Taliban đang tìm cách thuyết phục các quan chức của chính quyền cũ cộng tác, trong khi tiến đánh lực lượng phản kháng tại tỉnh Panjshir.
Sau khi dễ dàng hạ gục thủ đô Kabul và chiếm quyền kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan, Taliban đã bắt đầu gặp những kháng cự đáng kể đầu tiên trước lực lượng đóng tại miền Bắc.
Trong lúc này, Taliban đang cố gắng đẩy nhanh tiến trình đàm phán với các cựu quan chức chính quyền cũ để có thể sớm thành lập chính phủ mới nhiều thành phần, với hy vọng được quốc tế công nhận.
Phản kháng tại phương Bắc
Trong khi phần lớn quân đội và lực lượng an ninh chính quyền Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani đã sụp đổ, những thành phần kiên cường nhất vẫn chưa bỏ cuộc.
Hàng nghìn quan chức, binh sĩ, nhân viên chính phủ đã rút lui tới thung lũng Panjshir, Đông Bắc thủ đô Kabul, thề chiến đấu chống Taliban đến cùng từ tỉnh duy nhất hiện còn chưa bị lực lượng Hồi giáo Sunni cực đoan chiếm đóng.
Nòng cốt của lực lượng phản kháng chống Taliban là Phó tổng thống Amrullah Saleh – người đã tuyên bố là lãnh đạo hợp pháp của Afghanistan sau khi Tổng thống Ghani tháo chạy, và Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Khan Mohammadi.
Ngoài ra, phe phản kháng còn có Ahmad Massoud, con trai của chỉ huy lừng danh tại Panjshir là Ahmad Shah Massoud – người từng thống lĩnh Liên minh phương Bắc phối hợp cùng Mỹ và đồng minh lật đổ Taliban năm 2001.
Theo New York Times, một trận đánh ác liệt đã diễn ra ở thung lũng Andarab, phía bắc tỉnh Baghlan, giáp ranh tỉnh Panjshir. Lực lượng phản kháng đã giành lại ít nhất 3 quận ở khu vực này, chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 150 km.
Trận đánh nổ ra khi các tay súng Taliban đang đi kiểm tra từng ngôi nhà. Cảnh sát địa phương là lực lượng chính đánh trả Taliban tại đây. Khoảng 30 tay súng Taliban đã bị tiêu diệt. Quân phản kháng cũng bắt giữ hàng chục tay súng khác.
Trong các video được đăng tải trên mạng xã hội, các chiến binh lực lượng phản kháng và người dân địa phương đã giật đổ cờ màu trắng của Taliban, và kéo lên lá cờ ba màu đen, đỏ và xanh là quốc kỳ của Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền cũ, ông Mohammadi, gọi lực lượng phản kháng là “quân kháng chiến của nhân dân” và tuyên bố “cuộc kháng chiến vẫn sẽ tiếp tục”.
Lúc này tại Panjshir, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia đã được thành lập. Bất chấp những tuyên bố cứng rắn, lực lượng ở Panjshir dường như không thực sự đủ khả năng phát động một cuộc chiến toàn diện chống Taliban. Các nhà phân tích tin rằng lực lượng phản kháng đang cố gắng gây sức ép buộc Taliban thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực.
“Tốt nhất là cùng chờ xem chúng ta sẽ đạt được gì trong dàn xếp chính trị sắp tới”, Ahmad Wali Massoud, em trai của Ahmad Shah Massoud, người từng là đại sứ Afghanistan ở Anh, cho biết.
Phe Panjshir hiện bị cô lập về mặt địa lý, không thể tiếp cận biên giới. Nếu không có trợ giúp từ bên ngoài, lực lượng phản kháng sẽ khó có thể duy trì cuộc chiến trong thời gian dài.
Vừa đánh, vừa đàm
Sau trận đánh tại Baghlan, Taliban hôm 22/8 tuyên bố quyết chiếm Panjshir, thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến.
“Hàng trăm chiến binh mujahideen của Tiểu vương quốc Hồi giáo (tên gọi nhà nước do Taliban thành lập) đang tiến về tỉnh Panjshir để kiểm soát nơi này, sau khi các quan chức tỉnh từ chối chuyển giao hòa bình”, Taliban viết trên trang mạng xã hội Twitter, AFP đưa tin ngày 22/8.
Taliban lúc này đang đàm phán với các chính trị gia có tiếng của chính quyền cũ còn ở lại Kabul. Nếu muốn được quốc tế công nhân, chính phủ mới sẽ cần có nhiều lực lượng chính trị tham dự chứ không riêng Taliban.
Điều này quan trọng ở chỗ sẽ giúp Afghanistan của Taliban được tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, nối lại các chuyến bay thương mại nước ngoài, tiếp cận các hình thức hỗ trợ quốc tế.
