“The Conjuring: The Devil Made Me Do It” đã mở đầu mùa phim hè tại thị trường Bắc Mỹ. Sau hơn một năm lao đao, Hollywood vẫn đang tìm kiếm mô hình phát hành phim hiệu quả.
Trong gần một thế kỷ qua, các chuyên gia phân tích thị trường là người chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát hành phim dựa trên nghiên cứu số liệu thống kê, dữ liệu và tiền lệ. Trước tháng 3/2020, mỗi năm, ngành công nghiệp điện ảnh làm lợi cho kinh tế toàn cầu trung bình 42,5 tỷ USD mỗi năm.
Theo cây bút Rebecca Rubin từ The Variety, sau một năm chống chọi với đại dịch, các nền công nghiệp điện ảnh – trong đó có Bắc Mỹ – đang tìm cách thích nghi và hồi phục. Tuy nhiên, trước mặt các nhà phát hành lúc này vẫn là nhiều câu hỏi khó.
Dịch vụ trực tuyến lên ngôi
AQuiet Place Part II, hậu truyện của phim kinh dị A Quiet Place (2018) là tác phẩm quan trọng đầu tiên được Hollywood tung ra trong vòng 8 tháng qua. Tại thời điểm phát hành, phim lập tức trở thành tác phẩm có doanh thu mở màn cuối tuần cao nhất đại dịch.
Thương hiệu A Quiet Place sẽ được sản xuất thêm phần 3 và một phim ngoại truyện. Ảnh: Paramount Pictures. |
Thành công của A Quiet Place Part II đến sau khi tỷ lệ người dân Mỹ được tiêm vaccine tăng lên và số ca nhiễm Covid-19 giảm, tạo động lực đưa khán giả trở lại rạp thưởng thức điện ảnh.
Tuy nhiên, đây không phải yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm kinh dị. Thất bại của Those Who Wish Me Dead, phim đánh dấu sự trở lại của Angelina Jolie với dòng phim hành động sau 11 năm, chính là minh chứng. Bộ phim chỉ thu 2,8 triệu USD trong tuần công chiếu dù được phát hành song song tại rạp và trên HBO Max.
Thị trường điện ảnh 2021 giống như một bộ tranh ghép hình, mà mỗi tác phẩm ra mắt là một mảnh chưa hoàn thiện. Càng nhiều mảnh ghép được thêm vào bức tranh, bộ ba hãng phim – nhà phát hành – rạp chiếu sẽ càng tiến đến gần kết luận về cách vận hành của thị trường điện ảnh trong và sau đại dịch.
Lấy ví dụ The Conjuring: The Devil Made Me Do It. Phần thứ ba trong thương thiệu kinh dị ăn khách The Conjuring được New Line Cinema sản xuất và Warner Bros. phát hành từng phải lùi ngày ra mắt một lần vì đại dịch. Phim được phát hành đầu tháng 6, khi phòng vé toàn cầu được kỳ vọng đã hồi phục ở một ngưỡng nhất định.
The Devil Made Me Do It thu 24 triệu USD từ 3.102 cụm rạp tại Bắc Mỹ trong ngày khởi chiếu. Đáng nói, bộ phim được phát hành song song tại rạp và trên dịch vụ HBO Max – tức doanh thu đã bị phân tán trên nhiều kênh thay vì quy về một mối.
Warner Bros. không công bố số liệu về phần doanh thu của các phim phát hành trên dịch vụ HBO Max. Do đó, rất khó để thống kê thành công thực tế của The Devil Made Me Do It hay đánh giá hiệu quả của phương pháp phát hành phim đồng thời trên cả hai kênh trực tuyến và trực tiếp.
Năm 2020, Warner Bros. đã hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội từ các nhà làm phim khi công bố kế hoạch phát hành song song các tựa phim điện ảnh của mình tại rạp và trên HBO Max.
Cuộc đối đầu tại rạp của hai phim kinh dị
Theo lời David A. Gross, chủ sở hữu công ty tư vấn điện ảnh Franchise Entertainment Research, doanh thu phòng vé dịp cuối tuần đầu tiên của The Devil Made Me Do It sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu phim không phát hành cách A Quiet Place Part II chỉ một tuần và được đưa lên dịch vụ trực tuyến ngay ngày ra mắt.
The Conjuring: The Devil Made Me Do It đang ăn nên làm ra tại rạp Bắc Mỹ và toàn cầu. Ảnh: Warner Bros. |
Mặt khác, Gross khẳng định thành tích của phần hậu truyện The Conjuring vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực của ngành công nghiệp điện ảnh.
Trên thực tế, có nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng tới số tiền mà The Conjuring: The Devil Made Me Do It thu về khi khởi chiếu dịp cuối tuần qua. Đầu tiên, sức hút của A Quiet Place Part II vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Bom tấn của đạo diễn John Krasinski đã thu thêm 19 triệu USD từ phòng vé Bắc Mỹ dịp cuối tuần qua.
Tập khán giả của A Quiet Place Part II và The Conjuring: The Devil Made Me Do It có nhiều tương đồng, tạo ra cuộc cạnh tranh mang tính triệt tiêu đối thủ tại quầy vé. Hai bộ phim tỏ ra ngang sức ngang tài với con số chênh lệch chỉ 5 triệu USD từ thị trường nội địa.
