Friday, April 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
January 26, 2023
Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Có đến hơn 20 gương mặt được “chọn mặt gửi vàng” ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc” để trao giải Oscar 2023, nhưng cuối cùng chỉ có năm cái tên được đề cử để có cơ hội trở thành chủ nhân của tượng vàng.

Hóa thân thành “quả bom sex của Hollywood” Marilyn Monroe, Ana de Armas có vai diễn để đời và cả đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của mình. (Hình: Facebook Blonde)

Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) vào tối 24 Tháng Giêng công bố các danh sách đề cử chính thức tại cuộc đua giành giải Oscar, dự kiến diễn ra ngày 12 Tháng Ba.

Trong số các danh sách đề cử, hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc” được quan tâm hơn cả vì năm nay có nhiều gương mặt nữ được lựa chọn, mà ai thì cũng tài sắc vẹn toàn. Vậy thì ai trong số năm minh tinh được đề cử dưới đây sẽ được xướng tên?

Ana de Armas trong phim “Blonde”

Lần đầu tiên, một nữ diễn viên gốc Cuba được đề cử giải Oscar và Ana de Armas vô cùng lấy làm vinh dự khi góp mặt trong danh sách lần này.

Trong tác phẩm “Blonde” của đạo diễn Andrew Dominik, nữ diễn viên sinh năm 1988 được chọn để hóa thân thành cố minh tinh Marilyn Monroe sau khi vượt qua nhiều cái tên tiềm năng và gạo cội khác, bao gồm Naomi Watss và Jessica Chastain.

Nữ diễn viên Ana de Armas tại lễ trao giải Golden Globe Awards ở Beverly Hills, California, hồi 10 Tháng Giêng vừa qua. (Hình: Amy Sussman/Getty Images)

Sau khi công bố dự án, dư luận hoài nghi về diễn xuất của Ana de Armas vì cho rằng việc trở thành một tượng đài Hollywood một thời có vẻ hơi quá sức với nữ diễn viên. Tuy nhiên, Ana de Armas đã khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi lột tả sự quyến rũ, thần thái gợi cảm, gợi đòn và sâu thẳm bên trong là nỗi cô độc của một ngôi sao nổi tiếng.

Ngoài ra, “Blonde” còn vấp phải một làn sóng tẩy chay khi cho rằng bộ phim xuyên tạc về cuộc đời của Marilyn Monroe nhưng khán giả lại quên rằng, đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện hư cấu, không có thực do nhà văn Joyce Carol Oates vẽ nên, thêu dệt cuộc đời của một minh tinh “tài năng nhưng bạc mệnh.”

Trong đó, diễn xuất của Ana de Armas sẽ khiến người xem có sự đồng cảm, chua xót cho cuộc đời của mỹ nhân vốn được mọi người tung hô, khao khát, nhưng bên trong là một tâm hồn vụn vỡ, khao khát tình yêu và một mái ấm bình dị, giản đơn.

Sau một loạt vai diễn phụ trong “The Gray Man,” “No Time to Die,” hay “War Dogs,” cuối cùng Ana de Armas cũng có một vai chính dài hơi được công nhận.

Poster phim “To Leslie.” (Hình: Facebook To Leslie)

Andrea Riseborough trong phim “To Leslie”

“To Leslie” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Michael Morris, dựa trên kịch bản của nhà biên kịch Ryan Binaco, được vinh dự có đề cử Oscar đầu tiên ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” dành cho nữ chính Andrea Riseborough.

Trong phim, Andrea Riseborough thủ vai Leslie, một cô gái nghiện rượu ở Texas, vô tình trúng xổ số trị giá $190,000. Với số tiền thắng được, Leslie dành trọn cho bia rượu, ma túy và cờ bạc. Trong suốt sáu năm liền, cô sống chu du từ các nhà nghỉ này đến nhà trọ khác, cho đến khi cô tìm về lại với đứa con trai 20 tuổi từng bị cô bỏ rơi.

