Mực nước sông Mekong tại Thái Lan giảm mạnh trong ngày 31/5, sau khi một đập thủy điện của Trung Quốc tại thượng nguồn bắt đầu tích nước.
Quỹ Giám sát đập nước Mekong cho biết mực nước sông tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan giảm tới 1,3 m, do việc tích nước của đập Cảnh Hồng (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
“Những nhà vận hành đập tích trữ nước vào cuối tuần, qua đó hạn chế dòng chảy xuống phía hạ lưu. Chúng tôi đã chứng kiến việc này diễn ra trong hai tuần liên tiếp”, Brain Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson tại Washington, Mỹ, cho biết.
Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia Thái Lan (NWCC) cũng đưa ra thông báo tương tự, trong đó nhấn mạnh mực nước trên sông Mekong giảm do đập Trung Quốc 30% lưu lượng xả nước.
Đập thủy điện Cảnh Hồng. Ảnh: China Daily. |
Theo đó, tốc độ xả nước của đập Cảnh Hồng giảm từ 2.525 m3/s xuống còn 1.854 m3/s trong hai ngày 28 và 29/5.
Trước đó, vào tháng 2, Ủy hội Sông Mekong (MRC) cảnh báo mực nước trên sông Mekong giảm xuống “mức đáng lo ngại”, cũng do hoạt động của đập thủy điện Cảnh Hồng.
Đập này xả ra lượng nước khoảng 1.400 m3/s vào giữa tháng 1, song đã giảm lưu lượng xuống còn chỉ 800 m3/s vào giữa tháng 2, theo MRC.
Việc thay đổi mực nước bất thường đe dọa nghiêm trọng đến kế sinh nhai của hơn 70 triệu người ở khu vực hạ nguồn sông Mekong, khi nó ảnh hưởng lớn đến đàn cá di cư, nông nghiệp và vận tải đường thủy.
Quỹ Giám sát đập nước Mekong là một dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ hợp tác cùng Viện nghiên cứu Stimson và Công ty tư vấn Eyes on Earth thực hiện. Dự án này sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi mực nước sông Mekong tại Trung Quốc và các nước khác.
Leave a Reply