Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 30, 2022
Thận Nhiên

Để trang bị cho sự hiểu biết về đất nước này, trước khi đến đây tôi đã nghiên cứu các tài liệu qua sách vở và trên Internet, đồng thời tôi cũng ôn lại những kiến thức mà cha tôi đã truyền đạt mỗi khi tôi có dịp trò chuyện với ông.

Thi sĩ là một nghề rất phổ thông và là con đường ngắn nhất để có được danh phận trong cộng đồng. (Minh họa: Catherine Stovall/Pixabay)

Việt Nam là một cường quốc về thơ!

Cha tôi khẳng định rằng có vô số người đã khẳng định chắc nịch như vậy. Trong số đó có một ông quan kiêm thi sĩ, năm ngoái tuyên bố trong cuộc hội nghị văn hóa cấp trung ương. Khi nói, ông quan thi sĩ vung hai tay lên trời thành một vòng tròn, đầy tính biểu tượng và quyền lực.

“Thơ của chúng ta, thi ca của đất nước chúng ta, là phải có âm thanh vừa lả lướt, vừa dịu dàng, mà phải vừa cuồn cuộn, vừa vang rền! Tư tưởng thì phải cao vời, phải thanh thoát, mà chấn động lương tri, mà lay chuyển tâm thức của toàn thể nhân loại! Đó là tầm cao của Đại Việt Thi!”

Cử tọa vỗ tay tán thưởng câu nói đó suốt cả 10 phút, cường độ của tiếng vang rền tương xứng với lời ông nói. Sau này, tuyên ngôn đó được đưa vào dự thảo Hiến Pháp, và có hơn nửa dân số khắp nước, giới bình dân cũng như giới hàn lâm, đều bỏ phiếu tán đồng trong những cuộc họp tổ dân phố.

Bạn có thể phạm tội giết người, nhưng không thể phạm tội chê thơ kẻ khác dở. Đó là một tội ác ghê gớm!

Khi làm điều đó, bạn không chỉ hủy diệt sinh mệnh của một con người, mà bạn đang đẩy ít nhất là một linh hồn xuống hỏa ngục của sự khốn khổ, đau buồn, hổ thẹn đời đời. Nhiều khả năng linh hồn ấy chính là linh hồn của bạn.

Tuy Việt Nam là một cường quốc về thơ nhưng một trong những giới hạn lớn nhất của văn hóa Việt Nam là vấn đề từ ngữ. Có một sự thật là, cùng lúc tiếng Việt càng giàu ra và càng nghèo đi. Theo một tài liệu tôi được đọc thì số vốn ổn định về từ ngữ của một người Việt bình thường là 1,793 từ. Thủ đắc được chừng đó từ là người ta có thể nhẫn nhục sống qua ngày, sống một cách khá tệ, nhưng chưa phải là tệ nhất.

Tình trạng tệ nhất là khi con người có khả năng về thể chất – không bị khiếm khuyết các bộ phận phát âm như lưỡi và thanh quản – để nói ra những suy nghĩ của mình, nhưng hắn bị đe dọa, thậm chí nghiêm cấm thực hiện điều đó. Có những kẻ bất chấp sự nghiêm cấm và phải trả giá cho sự ương bướng đó, họ bị trừng phạt. Hình phạt là bị tước đi khả năng phát biểu. Khi đó, cái miệng chỉ còn chức năng ăn, và bị tước đi chức năng nói.

Người ta cho rằng Việt Nam ngày nay đã có một bước tiến rất xa so với trước đây – trước đây có nghĩa là khoảng 30 năm trở về trước – khi đó, chẳng những đã đành không được nói, mà con người còn không được suy nghĩ. Người ta luôn quan sát nhau, dò xét nhau, để tìm hiểu xem kẻ kia có đang suy nghĩ gì không, nếu có, thì hắn đang nghĩ những gì. Con người không được suy tư trái với những quy định, những nội dung, mà hắn được nhà cầm quyền cho phép hắn suy tư. Hắn suy tư khác đi, thì hắn không phải là con người xã hội chủ nghĩa; không phải con người xã hội chủ nghĩa, thì không xứng đáng tồn tại trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, là phải bị loại trừ.

