Wednesday, April 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65

*****
Thằng ăn cắp
 – Ông Tám –

Sáng cuối năm, trời mát dịu, ông bảo xe dừng lại bên kia đường một siêu thị lớn, dặn tài xế kiếm chỗ đậu, chờ khi nào ông phone thì quay lại đón, rồi xuống xe, lững thững qua đường, bước vào siêu thị. Ông không có ý định mua sắm gì nhiều, chỉ là “relax” cho ngày Chủ Nhật thôi, tiện thì mua gì đó. Trước khi qua bậc tam cấp, ông tạt vào ATM để rút ít tiền cho việc mua sắm.

Siêu thị rộng, sáng choang, các kệ hàng sắp xếp thoáng, có bảng chỉ dẫn các loại hàng hóa và dịch vụ. Ngó ngang qua cánh trái, ông thấy nhiều người chỉ trỏ bàn tán vào một góc chỗ để các xe “trolley”, có nhiều nhân viên bảo vệ quây kín. Tò mò, ông bước tới tận nơi: một thằng bé chừng 10-11 tuổi quần áo xộc xệch, mặt tái mét, bụi bặm còn hằn trên đôi má gầy xanh xao, hai tay bị trói ngược vào thanh chống ngang của khung kính cường lực; cúi gằm đầu nhìn xuống đôi bàn chân đen gầy đầy vết đất, cổ bị tròng một bảng giấy cạc-tông đề chữ to đậm “ĂN CẮP”.

Ông bước tới hỏi han cớ sự, thì ra nó lấy 1 hộp sữa nhỏ, loại tăng cường canxi cho người lớn. Hành vi non tay của tuổi thiếu niên sao qua được hệ thống camera luôn “dòm ngó” 24/7. Ông ngó sang thằng bé, nó vẫn cúi gằm đầu lặng thinh. Năm phút sau ông trở lại với giám đốc siêu thị – sau khi trả tiền hộp sữa và ký bảo lãnh – thằng bé được cởi trói, tháo bảng đeo trước ngực; nó ngước nhìn xung quanh rồi nhìn ông, rồi nó khóc không thành tiếng khi ông trao cho nó hộp sữa, nó ôm hộp sữa vào ngực mà dòng lệ tuôn chậm cùng đôi vai gầy nấc lên từng hồi, lặng lẽ …

Ông vẫn không nói gì, đặt tay lên vai gầy của nó, dẫn nó đi qua các gian hàng đầy ắp quần áo mới, ông bảo nó lựa đi. Nó ngại ngần ngước nhìn ông như thầm hỏi: có thiệt không? Ông mỉm cười ra dấu ngón tay cái, ý cho nó tự do lựa chọn. Mặt nó sáng rỡ, lượn hồi lâu quanh các giá treo hàng bởi với nó cái gì cũng mới đẹp, rồi chọn lấy một bộ quần short và áo ngắn tay; tiện tay ông lấy luôn cho nó 1 chiếc mũ kết kiểu giả NIKE. Ông dắt nó đi tiếp qua hàng giày dép và bảo nó lựa; nó vui sướng chọn đôi dép nhựa. Ông hỏi nó đói bụng chưa, nó cười cười không nói. Ông dẫn nó sang các tủ hàng bánh ngọt, ông thoáng nhìn nó chăm chú vào những chiếc bánh xinh đẹp bày trong kệ kính; đôi mắt thèm thuồng tần ngần nhìn những cái bánh chưa từng được ăn trong đời. Ông bảo nó thích cái nào thì cứ chọn, mặt nó sáng bừng lên và chỉ vào cái bánh sô-cô-la vuông có quả cherry đỏ tươi trên đỉnh. Nó nói cô bán hàng xếp bánh vào hộp để nó mang về. Ông thoáng băn khoăn, “sao nó không ăn mà mang về?”. Ông biết nó đói, nhưng ông tôn trọng quyết định của nó. Ông đoán nó mang về cho gia đình.

