ 5 trong các công việc tương lai được sinh viên Hàn Quốc mơ ước, sau vận động viên thể thao, bác sĩ, giáo viên và nhà sáng tạo nội dung số, theo cuộc khảo sát năm 2020 của Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Đây cũng là bộ môn tranh huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) năm 2022.

Các tuyển thủ eSports nổi tiếng như Lee Sang-hyeok (Faker) có sức hút tương đương ngôi sao K-pop khi hàng triệu người theo dõi anh đấu giải. Trước khi đại dịch bùng phát, các sự kiện eSports chật kín người, không khí kết hợp giữa liveshow nhạc rock và sàn đấu vật chuyên nghiệp.

Sáng học văn hóa, chiều luyện tập game

Không phải ai cũng xem tuyển thủ eSports là nghề tích cực. Nhiều bậc phụ huynh đã dẫn con đến bác sĩ để tư vấn cai nghiện game, hoặc gửi đến các trung tâm phục hồi chức năng. Khi có người nộp đơn xin miễn nghĩa vụ quân sự, các quan chức sẽ điều tra xem họ có chơi game online liên quan đến súng và bạo lực không.

Học sinh bỏ học để theo nghiệp eSports không hiếm. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự đến với số ít người giỏi nhất.

Hoc vien Gen.G eSports anh 3
Giải CKTG Liên Minh Huyền Thoại tổ chức tại Hàn Quốc năm 2014. Đây là tựa game phổ biến nhất ở xứ sở kim chi. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, 10 CLB eSports chuyên nghiệp được nhượng quyền tại Hàn Quốc của game Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) chỉ tuyển tổng cộng 200 tuyển thủ. Những người bỏ học nhưng bị gạt khỏi đội tuyển sẽ gặp khó khăn khi tìm việc do không có bằng cấp. Khác với một số trường đại học Mỹ, các trường ở Hàn Quốc không tuyển sinh dựa trên kỹ năng chơi game.

Đó là lý do Gen.G eSports, công ty quản lý đội tuyển eSports có trụ sở tại California (Mỹ) thành lập Học viện eSports Gen.G Elite tại Seoul vào năm 2019. Không chỉ huấn luyện học viên thành tuyển thủ eSports chuyên nghiệp, tạo cơ hội việc làm streamer, marketing hay phân tích dữ liệu, học viện Gen.G còn hợp tác với công ty giáo dục Elite Open School, hỗ trợ học viên tham gia các khóa học tiếng Anh, lấy học bổng eSports để ứng tuyển vào trường đại học Mỹ.

Cha mẹ tôi hoàn toàn phản đối… Tôi khẳng định họ sẽ không hối tiếc, bởi đó là ước mơ để tôi cống hiến hết khả năng.

Kim Hyeon-yeong, học viên tại Gen.G Elite.

Các lớp học của Elite Open School được đặt tên theo trường đại học Mỹ như Columbia, M.I.T. hay Duke. Học viên được dạy tiếng Anh, lịch sử nước Mỹ và một số môn bắt buộc. Các buổi học diễn ra vào buổi sáng trong khoảng 2 tiếng.

Đến chiều, học viên được xe bus chở đến học viện của Gen.G để tham gia huấn luyện. Anthony Bazire, cựu học viên của Gen.G đến từ Pháp, chọn Hàn Quốc để học tập bởi đây là quê hương của các tuyển thủ eSports nổi tiếng nhất. Hiện nay các đội tuyển, game thủ giỏi nhất trong những giải đấu LMHTOverwatch hay StarCraft II chủ yếu là người Hàn Quốc.

“Khi thấy người khác tập luyện chăm chỉ, điều đó sẽ thúc đẩy bạn nỗ lực hơn”, Bazire chia sẻ. Nhờ học viện của Gen.G, nhiều người đã thuyết phục thành công cha mẹ rằng họ có thể thành công khi làm tuyển thủ eSports.

Hoc vien Gen.G eSports anh 4
Lớp học tiếng Anh cho học viên học viện Gen.G tại Elite Open School. Đang giảng dạy là Lowell Stevens, cựu game thủ chuyên nghiệp. Ảnh: New York Times.

Tập luyện 18 tiếng/ngày tại học viện eSports

Từ năm 2 đại học, Kim Hyeon-yeong đã dành 10 giờ mỗi ngày chơi LMHT. Mùa hè năm 2019, anh quyết định bỏ học để theo đuổi ước mơ trở thành game thủ chuyên nghiệp.

“Cha mẹ tôi hoàn toàn phản đối… Tôi khẳng định họ sẽ không hối tiếc, bởi đó là ước mơ để tôi cống hiến hết khả năng”, Hyeon-yeong cho biết mẹ anh từng đau khổ đến mức nằm rên rỉ trên giường. Cuối cùng, bà đã đồng ý sau một câu nói cảm xúc của con trai.

Hyeon-yeong tìm hiểu chương trình tại Gen.G Elite với chi phí 25.000 USD/năm rồi dắt mẹ đến học viện. Sau 2 năm, Hyeon-yeong đã trúng tuyển vào Đại học Kentucky (Mỹ) nhờ học bổng eSports.

Bazire tham gia đội tuyển LMHT của Gen.G với tư cách thực tập sinh vào tháng 3 với mức lương khiêm tốn, được hỗ trợ ăn ở tại một chung cư ở Seoul. Thời gian tập luyện lên đến 18 tiếng/ngày, theo Bazire là nhiều hơn 60-70% so với các tuyển thủ mà anh biết tại Pháp.

Không chỉ tìm chỗ đứng, thực tập sinh của Gen.G phải vượt qua các giải đấu hạng 2 để đến hạng đấu cao nhất, nơi các tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp được trả trung bình 200.000 USD/năm, cùng tiền thưởng và hợp đồng tài trợ.

Hoc vien Gen.G eSports anh 5
Kim Hyeon-yeong bỏ học trước khi gia nhập học viện Gen.G eSports. Sau 2 năm, Hyeon-yeong trúng tuyển vào Đại học Kentucky (Mỹ) nhờ học bổng eSports. Ảnh: New York Times.

Sự nghiệp tuyển thủ eSports tại Hàn Quốc thường kết thúc trước khi bước sang tuổi 26. Đây cũng là thời điểm nam giới Hàn Quốc gặp áp lực trước chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Min-soo đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành tuyển thủ eSports chuyên nghiệp khi còn học cấp 2. Năm 2019, Min-soo thức dậy lúc 6h sáng mỗi ngày, đi xe bus và tàu điện ngầm trong 2 tiếng để đến học viện Gen.G. Sau khi về nhà lúc 23h30, chàng thanh niên trẻ tiếp tục luyện tập, hiếm khi chợp mắt trước 3h sáng.

Sau 2 năm, Min-soo đã đủ tiêu chuẩn tham gia những bài kiểm tra khắt khe, với mục tiêu trở thành thực tập sinh của một đội tuyển eSports chuyên nghiệp.

“Đó là khoảng thời gian khó khăn, cô đơn bởi bạn phải từ bỏ mọi thứ như bạn bè. Tuy nhiên, tôi đang rất hạnh phúc vì được làm những gì mình thích nhất”, Min-soo chia sẻ.

Share.

Leave a Reply