Tuesday, April 16 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Trịnh Bá Tư và mẹ Cấn Thị Thuê tại tòa

NGUỒN HÌNH ẢNH,GIA ĐINH CUNG CẤP

Chụp lại hình ảnh,
Trịnh Bá Tư và mẹ Cấn Thị Thuê tại tòa
Thông tin từ gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Tư cho hay ông đã tuyệt thực nửa tháng và bị đánh đập, cùm chân.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 22/9, Đỗ Thị Thu, là chị chồng của nhà hoạt động Trịnh Bá Tư, cho hay sự việc được gia đình phát hiện trong buổi thăm gặp phạm nhân mới đây.

Bà Thu thuật lại:

“Ngày 20/9/2022, bố chồng tôi là Trịnh Bá Khiêm vượt 560 km cả đi lẫn về đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp em Tư.

“Sau sáu tiếng đi từ Hoà Bình, bố tôi có mặt trước cộng trại lúc 07:00 để nộp sổ đăng ký thăm em.

“Bố tôi được cán bộ trại giam đưa đi gặp em Tư. Nhưng vừa tới nơi, một nhân viên an ninh nói với bố rằng Tư đang bị kỉ luật vì em Tư đã viết đơn tố cáo việc tù nhân bị đánh đập, ngược đãi.

“Hình thức kỷ luật là hai tháng gia đình mới được thăm gặp một lần thay vì mỗi tháng một lần như trước.

“Khi gặp Tư, em nói với bố rằng từ ngày 6/9/2022 em bị đưa vào buồng tra hỏi, từ 4 đến 6 tiếng mỗi ngày. Họ đánh em trong lúc thẩm vấn. Em cũng nói em bị cùm chân 10 ngày như những phạm nhân án tử hình, ăn ngủ, tiểu tiện, đại tiện tại chỗ.

“Sau 10 ngày kỉ luật bị cùm chân, Tư nói em bị chuyển sang buồng giam hình sự, ở với một người nữa. Trước đó em bị giam trong buồng giam an ninh.

“Tư cũng nói em đã tuyệt thực 14 ngày để phản đối nhà tù đánh đập, ngược đãi tù nhân.

Ngay sau khi Tư nói với bố rằng em bị đánh, an ninh trại giam xúm lại đẩy em ra khỏi phòng, trong khi còn 20 phút nữa mới hết thời gian thăm gặp.”

Cũng theo bà Thu, hiện gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của ông Trịnh Bá Tư bởi lúc bị đưa đi, Tư chưa kịp nói sẽ tuyệt thực đến bao giờ.

“Hiện tại sức khỏe của em rất tệ. Da trắng nhợt, người rất gầy. Lần trước em Tư cũng đã tuyệt thực tại trại tạm giam tỉnh Hoà Bình để phản đối công an đàn áp dân, trong 20 ngày, gần như cận kề cái chết, chỉ còn da bọc xương, người chỉ nhìn thấy mỗi hàm răng.”

Trong đơn kêu cứu, gia đình bà Thu đề nghị Bộ Công An và các cơ quan có thẩm quyền điều tra giải thích rõ cho gia đình biết tại sao ông Trịnh Bá Tư lại bị đánh đập, tra tấn và cùm chân.

BBC đã liên hệ với Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, nhưng không được hồi đáp.

BBC

Tổ chức nhân quyền nói gì?

“Cần phải có một cuộc điều tra khẩn cấp, minh bạch và công bằng về những cáo buộc nghiêm trọng rằng cán bộ trại giam đã cùm chân và đánh Trịnh Bá Tư,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á phát biểu hôm 22/9.

Trong thông cáo, ông Robertson nói:

“Đáng buồn thay, quấy rối, trả đũa và lạm dụng là một phần thường xuyên trong cách Việt Nam đối xử với những người bất đồng chính kiến bị giam giữ.

“Cách đối xử đó là thái quá và không thể chấp nhận được, và thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ngược đãi tù nhân.

“Các nhà ngoại giao nước ngoài và các quan chức Liên Hiệp Quốc nên yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép họ đến thăm ông Trịnh Bá Tư, và tiến hành phỏng vấn ông để tìm hiểu sâu vấn đề này. “

Trịnh Bá Tư là ai?

Trịnh Bá Tư, 33 tuổi, hiện đang thụ án 8 năm tù tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An.

Ông là nhà hoạt động vì quyền đất đai. Trước khi đi tù, ông Tư cùng gia đình là nông dân. Sau khi đất đai canh tác của họ bị tịch thu, cả gia đình đấu tranh đòi quyền đất và bị bỏ tù. Sau đó, họ trở thành những nhà bất đồng chính kiến, công khai chỉ trích chính phủ Việt Nam về các vấn đề chính trị và xã hội khác nhau. Họ cũng lên tiếng cùng nhiều nông dân khác đấu tranh đòi đất, đặt biệt là lên tiếng trong vụ án Đồng Tâm.

Mẹ ông Tư là Cấn Thị Thêu và anh trai Trịnh Bá Phương hiện cũng đang thi hành án tù dài hạn. Cả ba đều bị bỏ tù vì tội lợi dụng nhân quyền của Việt Nam để tuyên truyền chống nhà nước.

Điều kiện của tù nhân ở Việt Nam

Việc các nhà tù ở Việt Nam đánh đập, ngược đãi tù nhân từ lâu đã là vấn đề được các tổ chức nhân quyền nêu quan ngại.

Mới đây, tù nhân chính trị Đỗ Công Đương chết trong tù, được cho là do bị bệnh lâu ngày nhưng không được chữa trị. Gia đình 27 tù nhân chính trị sau đó đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm.

Trước ông Đương, thầy giáo Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực, và một số tù nhân lương tâm khác đã chết trong tù, được cho là do điều kiện nhà giam tồi tệ khiến sức khỏe của họ suy giảm.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hồi đầu tháng Tám đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để đảm bảo sự sống còn của 40 nhà báo, blogger khác tại các trại giam của Việt Nam.

VN nói về quyền cho phạm nhân

Một bài viết trên trang dangcongsan.vn năm 2020 cho hay ‘Việt Nam luôn tuân thủ đúng quy định đối với phạm nhân’.

Bài viết có đoạn:

“Thời gian qua, có một số thông tin của các thế lực thù địch, phản động cho rằng Việt Nam sử dụng phạm nhân trong các trại cải tạo lao động không đúng mục đích. Nhưng thực tế, Việt Nam luôn tuân thủ đúng các quy định của quốc tế và Luật Thi hành án dân sự (2019) về tổ chức và sử dụng lao động đối với phạm nhân.”

Bài này cho hay Việt Nam luôn tuân thủ các quy tắc đối xử với phạm nhân của Liên Hiệp Quốc.

Chính phủ Việt Nam khẳng định trong nền tư pháp Việt Nam không có “tù nhân lương tâm” vì các bị cáo ở Việt Nam đều được “xét xử công khai, nghiêm minh” tại tòa án.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.(BBC)

Share.

Leave a Reply