Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

New Zealand, Iceland, Anh, Tasmania và Ireland là những nơi tốt nhất để trú ẩn nếu xã hội toàn cầu sụp đổ, theo một nghiên cứu ở Anh.

“Chúng tôi không ngạc nhiên khi New Zealand lọt vào danh sách”, giáo sư Aled Jones thuộc Viện Bền vững Toàn cầu, Đại học Anglia Ruskin, Anh, nói. “Chúng tôi lựa chọn những nước có khả năng bảo vệ biên giới và phải là nơi có khí hậu ôn hòa. Vì vậy, những đảo quốc lớn, có quần thể xã hội đa dạng định cư lâu năm, lọt vào bảng đánh giá”.

Một hầm trú ẩn của giới siêu giàu ở bang Indiana, Mỹ. Ảnh: Jim Lo Scalzo.

Một hầm trú ẩn của giới siêu giàu ở bang Indiana, Mỹ. Ảnh: Jim Lo Scalzo.

Nhiều tỷ phú được cho là đã mua đất xây boong ke trú ẩn tại New Zealand để chuẩn bị cho ngày tận thế. New Zealand xếp đầu bảng, được cho là nơi có tiềm năng sống sót lớn nhất do có năng lượng địa nhiệt và thủy điện cũng như đất đai nông nghiệp dồi dào, mật độ dân số thấp.

Ngoài ra còn có Anh, Iceland, Tasmania và Ireland. “Những nơi không chịu tác động nghiêm trọng nếu xã hội sụp đổ và do đó, có thể duy trì dân số đáng kể” được coi là “thuyền cứu sinh”, theo nghiên cứu.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi Anh cũng nằm trong danh sách. Anh là nước có mật độ dân cư đông đúc, có truyền thống thuê sản xuất ở nước ngoài, không phải quốc gia nhanh nhất trong phát triển công nghệ tái tạo, chỉ tự cung ứng được 50% lương thực. Nhưng nước Anh lại có tiềm năng chịu được nhiều cú sốc”.

Các nhà nghiên cứu cho hay nền văn minh nhân loại “đang trong tình trạng nguy cấp” do xã hội liên kết chặt chẽ và sử dụng quá nhiều năng lượng để phát triển, dẫn tới hủy hoại môi trường.

Xã hội toàn cầu có thể sụp đổ bằng vài cú sốc, như khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, khủng hoảng khí hậu, thiên nhiên bị tàn phá, thậm chí là một đại dịch còn tệ hơn Covid-19 hoặc tất cả những yếu tố này.

Để đánh giá quốc gia nào có khả năng chống chọi tốt nhất trước nguy cơ này, các nước được xếp hạng dựa trên khả năng trồng trọt lương thực phục vụ toàn dân, bảo vệ biên giới khỏi di cư ồ ạt, duy trì mạng lưới điện và một số ngành sản xuất. Đảo quốc tại khu vực ôn đới và chủ yếu có mật độ dân số thấp được xếp hạng đầu.

Các nhà nghiên cứu cho hay bảng xếp hạng nhấn mạnh những yếu tố mà các quốc gia phải cải thiện để nâng cao năng lực phục hồi. Xã hội toàn cầu hóa đề cao hiệu quả kinh tế đã hủy hoại năng lực phục hồi, năng lực dự phòng cần thiết để tồn tại nhờ thực phẩm và các ngành thiết yếu khác.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Bền vững hôm 15/7 cho hay “nền văn minh công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, trải dài khắp toàn cầu, đặc trưng cho kỷ nguyên hiện đại, đại diện cho một tình thế bất thường đi ngược lại phần lớn lịch sử loài người”.

Nghiên cứu cũng cho hay sự tàn phá môi trường, tài nguyên hạn chế và gia tăng dân số “đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về nền văn minh nhân loại trong tình trạng nguy cấp, rủi ro ngày càng lớn trong các lĩnh vực mà loài người gây ảnh hưởng”.

Jones cho hay mất mùa lớn trên toàn cầu, khủng hoảng tài chính và đại dịch đều đã xảy ra trong những năm gần đây và “chúng ta thật may mắn khi mọi thứ không xảy ra cùng lúc. Thật khó lý giải tại sao chúng không xảy ra cùng năm”.

“Khi chúng ta quan sát được những sự kiện này xảy ra, tôi càng lo lắng hơn nhưng cũng hy vọng chúng ta có thể học biết nhanh hơn chúng ta trong quá khứ, rằng khả năng phục hồi rất quan trọng. Ai cũng nói về ‘xây lại tốt hơn’ sau đại dịch, nếu chúng ta không mất động lực đó, tôi có thể lạc quan hơn”, ông nói.

Ông nhận xét Covid-19 cho thấy năng lực hành động của chính phủ khi cần thiết. “Thật thú vị khi thấy chúng ta có thể đóng cửa biên giới nhanh như thế nào, chính phủ có thể thay đổi quyết định trong chớp mắt”.

Nhưng ông nói thêm “cố gắng phát triển kinh tế kịp thời, hiệu quả hơn, không phải là điều mà chúng ta nên làm để nâng cao năng lực phục hồi. Chúng ta cần giảm phát triển kinh tế, để nếu xảy ra cú sốc nào đó, chúng ta đã có sẵn năng lực dự phòng”.

HH(Theo Guardian)

Share.

Leave a Reply