Tới nay, chưa quốc gia nào công nhận Taliban là đại diện hợp pháp của Afghanistan.
Trưởng văn phòng chính trị Taliban, phó thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar, đã có mặt ở Kabul từ 21/8. Giới lãnh đạo Taliban đã tiếp xúc với các chính trị gia còn lại của chính quyền cũ, như cựu Tổng thống Hamid Karzai, cựu lãnh đạo Hội đồng hòa giải dân tộc Abdullah Abdullah, và thủ lĩnh một nhóm Hồi giáo lớn là Gulbuddin Hekmatyar.
Taliban đã công bố video một số cựu quan chức chính quyền cũ cam kết trung thành với tổ chức này, trước sự chứng kiến của các binh lính và giáo sĩ.
Hôm 22/8, cựu Bộ trưởng Biên giới Gul Agha Sherzai – một đồng minh thân cận của Mỹ – xuất hiện trong một video như vậy. Trước đó, em trai của Tổng thống Ghani là Hashmat Ghani cũng tuyên bố trung thành với Taliban.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Omar Zakhilwal vừa trở về Afghanistan sau một chuyến đi nước ngoài. Ông này đăng trên mạng xã hội hình ảnh bản thân đang uống trà với các tay súng Taliban và gặp gỡ các cựu quan chức chính phủ cũ ở Kabul.
“Chúng tôi nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ, không biết mệt mỏi để giúp tạo ra một môi trường nơi mọi người Afghanistan, bất kể xuất thân, đều cảm thấy hạnh phúc. Tôi rất lạc quan vào tương lai của đất nước”, ông Zakhilwal viết trên Twitter.
Cuộc tháo chạy tiếp tục
Nhưng nhiều người Afghanistan không chia sẻ sự lạc quan của cựu bộ trưởng Tài chính. Hàng chục nghìn người đang tiếp tục tìm cách tháo chạy khỏi Afghanistan thông qua con đường duy nhất là sân bay Kabul.
Bởi số người đổ về qúa đông, nhiều gia đình đã kẹt lại tại đây nhiều ngày, không có đồ ăn thức uống, không có mái nhà. Ban đêm, có tiếng súng lẻ tẻ vang lên bên ngoài cổng ra vào sân bay.
Quân đội Mỹ và NATO là lực lượng duy trì an ninh sân bay trong lúc này. Tình hình hiện rất căng thẳng sau khi IS đe dọa sẽ có thể xâm nhập vào bên trong sân bay.
Một phụ nữ 27 tuổi tên Muska cho biết cô cùng chồng và con một tuổi đã kẹt ở sân bay suốt nhiều ngày. Anh trai của Muska từng làm việc cho đặc nhiệt Mỹ, vì vậy cả gia đình cô thuộc nhóm có nguy cơ bị Taliban trả thù.
Muska nói gia đình đã hết đồ ăn. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là ở đây không có sữa công thức cho trẻ nhỏ. Muska nói con cô cần trợ giúp y tế sau nhiều ngày phơi nắng mà không có mái che.
“Tôi chỉ có thể cho con bú. Nhưng đã nhiều ngày tôi không được ăn gì, tôi không còn có sữa nữa. Con tôi đã sụt cân thấy rõ, nó không khỏe chút nào”. Muska nói.
Trong đám đông hỗn loạn bên ngoài sân bay, ít nhất 7 người đã thiệt mạng.
Trước cuộc khủng hoảng tại sân bay Kabul cũng như tương lai bất định về thời gian cầu hàng không này còn có thể duy trì, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 22/8 thừa nhận có khả năng sẽ không thể di tản tất cả người Afghanistan có giấy tờ hợp lệ.
Một số quan chức châu Âu phàn nàn rằng binh sĩ Mỹ đã chặn lối vào sân bay Kabul, và rằng chỉ tiếp nhận các nhân viên và cộng tác viên của nước này. Dù vậy, tình hình dường như đã được cải thiện.
Các nước châu Âu lo ngại họ sẽ không thể kịp di tản hết những người có giấy tờ hợp lệ trước hạn chót 31/8 như dự kiến của Washington.
Anh, Đức, Pháp hối thúc Mỹ và NATO duy trì hiện diện quân sự lâu tối đa có thể để có thêm thời gian di tản. Nhưng giới chức NATO cho biết họ vẫn chưa nhận được dấu hiệu rõ ràng từ Tổng thống Biden liệu Washington có gia hạn thời gian di tản hay không.
“Nếu Mỹ rời đi, châu Âu không có đủ năng lực quân sự để chiếm giữ và bảo vệ sân bay, Taliban sẽ giành quyền kiểm soát”, Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, nói.
Leave a Reply