Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
October 6, 2021
LOS ANGELES, California (NV) – Chronotype là thuật ngữ mà các nhà khoa học dùng để nói về thời điểm sinh học của mỗi người liên quan đến chu trình thức và ngủ, cũng như thời điểm nào tỉnh táo và hiệu quả nhất trong ngày.

Việc xác định được chronotype sẽ giúp cho bạn có cái nhìn sâu sắc và rõ hơn về bản thân và thói quen của mình, đồng thời giúp xác định được thời điểm mà cá nhân bạn cảm thấy có thể làm việc hiệu quả nhất, thời điểm nào cơ thể cảm thấy uể oải, cũng như sự liên kết giữa giấc ngủ và sức khỏe tinh thần. Từ đó, bạn có thể hiểu và điều chỉnh hoạt động hằng ngày theo đồng hồ sinh học của mình, theo tạp chí Healthline.

Việc biết rõ chu trình sinh học liên quan đến việc thức và việc ngủ sẽ giúp bạn xác định thời gian cơ thể và đầu óc tập trung nhất trong ngày. (Hình: Damir Spanic/Unsplash)

Chronotype là gì?

Chronotype là nhịp sinh học của một người. Nó là sự khác biệt của từng người trong sinh hoạt và sự tỉnh táo vào buổi sáng và buổi tối.

Cô Eva Cohen, huấn luyện viên về giấc ngủ ở trung tâm Kansas-Sleep, cho biết việc nắm rõ bản thân mình thuộc loại chronotype sẽ giúp bạn hiểu cách hoạt động của đồng hồ sinh học của mình, đồng thời có thể sử dụng một cách hiệu quả và lành mạnh nhất.

Đặc biệt, khi xác định được khoảng thời điểm cơ thể và não bộ chúng ta tiếp thu và tập trung tốt nhất, nó sẽ cho phép bạn lập kế hoạch trong ngày của mình một cách khôn ngoan, khoa học và tiện lợi.

Hầu hết các nghiên cứu chia chronotype ra thành ba loại: Ban ngày, ban đêm, không thuộc về hai loại trên.

Một số miêu tả chronotype với các tên sau: Nhóm gấu, nhóm chó sói, nhóm sư tử, nhóm cá heo.

Nhóm gấu

Đa số chúng ta thường có chronotype thuộc nhóm gấu, chiếm khoảng 55% dân số trên thế giới. Điều này có nghĩa là chu kỳ ngủ và thức của bạn tuân theo quy luật Mặt Trời, tức là bạn đi ngủ khi trời tối và thức dậy khi Mặt Trời lên.

Những người tuân theo chu kỳ này thức dậy dễ dàng và thường đi vào giấc ngủ mà không có vấn đề gì. Năng suất của họ tốt nhất trước buổi trưa và họ có xu hướng hơi mơ màng, sao nhãng sau bữa trưa vào khoảng từ 2 giờ trưa đến 4 giờ chiều.

Những người nhóm sư tử thường hay dậy rất sớm để tập thể dục. (Hình: Emma Simpson/Unsplash)

Nhóm sư tử

Không giống như những người thuộc nhóm chó sói, nhóm sư tử thích dậy vào sáng sớm. Nhóm sư tử sẽ dễ dàng thức dậy trước bình minh và đạt năng suất tốt nhất đến giữa trưa.

Thông thường, những người nhóm sư tử thư giãn vào buổi tối và sẽ đi ngủ từ 9 hoặc 10 giờ tối. Họ cũng giống những người thuộc nhóm gấu nhưng có lịch trình sớm hơn. Những người này thường có đặc điểm là thích dậy sớm để tập thể dục, thuộc típ người lãnh đạo và chiếm khoảng 15% dân số thế giới.

Nhóm chó sói

Những người này thường gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng. Trên thực tế, chuyên gia Eva Cohen nói rằng những người thuộc nhóm chó sói cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn khi thức dậy vào buổi trưa, đặc biệt là vì năng suất cao nhất của họ bắt đầu vào buổi trưa và kết thúc sau đó khoảng 4 giờ chiều.

Những người này cũng trở nên hoạt bát vào khoảng 6 giờ tối và thấy rằng họ có thể hoàn thành rất nhiều việc trong khi mọi người khác đã hoàn thành công việc trong ngày. Hiện nay, những người thuộc nhóm sói chiếm khoảng 15% dân số thế giới, và thường họ là những người hướng nội và có đầu óc sáng tạo cao.

Nhóm cá heo

Nếu bạn gặp khó khăn với giấc ngủ, thì bạn có thể là một người thuộc nhóm cá heo. Người có chronotype thuộc nhóm cá heo thường sẽ không ngủ đủ giấc do nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng và không gian.

Tuy nhiên, họ đạt năng suất tốt nhất từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa và đây là thời điểm tuyệt vời để hoàn thành công việc.

Nhóm cá heo chiếm khoảng 10% dân số thế giới, thường có đầu óc thông minh, nhanh nhẹn nhưng ít khi có thể tương tác xã hội tốt.

Những người thuộc nhóm cá heo thường hay khó ngủ và khó thức dậy. (Hình: S L/Unsplash)

Những lợi ích khi hiểu rõ về chronotype

Lần nữa, việc xác định chronotype sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về chu kỳ ngủ và thức của bạn, cũng thời điểm làm việc tỉnh táo tốt nhất, bao gồm:

1-Giúp bạn hiểu khi nào bạn chìm vào giấc ngủ:

Theo một nghiên cứu do trung tâm Nat Sci Sleep thực hiện, những người hoạt động về chiều tối thường có thời gian muộn hơn từ hai đến ba giờ so với những người hoạt động trong buổi sáng.

2-Giúp bạn theo dõi thói quen ăn uống:

Một nghiên cứu khác từng theo dõi mối liên hệ giữa chronotype, việc ăn uống và tim mạch chuyển hóa (cardiometaoblic health) và phát hiện ra rằng những người thuộc nhóm sinh hoạt buổi tối như nhóm chó sói thường sẽ tiêu thụ ít trái cây và rau quả hơn so với nhóm khác. Ngoài ra, nhóm hoạt động buổi tối cũng sẽ tiêu thụ nhiều thức uống năng lượng, đồ uống có cồn, có đường và chứa caffeine, cũng như năng lượng tiêu thụ từ chất béo cao hơn so với nhóm khác.

3-Giúp bạn hiểu mối liên hệ giữa thời gian ngủ và thức liên quan đến sức khỏe tâm thần:

Một đánh giá khác đã chỉ ra những người sinh hoạt buổi chiều tối dễ bị trầm cảm hơn so với những người hoạt động vào buổi sáng.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng có các nghiên cứu báo cáo rằng, thông thường, những người lớn tuổi sẽ thuộc vào nhóm sư tử và nhóm gấu, trong khi thanh thiếu niên thì có xu hướng thuộc nhóm sói và nhóm cá heo.

Ngoài ra, liên quan đến giới tính, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nam giới thường sẽ hoạt động tốt hơn vào buổi tối so với nữ giới có làm việc tốt hơn vào buổi sáng.

Làm sao để biết mình thuộc nhóm chronotype nào?

Bạn có thể tìm thấy các bài kiểm tra trên mạng để tìm hiểu về chronotype của chính mình, bao gồm một số nguồn dưới đây:

-Bài kiểm tra “The Power of When,” dựa trên cuốn sách của Bác Sĩ Breus “The Power of When.”

-Bài kiểm tra tự đánh giá “MEQ Self-Assessment.”

-Bài kiểm tra “AutoMEQ.” (KD) [qd]

Share.

Leave a Reply