Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
November 22, 2022
Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ba nhà tranh đấu gồm nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh cùng Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam chọn trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022.

Từ trái, nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh cùng Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết được chọn trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022. (Hình: Vietnam News Agency/AFP via Getty Images)

Chiều Chủ Nhật, 20 Tháng Mười Một, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã công bố giải thưởng này và tổ chức buổi tiếp tân đánh dấu 25 hoạt động (1997-2022) tại phòng hội của thành phố Westminster.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Điều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, cho biết Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã nhận được 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại, sau một tháng làm việc cẩn trọng, Ban Tuyển Chọn đã bầu chọn được ba ứng viên xuất sắc cho Giải Nhân Quyền năm nay.

Ông cũng cho biết Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022 sẽ được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức, cùng với sự hợp tác của Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nhân dịp Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10 Tháng Mười Hai.

Ba cá nhân và một tổ chức xuất sắc

Cả ba cá nhân đoạt Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022 đều đang ở trong tù của Cộng Sản Việt Nam.

Ban tổ chức cắt bánh sinh nhật 25 năm của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

1-Nhà thơ Trần Đức Thạch

Ông Trần Đức Thạch sinh năm 1952 ở Nghệ An. Ông từng là cựu chiến binh quân đội Bắc Việt, trong cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc.

Sau khi giải ngũ, ông tham gia đấu tranh chống lại bất công xã hội ở địa phương, và cùng một số nhà hoạt động khác như Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Văn Hùng tập hợp đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông là tác giả của hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, qua đó, ông đả kích sự bất công xã hội, thiếu vắng công lý, và vi phạm nhân quyền.

Tác phẩm gây chấn động cả nước là tập hồi ký “Hố Chôn Người Ám Ảnh.” Trong tác phẩm này, ông đã thuật lại những điều ông đã chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Tiểu Đoàn 8, Sư Đoàn 341 trong trận đánh quanh tỉnh lỵ Long Khánh vào Tháng Tư, 1975. Bộ đội Bắc Việt đã xả súng đại liên thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Khi ông nghe tiếng súng và chạy đến, yêu cầu đồng đội dừng bắn thì được biết cấp trên đã ra lệnh “giết nhầm hơn bỏ sót.”

Vì những hoạt động ôn hòa để đòi công lý, nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ, ông đã bị chính quyền CSVN bắt và đưa ra xét xử vào ngày 6 Tháng Mười, 2008, bị kết án ba năm tù và ba năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Sau khi ra tù, ông liên tục bị chính quyền địa phương sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, câu lưu vì ông không chịu từ bỏ lý tưởng tự do-dân chủ-nhân quyền, cũng như những việc làm ôn hòa đấu tranh cho lý tưởng của ông.

Năm 2013, ông gia nhập Hội Anh Em Dân Chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Vì thế ông bị bắt lần thứ hai vào ngày 23 Tháng Tư, 2020, với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Ngày 15 Tháng Mười Hai, 2020, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An tuyên xử ông 12 năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên tòa sơ thẩm vỏn vẹn chỉ trong vòng buổi sáng. Ngày 24 Tháng Ba, 2021, tòa phúc thẩm y án tòa sơ thẩm trong một phiên tòa chưa đầy 2 giờ đồng hồ.

Hiện nay tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch bị giam cầm tại trại 5, huyện Thống Nhất, Thanh Hóa. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy nhược do tuổi già và điều kiện giam cầm vô nhân đạo của lao tù Cộng Sản.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Điều Hành Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trao bằng tuyên dương cho bà Ann Lau, chủ tịch Visual Artists Guild, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

2-Nhà báo Nguyễn Tường Thụy 

Ông Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1952. Năm 20 tuổi ông gia nhập quân đội Cộng Sản Bắc Việt, và xuất ngũ 22 năm sau đó; tuy nhiên ông chưa bao giờ là đảng viên đảng CSVN.

