Tuesday, April 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65
*****
Nắng Mưa Là Bệnh Của Trời…
– Trần Kim Tuyến –
 
Bên ngoài trời đã bắt đầu lất phất mưa. Cơn mưa rơi theo từng đợt, rì rào. Mưa làm mọi thứ trở nên ảm đạm hơn, buồn buồn khó tả. Tôi rất yêu mưa dù thường hay bị cảm khi trời trở lạnh. Và để tránh phải ra ngoài vào những ngày trời mưa, tôi tập cho mình cái thói quen ngồi bên cửa sổ, vừa ngắm mưa vừa làm việc. Cũng may điều này cũng tiện lợi cho công việc viết lách của tôi. Khi những giọt mưa bên ngoài đua nhau tuôn xuống trên mặt phố thì cảm xúc của tôi cũng theo đó mà tuôn tràn trên mặt giấy.

Vào một lúc nào đó, em bắt đầu đến thăm tôi vào những ngày mưa. Em bảo mưa thường mang đến cho người ta những nỗi buồn vô cớ. Và để tránh những nỗi buồn ấy đến làm phiền em, em đến thăm tôi ngay khi những hạt mưa đầu tiên bắt đầu rơi. Em đến để được ngồi lọt thỏm giữa những chồng sách bề bộn trong phòng khách, để nhâm nhi một chút cà phê nóng và gặm nhấm một tiểu phẩm nào đó. Sau khi lấy hộ em một tách cà phê hay giúp em chọn một quyển sách vừa ý, tôi trở lại với chỗ ngồi quen thuộc của mình bên ô cửa sổ. Em hay đùa rằng trông tôi giống hệt như một nhà văn. Tôi luôn trả lời rằng tôi thích ngồi bên cửa sổ vì tôi rất yêu mưa. Em không biết rằng con trai đôi khi cũng thích nói bóng gió. Tôi chỉ bắt đầu yêu mưa vì biết rằng em sẽ đến và chỉ thích ngồi bên khung cửa sổ khi mưa rơi để có thể nhìn thấy dáng em ngay khi em còn lấp ló ở đầu ngõ. Nhưng câu trả lời đó có thể sẽ làm cho em giận tôi hay tệ hơn hết là có thể làm cho em buồn. Tôi không muốn chỉ vì vài câu nói của mình mà làm tan mất nụ cười trên khuôn mặt xinh xắn của em. Thế rồi thôi, tôi trở về với trang giấy của mình và viết một cách bướng bỉnh về một chủ đề nào khác, để rồi sau đó ao ước một lúc nào đó sẽ được viết về em.
 
Lần đầu tiên tôi gặp em là khi em còn đang học năm cuối ở trường trung học. Qua sự giới thiệu của vài người bạn, tôi ngẫu nhiên trở thành gia sư của em. Trái với sự tưởng tượng ban đầu của tôi, em khá thông minh, nhưng hình như những điểm số trong lớp của em không nói lên sự thông minh đó. Lần đầu tiên đến nhà em, tôi đã mơ hồ hiểu được vì sao em không tìm thấy động lực trong việc học. Căn nhà của em rất rộng rãi, rất sang trọng, nhưng chung quanh em chỉ toàn những người giúp việc xa lạ. Tôi nghe người quản lý nói rằng ba mẹ em hay bất hòa nên thường đi làm xa để tránh phải giáp mặt. Người lớn sao lại hay làm khổ nhau. Ngày đó, trong mắt tôi em hãy còn bé lắm, quá bé bỏng và nhỏ nhoi để phải lãnh chịu hậu quả của cuộc hôn nhân giữa bố mẹ em. Tôi vẫn còn nhớ sau mỗi giờ học em đều đưa tôi ra tận cổng và đứng yên cho đến khi xe tôi đã khuất xa. Kể cả những ngày mưa cũng không ngoại lệ. Nhìn dáng em trong mưa dưới cây dù nhỏ, tôi cũng tự thấy mủi lòng. Nhưng rồi tôi có thể làm gì cho em? Cái em cần không phải là những của xa sỉ để mang đi đua đòi cùng bè bạn, không phải là những tấm bằng để đảm bảo cho em một chỗ đứng trong xã hội. Em cần sự cảm thông và quan tâm. Nhưng tôi chỉ là một vị gia sư, tôi có thể cho em bao nhiêu? Tôi vẫn nhớ trong những lần lái xe từ nhà cô bé về, tôi đã tự hỏi không biết khoảng cách giữa một vị gia sư và một cô học trò là bao xa.
 