Andrea Riseborough có được đề cử Oscar đầu tiên trong đời với tác phẩm “To Leslie.” (Hình: John Phillips/Getty Images)

Cậu con trai James đồng ý cho mẹ ở nhờ với điều kiện Leslie phải từ bỏ rượu. Từ đây, cuộc đời của cô nàng nát rượu tưởng chừng như không thể làm lại, lại có dịp được nhìn lại chính mình và thay đổi cuộc đời.

“To Leslie” có lẽ là một bộ phim có tình tiết chậm rãi, nhưng bằng diễn xuất đầy chân thật của Andrea Riseborough, người xem dần dần hình thành nên sự cảm thông sâu sắc đối với nhân vật vốn bị coi là cặn bã hay vứt đi trong xã hội. Với vai diễn này, nữ diễn viên sinh năm 1981 có cơ hội thể hiện tài năng diễn xuất của mình và đến gần với khán giả hơn.

Cate Blanchett hóa thân thành nữ cường quân đứng đầu một dàn nhạc giao hưởng có tiếng ở Berlin trong “Tár.” (Hình: Facebook Tár)

Cate Blanchett trong phim “Tár”

Trong số năm gương mặt được đề cử ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” năm nay thì Cate Blanchett là cái tên rất quen thuộc của Oscar. Cô từng là chủ nhân tượng vàng Oscar năm 2004 cho vai diễn Katharine Hepburn trong tác phẩm “The Aviator” và thêm một lần nữa vào năm 2013 với vai diễn Jasmine Francis trong dự án “Blue Jasmine.”

Góp mặt trong dự án “Tár” của đạo diễn Todd Field, Cate Blanchett hóa thân thành một nữ soạn nhạc người Đức lừng danh Lydia Tár, người dành trọn cả cuộc đời của mình dành cho dàn nhạc giao hưởng Berlin nổi tiếng.

Liệu Cate Blanchett sẽ có thêm tượng vàng Oscar trong sự nghiệp diễn xuất của mình tại lễ trao giải sắp diễn ra tới đây? (Hình: Hanna Lassen/Getty Images)

Bên cạnh một tài năng thiên bẩm sáng giá, lèo lái cả một đoàn tàu giao hưởng với mỗi nghệ sĩ là một cá tính khác nhau, hình ảnh Lydia Tár hiện lên như một nữ cường quân, khiến người xem phải sởn da gà khi lắng nghe những lời nói rao giảng của cô về đức tin âm nhạc mà cô theo đuổi, hay những lần biện luận để bảo vệ niềm tin của mình đối với nghệ thuật như một tình yêu bất diệt không thể phai mờ.

Tuy nhiên, nếu như trong công việc và tình yêu với âm nhạc giúp cho Lydia Tár thăng hoa thì trong cuộc sống cá nhân của cô lại bộn bề nhiều tính toán và dục vọng khi cô có đến ba mối tình cùng lúc với ba người phụ nữ khác nhau, khiến cho nữ thiên tài cho dù có hay ho đến thế nào đi nữa thì cũng phải dừng bước trước cảm xúc rung động yêu đương.

Michelle Williams (giữa) tái hiện lại hình ảnh người mẹ của đạo diễn Steven Spielberg trong “The Fabelmans.” (Hình: Facebook The Fabelmans)

Michelle Williams trong phim “The Fabelmans”

Đạo diễn tài năng Steven Spielberg trở lại với màn ảnh rộng qua tác phẩm mới “The Fabelmans” lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ hoài bão của ông, gửi gắm cho khán giả một tấm vé trở về tuổi mộng mơ của mình.

Trong phim, cậu bé Sammy Fabelman trong một gia đình gốc Do Thái ở tiểu bang Arizona nung nấu ước mơ trở thành một nhà làm phim khi lớn. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, cuộc sống của ai cũng khó khăn, khiến cho người cha trụ cột trong gia đình bươn chải kiếm tiền và bỏ qua những nghệ thuật mộng mơ thì chính người mẹ là người đã ủng hộ và nuôi dưỡng cho giấc mơ của Sammy.

