Thursday, April 18 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Hầu hết các đảng chính trị tại Thụy Điển đều ủng hộ quyết định gia nhập Nato

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,
Hầu hết các đảng chính trị tại Thụy Điển đều ủng hộ quyết định gia nhập Nato
Thụy Điển và Phần Lan đã xác nhận sẽ đệ đơn gia nhập Nato, quyết định được xem là bước thay đổi mang tính lịch sử sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Tại Thụy Điển, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền cho biết họ ủng hộ việc gia nhập Nato, quyết định mang tính mở đường cho tiến trình đệ đơn gia nhập của quốc gia Bắc Âu này.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Phần Lan chính thức tuyên bố sẽ đệ đơn gia nhập Nato.

Nga xem Nato là mối đe dọa an ninh và đã cảnh báo về “các hậu quả”.

Thụy Điển luôn duy trì tình trạng trung lập trong Thế chiến lần 2 và trong hơn 2 thế kỷ qua đã luôn tránh gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào.

Phần Lan có đường biên giới chung dài 1.300 km với Nga. Cho đến nay, Phần Lan cũng không gia nhập Nato để tránh tạo nên sự thù địch từ quốc gia láng giềng phía đông.

Trong một tuyên bố, Đảng Dân chủ Xã hội của Thụy Điển nói họ sẽ “làm việc hướng tới” việc gia nhập, công chúng và hầu hết các đảng đối lập đều ủng hộ. Tiến trình đệ đơn chính thức có thể diễn ra trong vòng vài ngày tới.

Thế nhưng Đảng Dân chủ Xã hội cũng cho biết thêm họ phản đối việc quốc gia Bắc Âu này trở thành nơi chứa vũ khí hạt nhân hoặc là căn cứ của Nato.

Trong một cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Thụy Điển, bà Magdalena Andersson nói đảng của bà tin rằng việc gia nhập liên minh quân sự Nato là “điều tốt nhất đối với nền an ninh của Thụy Điển và người dân nước này”.

“Đối với chúng tôi, Đảng Dân chủ Xã hội, thì rõ ràng là tình trạng không liên kết quân sự đã giúp ích cho Thụy Điển, nhưng kết luận của chúng tôi là điều này sẽ không giúp ích cho chúng tôi trong tương lai,” bà cho biết thêm.

Bà Magdalena Andersson cũng cho biết Thụy Điển sẽ rơi vào “vị thế dễ bị tổn thương” nếu là quốc gia duy nhất trong vùng Baltic không phải là thành viên của Nato.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trước đó đã xác nhận rằng quốc gia của ông sẽ đệ đơn gia nhập và gọi đây là “một ngày lịch sử”.

Ông Sauli Niinisto đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin về quyết định này, nói rằng ông muốn “nói chuyện thẳng thắn”.

“Tôi, hoặc Phần Lan, không phải lén lút và im lặng biến mất sau góc kẹt,”ông nói.

Trước đó, Tổng thống Nga nói với Phần Lan rằng sẽ là một “sai lầm” nếu gia nhập Nato, một liên minh quân sự được thành lập vào năm 1949 để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô.

Ông Putin cũng từng đề cập đến ý định gia nhập Nato của Ukraine là một trong những lý do cho cuộc xâm lược.

Quyết định trọng đại

Phân tích của Maddy Savage, Phóng viên BBC News tại Stockholm, Thụy Điển

Đảng Dân chủ Xã hội đã chọn công bố quyết định gia nhập Nato với một tuyên bố không ồn ào, 30 phút trước cuộc họp báo theo lịch trình. Thế nhưng quyết định của họ mang tính trọng đại, mở đường cho Thụy Điển lần đầu tiên rời khỏi trạng thái trung lập quân sự trong 200 năm qua.

Tuyên bố này không gây ngạc nhiên. Các bộ trưởng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội đã ủng hộ các thông tin được nêu trong báo cáo do các đảng cùng thực hiện vào hôm 13/05, có nội dung kết luận việc gia nhập Nato sẽ giúp tăng cường an ninh tại Bắc Âu và sẽ không thể kích hoạt một cuộc tấn công vũ trang từ Nga.

Trong khi đó sự ủng hộ của công chúng Thụy Điển về việc gia nhập Nato đã tăng đều kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Hầu hết các đảng đối lập đều ủng hộ, vào thời điểm là chỉ vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia này.

Hiện vẫn còn trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội – và Đảng Xanh và Đảng Tả đối lập – vẫn còn lo ngại về việc gia nhập Nato. Không phải tất cả mọi người đều được thuyết phục rằng khả năng Nga đe dọa quân sự sẽ ít có khả năng xảy ra.

Một số khác cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối về việc bản sắc quốc gia về một đất nước trung lập, hòa bình, đứng bên ngoài các cuộc xung đột lớn trên toàn cầu – đã bị đánh mất.

Chụp lại video,Giải đáp các câu hỏi về chủ đề Phần Lan và Thụy Điển có ý định gia nhập Nato

Ngoại trưởng các quốc gia Nato hiện đang nhóm họp tại Berlin cũng đã cam kết mang lại những đảm bảo an ninh cho cả Phần Lan và Thụy Điển trong quá trình chờ được tất cả các quốc gia thành viên trong Nato phê chuẩn, quy trình này có thể mất đến 1 năm.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố có thể là một “một thời kỳ chuyển đổi, vùng xám, khi tình trạng của họ không rõ ràng”.

Trong khi đó cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg đều tuyên bố tự tin sẽ vượt qua sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ đối với vấn đề gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của Nato đã cáo buộc các quốc gia Bắc Âu này ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã tiến hành cuộc chiến vũ trang nhằm vào chính phủ nước này trong hàng chục năm qua.

Hôm 15/05, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Thụy Điển và Phần Lan phải chấm dứt sự hậu thuẫn cho các kẻ khủng bố ở quốc gia của họ, cung cấp các đảm bảo an ninh rõ ràng và dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng ông Mevlut Cavusoglu cũng cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ đang không đe dọa đến bất kỳ ai hoặc tìm kiếm thêm lợi thế.

Ông Blinken cho biết ông đã nghe được sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho 2 nước Bắc Âu này trong “gần như trong toàn bộ [khối]” và đã có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ – “Nếu [gia nhập Nato]là điều họ chọn, tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ đạt được sự đồng thuận cho vấn đề này,” ông Blinken nói.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói ông sẵn sàng hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều có cộng đồng người Kurd sinh sống, và đối với Thụy Điển thì một số thành viên trong nghị viện có gốc người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra bằng chứng là những cộng đồng người này có các mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Tin BBC

Share.

Leave a Reply