Tôi nghĩ, với số vốn từ ngữ hạn chế đó, nói chung, đời sống tinh thần của người Việt có lẽ khá là nghèo nàn và tẻ nhạt. Có một số người được đặc quyền sử dụng số từ nhiều hơn số từ vựng căn bản đó, từ đó họ cố gắng tranh thủ ưu thế của mình để mưu cầu những ưu tiên trong đời sống.

Sự khác biệt về thân phận của con người được chỉ rõ ra trong từ ngữ người ta sử dụng để nói về cái còn lại của họ sau khi đã chết: Xác chết, tử thi, thi hài, di hài…

Thay vì cúng giỗ bằng thực phẩm thì người Việt có thể cúng nhau bằng những bài thơ; có khi chúng là những bài văn vần dài được gọi là điếu văn, hay hịch, hay trường ca. Cha tôi từng thấy những dải lời thơ màu xám tối bay là đà trong làn hơi nước đục mờ của buổi sáng sớm tinh sương, chúng bay trên đầu đoàn người đưa ma. Chúng bay theo họ trên những con đường tối om từ làng mạc thôn quê hay từ thành phố còn lù mù ánh đèn đêm chưa tắt đến các bãi tha ma.

Được đặt bên cạnh nải chuối, chén cơm, cái trứng luộc, ly rượu trắng, bát hương với những nén hương cháy dở có tàn tro cong cong, là một bài thơ tiếc thương người quá cố. Bài thơ luôn luôn được viết dở dang trên một tờ giấy thếp vàng, hoặc tân tiến hơn thì được in ra khổ giấy A4 từ máy vi tính. Bài thơ phải dở dang, phải chưa bao giờ hoàn tất, chưa bao giờ viên mãn, như những cuộc vui dở dang mà vong linh đó chưa hưởng hết ở cõi tạm này mà phải ra đi.

Thi sĩ là một nghề rất phổ thông và là con đường ngắn nhất để có được danh phận trong cộng đồng. Bạn là thi sĩ thì sẽ được miễn trừ một số nghĩa vụ công dân như đi quân dịch, quét dọn đường sá và các nhà vệ sinh công cộng, vắt sữa bò ở các nông trường, đập đá ở các công trường thủy lợi…, và điều tuyệt nhất là sẽ được miễn khai thuế thu nhập hằng năm.

Thay vì phải làm các việc tạp dịch đó thì mỗi năm các thi sĩ được tập trung lại ở một khu trại gọi là nhà sáng tác thi ca. Vô số những bài trường ca ca ngợi thế lực cầm quyền và các vị lãnh đạo đất nước ra đời từ những khu trại đó. Những trường ca mà ngôn ngữ trong đó có độ lóng lánh cao và được đọc vang rền trên những chiếc loa ở khắp mọi nơi trên đất nước, ở mọi thời điểm trong ngày, trong thời chiến lẫn thời bình.

Tuy Việt Nam là một cường quốc về thơ nhưng một trong những giới hạn lớn nhất của văn hóa Việt Nam là vấn đề từ ngữ. (Minh họa: Pearly- Peach/Pixabay)

Thi sĩ! Nó là một thứ danh phận nằm lơ lửng và được nhào trộn giữa các vị trí như chí sĩ, chiến sĩ, tu sĩ, cuồng sĩ, bác sĩ, dược sĩ, họa sĩ, vô công rỗi nghề, bịp bợm, hoạn lợn, gia nô, tù nhân, mật thám, lãnh tụ, bệnh nhân tâm thần, điềm chỉ viên, và liệt sĩ.

Cha tôi nói, “90% những người tù ở Việt Nam là thi sĩ. Và ngược lại, 99% thi sĩ là những tù nhân thực thụ hay ít ra là những kẻ có nhiều tiềm năng sẽ trở thành tù nhân. 99% thôi, vì 1% còn lại là những kẻ không làm thơ nhưng đạo thơ của người khác.” Những bài thơ được làm trong thời gian ở tù luôn luôn là những tác phẩm trùng lặp nhau về tâm cảnh mất tự do, mơ ước cho tương lai khi ở ngoài hàng rào trại tù, ngoài song sắt buồng giam, và đấu tranh cho lý tưởng giải phóng.

