Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Photo VTV
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Photo VTV

Hôm 18/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về các hành động quân sự riêng biệt của Đài Loan, Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền.

Phản ứng trước tin tức cho rằng một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Vừa qua một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 9/11.

Báo cáo này xác nhận rằng tàu ngầm Hải Long (Hai Lung – Sea Dragon) thuộc Hạm đội 256 của Đài Loan đã tham gia thành công một số hoạt động bao gồm diễn tập bắn tên lửa của hải quân và không quân, diễn tập tuần tra định kỳ và tác chiến chiến thuật gần Itu Aba, tức đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan không nói rõ thời gian và chi tiết của cuộc tập trận, nhưng cho biết tàu ngầm có vai trò “bảo vệ các tuyến đường biển trong thời kỳ hòa bình”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đế việc tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Philippines khi tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng nói: “Lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán”.

“Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong mọi hoạt động ở trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực,” bà Hằng cho biết thêm.

Hôm 16/11, ba tàu hải cảnh Trung Quốc đã có hành động cản trở, phun vòi rồng nhằm vào hai tàu Philippines khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho lực lượng trên Bãi Cỏ Mây, theo Reuters và AP.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 18/11 nói rằng “hành vi cản phá của tàu Hải cảnh Trung Quốc là bất hợp pháp”. Ông đồng thời cảnh báo việc Bắc Kinh hành động thiếu kiềm chế sẽ đe dọa đến quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Ngoại trưởng Locsin cho biết thêm rằng không có ai bị thương trong sự cố này. Tuy nhiên, các tàu thuyền của Philippines đã phải hủy bỏ nhiệm vụ và quay về bờ.

Philippines coi Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) trên quần đảo Trường Sa là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, trong khi đó Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Philippines quản lý Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 cho đến nay.

Share.

Leave a Reply