Tôi đã thôi kèm em học từ lâu, nhưng em vẫn gọi tôi là thầy. Nhiều khi tôi cũng thấy kỳ kỳ vì không chắc mình còn có gì để dạy cho em nữa. Em đã lớn và có thể không bao lâu sẽ trở thành đồng nghiệp của tôi. Tôi đã nhiều lần bảo em rằng có lẽ em nên gọi tôi bằng một cái gì khác, như tên chẳng hạn. Nhưng cô bé chỉ lắc đầu.
“Em không muốn gọi thầy bằng tên, vì như vậy thì không được lễ phép.”
Tôi phì cười.
“Em không phải lễ phép với tôi, tôi chỉ hơn em có vài tuổi.”
“Nhưng cũng không được…”
“Vậy thì em hãy gọi tôi bằng một thứ khác, như… anh, chẳng hạn.”
Em trầm ngâm một chút, mấp máy môi, rồi vội vã lắc đầu.
“Thôi thôi. Em không gọi thầy bằng anh đâu.”
Tôi nhăn mặt giả vờ phật ý. Em cúi mặt đăm chiêu một chút rồi reo lên như vừa… trúng số.
“A. Em biết rồi, em sẽ gọi thầy bằng chú.”
Trước khi tôi kịp lên tiếng phản đối, em đã vội đứng lên chào… chú, rồi ra về.
 
Cả một tháng sau đó, em liên tục gọi tôi bằng chú. Vẻ mặt em vừa đùa cợt vừa nghiêm túc thế nào ấy. Đến độ tôi phát hoảng và phải ngậm ngùi cho phép em tiếp tục gọi tôi bằng thầy như trước.
Đôi khi tôi thấy mình nợ cô bé một sự thú nhận và tôi muốn bày tỏ cho em biết tình cảm mà tôi dành cho em. Vậy mà những lúc nhìn vào đôi mắt em, tôi lại thấy mình không có cái can đảm đó. Em ngây thơ quá, trong trắng quá, tôi không nỡ đem tình cảm của mình đầu độc trái tim non nớt kia. Vả chăng, tôi không hiểu phải thích thế nào với em. Giải thích về Thụy.
Hoàng Thụy là bạn thân của tôi từ khi còn rất nhỏ. Con người cô cũng như cái tên của cô, ngắn gọn và dễ thở. Hai chúng tôi cùng lớn lên ở một tiểu bang nhỏ, rất xa nơi đây. Thụy là một cô gái rất có cá tính, khá ngông nghênh và rất thẳng thắn, có thể vì thế mà chúng tôi thân nhau. Từ những lớp nhỏ cho đến những năm học trung học, bạn bè luôn tìm cách gán ghép chúng tôi với nhau, nhưng chúng tôi luôn tìm cách phớt lờ. Gia đình hai bên cũng có nhiều thiện cảm nên cha mẹ luôn mong muốn hai chúng tôi sẽ kết duyên. Trái với sự mong muốn của cha mẹ, tình cảm của tôi và Thụy luôn là một tình bạn thuần khiết. Dù cả hai gia đình luôn tìm cách thuyết phục, trái tim chúng tôi vẫn không hề nhúc nhích.
Vào năm thứ nhì của đại học, chúng tôi bất đắc dĩ phải đính hôn với nhau cho vừa lòng cha mẹ. Vừa để cha mẹ yên tâm, vừa tránh khỏi những sự rắc rối về tình cảm. Cả tôi và Thụy đều đồng ý với nhau về cuộc đính hôn không có thực này, vì cả hai đều không quan tâm đến chuyện lập gia đình trước khi có việc làm ổn định. Nhưng bây giờ, việc đính hôn trước đã trở thành một trở ngại khi tôi bắt đầu nhận ra tình cảm của mình dành cho em.
 
