Thursday, April 25 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thể loại: Hành động, viễn tưởng, hài hước
Đạo diễn: Choi Dong Hoon
Diễn viên: Kim Woo Bin, Ryu Jun Yeol, Kim Tae Ri, So Ji Sub
Đánh giá: 7/10

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Năm 2022, có một cô bé lén trốn học đến đồn cảnh sát tố giác tội phạm.

Ean (Choi Yu Ri) tin rằng cha em không phải con người mà là robot tên Guard (Kim Woo Bin), bắt cóc em để nghiên cứu não bộ.

Ngược về quá khứ hơn 630 năm trước, đạo sĩ Muruk (Ryu Jun Yeol) nghe thiên hạ đồn đại nên quyết tâm đi tìm Gươm Thần – vật có siêu năng lực kỳ lạ chưa rõ nguồn gốc.

Điểm chung giữa câu chuyện đạo sĩ thời xưa và bé gái thời nay là gì? Đạo diễn Choi Dong Hoon đặt câu hỏi, thách thức khán giả trả lời trong Alienoid (Tựa Việt: Cuộc chiến xuyên không).

Lối kể phi tuyến tính

Thuộc thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi), Alienoid lập giả thuyết khi Trái Đất trở thành nơi sinh vật ngoài hành tinh quản lý tù nhân. Trại giam an toàn nhất lại chính là não bộ con người.

Khi được cấy vào, chúng không gây ảnh hưởng mà chết đi theo vật chủ như ký sinh trùng. Nếu tìm cách bỏ trốn, chúng cũng sẽ không thể sống quá 5 phút với điều kiện khí quyển Trái Đất.

 

Dựa trên ý tưởng đó, khi viết kịch bản Choi Dong Hoon cố tình chia tác phẩm thành hai mốc thời gian khác biệt: Hàn Quốc thế kỷ 21 và thời Goryeo (918-1392).

Trong khoảng 1 tiếng đầu, chuyện phim liên tục nhảy qua lại giữa các mốc thời gian. Hai tuyến truyện vặn xoắn vào nhau nhưng không để lộ điểm chung, gợi nhớ phong cách viết tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami.

Nếu đặt cả hai lên bàn cân, hành trình của Muruk có nhiều điểm thú vị hơn câu chuyện cô bé Ean. Qua hóa thân của Ryu Jun Yeol – nổi tiếng với Reply 1988 (2015-2016), nhân vật hiện lên như một đạo sĩ tài ba, biết phép thuật nhưng khá hậu đậu.

Không chỉ bay nhảy như chim, Muruk còn có thể triệu hồi bất cứ thứ gì được vẽ trên chiếc quạt cầm tay. Điển hình là hai tùy tùng “nửa người, nửa mèo” mà anh đặt tên Chân Trái – Chân Phải.

Bối cảnh giả tưởng cũng giúp đạo diễn thỏa sức sáng tạo hơn. Kịch bản liên tục thêm thắt tình tiết bất ngờ, lồng ghép nhiều nhân vật như Lam Tử, Hắc Nương, Hyun Đại Nhân, Cẩu Khiết… tạo thành giới giang hồ nhiều cao nhân, đại hiệp, mang hơi hướm tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long.

Khi hai dòng thời gian đan xen, phim có một số nét chấm phá thú vị như cảnh nhân vật dùng súng đấu với đạo sĩ, hay pháp sư dùng bùa chú chống lại người ngoài hành tinh.

 

Dàn diễn viên cũng là điểm giúp phim duyên dáng. Nếu Ryu Jun Yeol là yếu tố gây cười ở tuyến cổ trang, Kim Woo Bin lại là ngôi sao của tuyến hiện đại. Cả hai có thể gọi là một chín một mười, đều tỏa sáng mỗi khi xuất hiện với lối diễn hài duyên dáng, không lên gân.

Tham vọng của Choi Dong Hoon

Alienoid đánh dấu sự trở lại của Choi Dong Hoon sau 7 năm không ra phim điện ảnh. Sinh năm 1971, anh hiện là đạo diễn duy nhất có hai tác phẩm lọt vào danh sách phim Hàn ăn khách nhất mọi thời: The Thieves (2012) và Assassination (2015).

Trong đó, The Thieves từng phá vỡ mọi kỷ lục để đứng đầu bảng khi ra mắt. Các tác phẩm khác của đạo diễn họ Choi cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt, với doanh thu đều ở mức đáng ganh tỵ.

Loạt phim gắn mác Choi Dong Hoon, từ tác phẩm đầu tay The Big Swindle (2000) cho đến gần nhất, đều quy tụ dàn diễn viên ngôi sao. Alienoid cũng không phải ngoại lệ. Đạo diễn có sở thích chơi đùa với các nhân vật, làm khó các minh tinh tài tử bất kể họ vào vai chính hay phụ.