Gần trưa, nắng hửng lên. Ông cùng nó ra khỏi siêu thị, băng qua đường đi vào một công viên nhỏ. Thấy xe hủ tiếu gõ gần ngã tư – biết nó đói – ông rủ nó cùng ăn. Thằng nhỏ chịu liền, ông gọi một tô lớn đặc biệt cho nó, còn ông thì tô hủ tiếu khô, xương, ít bánh. Thằng bé ngồm ngoàm ăn ngon lành như chưa từng ăn bao giờ. Ông hỏi nó ăn thêm không, nó lắc đầu: “Dạ con no rồi!”. Ông hỏi nó uống nước gì, nó nói: “Dạ thôi.” rồi tiến tới bình nước lạnh miễn phí để sẵn của xe hủ tiếu, múc một ca, ực một hơi. Tội nghiệp, tuổi thơ nghèo như vậy là đủ lắm với nó rồi.

Trả tiền xong, ông cùng nó ngồi trên băng đá công viên. Ông nhỏ nhẹ hỏi: “Sao hồi sáng con lấy hộp sữa dành cho người lớn?”. Ngập ngừng vài giây, nó vừa nói vừa nấc: “Mẹ con đi lượm lon nhôm chai nhựa bán lại, bị té gãy xương; con phải đi lượm rác thay mẹ. Con nghe người ta nói muốn mau lành phải uống sữa có nhiều can-xi”. Ông hiểu liền: “Vậy con đem bánh về cho mẹ phải không?”. Nó gật đầu cái rụp và cười: “Cái bánh đẹp quá!Thương quá, chỉ nhìn cái bánh đã là niềm hạnh phúc với nó, đừng nói là được ăn!

Còn bao nhiêu tiền trong ví, ông đưa nó: “Con giữ mà mua sữa, mua thuốc cho mẹ”. Nó lắc đầu: “Dạ thôi, ông cứu con vậy là con cám ơn ông rồi.Ông lặng người bần thần, mắt cay cay, xúc động vì sự tự trọng của thằng bé. Ông nhét tiền vào túi nó, chậm rãi nói: “Coi như ông cho con mượn, khi nào con trả lại cũng được.Thằng nhỏ im lặng lúc lâu rồi nói: “Con cám ơn ông.Ông nhìn theo dáng tung tăng chân sáo của nó, một tay ôm giữ bịch đồ, một tay giữ chiếc nón đang đội như sợ bay mất. Ông biết nó vui lắm khi về nhà gặp mẹ: có sữa cho mẹ uống, có bánh cho mẹ ăn, vậy là mẹ mau lành. Suy nghĩ dễ thương của mái đầu trẻ nghèo cơ cực.

Ông không muốn nói, à không, ông không dám nói với nó chuyện chỉ mình ông biết: hơn 30 năm trước, ông cũng đã từng ăn cắp một thanh sô-cô-la trong một cửa hàng, để chống chọi qua cơn đói chết người sau mấy ngày không có gì vào bao tử. Vật vạ theo từng đợt nhào bóp quặn đau của dạ dày, không một xu dính túi; ông lê bước vào một cửa hàng bách hóa nhà nước để chỉ quên đi cơn đói quặn lòng bằng cách xem hàng hóa, xem một vài quyển sách hay tờ báo vớ vẩn cho trôi thời giờ. Nhưng cơn đói không quên ông, đường và canxi trong máu hạ thấp kịch liệt làm người ông run lên, mắt mờ đi, đầu ong ong nhức nhối… chỉ kịp dựa vào cột nhà rồi từ từ ngồi bệt xuống đất để thở và luôn tự nhắc: không được bất tỉnh, không được chết, phải ráng sống, con mình còn nhỏ lắm. Thật sự lúc đó nhắm mắt ngủ và đi luôn thật khỏe, nhưng ý chí sống và tinh thần sống vì con mạnh hơn. Rồi không biết bao lâu, ông tỉnh dậy, gượng đứng lên, cái đói lại kéo đến; ngó quanh quất rồi thò tay bóc nhanh một thanh snicker bỏ túi quần, bước ra ngoài. Ði qua ngã tư, mừng vì không bị phát hiện, bóc nhanh thanh sô-cô-la nhỏ xíu bỏ vào miệng ngồm ngoàm nhai nuốt trong tích tắc. Ôi nó ngon làm sao!