Nội dung của việc ai giải phóng ai, hay giải phóng cái gì, thì tùy thuộc vào phe mà thi sĩ chọn (có khi họ không chọn nhưng lại bị/được đặt để một cách ngẫu nhiên), tùy thuộc vào thân phận của thi sĩ, và vào từng thời điểm lịch sử. Khi thì A giải phóng A ra khỏi B; khi thì ngược lại, B giải phóng B ra khỏi A; hay cả hai A và B cùng giải phóng A+ ra khỏi C…vân vân… Tuy nhiên, hình như chưa có, hay rất ít, thi sĩ nào nói về những khắc khoải khi mất dần cái nhu cầu giao tiếp xác thịt với người khác giới trong những đêm cô quạnh; những đêm trằn trọc vì nỗi kêu đòi của nhu cầu bản năng giới tính. Khi thi sĩ tiến dần đến liệt sĩ là lúc họ teo dần đi cái khao khát mà họ từng kêu đòi khi còn ở ngoài không gian tự do.

Điều đáng nói là mọi tài liệu quan trọng và khả tín mà tôi tìm được đều cho rằng ở đây có vô số những con ma thi sĩ.

Họ làm thơ từ lúc còn bí mật hoạt động cách mạng ở trong hang, cho đến khi cách mạng thành công, thì vừa tiếp tục làm thơ vừa nghiên cứu và thực hiện mọi chính sách của quốc gia trên các cao ốc chọc trời phải đi lên bằng thang máy.

Ca ngợi lãnh tụ và chính phủ, họ làm tụng ca. Chống quân xâm lược và kêu đòi dân chủ, họ vừa xuống đường vừa làm thơ. Ôm hận nằm trong ngục tối chờ ngày thay đổi vận nước, họ làm “ngục thi.” Đám cưới, đám tang thì thi ca phục vụ cho việc hiếu hỉ. Đi giải quyết sinh lý xong thì họ làm thơ thiền để cho tâm hồn thanh thản. Mách qué với hàng xóm thì làm thơ tự trào. Nỉ non với vợ thì làm thơ tự thán. Nếu kẹt đạn, chưa tìm ra tứ thì chỉ cần mua tờ báo, đại loại như tờ Công An chẳng hạn, là sẽ có dư cảm hứng để làm thơ chống tham nhũng.

Việt tộc sống bằng gạo, thịt, cá mắm, rau cỏ, và bằng thơ! Thi ca vô cùng quan trọng với đời sống của người Việt ở mọi mặt, đặc biệt là ở mặt tâm linh và đạo đức. Ngày nay, thơ từ từ biến mất trên các tờ báo giấy nhưng lại chiếm lĩnh các diễn đàn trên mạng.

Trong chương 2 của cuốn cẩm nang “Những Ứng Dụng Của Thi Ca,” một tài liệu tuyệt mật nằm trong thư khố của quốc gia mà tôi may mắn đọc được, có tiết lộ thế này: “Muốn nguyền rủa, trù ếm một kẻ nào, hay một gia tộc nào, hay một tổ chức nào ư? Hãy biến cái mong ước cháy bỏng ấy thành một bài thơ trên giấy, chờ đến sau nửa khuya, chính xác là 00:00:01 AM, đi lên một cây cầu có vị trí ở gần đối tượng nhất, đốt tờ giấy có bài thơ ấy thành tro, rồi uống cái mớ tàn tro ấy với một ngụm rượu trắng, rồi quay mặt về hướng đối tượng, khấn chín lần điều mình muốn xảy ra với đối tượng, rồi đái xuống sông đúng mười ba giọt nếu mình là nam, và hai mươi bảy giọt nếu mình là nữ. Rồi về. Đêm đó không được ngủ. Nếu là nam thì phải nằm sấp, nữ thì nằm ngửa, vừa thì thầm đọc lại bài thơ, vừa tự xoa vuốt mình, toàn thân, suốt đêm.”