Tôi lục lọi mãi mới tìm được sổ điện thoại để gọi cho Thụy. Tiếng cô dịu dàng trong máy làm tôi cứ nơm nớp sợ đã gọi nhầm số. Sau khi ghi chép rõ ràng địa chỉ nhà tôi, Thụy hứa sẽ đến vào một ngày gần đây, không dám hứa chắc vì giờ giấc thất thường của công việc cô đang làm.
Mấy hôm nay trời đã bớt mưa. Nắng len lỏi qua những tàng cây xanh lá. Những giọt nắng lung linh soi mình bên ô cửa sổ. Bầu trời khoác lên mình bộ áo trong suốt, thay cho bộ áo quen thuộc của mỗi lần trời mưa. Nơi tôi ở rất ít khi trời có nắng. Họa chăng nắng chỉ đến một vài tuần rồi mây đen lại ùn ụt kéo về. Những tia nắng óng ánh bên ngoài chưa kịp làm khô những rãnh nước bên đường thì lại biến mất trước sự xuất hiện của cơn mưa rào lạnh buốt.
 
Rồi Thụy cũng đến. Mái tóc dài lỏa xỏa trên bờ vai gầy, phất phơ trong gió. Nắng vui đùa trên gương mặt, nắng cười trong đôi mắt sáng, đen tuyền. Tự nhiên và thoải mái như thủa bé, cô đảo mắt nhìn quanh rồi dựa người trên chiếc ghế bố ở góc nhà. Cô mỉm cười tươi rói, vẫn nụ cười quen thuộc của ngày xưa, chỉ khác là bây giờ nụ cười ấy đang hiện diện trên một khuôn mặt rất thùy mị, rất con gái, chứ không lem luốc như những ngày hai đứa còn rượt nhau chạy vòng vòng trong xóm.
“Anh cười gì đó?”
“Anh có cười gì đâu, chỉ đang cố nhớ lại hàm răng sún của ngày xưa.”
Thụy phụng phịu.
“Anh chỉ hay nhớ những chuyện gì đâu không.”
Cô bước vào bếp, tự rót cho mình một ly nước lạnh. Tôi định nhắc Thụy trong máy hãy còn cà phê, nhưng nhớ tánh cô không thích uống cà phê, nên lại thôi.
“Nhà anh xa lắc xa lơ, lại còn khó tìm nữa.”
“Thì chẳng phải anh đã bảo Thụy cho địa chỉ nhà để anh đến là gì. Ai bảo cứ nằng nặc đòi tới đây cho bằng được.”
Sau khi tôi dọn đến gần trường cho tiện việc học. Thụy cũng dọn ra ngoài, nhưng chỗ ở của cô thay đổi như thời tiết, cũng may số điện thoại di động vẫn giữ nguyên cho gia đình tiện liên lạc.
“Em phải đến để xem chỗ ở của đức lang quân như thế nào chứ.”
Tôi phì cười.
“Vậy Thụy thấy thế nào?”
Cô gục gặc đầu rồi chặt lưỡi.
“Nhà anh vừa khó tìm vừa bé như cái hộp diêm.”
Thụy ngồi co ro trên chiếc ghế bố, thấy vậy tôi cũng đứng lên kiếm cho cô một chiếc mền. Thụy kéo mền trùm đến cổ rồi rên hừ hừ.
“Chưa thấy xứ nào lạnh như xứ này, chỉ có người điên mới thích đóng đô ở mấy chỗ như vầy.”
“Ê cô nhóc, đừng có xỏ xiên tôi.”
Thụy cười xòa. Cô rũ suối tóc dài qua một bên, đen bóng. Thụy hỏi tôi về gia đình, về bạn cũ. Cô nói về những nơi đã đi qua, về chỗ ở và những người bạn mới. Cô hỏi gì tôi cũng ậm ừ.
Thình lình Thụy thò chân ra khỏi mền và đạp mạnh vào chân tôi.
“Khi em nói chuyện thì đừng có ngồi lơ đãng như thế.”
Tôi nhăn nhó cười, tay xoa xoa chỗ đau.
“Thụy chẳng thay đổi chút nào, nhìn thì giống thục nữ, nhưng ai tưởng thế thì lầm to.”
“Có nhiều người biết thế mà vẫn cam tâm tình nguyện hiến mạng ấy chứ.”
Thụy hích mũi. Cô xoay đầu về phía tôi.
“Còn chuyện của anh, muốn nói gì mà không chịu nói qua điện thoại luôn cho xong.”
“À…”
Tôi cảm thấy lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Có lẽ mặt tôi lúc này trông buồn cười lắm. Thụy cười vang.
“Nếu là chuyện yêu đương của anh thì em biết rồi. Không phải nói.”
Rồi cô hạ giọng:
“Vẫn là cô bé đó chứ?”
Có một vài lần tôi đã nói với Thụy về em. Nhưng chưa bao giờ tôi nói về tình cảm mà tôi dành cho em. Tôi bảo Thụy tôi muốn nói ra cho rõ ràng một chút, nhưng cô ngăn.
“Anh nói để làm gì. Chuyện cả hai người đều hiểu, nói đi nói lại thì đâm ra chán ngấy.”
Không đợi tôi có ý kiến gì, Thụy đứng lên đi vào phòng ngủ.
“Thôi em đi ngủ đây.”
“Thụy không hỏi xem anh có muốn nhường phòng cho Thụy không à?”
“Điều đó không cần thiết.” Cô cười. “Nếu thầy cô đã dạy anh tốt thì anh phải biết thế nào là ga lăng với phụ nữ chứ.”
 
