Bóng ma sa thải cùng những thông tin nhiễu loạn từ chính quyền đang gây nhiều thấp thỏm trong cộng đồng tình báo Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc của họ.
Cuối tháng trước, một chuyên gia phân tích tình báo quân sự Mỹ được triệu tập họp vào đầu giờ chiều tại trụ sở. Sau đó, ông nhận tin tức mà ông cùng nhiều đồng nghiệp đã lo sợ: Họ bị sa thải.
Chuyên gia phân tích này ký hợp đồng phục vụ cơ quan tình báo Mỹ với tư cách chuyên viên dân sự hồi mùa hè năm 2023, sau 21 năm phục vụ trong không quân Mỹ. Hiệu suất làm việc của ông được cấp trên đánh giá rất tích cực, nhưng ông còn thiếu vài tháng nữa mới hoàn thành thời gian thử việc hai năm.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy gần như toàn bộ hợp đồng thử việc trong các cơ quan liên bang. Điều này ảnh hưởng đến hơn 200.000 người đang làm việc trong bộ máy chính phủ Mỹ theo hợp đồng tập sự.
Giám đốc CIA John Ratcliffe lắng nghe Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc họp nội các đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông hôm 26/2. Ảnh: Washington Post
Lầu Năm Góc tuần này bắt đầu sa thải tới 5.400 nhân viên thử việc. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng có động thái tương tự, khi sa thải khoảng 80 người.
Chuyên gia phân tích trên đã gói ghém đồ đạc cá nhân để rời khỏi cơ quan. Nhưng đến hôm sau, ông lại được thông báo quyết định sa thải đang bị hoãn.
“Làm việc bây giờ gần như là bất khả thi”, người này nói, cho hay vẫn chưa biết rõ hợp đồng của mình sẽ thế nào. “Tinh thần đang xuống dốc tột độ”.
Một sĩ quan tại CIA thậm chí còn kém may mắn hơn ông. Sau 9 năm cống hiến ở cơ quan tình báo hàng đầu đất nước, từng phục vụ ở nước ngoài và được trao thưởng nhiều lần, ông được cấp trên khuyến khích nhận công việc liên quan đến các chương trình đa dạng hóa sắc tộc, công bằng và hòa nhập (DEI).
Ông bắt đầu làm việc này vào tháng 10 năm ngoái, để rồi chưa đầy ba tháng sau nhận quyết định sa thải, khi chính quyền Trump tiến hành chiến dịch tinh giản, cắt giảm chi tiêu liên bang quyết liệt, nhắm mục tiêu đầu tiên vào các chương trình DEI.
Sau khi có quyết định sa thải, ông đã nhận hai lời mời làm việc khác. Nhưng tuần trước, một thẩm phán liên bang chặn lệnh sa thải ông và 50 cựu nhân viên DEI khác, nhấn mạnh chỉ giám đốc CIA John Ratcliffe mới có thẩm quyền cho nhân viên thôi việc. Điều này khiến ông rơi vào tình thế bấp bênh, không biết rõ tương lai công việc của mình sẽ thế nào.
Trong cộng đồng tình báo Mỹ với hàng loạt cơ quan tình báo liên bang, chiến dịch tinh giản sâu rộng và những chỉ thị mâu thuẫn từ chính quyền đã khiến hàng chục nghìn nhân viên cảm thấy bất an. Những chuyên viên tình báo, vốn thường không quan tâm tới chính trị đảng phái và chỉ tập trung vào nhiệm vụ của mình, cho hay họ chưa từng chứng kiến tình trạng hỗn loạn như vậy suốt nhiều thập kỷ.
Vì công việc của họ chủ yếu diễn ra bí mật nên tác động từ nỗ lực định hình lại cộng đồng tình báo mà chính quyền Trump đang theo đuổi không được thể hiện rõ ràng như những khu vực khác trong chính quyền.
Nhưng các quan chức hiện tại và trước đây cảnh báo chiến dịch cắt giảm nhân sự, đặc biệt là đối với các sĩ quan trẻ, và tác động của chúng đến nỗ lực tuyển dụng trong tương lai có thể khiến Mỹ gặp khó khăn đáng kể khi thu thập thông tin tình báo về các mối đe dọa tiềm tàng.
“Chúng ta đang tự bắn vào đầu mình chứ không phải là chân nữa”, một cựu quan chức tình báo cấp cao cho hay. “Chúng ta đang đánh đổi tương lai của mình”.
Việc loại bỏ các chương trình DEI khiến một số quan chức tình báo cảm thấy bất bình, sau khi họ ghi nhận hiệu quả từ đội ngũ nhân sự đa dạng hơn.