***

Theo các tài liệu mà tôi nghiên cứu lâu nay, hai nhà thơ Việt lớn nhất của thời hiện đại được nghiên cứu rộng rãi và đưa vào chương trình giáo dục là một lãnh tụ và một tay cuồng sĩ rách rưới sống với lũ chuột cống ngay trên các vỉa hè ở Sài Gòn.

Tôi có xem hình họ chụp. Ông lãnh tụ mắt sáng như sao, trán rộng, hơi hói, mặt gầy choắt nhưng quắc thước với bộ râu lưa thưa dưới cằm. Ông cuồng sĩ thì chỉ để lộ ra một cây răng khôn duy nhất, cây răng vừa mọc ở tuổi 90, khi ông nở nụ cười móm mém. Ông đeo quanh người 109 cái bàn chải đánh răng, có hầu hết các thương hiệu trên thế giới, có hầu hết các chủng loại dành cho mọi loại răng, và đủ mọi màu sắc, để làm vệ sinh cho cây răng duy nhất này.

Quy luật của thế giới thi ca cũng không khác gì những quy luật của cuộc đời thật, nghĩa là phải có kẻ mạnh làm đại ca và kẻ yếu để sai vặt.

Hồi cuối thiên niên kỷ trước, hai thi hào bày cuộc thi thố với nhau bằng thơ để phân cao thấp. Họ hẹn ngày và tổ chức cuộc thi tài công khai ở bên một cái hồ sen tại Văn Miếu của thủ đô Hà Nội, có phát truyền hình trực tiếp và cho phép giới báo chí quốc tế dự khán.

Luật của cuộc thi là mỗi người thay phiên nhau làm một bài thơ về bất cứ điều gì nảy ra trong đầu họ. Phải làm thật nhanh, thật độc đáo, thật sáng tạo.

Mỗi người ngồi ở một đầu chiếc bàn rộng, ở giữa là cái đồng hồ tính giờ như trong các cuộc thi đấu cờ tướng quốc tế. Hội đồng trọng tài gồm có ba bậc trí giả khả kính về tư cách, và am tường về thi ca và văn hóa: Một người Hoa, một người Nga, và người cuối cùng, cũng là trọng tài chính, là người Việt, ông này là ủy viên Bộ Chính Trị phụ trách về văn hóa và tư tưởng. Quy trình thi cũng khá giống như các cuộc thi đấu cờ. Người này xướng lên một bài thơ xong thì bấm giờ, tới phiên người kia đáp trả bằng bài thơ của mình, rồi bấm giờ. Cuộc đấu bất phân thắng bại, kéo dài từ 8 giờ sáng đến xế chiều không ngưng nghỉ, chỉ thỉnh thoảng có người mang nước sâm lên cho hai đấu thủ uống lấy sức và mang bô cho họ đái, tất nhiên là uống vào và đái ra tại chỗ. Khi đái thì có người giúp, dùng một tấm vải nhiễu đỏ để che lại. Dăm phút lại có người giúp lau những giọt mồ hôi rịn ra trên hai gương mặt căng thẳng.

Bạn có thể phạm tội giết người, nhưng không thể phạm tội chê thơ kẻ khác dở. (Minh họa: Birgit Böllinger/Pixabay)

Sau cùng, ông lãnh tụ, tay chỉ vào mặt đối thủ, miệng chiếu bí ông cuồng sĩ bằng một bài thơ chỉ có ba chữ nhưng ý tưởng thì vô cùng mênh mông, sâu thẳm, và quyết liệt, như một đường kiếm của sát thủ bậc thầy. Bài thơ như thế này: “cương là ngủm.”

Ông cuồng sĩ ngay lập tức phun nước bọt, quẹt tay chùi mép, rồi xướng lên một bài thơ hai chữ để phản đòn: “củ buồi.”

Ông lãnh tụ ú ớ trong giây lát, nhưng vẫn làm kịp một bài thơ, buông ra chỉ một chữ sắc nhọn: “ngủm.”