Sáng hôm sau khi tôi ngủ dậy, mọi thứ từ trong ra ngoài đã được dọn dẹp gọn gàng. Thụy đã đi mất, vội vã như khi cô đến. Chỉ để lại một tấm giấy viết nguệch ngoạc lời tạm biệt, hứa sẽ trở lại khi tôi trở thành nhà văn nổi tiếng và có trong nhà vài ngón ngon hơn là… mì gói.
Thêm vài ngày rồi ngọn nắng vàng cũng tắt. Trời lại bắt đầu mưa. Em đến khi mưa đã bắt đầu rơi nặng hạt, cây dù nhỏ của em không đủ che cho em trong cơn mưa gió. Mái tóc em ướt sũng. Em bước vào nhà, có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy căn hộ của tôi gọn gàng ngăn nắp. Hình như đây là lần đầu tiên.
“Thầy mới có nhuận bút hả?”
Tôi hỏi lại:
“Bộ em tính bắt tôi dẫn đi ăn hả?”
“Hay là thầy mới có bồ?”
“Nếu có bồ tôi đã dẫn bồ đi ăn rồi, đâu có ở nhà nói chuyện với em.”
“Hmm… vậy sao thầy siêng vậy, nhà thầy gọn gàng quá.”
“Tánh tôi lúc nào cũng gọn gàng mà.”
“Vậy mà đến bây giờ em mới biết là nhà thầy lát sàn gỗ đó.”
“Nói vậy không sợ thầy giận sao?”
“Thầy hiền thấy mồ, có bao giờ thầy giận ai bao giờ.”
“Luôn luôn có chỗ dành cho người thứ nhất em biết không?”
Em cười khúc khích. Tôi đưa cho em một chiếc khăn lông và lấy cho em một ly cà phê nóng.
Mưa bên ngoài vẫn tiếp tục rơi. Mọi thứ trở nên trắng xóa trong mưa. Em chỉ ngồi một lúc rồi vội vã đứng dậy.
“Em về nha thầy.”
“Đợi đã, có lẽ mưa cũng sắp tạnh rồi.”
“Em phải về thôi, em đã có hẹn.”
“Vậy để tôi đưa em đi, em có hẹn ở đâu?”
Em có vẻ không muốn trả lời tôi. Thoáng một chốc, em lao đi trong mưa.
“Em đi nha thầy, không sao đâu mà.”
Tôi nhìn bóng em vụt đi.
 
Tôi định trở lại chỗ ngồi quen thuộc, nhưng lại thấy lo lắng về em. Dù sao em cũng là con gái, mà trời lại đang mưa gió thế này… Tôi cầm theo chiếc dù nhỏ cô bé bỏ quên rồi lao ra xe lái vội theo hướng em vừa đi. Được một quãng, tôi rà xe chậm lại, vừa kịp nhìn thấy bóng em vụt qua. Tôi có gọi nhưng hình như cô bé không nghe thấy. Sợ khi em về trời sẽ lại đổ mưa, tôi dừng xe lại và chạy theo em. Cô bé rất nhỏ nhắn nhưng chạy thật nhanh, thoáng một chút đã chạy đâu mất hút. Chạy một lúc lâu vẫn không tìm thấy cô bé, tôi buộc phải dừng chân. Chung quanh tôi chỉ có vài ngôi nhà lụp xụp, vì mưa vừa tạnh mà trời còn rét buốt nên con phố vắng tênh. Bên góc phố có một ngôi trường nhỏ, tôi quyết định vào hỏi thử vì chẳng biết phải tìm em ở đâu.
Tôi đi lòng vòng trong trường thì may mắn tìm được văn phòng của trường. Vừa lúc gặp được bà hiệu trưởng đang chuẩn bị đi kiểm tra lớp. Khi nghe tôi hỏi về em, bà niềm nở cho biết cô bé đang làm việc tình nguyện ở đây và có ý đưa tôi đến xem lớp em đang dạy.
 
