Thursday, April 18 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời cũng đã được cập nhật trên trang nhà của Hội CVA Bắc Cali:
. . . Trong âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều nhạc sĩ mà tài không đợi tuổi. Văn Cao từng gây ngỡ ngàng với một Buồn Tàn Thu từ năm 16 tuổi, thì với Cung Tiến người ta lại càng thảng thốt hơn khi biết Thu Vàng là một trong hai sáng tác đầu tay của ông được viết khi mới chỉ 14-15 tuổi. . .
    Thu Vàng   —   Hoài Cảm   —   Hương Xưa
Tien Thuc Cung Obituary (1938 – 2022) | Camarillo, CA

Here is Tien Thuc Cung’s obituary. Please accept Echovita’s sincere condolences.

We are sad to announce that on May 10, 2022 we had to say goodbye to Tien Thuc Cung (Camarillo, California). Family and friends can send flowersand/or light a candle as a loving gesture for their loved one. Leave a sympathy message to the family in the guestbook on this memorial page of Tien Thuc Cung to show support.

A prayer was held on Thursday, June 2nd 2022 from 10:00 AM to 11:30 AM at the Chapel of the Valley – Conejo Mountain (2052 Howard Road, Camarillo, CA 93012).

https://tinyurl.com/58tj3y5b

                                                               – – – o0o – – –

Ca khúc “Thu Vàng” của nhạc sĩ Cung Tiến – Nỗi nhớ về một mùa thu xưa tràn ngập sắc hương

Ở Việt Nam, nếu nhắc đến mùa thu, thì đó thường là nhắc đến mùa thu ở Hà Nội, và nhắc đến Hà Nội, người ta cũng thường nhớ về những mùa thu, đó hai khái niệm không thể chia lìa. Hà Nội có bao nhiêu mùa thu thì có bấy nhiêu lớp người ngẩn ngơ, xuýt xoa, ngắm nhìn, thương nhớ. Mùa Thu Hà Nội chưa bao giờ là một đề tài cũ trong thơ văn nhạc họa, chưa bao giờ phai nhạt trong tâm hồn những người con xa xứ.

Nhạc sĩ Cung Tiến cũng không ngoại lệ. Theo lời kể của nhạc sĩ Cung Tiến, ông viết ca khúc Thu Vàng năm 1953, khi mới rời Hà Nội vào Sài Gòn. Bài hát được viết trong nỗi nhớ nhung về những tháng ngày thơ ấu ở quê nhà, và trong lời đề tặng của ca khúc, ông viết: “Tặng Hà Nội của những ngày thơ ấu”.

Trong âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều nhạc sĩ mà tài không đợi tuổi. Văn Cao từng gây ngỡ ngàng với một Buồn Tàn Thu từ năm 16 tuổi, thì với Cung Tiến người ta lại càng thảng thốt hơn khi biết Thu Vàng là một trong hai sáng tác đầu tay của ông được viết khi mới chỉ 14-15 tuổi. Tuy nhiên, nếu Buồn Tàn Thu của Văn Cao nặng trĩu tâm tư, dày đặc những hình ảnh và bóng dáng nhân vật tự sự, thì Thu Vàng của Cung Tiến là một mùa thu vô cùng tinh khôi, trẻ trung, thanh thoát, được giới mộ điệu xưng tụng là mùa thu đẹp nhất trong âm nhạc.

Cùng trong năm 1953, nhạc sĩ Cung Tiến cho ra đời hai nhạc phẩm nổi tiếng là Hoài Cảm và Thu Vàng. Nhưng nếu Hoài Cảm nặng trĩu nỗi lòng thương nhớ “cố nhân”, thì với Thu Vàng, cậu học trò Cung Tiến trở lại với đúng lứa tuổi thật của mình, lứa tuổi đẹp nhất đời người, tuổi thần tiên. Lứa tuổi vô lo, vô nghĩ, chưa nhuốm u sầu, nhưng đã dần chạm vào những cung bậc đẹp nhất của đời sống. Qua lăng kính mộng mơ của tuổi, mọi thứ dường như trở nên long lanh, tươi đẹp, rực rỡ lạ kỳ: tình yêu đầu tiên, những rung động đầu đời, những người bạn, những ký ức học trò, những ước mơ,… Đó phải chăng là thứ quà tặng mà cuộc sống đã ban tặng riêng cho tuổi trẻ.