Thời đó còn bao cấp. Tốt nghiệp xong, ông đi làm ở một công ty nhà nước; ông làm việc siêng năng lắm, được “bơm” lên làm tổ trưởng rồi đội trưởng một đội xây dựng. Chỉ có điều ông không “chịu” được việc “xà xẻo”, tức là tráo đổi cắt xén vật tư, hạ thấp tiêu chuẩn an toàn để “ăn” chênh lệch. Nhiều lần ông phản ảnh với cấp trên nhưng chẳng có “xi-nhê” gì ráo! Dần dần ông biết rằng có ăn chia từ trên xuống dưới. Tình trạng ngày càng “căng” khi ông không chịu theo lệnh thay đổi quy cách vật tư theo thiết kế, không chịu vâng lệnh ký nghiệm thu công trình bởi ông đã thụ hưởng một nền giáo dục tốt – sống cho đàng hoàng – ở miền Nam trước 1975. “Hệ thống ăn chia” từng bước hủy diệt lòng tự trọng của ông bằng cách chuyển ông sang các bộ phận “tào lao vớ vẩn” khác: chấm công, bảo vệ… đến mức ông chịu không nổi phải nghỉ việc. Chúng tặng cho ông cái quyết định “cho thôi việc” thay vì “nghỉ việc” để ông không có trợ cấp, không thể xin việc mới.

Thất nghiệp cả năm trời, mượn tiền bạn bè cũng ngắn hạn thôi, đâu mượn hoài được. Rồi con còn nhỏ xíu, vay mượn chạy chọt được đồng nào là nhào đi mua sữa hết cho nó. Hết vay mượn được phải gởi con về quê ngoại chờ qua ngày tháng; mình ông ở lại thành phố vật vã đói cơm khát nước nhịn nhục đợi chờ một ngày mai tươi mới.

Thời gian trôi. Thời mở cửa, các hãng nước ngoài nhảy vào, các khu công nghiệp, khu đô thị mới mọc lên. Với kinh nghiệm và tiếng Anh “đủ xài”, ông có được việc làm thích hợp. Thêm hàng chục năm làm lụng siêng năng cực nhọc đắp đổi miếng cơm manh áo; cộng ơn trên phù hộ, tích lũy được chút đỉnh, ông cùng đồng nghiệp cần mẫn chịu khó năm xưa, lập thành nhóm, rồi tổ đội, rồi công ty nhận thầu phụ cho các công trình cho đến bây giờ. Trụ được trong đời đầy “chụp giựt bát nháo” này nhờ làm ăn giữ uy tín, bảo đảm phẩm chất, và giá rẻ hơn chỗ khác. Cũng phải “cúng dường” nhưng chỉ lễ nghi, lễ lạt thôi, không phải “phần trăm”.

Ông không bao giờ quên được miếng sô-cô-la nhỏ xíu đã giúp ông thoát cơn đói chết người chiều mưa năm đó – như một thuộc tính cố hữu của cơn đói không tiền năm xưa – ông không bao giờ dám xài sang, dầu chỉ một đồng; điện thoại của ông bể mặt kính, ông vẫn không mua cái mới vì nó vẫn còn xài được nhưng ông sẵn sàng sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn bởi chính ông đã từng và đã hiểu thế nào là “đói cơm khát nước”!

oOo

Ông bước chậm trên đường, mắt buồn hướng xa xăm, lòng vẩn vơ tự hỏi: tại sao ăn cắp nhỏ thì bị trói, bị đeo bảng “ĂN CẮP”; còn ăn cắp lớn thì sang trọng, phì nộn vẫn thấy luôn xuất hiện trên ti-vi, lên gân thuyết giáo ngày ngày. Ðời, bao giờ hết bất công!

ÔNG TÁM

Share.

Leave a Reply