Trong một lớp học nhỏ nhắn, cô bé đang ngồi giữa một vòng tròn, toàn những học sinh tí hon. Các cô cậu bé chăm chú lắng nghe trong khi em đọc to một vài đoạn trong một quyển sách. Tôi nhận ra đó là câu chuyện “Hoàng tử bé”. Khi còn là gia sư của em, em đã nũng nịu bắt tôi đọc quyển sách đó cho em nghe mỗi ngày. Giọng em thay đổi theo nhân vật, làm các cô cậu bé ôm nhau cười khúc khích. Các cô cậu bé còn bé quá, chắc chỉ đang học lớp 3 là cùng. Tất cả đều có vẻ rất mến em. Ngồi giữa các em học trò, em cười thật tươi. Nụ cười của em hồn nhiên và dễ thương chi lạ. Em như một người khác, hiếu động và hòa đồng, không phải là hình ảnh của cô bé nhút nhát trong lòng tôi. Tôi nhìn thấy ở em sự trưởng thành, thấy được niềm hạnh phúc.
Bên cạnh tôi, bà hiệu trưởng vẫn đứng lặng thinh.
“Theo tôi nghĩ thì cậu không phải là anh của cô bé.” Bà mỉm cười đôn hậu.
“Dạ, đúng là không phải, cháu là gia sư… đã là gia sư của cô bé…”
Bà ngắt lời tôi.
“Cậu không cần giải thích, cô bé nói khá nhiều về cậu.”
“Cháu không biết cô bé làm ở đây. Cô bé đã làm được bao lâu?”
“Chỉ mới một thời gian.”
Bà nhìn vào phòng, trong ánh mắt bà chất chứa một cái nhìn thương cảm.
“Cô bé bảo rất thích dạy ở đây. Cậu biết đó, trẻ con không biết phán xét, chúng không cần biết cô bé là ai và có gia đình như thế nào… chỉ cần cô bé mang cho chúng tình thương.”
Bà hạ giọng, chậm rãi.
“Chúng đều là những đứa trẻ cần tình thương. Ở đây, chúng có thể chia sẻ cho nhau tình thương đó.”
Bà đã đi xa rồi tôi vẫn còn đứng yên trước cửa lớp. Tôi nhìn em rồi nhìn những đứa học trò nhỏ quấn quýt bên cô giáo. Lòng chùng xuống khi tự hỏi sao cuộc đời lại có quá nhiều những niềm mất mát.
Tôi trở về nhà, rót đầy cho mình một ly cà phê thật nóng. Ngồi nghe tiếng mưa rơi là lòng lạnh buốt.
Hôm sau và hôm sau nữa, trời vẫn mưa, em không đến. Tôi đã quen với sự có mặt của em mỗi khi mưa rơi, nên khi em không đến, trong nhà thiếu vắng đi một cái gì đó, tự nhiên thấy trống không. Bên ngoài mưa vẫn tuôn như thác. Mưa cũng trở nên vô nghĩa khi người ta cảm thấy cô đơn.
Chờ em có một ngày tôi đã thấy mệt mỏi.
Chờ em hai ngày đã là một cực hình.
Nhưng ngày thứ ba thì em đến.
Em đến, nhoẻn miệng cười thật tươi với tôi. Em tự lấy cho mình một ly cà phê rồi ngồi dựa lưng vào tủ sách. Tôi giả vờ không thèm để ý đến em, cứ ngồi yên mà chẳng nặn ra nổi một chữ nào.
Em ngồi không yên, cứ lóng nga lóng ngóng làm đổ đủ thứ. Không thể chịu nổi sự yên lặng đáng ghét kia, tôi phải lên tiếng.
“Thôi chứ cô bé.”
Em thở phào như vừa được giải thoát.
“Nãy giờ em hết hồn, cứ tưởng thầy giận không thèm nói chuyện với em nữa.”
“Ai rảnh mà giận em.”
Em cười khúc khích, rồi ngồi yên nhấm nháp cà phê.
“Thầy ơi.”
“Hmm?”
“Có thể từ nay em không đến đây được nữa.”
Không nghe tiếng tôi trả lời, em ngồi im. Nhưng yên lặng chút đã là một cực hình, em nhích lại bên cửa sổ rồi đặt vào lòng tôi một tấm hình. Trong hình là một bé gái rất xinh, với đôi mắt to tròn đen láy và nụ cười mím chi.