Từ năm 2011, Nguyễn Tường Thụy tham gia nhiều hoạt động đấu tranh cho công bằng xã hội và chủ quyền đất nước; như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội, cứu trợ nạn nhân thiên tai và người nghèo khổ, và lên tiếng cho dân oan. Ông là phó ban điều hành của “Hội Bầu Bí Tương Thân,” một tổ chức xã hội dân sự tương trợ của những tù nhân lương tâm và dân oan. Ông là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự có mục đích “xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”

Năm 2016, ông Nguyễn Tường Thụy làm đơn ứng cử Quốc Hội khóa 14 với tư cách độc, tuy nhiên chính quyền Cộng Sản, thông qua cơ chế hội nghị cử tri ở địa phương đã bác đơn ứng cử của ông.

Ngoài các hoạt động dấn thân đa dạng đó, phương tiện đấu tranh chính của Nguyễn Tường Thụy là ngòi bút. Ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog và trang Facebook mang tên ông với nhiều triệu lượt truy cập. Ông cũng là cộng tác viên của đài Á Châu Tự Do (RFA).

Năm 2014, khi Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời, ông Nguyễn Tường Thụy đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch hội. Đây là một tổ chức xã hội dân sự chuyên biệt với mục đích “Phản ảnh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước” và “Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí.”

Chỉ vì những nhận định khác với đường lối của đảng CSVN, nhà báo Nguyễn Tường Thụy thường xuyên bị an ninh theo dõi, sách nhiễu, hăm dọa và nhiều lần bị hành hung. Công an cũng thường xuyên tìm đủ mọi cách để hạn chế sự đi lại của ông, không cho ông ra khỏi nhà.

Ngày 23 Tháng Năm, 2020, một toán công an chìm và nổi của thành phố Hà Nội bất ngờ xông vào nhà ông, lục soát mọi vật dụng cá nhân và bắt ông đi.

Ngày 5 Tháng Giêng, 2021, chỉ sau nửa ngày nghị án, Tòa Án ở Sài Gòn đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế. Tất cả ba người đều bị quy kết tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước” theo Điều 117 Luật Hình Sự Việt Nam.

Hiện nay, ông Nguyễn Tường Thụy bị giam tại nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy giảm vì tuổi già và nhiều bệnh tật.

Bác Sĩ Lâm Thu Vân (trên màn ảnh) từ Canada phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

3-Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết

Ông Lưu Văn Vịnh sinh năm 1967 tại Hải Dương, cư ngụ tại quận Tân Bình, Sài Gòn. Từ năm 2014, ông Vịnh bắt đầu tiếp xúc và họp mặt với các nhà hoạt động đối lập để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, và yểm trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền Cộng Sản cưỡng chiếm.

Ngày 15 Tháng Bảy, 2016, ông Lưu Văn Vịnh đăng một bản thông báo trên Facebook cá nhân, tuyên bố thành lập tổ chức Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết với mục đích đòi hỏi “Đảng CSVN phải trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân, để người dân có toàn quyền chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn, bằng chính thật sự lá phiếu của mình, trong một thể chế tam quyền phân lập.”

Ngày 6 Tháng Mười Một, 2016, Công An ở Sài Gòn bắt khẩn cấp ông Lưu Văn Vịnh và một thanh viên khác của Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết là ông Nguyễn Văn Đức Độ.

Ngày 5 Tháng Mười, 2018, Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn xét xử sơ thẩm các thành viên của tổ chức Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết. Sau phiên tòa chóng vánh chưa được một ngày, tất cả năm bị cáo bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” với những bản án nặng nề: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, ông Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù giam, ông Từ Công Nghĩa 10 năm tù giam, và ông Phan Trung tám năm tù giam.

Cả năm người còn bị phạt thêm mỗi người ba năm quản chế. Dù tay bị còng, cả năm người đều vung tay liên tục hô lớn “Đả đảo phiên tòa,” “Đả đảo phiên tòa bất công,” và “Đả đảo Cộng Sản.”

25 năm sinh hoạt của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Trong buổi tiếp tân đánh dấu 25 năm hoạt động (1997-2022) vào chiều 20 Tháng Mười Một,

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng nói: “Cách nay 25 năm, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam được thành lập với tôn chỉ bảo vệ quyền làm người cho người dân Việt Nam, với tôn chỉ đó, chúng tôi đã khai triển sứ mạng này qua các mục đích: Thứ nhất, nâng cao sự hiểu biết về nhân quyền nói chung và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nói riêng. Thứ hai, hỗ trợ phong trào những nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Thứ ba, đấu tranh cho các quyền cơ bản của người Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.”