Michelle Williams từng được năm lần đề cử giải Oscar. (Hình: Frazer Harrison/Getty Images)

Vai diễn của Michelle Williams được xây dựng trên hình ảnh của mẹ của Steven Spielberg, lột tả được sự dịu dàng, che chở của một người mẹ thương con và ân cần, chở che và truyền cảm hứng cho con mình theo đuổi những gì mình mong muốn. Nhưng bên trong người mẹ đó là một tình yêu thầm kín mà bà dành cho người bạn chồng của mình, để khi cậu bé Sammy trưởng thành phát hiện ra trong một lần quay phim cho mẹ, khiến trái tim cậu vụn vỡ vì hôn nhân “chấp vá” của cha mẹ.

Bên cạnh Cate Blanchett thì cái tên Michelle Williams cũng rất quen thuộc tại các danh sách đề cử Oscar trong suốt các năm qua. Biết đâu sau năm lần đề cử, chiến thắng Oscar ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” năm nay sẽ mỉm cười với minh tinh người Mỹ.

Trong “Everything Everywhere All at Once,” Michelle Yeoh (trái) có dịp thể hiện các pha hành động đậm chất Á Châu đã mắt dù bà đã 60 tuổi. (Hình: Facebook A24)

Michelle Yeoh trong phim “Everything Everywhere All at Once”

Michelle Yeoh, hay tên tiếng Việt được phiên âm là Dương Tử Quỳnh, là hoa hậu Malaysia năm 1983, và là một nữ diễn viên hành động nổi tiếng ở Hồng Kông trong thập niên 1990.

Gia tài phim ảnh của Michelle Yeoh nhiều vô số kể, trong đó có các tác phẩm làm nên kinh điển cho nền điện ảnh Hồng Kông như “Yes, Madam,” “Police Story 3: Supercop” hay “Holy Weapon.” Năm 1997, bà bước chân vào Hollywood khi có một vai nhỏ trong bộ phim về điệp viên 007 mang tên “Tomorrow Never Dies.” Tiếp đến là hai tác phẩm đưa tên tuổi của Dương Tử Quỳnh được khán giả đại chúng được biết đến hơn qua “Crouching Tiger, Hidden Dragon” và “Memoirs of A Geisha.”

Với gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh, đến nay, dù ở độ tuổi 60 tuổi, bà vẫn luôn miệt mài đóng phim, đặc biệt là chú trọng vào các tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao do các hãng phim độc lập thực hiện.

Michelle Yeoh đoạt giải Golden Globe Awards vừa qua, người ta hy vọng bà cũng sẽ sở hữu luôn tượng vàng Oscar sắp tới. (Hình: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Đến với cuộc đua Oscar năm nay, người ta tin rằng nhiều phần Michelle Yeoh sẽ thắng khi bà có màn diễn xuất đáng nể hóa thân thành một phụ nữ trung niên đa tính cách ở các thực tại khác nhau trong bộ phim “Everything Everywhere All at Once” của bộ đôi đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert.

Nhân vật Everlyn Wang của Michelle Yeoh là một chủ tiệm giặt đồ gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong hôn nhân, mối quan hệ với gia đình và thậm chí là công việc làm ăn cũng không khá khẩm.

Trong cuộc sống đầy ngột ngạt đó, bỗng dưng một ngày Everlyn phát hiện ra có rất nhiều Everlyn phiên bản khác đang sống trong các thế giới khác với cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Các thực tại khác nhau càng lúc càng xuất hiện nhiều, buộc người đàn bà gốc Á “chân yếu tay mềm” bỗng chốc trở thành một nữ anh hùng bất đắc dĩ, đối đầu với một thế lực bóng tối để bảo vệ cuộc sống và người thân của mình.

Nếu như Michelle Yeoh được xướng danh năm nay, bà chính là minh tinh gốc Á đầu tiên sở hữu tượng vàng trong lịch sử Oscar. (Nhất Anh) [qd]

Share.

Leave a Reply