Thursday, April 25 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
July 15, 2021
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Khoảng 7.5 hécta rừng tự nhiên và 25 hécta rừng ngập mặn trồng cây đước, mắm, bần bảo vệ “ốc đảo” xã Tam Giang, huyện Núi Thành, đang chết khô từng ngày trong khi giới hữu trách nói “không rõ nguyên nhân.”

Báo VNExpress cho biết những ngày này, cánh rừng ngập mặn xanh tươi rộng hơn 50 hécta chạy quanh xã Tam Giang, huyện Núi Thành, đang chuyển màu nâu sẫm, hàng ngàn thân cây khô héo.

Cánh rừng ngập mặn rộng hơn 50 hécta chạy quanh xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tàn lụi từng ngày. (Hình: Đắc Thành/VNExpress)

Theo người dân địa phương, sau nhiều cơn bão hồi cuối năm 2020, cây xanh bắt đầu rụng lá rồi chết khô. Đến Hè 2021, gặp nắng nóng kéo dài khiến cành, thân chết khô nhanh hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Chính (64 tuổi, xã Tam Giang), từng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, cho biết vùng quê này được bao bọc bởi bốn bề sông và cửa An Hòa vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Để cứu làng, những thế hệ người Tam Giang trước đây đã trồng cây mắm, bần, đước… chắn sóng, tạo thành khu rừng rộng hàng trăm hécta ven sông.

“Rừng là lá phổi của làng, ngăn sóng, bão gió, bảo vệ người dân. Nhiều năm qua người dân trồng và chăm sóc bảo vệ nhưng nay khô héo hết rồi,” ông Chính nói và mong muốn chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, trồng lại cây mới.

Nhìn cây bần hơn 150 tuổi bị chết khô, ông Lương Văn Long (hơn 70 tuổi) nói: “Rừng này chưa bao giờ bị chết, đây là đầu tiên tôi chứng kiến.”

Ông Long cho rằng cơn bão Molave hồi cuối Tháng Mười, 2020, mạnh nên mang theo nước mặn có nồng độ cao xâm thực ngâm nhiều ngày khiến cây chết.

Mặt khác, xã Tam Giang có nhiều cửa sông chảy về nên rác thải tấp vào. Mỗi khi nước lớn dâng lên, rác tràn vào rừng, nay lá cây không còn che phía trên nên rác lộ thiên dày đặc.

Trước đây ông Nguyễn Văn Trung (42 tuổi), thường mang lưới ra đánh bắt tôm, cá mưu sinh ở rừng ngập mặn khi thủy triều lên.

“Ngày trước cây cối dày đặc xanh tốt nên cá, cua, tôm… về sống nhiều, song nay cạn kiệt. Bủa lưới cả buổi chỉ đủ phục vụ bữa ăn cho gia đình, không có bán,” ông Trong nói và cho biết thêm nhiều loài chim không còn bay về trú ngụ.

Nói với báo VNExpress, đại diện Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Núi Thành cho biết rừng ngập mặn ở xã Tam Giang rộng hơn 50 hécta. Trong đó, 25 hécta rừng tự nhiên đã chết khoảng 7.5 hécta; rừng trồng mới 26 hécta thì chết hơn 25 hécta.

“Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá song vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cây chết,” vị đại diện Phòng Nông Nghiệp nói.

Xã Tam Giang có nhiều cửa sông chảy về nên rác thải thường tấp vào khu rừng. (Hình: Đắc Thành/VNExpress)

Tin cho biết hồi năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nở rộ, nhiều gia đình trong xã đã “xẻ thịt” rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Được vài năm, tôm bị dịch bệnh, rớt giá nên hàng trăm ao hồ bỏ hoang để lại cánh rừng ngập mặn thưa thớt cây.

Đến năm 2009, cơn bão Số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và “ốc đảo” xã Tam Giang bị thiệt hại nặng nề. Thiên tai gây xói lở đất, nhà cửa bị tốc mái, ghe thuyền không có nơi trú ngụ. Lúc này người dân trong xã mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng nuôi tôm. Họ bảo nhau phải khôi phục lại cánh rừng bị mất. Cả xã cùng cầu cứu nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ trồng mới rừng ven sông. Nay, người dân lại nhìn rừng chết khô từng ngày trong vô vọng. (Tr.N)

Share.

Leave a Reply