Friday, April 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Phi thuyền DART được Mỹ phóng lên bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 hôm 23/11.
Phi thuyền DART được Mỹ phóng lên bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 hôm 23/11.

Cơ quan hàng không-vũ trụ Mỹ NASA phóng lên một phi thuyền từ California vào tối thứ Ba 23/11 nhằm thử nghiệm hệ thống phòng thủ hành tinh đầu tiên trên thế giới.

Theo thiết kế, hệ thống này dùng một phi thuyền nhỏ đâm vào một tiểu hành tinh để làm chệch hướng, tránh xảy ra một vụ va chạm tiềm tàng dẫn đến ngày tận thế của trái đất.

Lúc 10h21 tối, giờ tại bờ biển miền tây nước Mỹ hôm 23/11, tức 6h21 giờ GMT ngày 24/11, phi thuyền có tên viết tắt là DART bay lên từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ Vandenberg, cách Los Angeles khoảng 210 km về phía tây bắc.

DART có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh lớn và được tách ra khỏi tên lửa đẩy chỉ vài phút sau khi được phóng lên. Sau đó, nó bắt đầu hành trình dài 10 tháng đi vào vũ trụ, cách trái đất khoảng 11 triệu km.

DART sẽ bay theo sự điều hướng của những người điều hành bay thuộc NASA cho đến những giờ cuối cùng của cuộc hành trình, khi đó quyền kiểm soát sẽ được chuyển giao cho một hệ thống định vị tự động trên tàu.

Phần cuối của nhiệm vụ này sẽ là kiểm chứng trên thực tế về khả năng của phi thuyền trong việc làm thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh chỉ đơn thuần bằng lực chuyển động. Phi thuyền sẽ lao vào tiểu hành tinh với tốc độ cao để đẩy nó chệch đi vừa đủ cho hành tinh của chúng ta không gặp nguy hiểm.

Các máy ghi hình gắn trên DART và trên một thiết bị bay mini chỉ nhỏ bằng một chiếc cặp sách được tách ra khỏi DART khoảng 10 ngày trước đó sẽ ghi lại vụ va chạm và truyền hình ảnh về trái đất.

Trên thực tế, tiểu hành tinh mà DART đang nhắm tới không gây ra mối đe dọa nào và rất nhỏ so với tiểu hành tinh hủy diệt Chicxulub đã đâm vào trái đất khoảng 66 triệu năm trước, dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long. Nhưng các nhà khoa học cho biết các tiểu hành tinh nhỏ lại có đầy rẫy hơn nhiều và trên lý thuyết chúng đáng ngại hơn trong tương lai gần.

Mục tiêu của DART là một “mặt trăng nhỏ”, tức vệ tinh, của một hệ tiểu hành tinh. “Mặt trăng nhỏ” này có kích thước bằng một sân vận động bóng đá, bay quay quanh một khối đá lớn hơn nó gấp 5 lần và là thành phần trong một hệ nhị tiểu hành tinh có tên Didymos, nghĩa là sinh đôi trong tiếng Hy Lạp.

Chương trình DART có tên đầy đủ là Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Kép. Nhóm thực hiện chương trình chọn hệ Didymos vì nó có vị trí tương đối gần trái đất và cấu hình hai tiểu hành tinh khiến nó trở nên lý tưởng để quan sát kết quả của vụ đâm va.

NASA chi cho dự án DART 330 triệu đô la, thấp hơn đáng kể so với nhiều chương trình khoa học có tham vọng to lớn hơn của cơ quan vũ trụ này.(VOA)

Share.

Leave a Reply