Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

USCIRF tổ chức họp báo ra báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế 2022, ngày 25/4/2022. YouTube USCIRF.
USCIRF tổ chức họp báo ra báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế 2022, ngày 25/4/2022. YouTube USCIRF.

Uỷ Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì “các vi phạm có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”, đồng thời khuyến nghị Washington xác lập một thỏa thuận mang tính ràng buộc mới với chính phủ Việt Nam để yêu cầu cải thiện hơn nữa về tự do tôn giáo.

Báo cáo tình hình tự do tôn giáo Việt Nam được USCIRF công bố hôm 25/4 viết: “Chính quyền tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập, bao gồm cả người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Giáo hội Phật giáo Thống nhất, tín đồ Cao Đài độc lập, và tín đồ của các phong trào tôn giáo khác như Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Hội Thánh Đức Chúa Trời, đạo Hà Mòn”.

Báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam đã liệt nhiều nhóm trong số này là “tôn giáo lạ”, “tà đạo” hoặc “dị giáo” và thường được viện dẫn các lý do an ninh để đàn áp họ, khiến một số – chẳng hạn như Hà Mòn – được biết là đối diện sự tuyệt chủng, mặc dù người đứng đầu cơ quan quản lý tôn giáo của quốc gia này nói rằng “sẵn sàng đón đạo lạ”.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 “đạo lạ”.

Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, đồng thời là Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu rằng: “Dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ…”.

“Trong suốt năm 2021, nhà chức trách thường xuyên dẹp phá các buổi lễ tôn giáo, các buổi học giáo lý và sách nhiễu, giam giữ, đe dọa các nhà hoạt động thuộc các nhóm tôn giáo độc lập. Các nhóm Tin lành người Hmong và Thượng không đăng ký vẫn dễ bị bức hại. Chính quyền địa phương sách nhiễu, giam giữ, đe dọa và lạm dụng thể chất các thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ người Thượng ở tỉnh Phú Yên”, báo cáo của USCIRF viết.

Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava.
Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava.

Trả lời phỏng vấn VOA vì sao Việt Nam vẫn bị đề xuất đưa vào danh sách CPC, bà Anurima Bhargava, Ủy viên của USCIRF, nói:

“Tại sao Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách CPC?… Đó là sự tiếp tục sách nhiễu đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và một số cách đối xử đối với những người sống trong các cộng đồng miền núi ở Việt Nam, người Thượng và người Hmong, đây là một vài trong số những nhóm khác nữa mà họ đặc biệt dễ bị tổn thương và chúng tôi tiếp tục quan ngại về vấn đề này.

“Các nhóm tôn giáo độc lập này muốn thực hành tôn giáo của họ mà không bị chính quyền trừng phạt. Tuy nhiên khả năng họ có thể thực hiện được điều đó hay không là lý do chính mà chúng tôi vẫn quan ngại về những gì đang diễn ra ở Việt Nam”.

VOA đã liên lạc Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam để yêu cầu cho ý kiến về báo cáo mới nhất của USCIRF nhưng hai cơ quan này chưa phản hồi.

Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên của tổ chức Montagnards Stand For Justice (MSFJ), nói với VOA rằng ông đồng tình với nhận định của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trong năm qua và đồng tình với đề xuất đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) của Hoa Kỳ.

Ông nói:

“Họ tuyên truyền trong các buôn làng và quần chúng để tẩy chay Hội thánh Tin lành Đấng Christ và Thượng đế Giăng. Chính quyền cho rằng hai hội thánh này là hai hội thánh “phản động” hay “tà giáo” và nói rằng nếu ai tiếp cận với hai hội thánh này đều bị xử lý. Hành vi này là sự vi phạm rất nghiêm trọng.”

“Việt Nam phải trở lại danh sách CPC, trở lại CPC để các tổ chức quốc tế biết được và Việt Nam biết rằng Việt Nam phải tuân thủ những gì đã ký kết với quốc tế. Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ có được quyền tự do tôn giáo và người dân Việt Nam được hưởng những quyền ấy,” ông Y Quynh Bdap nói thêm.

Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006.

Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi danh sách này từ 2006 đến nay, hàng năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì các vi phạm về tự do tôn giáo.

Cáo cáo 2022 của USCIRF cũng nêu sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam giam cầm dài hạn các tù nhân lương tâm tôn giáo, điển hình như Mục sư Tin lành người Thượng Y Yich, đang thụ án 12 năm tù ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương, hay ông Phan Văn Thu, sáng lập viên nhóm Ân Đàn Đại Đạo, đang thụ án tù chung thân ở trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Uỷ viên Bhargava hôm 25/4 cho VOA biết rằng bà vẫn đang cập nhập thông tin và tiếp tục vận động để nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, sớm được phóng thích.

Theo danh sách Nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo của USCIRF, hiện Việt Nam có 66 nạn nhân, trong đó có 58 người chưa được trả tự do.

Ngoài việc đề xuất chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, USCIRF còn khuyến nghị Hoa Kỳ ký một thỏa thuận mang tính ràng buộc mới với chính phủ Việt Nam để yêu cầu cải thiện hơn nữa về tự do tôn giáo.

Share.

Leave a Reply