“Em bé dễ thương lắm phải không thầy?”
“Ừ.”
“Em đang làm tình nguyện viên ở trại mồ côi, thầy biết chứ?”
Tôi gật đầu.
“Em bé đang học trong lớp em.”
Em cười.
“Nó rất sợ trời mưa. Em đã hứa là sẽ đến đó mỗi khi trời mưa.”
Em nhìn vào khoảng không, có lẽ đợi tôi trả lời. Tôi muốn nói một câu gì đó với em, nhưng trong đầu bây giờ rỗng tênh.
“Thầy không buồn em chứ?”
Tôi không buồn em, nhưng sẽ rất buồn nếu em không đến.
“Nếu em không đến làm phiền thầy, thầy có thể dành thời giờ để ngắm mưa và viết.”
Ngắm mưa, tôi đã ngắm mưa hai ngày khi không có em, đó là khoảng thời gian dài nhất thế kỷ.
“Em cảm thấy vui khi ở đó chứ?”
“Em cảm thấy rất hạnh phúc. Học trò của em chưa đủ lớn để nhìn em với ánh mắt thương hại như lũ bạn. Ở bên chúng em không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi gia đình và tuổi thơ của mình.”
Tôi biết mình phải nói lên một điều gì đó. Con đường em phải đi còn dài và tôi không có quyền trói chặt em bằng tình cảm của mình.
“Tôi sẽ đến thăm em khi có dịp, đồng ý chứ?”
Cô bé lay lay cánh tay tôi. Mắt đỏ hoe như đang chực khóc. Đừng khóc nhé cô bé, có thể nếu em khóc tôi sẽ nhẹ dạ mà rút lại những lời vừa nói, rồi em sẽ mất đi cơ hội được sống một lần cho chính mình.
Em vội vã đứng dậy.
“Em về thầy nhé.”
Không đợi tôi trả lời, em vụt ra cửa. Bên ngoài trời vẫn còn mưa, nhưng lần này tôi không có đủ can đảm để ngăn em lại, để đưa em về. Tôi nhìn dáng em lướt đi trong mưa. Cô bé xoay lại vẫy tay chào tôi. Em cười với tôi nhưng không ngăn được dòng nước mắt tuôn dài trên má. Tôi cố in hình ảnh đó vào lòng và tự nhủ rằng em đã không khóc, rằng đó chỉ là những giọt mưa vô cảm.
Tôi bước đi dưới mưa. Mưa rơi tầm tã như muốn giúp tôi xóa sạch đi nỗi buồn. Tôi đi lang thang qua các con phố, cảm giác hơi lạnh buốt giá của mưa làm nguôi đi ngọn lửa trong tim mình. Tôi không biết mình đã đi bao lâu dưới mưa, nhưng cuối cùng cũng phải trở về khi thấu hiểu rằng người ta sẽ có lúc mệt mỏi khi phải đi mãi một mình trên con đường.
Tôi lầm lũi bước vào nhà và thực sự hồi tỉnh khi nhận thấy mùi thơm phưng phức của thức ăn. Tôi bước vào bếp.
“Chà! Nhà văn lãng mạn dữ… thế nào rồi cũng cảm lạnh cho xem.”
“Thụy… đến lúc nào vậy?”
“Lâu rồi, cứ tưởng anh ở nhà, ai ngờ đến thì cửa đã khoá chặt.”
“Vậy sao thụy vào được?”
“Ờ thì… leo cửa sổ.”
Thụy cười, nhún vai như chuyện leo cửa sổ chui vào nhà người ta là chuyện quá bình thường. mà có lẽ bình thường thật… đối với cô.
“Tưởng Thụy đi rồi, sao lại trở lại đây?”
“Đi lòng vòng hết một tuần… Tính về luôn nhưng lại sực nhớ hôm nay là sinh nhật của anh.”
Cô chun mũi.
“Nhìn là biết quên khuấy rồi! Sao còn không đi thay đồ rồi ra đây giúp em dọn cơm.”
Trong lúc tôi và Thụy luyên thuyên nói chuyện trong bếp thì, ở bên ngoài, mưa đã tạnh. Biết đâu được, có thể ngày mai sẽ lại là một ngày nắng ấm.
Trần Kim Tuyến

Share.

Leave a Reply