Các đồng hồ lặn đắt tiền thường có một lỗ nhỏ trên thân. Chi tiết này phục vụ mục đích lặn, nhưng không phải là để chống nước.
Đồng hồ lặn của Rolex thường được làm bằng các vật liệu siêu bền cùng những chi tiết tỉ mỉ. Vậy lỗ bên cạnh vỏ đồng hồ được thiết kế với mục đích gì?
Theo Gear Patrol, lỗ nhỏ này thường được giới lặn biển gọi là “van khí heli”. Nó được dùng để hỗ trợ những thợ lặn chuyên nghiệp. Chi tiết này được hai hãng đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ là Rolex và Doxa đồng sáng chế vào năm 1960.
Van khí heli hay van thoát khí là một chi tiết của đồng hồ lặn, có tác dụng giảm bớt áp suất bên trong vỏ đồng hồ khi các thợ lặn chuyên nghiệp sử dụng dưới độ sâu 300 m, với áp suất lên đến 30 ATM. Nếu không có chi tiết này, mặt đồng hồ và các bộ phận bên trong có thể bị áp suất từ khí heli làm cho nổ tung.
Khi xuống sâu, thợ lặn sẽ hít một hỗn hợp khí thở gồm oxy và nitơ. Do vậy, khi lên bờ họ phải chờ thêm một thời gian nhằm giúp áp suất cơ thể ổn định trở lại. Nếu thay đổi áp suất liên tục, các phân tử nitơ trong hỗn hợp khí thở họ hít vào sẽ tạo thành các bong bóng trong máu.
Tuy nhiên, với thợ lặn chuyên nghiệp, việc chờ ổn định áp suất tới vài ngày là quá lâu. Thay vào đó, họ được đưa vào buồng tăng áp, với hỗn hợp khí heli và oxy. Phân tử heli sẽ thay thế nitơ trong máu, giúp giảm thời gian ổn định áp suất đáng kể.
Phân tử khí heli có cấu trúc rất nhỏ, vì vậy chúng có thể dễ dàng vượt qua các chi tiết chống nước của đồng hồ cao cấp. Khi trở lại mặt nước, với áp suất thấp hơn, bọt khí heli sẽ nở ra và làm giảm hiệu quả các bộ phận bên trong.
Các van trên đồng hồ thường được cấu tạo bằng lò xo, miếng đệm cơ học và một nút cho phép khí heli có thể thoát ra khi cần thiết. Nó có thể là chức năng tự động với model Rolex Sea-Dweller, hoặc dưới dạng một chiếc nút nhô ra cần được đóng mở thủ công như Omega Seamaster 300 m.
Tuy nhiên, tính năng này lại không được các thợ lặn chuyên nghiệp thường xuyên sử dụng. Theo thợ lặn thương mại Benjamin Lowry, anh sẽ luôn cất bộ sưu tập đồng hồ đắt tiền của mình trong hộp nếu như phải làm việc liên tục dưới nước. Với mức giá có thể dao động trên 20.000 USD, không có lý do gì để sử dụng chúng cho các công việc khắc nghiệt như lặn biển.
Ngoài ra, những chiếc đồng hồ lặn này sẽ phải mất một quá trình thoát khí, thường kéo dài trong khoảng nhiều giờ để loại bỏ toàn bộ khí heli bên trong. Do đó, những chiếc đồng hồ đắt tiền khó đáp ứng nhu cầu làm việc liên tục dưới nước.
Trong thực tế, sáng chế này của Rolex và Doxa rất hữu ích với lính hải quân khi họ thường xuyên phải làm việc dưới biển trong nhiều tháng. Tuy nhiên, với những người dùng phổ thông, chi tiết này chưa thực sự mang lại nhiều giá trị hữu ích.
Những đồng hồ thông minh như Apple Watch cũng có một cơ chế khá thú vị để thoát nước. Mặc dù đồng hồ đã có thiết kế chống nước, vẫn có một phần hở trên vỏ cho phần loa.
Sau khi thoát khỏi chế độ dùng dưới nước, chiếc Watch sẽ bật loa và phát âm thanh lớn. Sóng âm này sẽ đẩy hết lượng nước còn lại trong khe loa ra ngoài, đảm bảo an toàn cho Apple Watch.
Leave a Reply