Cùng lúc, việc 25% số rạp chiếu phim tại Bắc Mỹ chưa thể mở cửa trở lại, còn những rạp đang hoạt động phải áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lượng vé bán ra.
“Đây là thế giới mới, với những phương pháp phát hành phim hỗn hợp. Rất khó để chỉ ra đâu là yếu tố đảm bảo thành công doanh thu hay sự ra mắt ấn tượng của một phim điện ảnh.
Các dịch vụ xem video trực tuyến không công bố số liệu người dùng. Do đó, phương pháp phân tích dữ liệu bình thường không thể áp dụng trong trường hợp này”, Paul Dergarabedian – chuyên viên phân tích dữ liệu truyền thông tại Comscore cho hay.
Theo quan điểm của Rubin, ngay cả khi các dịch vụ xem video trực tuyến công khai toàn bộ dữ liệu thống kê của họ, cũng không dễ gì xử lý các con số này. Bởi chúng ta đang sống trong một thời đại không còn cái gọi là phương pháp phát hành phim chân chính.
Mỗi hãng phim lớn đều vận hành theo một hệ thống riêng, chưa kể mỗi bộ phim – dựa theo đặc trưng thể loại và nội dung – cần một phương pháp tiếp cận và quảng bá chuyên biệt.
Bức tranh phát hành phim rối rắm
Sự đa dạng của phương thức phát hành được thể hiện rõ nét trong mùa phim bom tấn hè 2021 tại Bắc Mỹ. Trong những tuần tới, Warner Bros. sẽ phát hành In the Heights vào 11/6, Space Jam: A New Legacy (16/7) và The Suicide Squad (6/8) song song tại rạp và trên dịch vụ xem video trực tuyến HBO Max.
Mỗi hãng phim Mỹ sẽ có một chính sách phát hành phim khác nhau, khiến khán giả bối rối. Ảnh: Disney. |
Hãng Sony lại phát hành tác phẩm Peter Rabbit 2: The Runaway (11/6) và Hotel Transylvania 3 (23/7) qua một kênh duy nhất là rạp chiếu phim. Phương pháp truyền thống cũng là cách hãng Lionsgate lựa chọn để đưa The Hitman’s Wife’s Bodyguard (16/6) và The Protege (20/8) tới với đông đảo khán giả.
Khán giả hâm mộ siêu anh hùng Marvel có thể trả thêm một khoản phụ phí (khoảng 30 USD) bên cạnh tiền duy trì thuê bao hàng tháng để xem tác phẩm Black Widow (9/7) trên dịch vụ Disney+ cùng lúc với những người ra rạp để thưởng thức tác phẩm. Đây cũng là cách “nhà chuột” tung tác phẩm phiêu lưu hành động Jungle Cruise với The Rock và Emily Blunt ra thị trường Bắc Mỹ từ 30/7.
Ngược lại, tác phẩm Free Guy cũng do Disney phát hành lại được phát hành theo cách truyền thống. Khán giả tại gia sẽ phải chờ thêm 45 ngày từ khi Free Guy ra rạp để được thưởng thức phim trên dịch vụ trực tuyến.
Tương tự, các tựa phim Snake Eyes: G.I. Joe Origins (23/7) và Paw Patrol: The Movie (20/8) đến từ Paramount Pictures cũng được phát hành tại rạp và lên dịch vụ trực tuyến Paramount Plus sau 45 ngày.
Tiếp đến, bom tấn Fast & Furious 9, The Forever Purge (2/7) và Old (23/7) sẽ được Universal phát hành đầu tiên tại rạp trước khi đẩy lên các dịch vụ thuê phim sau 17 ngày – tức chỉ sau hơn 2 tuần từ khi ra mắt. Tuy nhiên, hãng lại chọn phim hoạt hình The Boss Baby 2 (2/7) để thử nghiệm cách phát hành song song phim tại rạp và trên dịch vụ xem video trực tuyến Peacock.
Về tổng thể, kế hoạch phát hành bom tấn hè của sáu hãng phim lớn nhất Hollywood dễ khiến bất kỳ khán giả đại chúng nào tại Bắc Mỹ phải rối trí. Họ phải ghi nhớ tựa phim mình muốn xem sẽ ra rạp hay lên mạng. Tiếp đến, việc đăng ký tài khoản cùng lúc nhiều dịch vụ xem video trực tuyến cũng là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, về phía các chuyên gia nghiên cứu thị trường, sự hỗn loạn mang tên lịch phát hành phim hè tại Bắc Mỹ mang đến cho họ nhiều chất liệu để nghiên cứu.
Phương thức phát hành đa dạng tiềm ẩn khoảng cách rất lớn giữa thành công và thất bại. Kết quả mùa phim hè 2021 hứa hẹn nhào nặn cho hệ thống phát hành phim thế giới một công thức bán tác phẩm thành công giữa đại dịch.
“Mùa hè này giống như phép thử cho ngành công nghiệp điện ảnh. Các tựa phim sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành lấy trái tim, tâm trí và cả ví tiền của người tiêu dùng. Chúng ta sẽ sớm có những ví dụ thực tế về tính hiệu quả của mỗi phương pháp phát hành phim được các hãng xây dựng”, Paul Dergarabedian kết luận.
Leave a Reply