Vậy nên, trước khi lắng nghe ca khúc, bạn hãy ngồi xuống, chọn một thức uống yêu thích, rũ bỏ hết mọi ưu phiền đang vương vít tâm hồn để có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của “mùa thu tinh khôi nhất trong âm nhạc” qua lời kể của chàng nhạc sĩ khi còn ở tuổi măng tơ::

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương

Với hai câu hát đầu tiên, có thể hình dung ra cảnh tượng một cậu học trò đang thong thả rải bước một mình trên đường chiều, bỗng bất chợt giật mình nhận ra “hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương”. Mùa Thu mỗi năm lại đến rồi đi trong vòng quay miên viễn của thời gian, chưa bao giờ đổi dời. Cậu học trò đã lớn lên qua 14 lần mùa thu Kinh Bắc như vậy, nhưng chỉ “chiều hôm qua” cậu mới phát hiện ra cảnh sắc xinh đẹp, quyến rũ của mùa thu khi hoàng hôn buông xuống. Chỉ đến “chiều hôm qua” cậu mới thấy “bâng khuâng” vì “có mùa Thu về, tơ vàng vương vương”. Chỉ với 4 chữ “tơ vàng vương vương”, vẻ đẹp óng ả, lóng lánh, vàng rượm của mùa Thu đã được lột tả thật tinh tế, gợi cảm.

Cảnh sắc quyến rũ, lóng lánh của thu vàng đã thu hút hết mọi sự chú ý của cậu. Những thứ rất đỗi bình thường của mùa thu bỗng trở nên tươi mới, lạ kỳ. Lần đầu tiên trong đời, cậu học trò biết rung cảm trước cảnh sắc mùa thu; phát hiện ra những dấu vết, chuyển động của mùa thu; biết ngắm nhìn, hít vào hết cả hương sắc của mùa thu. Vậy nên, trong lời hát, lời kể, nghe như có sự hưng phấn và xúc động đặc biệt. Lời kể tuôn trào, tự nhiên, hào hứng, kể mà không cần ai hỏi, không cần lý do; Kể trong niềm hứng khởi, say mê, để chia sẻ và được nói ra điều mình tâm đắc:

Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông
Có nghe lá vàng não nề rơi không?

Và có lẽ cũng lần đầu trong đời, cậu phát hiện ra những tầng bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn mình, vậy nên một loạt từ láy đã diễn tả cảm xúc đã được nhắc đến trong lời ca: buồn hiu hắt, nhớ bâng khuâng, lòng xa xôi, sầu mênh mông, não nề,..

Không chỉ là hát, mà đây hẳn là một cuộc dạo chơi giữa mùa thu của ngôn từ trong âm nhạc, và cậu học trò mà tâm hồn vừa chớm nở, bắt đầu biết quan sát, biết cảm nhận sâu sắc hơn những vẻ đẹp của đất trời, thiên nhiên, lần đầu tiên đón nhận những cảm xúc tinh khôi, nồng nhiệt, chộn rộn khó tả.

Trong sự hứng khởi của lần đầu tiên, có cả niềm tự hào rất “trẻ con” của nhạc sĩ học trò. Thay vì kể: Tôi nghe được cả tiếng lá vàng não nề rơi xuống, thì cậu lại hỏi ngang “có nghe lá vàng não nề rơi không?”. Câu hỏi giống như một sự “khoe khéo” rằng tôi đã nghe được âm thanh đặc biệt đó và đưa ra một lời thách đố nho nhỏ với những người bạn để thử xem họ có nghe được như mình không, có khám phá ra những thứ mình vừa phám phá không.

Có thể thấy, dù là một nhạc sĩ thành công ở tuổi dậy thì, thì trong nhạc của mình, thấp thoáng dưới những tâm sự có vẻ già dặn vẫn là một cậu học trò với những suy nghĩ rất hồn nhiên, trẻ trung:

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái

Từng câu hát, từng ý thơ giản dị nối đuôi nhau bật ra tinh nghịch, thanh thoát và trong trẻo lạ kỳ. Những vần “ơi” (tới, rơi, khơi) liên tục xuất hiện ở giữa câu, cuối câu, rồi lại giữa câu, cuối câu như một cuộc rượt đuổi, đùa dai đầy lém lỉnh, cho đến chữ cuối cùng của câu thứ ba thì đột ngột thoát ra, biến mất. Hát mà như chơi, chơi với vần, chơi với chữ, chơi đùa với âm nhạc, giống như những cuộc đuổi bắt, đào thoát bất ngờ của trò chơi cút bắt.