Dứt lời, ông rút súng bắn gãy cây răng duy nhất của đối thủ. Xong, ông ra lệnh cho các đồng chí thuộc hạ tống ông này vào trại cải tạo.

Các trọng tài tuyên bố cuộc thi đấu chấm dứt ở đó. Họ tròng vòng hoa vào cổ ông lãnh tụ. Cả nước mở hội ăn mừng, pháo hoa bắn rực trời suốt năm đêm.

Ông cuồng sĩ không bao giờ được chạm tới giấy bút, rượu, và mãi mãi bị cấm đi lên bất cứ cây cầu nào. Người ta không cho phép ông, họ canh giữ, theo dõi nghiêm ngặt. Họ sợ ông báo thù bằng một cuộc đi đái. Sợ, trong một đêm quạnh quẽ nào đó, ông lặng lẽ vén quần, nhỏ xuống mặt nước dưới cầu đúng mười ba giọt, như tài liệu tôi đã dẫn ở trên.

Không còn cái răng nào, 109 cái bàn chải răng trở nên vô dụng. Ông viết một di chúc bằng thơ, hiến tặng 109 cái bàn chải răng cho viện bảo tàng văn hóa dân tộc. Ngày nay, 109 cái bàn chải răng và tờ di chúc được đặt vào những cái hộp làm bằng gỗ trầm hương, lót đáy bằng nhung đỏ, trưng bày trong dãy tủ kính. Người ta cài đặt hệ thống an ninh điện tử hiện đại nhất để bảo vệ chúng. Những hiện vật này trở thành di sản quý giá của quốc gia.

Sau khi thi-cuồng-sĩ qua đời ở tuổi 102 vì một thứ bệnh xã hội có tính truyền nhiễm cao, chính phủ trưng cầu dân ý cách xử lý cái di hài của ông: nên ướp xác bỏ vào lồng kính cho nhân dân chiêm ngưỡng thờ cúng hay thiêu đi rồi rải tro ra khắp các miền trên đất nước như sở nguyện lúc ông còn sinh tiền? Cuộc trưng cầu dân ý bất thành do không có sự đồng thuận. Sau cùng, không ai biết được điều gì xảy ra với cái di hài đã từng 39 ký bị sụt xuống còn 37 ký rưỡi của ông. Đó lại là một trong những bí mật quốc gia, chỉ dăm người có thẩm quyền được biết, và vĩnh viễn không bao giờ được tiết lộ với nhân dân.

Vị thi sĩ kiêm lãnh tụ qua đời trong lặng lẽ sau đó một năm, nguyên nhân không rõ. Trước đó, ông bị đám đệ tử truất phế một cách êm thắm. Dù rất nỗ lực chuộc lại lỗi lầm với chế độ nhưng ông vẫn thất sủng với những kẻ mới thay thế ông – bọn thi sĩ hậu sinh, tập tành gieo vần bằng các chương trình do máy vi tính xử lý – và ông bị tước hết mọi danh vị mà ông từng có; tất nhiên ông không còn chút quyền lực nào. Không còn ai có quyền nhắc hay nhớ đến ông, dưới mọi hình thức. Người ta tháo bỏ mọi công trình, tượng đài khắc họa về chân dung và cuộc đời ông. Cả những bài thơ đã từng được xem như châu ngọc của nền văn chương Việt và được đưa vào chương trình giáo dục cũng bị xóa bỏ trong đợt cải tổ giáo dục lần thứ 28. Tuy nhiên, trong giới văn nghệ under – ground, người ta vẫn thầm lặng tổ chức những buổi tưởng niệm và đọc thơ của hai ông, như một cách thế thể hiện tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.

Người ta cũng giấu biệt việc cái thi hài 39 ký của ông được xử lý như thế nào. Đó lại là một bí mật quốc gia khác. Kẻ nào nhắc tới ông, kẻ ấy vừa phạm một trọng tội, dù cái tội đó không có trên bất cứ một văn bản luật pháp nào. [qd]

Share.

Leave a Reply