Thiên thạch Willamette nặng 15,5 tấn hình thành ở thuở sơ khai của hệ Mặt Trời và đâm vào Trái Đất ở tốc độ hơn 64.000 km/h trước khi trôi dạt từ Canada tới Mỹ.
Một trong những báu vật trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ là một khối đá ngoài hành tinh lớn mang tên thiên thạch Willamette. Với trọng lượng 15,5 tấn, đây là thiên thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở Mỹ và lớn thứ 6 trên thế giới, theo Amusing Planet.
Thiên thạch Willamette chủ yếu cấu tạo từ sắt và nickel. Giống như tất cả thiên thạch sắt khác, nó ra đời cách đây hàng tỷ năm khi hệ Mặt Trời vẫn đang thành hình từ bụi vũ trụ. Lực hấp dẫn khiến những hạt bụi này tụ lại với nhau, tạo thành phôi hành tinh, trong khi đó các kim loại nặng như sắt và nickel chìm vào bên trong và trở thành lõi. Về sau, phôi hành tinh nhiều khả năng va chạm với thiên thể khác, làm nó bị vỡ và các khối đá giàu sắt – nickel văng vào không gian.
Mảnh vỡ của phôi hành tinh tiếp tục bay quanh Mặt Trời trong vài tỷ năm tiếp theo cho tới cách khoảng 17.000 năm trước, khi quỹ đạo của Trái Đất và thiên thạch Willamette giao cắt. Thiên thạch đâm vào Trái Đất ở tốc độ hơn 64.000 km/h, ở một chỏm băng phía tây Canada.
Qua nhiều thế kỷ, sông băng dịch chuyển chậm rãi đưa thiên thạch tới Montana, gần dải băng chắn hình thành trên sông Clark Fork. Rào chắn này ngăn một lượng nước khổng lồ ở hồ Missoula. Khi thiên thạch tới khu vực, đập băng vỡ vụn giải phóng một trong những trận lụt lớn nhất từng được ghi nhận. Mắc kẹt trong băng, thiên thạch trôi nổi xuôi theo sông Columbia cho tới khi lớp vỏ băng vỡ ra và khối đá ngoài hành tinh chìm xuống đáy sông, gần thành phố Portland ngày nay. Vào cuối kỷ Băng Hà gần nhất, nước hạ thấp dẫn tới thiên thạch phát lộ. Trải qua hàng nghìn năm, nước mưa trộn lẫn với sắt sulfide trong thiên thạch tạo ra axit sulphuric, chậm rãi hòa tan nhiều chỗ trên khối đá, để lại lỗ rỗng trên bề mặt của nó.
Thiên thạch được phát hiện lần đầu tiên bởi người Clackamas Chinook, những người sống ở thung lũng Willamette của bang Oregon trước khi người định cư châu Âu xuất hiện. Họ đặt tên cho thiên thạch là “Tomanowos” và coi nó là vật thiêng liêng. Họ sử dụng khối đá trong nhiều nghi thức, dùng nước ở các khe của thiên thạch để tẩy trần. Trước khi đi săn, những thợ săn trong bộ lạc cũng nhúng đầu mũi tên vào nước đó.
Năm 1902, một thợ mỏ tên Ellis Hughes trông thấy thiên thạch và nhận ra tầm quan trọng của nó. Ông mất 3 tháng bí mật chuyển khối đá tới nhà riêng và thu phí vào xem. Khi vụ trộm bị phát hiện, chủ sở hữu hợp pháp của khối đá nộp đơn kiện và giành lại nó. Công ty bán thiên thạch cho William Dodge, người đã tặng lại nó cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York.
Thiên thạch Willamette nằm ở phòng trưng bày của bảo tàng gần một thế kỷ. Năm 1999, Liên minh các bộ lạc thuộc cộng đồng Grand Ronde ở Oregon (CTGRC), đòi trả lại Tomanowos. Cuối năm đó, một thỏa thuận được lập ra, cho phép lưu lại thiên thạch ở bảo tàng nhưng thành viên bộ lạc có thể tiến hành nghi thức riêng quanh khối đá mỗi năm một lần.
Leave a Reply