Sau khi bị kết án 20 năm tù, thủ phạm vụ hiếp dâm tại bang Kerala của Ấn Độ đã đề nghị kết hôn với nạn nhân để được tại ngoại. Vụ việc gây phẫn nộ trên khắp đất nước.
Hôm 2/8, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết bác đơn xin tại ngoại của Robin Mathew, người từng là linh mục nhà thờ Công giáo St. Sebastian ở bang Kerala, theo South China Morning Post.
Năm 2019, Mathew bị kết án 20 năm tù giam với tội danh cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Vụ việc xảy ra năm 2016, khi đó nạn nhân chỉ 16 tuổi. Tới năm 2017, nạn nhân sinh một con gái, Mathew là cha ruột của đứa bé.
Trong đơn xin tại ngoại gửi tới tòa án, Mathew cho biết muốn kết hôn với mẹ của con gái mình, người từng là nạn nhân vụ hiếp dâm năm 2016. Trước đó, đơn xin giảm án của Mathew cũng bị tòa án bang Kerala bác bỏ.
Rebecca John, luật sư làm việc tại Tòa án Tối cao, cho biết vụ việc của Mathew là bằng chứng tiếp theo của hiện tượng những tội phạm hiếp dâm sử dụng hôn nhân hòng tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Những người bị buộc tội hiếp dâm sau đó tìm cách cưới nạn nhân hòng thoát án tù không hiếm tại Ấn Độ. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Tư pháp Sharad Arvind Bobde buộc phải từ chức sau khi đặt câu hỏi trong một phiên xét xử, rằng liệu thủ phạm có đồng ý cưới nạn nhân.
Nhà hoạt động Ranjana Kumari, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu xã hội New Delhi, cho biết ý tưởng phụ nữ phải cưới kẻ đã hãm hiếp mình là một điều ghê tởm.
Tuy nhiên, hiện tượng này phản ánh thực tế bất hạnh trong xã hội Ấn Độ, đó là những người phụ nữ là nạn nhân của tấn công tình dục sẽ phải sống tiếp cuộc đời khốn khổ.
“Trong trường hợp này, nạn nhân là cô gái nghèo khổ, không có tiền, cô ấy bị tẩy chay, đứa trẻ bị kỳ thị vì không có cha. Tất cả người xung quanh bỏ rơi nạn nhân, cô gái sẽ phải sống trong địa ngục”, bà Kumari nói về trường hợp nạn nhân của Mathew.
Kumari cho rằng, khi vụ tấn công xảy ra, thủ phạm là linh mục của nhà thờ. Vì vậy, Tòa án Tối cao nên yêu cầu nhà thờ Công giáo “chịu trách nhiệm và hỗ trợ tài chính cho nạn nhân và đứa con”.
“Như thế, địa vị xã hội của nạn nhân sẽ được cải thiện. Chỉ bác bỏ hôn nhân thôi thì chưa phải là giải pháp, trừ khi chúng ta có một phương án thay thế khác”, bà Kumari nói.
Leave a Reply