Trong nhiều năm, các giám đốc tình báo đã phàn nàn về việc thiếu những nhà phân tích có kỹ năng ngôn ngữ và nền tảng văn hóa cần thiết để hiểu các xã hội nước ngoài, cũng như những điệp viên có đặc điểm ngoại hình dễ trà trộn hoạt động bí mật ở châu Phi, châu Á hay Trung Đông.
Cựu quan chức tình báo cấp cao cho hay ông đã nghe hơn 10 người trẻ tuổi nói họ bị hủy lời mời làm việc vì nỗ lực cắt giảm nhân sự. Ông biết nhiều người khác bị sa thải khi đang thử việc, trong số đó có cả các kỹ sư hạt nhân và nhà phân tích thông thạo tiếng Trung.
Một nhà phân tích tình báo trẻ đã chuyển đến Washington để làm việc, “thuê căn hộ, mua ôtô, đóng bảo hiểm, và chỉ trong chốc lát, họ không còn thu nhập nữa”, ông nói.
Cộng đồng tình báo Mỹ, gồm 18 cơ quan với khoảng 100.000 nhân viên và ngân sách 106 tỷ USD, thực hiện mọi công việc, từ điều hành các điệp viên, theo dõi những hoạt động quân sự nước ngoài, nghe lén thông tin liên lạc của đối thủ đến phóng và vận hành vệ tinh do thám tinh vi.
Theo một số cựu quan chức, việc cắt giảm những nhân tài mới, trẻ tuổi diễn ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn với CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Sau nhiều năm trì hoãn do Covid-19, CIA đã thực hiện một đợt tuyển dụng với số lượng tăng đột biến để chuẩn bị cho các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Kết quả là số lượng nhân viên thử việc hiện lớn hơn nhiều so với bình thường, một cựu quan chức CIA cho hay.
NSA bắt đầu đợt tuyển dụng của riêng mình cách đây hai năm, cũng sau khi bị trì hoãn bởi đại dịch và được thúc đẩy bởi làn sóng nhân viên đến tuổi nghỉ hưu.
NSA, trụ sở tại Fort Meade, Maryland, cho biết họ muốn tuyển dụng 3.000 người chỉ trong năm 2023. Nhiều nhân viên trong số đó vẫn ở giai đoạn thử việc kéo dài hai năm.
Đối với lực lượng tình báo, tính không chắc chắn về công việc và tương lai là nhân tố gây xao lãng nghiêm trọng, một quan chức tình báo cấp cao khác lưu ý.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang cân nhắc kế hoạch tinh giản một số phái bộ ở nước ngoài, khiến nhiều quan chức tình báo lo ngại điều này có thể hạn chế các lựa chọn cho những sĩ quan CIA. Các sĩ quan CIA ở nước ngoài thường làm việc tại đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ.
Một cựu quan chức CIA cho hay cảm giác hoang mang trong cơ quan đã giảm bớt phần nào khi mọi người hy vọng rằng quy mô chiến dịch sa thải nhân viên thử việc sẽ không sâu rộng như những gì họ lo sợ ban đầu.
“Tinh thần đã ổn định ở mức vừa phải”, ông nói.
Nhưng Kevin Carroll, luật sư đại diện cho 21 nhân viên CIA phụ trách DEI đã nộp đơn kiện để ngăn họ bị sa thải, đánh giá Tổng thống Trump đang đặt ra cho các nhân viên tình báo một câu đố mới bằng cách chuyển hướng mạnh sang cải thiện quan hệ với Nga và quay sang công kích Ukraine.
Giới chức tình báo Mỹ lâu nay đều coi Nga là đối thủ chính và Ukraine là một đồng minh cần hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định chấm dứt cả viện trợ quân sự lẫn hỗ trợ thông tin tình báo cho Ukraine.
“Bằng cách quay lưng lại với Ukraine và giảm bớt ủng hộ dành cho họ, chúng ta đang làm suy yếu an ninh châu Âu và lợi ích lâu dài của Mỹ”, một quan chức tình báo không quân nhận xét.
Quan chức không quân này, người phụ trách một đơn vị phân tích chiến thuật đặt tại châu Âu, cho hay 2 trong 7 nhân viên dân sự của ông đang trong thời gian thử việc. Một trong hai là người có 15 năm kinh nghiệm về tình báo quân sự. Giống như nhiều nhân viên tại các cơ quan tình báo quân sự Mỹ khác, nhân viên trên là một cựu binh, được tuyển làm công việc dân sự vì kỹ năng chuyên môn cao.
“Nếu tôi mất hai người đó, khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”, ông nhấn mạnh. “Có nhiều cách để tăng hiệu quả công việc tình báo, nhưng cắt giảm không phải là cách đó. Bạn không thể sa thải những người tốt nhất của mình”.
VH (Theo Washington Post, AFP, Reuters)
Leave a Reply