“Sau 25 năm hoạt động, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã thực hiện được một số công tác trong các lãnh vực vừa kể, chẳng hạn đối với mục tiêu thông tin và giáo dục, lần đầu tiên, của Luật Quốc Tế Nhân Quyền đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam chú giải, và phổ biến rộng rãi ở trong nước cũng như ở hải ngoại,” ông nói tiếp.

“Hằng năm, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố, báo cáo nhân quyền bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh, và những báo cáo đó đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như của một số chính phủ coi như là nguồn tin đáng tin cậy. Các mạng Internet của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã thường xuyên cập nhật bằng hai ngôn ngữ qua những tin tức về nhân quyền từ Việt Nam,” ông Tùng cho biết thêm.

Đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo ông Tùng, trong lĩnh vực vận động chính trường quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã thường xuyên tiếp xúc và lên tiếng với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc; các chính phủ của một số quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế để yêu cầu họ gây áp lực với nhà nước Việt Nam trong vấn đề tôn trọng nhân quyền. Nhưng quan trọng hơn hết là công tác yểm trợ các nhà hoạt động nhân quyền trong nước mà Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã có kế hoạch thường xuyên và thất thường, nhằm yểm trợ bậc nhất những nhà đấu tranh đang gặp khó khăn, và để yểm trợ mặt tinh thần Giải Nhân Quyền Việt Nam đã được thành lập từ 2002 cho đến nay.”

Ông Tùng nói tiếp: “Sau 25 năm liên tục đã có năm tổ chức và 53 cá nhân đã nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam. Những thành quả vừa kể, tuy khiêm nhường, nhưng sự tranh đấu không thể thực hiện được nếu không có sự yểm trợ tinh thần và vật chất của đồng hương khắp nơi. Đặc biệt là quý vị đang hiện diện hôm nay. Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả những ai đã sát cánh nâng đỡ Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trong 25 năm vừa qua.”

Nhân dịp kỷ niệm 25 hoạt động, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn và tuyên dương sự đóng góp của một số quý vị ân nhân và mạnh thương quân đặc biệt: Bà Ann Lau, chủ tịch Visual Artists Guild, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal; Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, thành viên điều hành và giám sát Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; Bác Sĩ Lâm Thu Vân, một trong những thành viên sáng lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam; Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, thành viên cố vấn Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Trong số đồng hương đến dự, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, cố vấn Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, phát biểu: “Mặc dù chúng ta già, nhưng sự tranh đấu không già. Mặc dù chúng ta đã mỏi mệt, nhưng vẫn phải tranh đấu không mỏi mệt. Mặc dù có lúc chúng ta bị suy nhược muốn bỏ qua đi, nhưng cuộc tranh đấu cho dân tộc Việt Nam không bỏ qua đi được. Tại sao tôi phải nói như thế? Tại vì, tôi là một chứng nhân, một nạn nhân của chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Chế độ đó phải bị tiêu diệt, không bằng cách này cũng bằng cách khác.”

Bác Sĩ Nguyễn Chi Vỹ, hội trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, nói: “Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam luôn ủng hộ những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam. Đây là một tổ chức có ích lợi cho tổ quốc Việt Nam trong tương lai, vì chế độ bạo tàn nào rồi cũng phải sụp đổ thôi.”

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh nói với nhật báo Người Việt: “Trong tiến trình đấu tranh để thúc đẩy dân chủ hóa Việt Nam thì có sự đóng góp của nhiều hội đoàn, đoàn thể, trong đó có Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã thường xuyên theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Trong phúc trình của chúng tôi đưa ra thì chúng tôi có khẳng định rằng Việt Nam không có nhân quyền. Vì thế chúng ta phải đoàn kết để lên án Cộng Sản Việt Nam về vấn đề nhân quyền.” [qd]

Share.

Leave a Reply