Những câu hát hồn nhiên, tinh nghịch như vậy hẳn những tâm hồn “già nua” chẳng bao giờ có thể viết được bởi nó mang một vẻ ngây ngô, ngơ ngẩn, vòng vèo có phần buồn cười của những thứ mà ai cũng biết, chẳng có gì đáng để kể, để nói, kiểu như mùa mưa thì có mưa, mưa thì ướt, ướt thì lạnh,… Nhưng với góc nhìn tươi trẻ, hồn nhiên của cậu học trò, thì những phát hiện đó vô cùng mới mẻ, tuyệt diệu. Chúng khiến cậu trở nên phấn khích, hưng phấn kỳ lạ.

Trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình nơi quê nhà, chắc không ít lần cậu nhặt lá rụng để chơi đồ hàng như bao đứa trẻ khác, và không ít lần được nhìn thấy lá vàng rơi xuống, trải thảm khắp nơi. Nhưng đây là lần đầu tiên cậu “nhặt lá vàng rơi”, để “xem màu lá còn tươi”, lần đầu tiên cậu ngắm nhìn kỹ một chiếc lá để rồi phát hiện thêm một gam màu vô cùng đặc biệt, mới mẻ: “màu tê tái”. Đó thực sự là một phát kiến tuyệt vời, lần đầu tiên xuất hiện trong thơ ca Việt Nam. Đó không phải là sắc màu thông thường của sự vật, thứ có thể nhìn thấy bằng mắt, mà phải nghe bằng trái tim.

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường

Mùa thu trong thi ca bao giờ cũng buồn, sầu, sâu lắng, ngồn ngộn tâm sự nhưng cái buồn, cái chán chường của mùa thu trong Thu Vàng lại được kể bằng một giọng điệu rất tinh nghịch, hồn nhiên. Một kiểu giận hờn, sầu buồn vu vơ, ngúng nguẩy: “nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường”. Đó không phải là cái buồn u uẩn, lẩn khuất, giấu kín trong tâm hồn mà là cái buồn mênh mông, xa xôi, “tôi buồn không hiểu vì sau tôi buồn”, nỗi buồn bày ra trên mặt, buồn cho cả thế giới biết rằng tôi đã biết buồn, buồn mà không luỵ. Nỗi buồn rất đặc trưng của lứa tuổi “dở dở ương ương”, buồn đó rồi vui ngay được:

Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương

Ca khúc kết lại bằng một bức tranh thu dịu dàng, tinh khôi, mê hoặc với “mây vương”, với “mùa thu vàng bao nhiêu là hương”. Cách gieo từ thật đắt “mây vương” và “bao nhiêu là hương” khiến cho người nghe, dù lời ca đã dứt, cứ vương vít, lấn quấn mãi không thể thoát khỏi cái mùa thu vàng rượm của buổi chiều hôm ấy. Chiều thu đầu tiên.

Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều những khoảnh khắc đầu tiên mà ấn tượng và sự hưng phấn để lại tưởng như không bao giờ phai nhạt. Lần đầu trong đời nếm thử que kem mát lạnh, ngọt lim, tan nhanh trên đầu lưỡi; lần đầu đứng trước biển, chạm chân trần lên cát; lần đầu chạm mắt với một cô gái mà những rung cảm để lại chấn động cả tâm hồn; lần đầu rụt rè nắm những ngón tay thon mềm của người yêu,… Nhưng có mấy ai kể lại được, truyền lại được nguyên cái cảm xúc đó bằng lời, bằng chữ. Với Thu Vàng, nhạc sĩ Cung Tiến đã tái hiện lại những khoảnh khắc rung động đầu đời ngọt ngào và tinh tế, mà nhiều người trong chúng ta đã bỏ lỡ hoặc quên mất tự bao giờ.

Có thể nói, nếu Văn Cao có một “Mùa Xuân Đầu Tiên” náo nức, tràn ngập sắc hương, thì với ca khúc Thu Vàng, Cung Tiến cũng có một “mùa thu đầu tiên” trong trẻo, trinh nguyên, lóng lánh sắc hương.

Niệm Quân

Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

https://tinyurl.com/3nt3rd7a

Tác giả ‘Hương Xưa’ qua đời tại California
Nhạc sĩ Cung Tiến được biết đến qua các nhạc phẩm “Hương Xưa”, “Hoài Cảm”…

Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa lần nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.