Anh từng để Jun Ji Hyun “đối đầu” đàn chị Kim Hye Soo trong The Thieves, sau đó bắt cô một lúc đóng hai vai trong Assassination. Cũng chính Choi Dong Hoon là người chứng minh rằng Lee Jung Jae rất hợp đóng vai phản diện, đặc biệt là những nhân vật… đểu cáng.

Lần này, đối tượng Choi Dong Hoon nhắm đến là khán giả. Nếu không tìm hiểu trước, khó ai có thể đoán được vai trò của So Ji Sub, Kim Tae Ri, Honey Lee hay Yum Jung Ah trong phim là gì.

 

Đây không phải lần đầu đạo diễn làm phim về đề tài “xuyên không”. Trước đó, anh từng thực hiện Jeon Woo Chi: The Taoist Wizard (2009) kể về một đạo sĩ tiến thẳng đến tương lai. Song, đây là lần đầu Choi Dong Hoon thử sức với chất liệu khoa học viễn tưởng (sci-fi) và đề tài người ngoài hành tinh.

So với các dự án trước, nhà làm phim tham vọng hơn khi pha trộn khá nhiều phong cách, thể loại vào một tác phẩm.

Người yêu điện ảnh Châu Á sẽ thấy dáng dấp dòng phim võ hiệp qua những Ngọa hổ tàng long (2000), Long môn phi giáp (2011)… và chất hài Châu Tinh Trì trong Tuyệt đỉnh Kungfu (2004), Tây Du hàng ma thiên (2013).

Khán giả hâm mộ Hollywood lại như trở về thập niên 1980 với loạt phim khoa học viễn tưởng E.T (1982), The Terminator (1984), RoboCop (1987)… Tất cả được trộn trong một không gian đậm đặc Hàn Quốc, từ phục trang đến bối cảnh.

Tại họp báo ra mắt, đạo diễn chia sẻ khao khát được làm một phim “giải trí như Avengers nhưng của Hàn Quốc”. Đồng thời, anh cũng muốn chứng minh xứ kim chi hoàn toàn có thể thực hiện những tác phẩm sánh ngang với bom tấn Hollywood.

Hồi kết còn bỏ ngỏ

Đáng tiếc, mong muốn của Choi Dong Hoon có thể phần nào thỏa mãn khán giả quê nhà, nhưng khó chiều lòng người xem quốc tế khó tính.

Với kinh phí xấp xỉ 33 tỷ won (khoảng hơn 25 triệu USD), dự án chưa thể gọi là đắt đỏ nhất Hàn Quốc. Hiện D-War (2017) đứng đầu bảng với kinh phí 32 triệu USD, nếu không tính hai phim hợp tác sản xuất là Okja (2017, 50 triệu USD) và Bounty Hunters (2016, hơn 41 triệu USD).

 

So với D-War, kỹ xảo của Alienoid tiến bộ hơn hẳn nhưng chưa đến mức ấn tượng. Đôi chỗ, hiệu ứng vi tính được dựng còn đơn giản, trông không thật và gây tụt cảm xúc.

Sau hơn 1 tiếng đầu nhiều bất ngờ, phim bắt đầu ít tình tiết và hơi lan man ở đoạn giữa. Phần lớn thời lượng tập trung vào cảnh chiến đấu – điều được gợi mở từ tựa Việt.

Với mong muốn làm phim như Marvel, đạo diễn dành nhiều thời lượng để các sinh vật ngoài hành tinh đối đầu, càn quét những tòa cao ốc nơi đô thị. Các cảnh hành động, cháy nổ được thực hiện tốt nhưng không mới, chưa sáng tạo bằng tuyến cổ trang.

Khi nội dung bắt đầu rõ ràng, hai tuyến truyện tìm được điểm chung cũng là lúc phim mất dần sức hút. Tuy nhiên, Choi Dong Hoon lấy lại phong độ ở hồi cuối khi phim lần về quá khứ. Các cảnh đánh đấm bằng võ công, pháp thuật được xử lý khéo léo, phần nào gỡ gạc khuyết điểm.

Thực chất, Alienoid chỉ là phần đầu trong dự án hai phim được quay liên tiếp trong vòng 13 tháng. Dự kiến phần sau sẽ ra mắt năm 2023. Theo đạo diễn, ý tưởng chia phim thành hai phần cũng được lấy cảm hứng từ Hollywood với Kill Bill (2013-2014) hay bộ đôi Avengers: Infinity War (2018) và Avengers: Endgame (2019).

Do đó, khán giả mong đợi một cái kết trọn vẹn hẳn sẽ phải thất vọng. Khi phần một kết thúc, nhiều chi tiết còn bỏ ngỏ, được đạo diễn cài cắm để làm bàn đạp phát triển phần sau.

Share.

Leave a Reply