Những người thân cận với gia đình của nhạc sĩ Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng Sáu, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân biết ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là xin hãy giữ yên lặng cho đến khi hoàn tất tang lễ.
Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83 tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm cao quý như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ chức Tổng Giám đốc Kế hoạch và Dự án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ tài nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.
Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì một thần đồng âm nhạc. Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh năm ngày 27 Tháng Mười Một 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và ông có tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại nhạc viện Sydney. Từ năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại đại học Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như mandolin, guitar và piano.
Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến bộc phát trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. “Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả”, nhạc sĩ Cung Tiến lưu bút.
Trong lớp nhạc sĩ đầu thế kỷ, với những khúc tân nhạc hoàn chỉnh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Cung Tiến là người hiếm hoi viết hoàn chỉnh ca khúc ở năm 14 tuổi (1953). Bài Hoài Cảm – cũng là ca khúc đầu tay của ông, mà theo tâm tình lúc sinh thời là lúc đó, ông mới học đệ lục và là một học sinh chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu ….”Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”, lời của nhạc sĩ Cung Tiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ ngữ mô tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên: “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ nhung của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có nhiều người không quen và cảm thấy khó chịu với sự mô tả hết sức dữ dội này. Nhưng rồi dần người ta nhận thấy rằng đó là cách diễn đạt chân thành và không kém phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” – khiến khung cảnh bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là cách sắp xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học.
Nhiều người khi biết về ông đều ngạc nhiên, vì sao có một kinh tế gia và một nhạc sĩ xen lẫn trong cuộc đời một con người. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời của nhạc sĩ Cung Tiến, người ta lại càng thán phục. Là một nhạc sĩ và có tinh thần hiếu học, ông chỉ muốn mình được học sâu và cao hơn về âm nhạc. Thế nhưng lúc đó các con đường du học và cấp học bổng chỉ có cho kinh tế. Vì vậy, nhạc sĩ Cung Tiến quyết định thi lấy học bổng kinh tế để đi nước ngoài du học rồi bên cạnh đó sẽ tìm hiểu và học thêm âm nhạc ở xứ người. Và từ đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa có thêm một nhạc sĩ và một kinh tế gia tài giỏi.
Nhưng không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền…
Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969). Riêng về Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xảy đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo ngược cộng sản Stalin.

Ca sĩ Lệ Thu trình bày ca khúc “Hương Xưa” trong một chương trình của Trung tâm Asia

 

Một người tài hoa, trầm lặng

Năm 1956, nhân 200 năm ngày sinh của thiên tài âm nhạc Mozart, tổng thống Ngô Đình Diệm có tổ chức một buổi hòa nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Lúc đó nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới gần 18 tuổi, nhưng vì nghe danh tiếng của ông, đích thân tổng thống Ngô Đình Diệm đã viết thư mời ông tham dự. Trong tâm tình với báo chí về sau, nhạc sĩ Cung Tiến nói lúc đó ông tràn ngập niềm vui sướng vì được tham dự chương trình hòa nhạc về một tài năng âm nhạc thế giới mà ông vô cùng hâm mộ. Và kế đó, là ngỡ ngàng là vì sao một cậu bé như mình lại được tổng thống mời đích danh.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một số báo với bút danh là Đăng Hoàng. Nhưng với âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn nối dài các sinh hoạt của mình. Ngoài chức vụ Ủy viên Diễn đàn các nhà soan nhạc Hoa Kỳ, ông vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quáng bá tinh thần âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm, soạn cho 21 nhạc khí tây phương, được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
Vào đầu thập kỷ 1980 Cung Tiến phổ nhạc từ 12 bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên “Vang Vang Trời Vào Xuân”, tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.
Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 2003, Ông đã thực hiện một tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên một điệu dân ca chèo cổ. Ông cũng là hội viên của diễn đàn nhạc sĩ sáng tác Hoa Kỳ.

Hầu hết người yêu nhạc, biết đến một Cung Tiến, là đều tìm về kho tàng của 20 năm văn hóa vàng son của miền Nam. Trong một phát hiện mang tính sử nhạc của nhà thơ Du Tử Lê, một dấu ấn đặc biệt của riêng ông, là nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc từ dòng thơ tự do.
Từ giã nhạc sĩ Cung Tiến, là một lần nghiêng mình trước một người tài hoa, trầm lặng; và cũng là nghiêng mình trước một thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho văn hóa Việt có được những điều đẹp đẽ và quý báu như hôm nay.

Tuấn Khanh
Share.

Leave a Reply