Giãn cách xã hội khiến nhiều phương tiện phải nằm yên một thời gian dài, đây là điều kiện thuận lợi để nấm mốc phát triển.
Một chiếc Volkswagen Multivan T5 tại Hà Nội gặp phải tình trạng mốc các chi tiết bên trong khoang lái sau một thời gian không sử dụng do giãn cách. Chủ xe cho biết có thể do để xe ngoài trời có mưa nên bên trong bị ẩm và gây ra mốc.
Khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam là điều kiện lý tưởng để nấm mốc sinh sôi và phát triển, đặc biệt là ở những môi trường khép kín, độ ẩm cao.
Nguyên nhân và hướng xử lý nấm mốc trên ôtô
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Hữu Cảnh – giám đốc dịch vụ Ford Suối Tiên cho biết ôtô là phương tiện được sử dụng thường xuyên nên vấn đề xe xuất hiện ẩm mốc rất hiếm xảy ra. Đợt giãn cách lần này tại TP.HCM khá lâu nên tình trạng nấm mốc có thể phát sinh nhiều trên nhiều phương tiện.
“Cũng giống như bàn hay ghế, nội thất xe không được bảo quản và để ở môi trường ẩm, đặt biệt những xe để ngoài trời mưa như mấy hôm vừa qua thì sẽ sinh ẩm mốc thôi”, ông nói thêm.
Anh Vương, một người chơi xe lâu năm tại TP.HCM, chia sẻ tình trạng khoang lái ôtô xuất hiện nấm mốc thường dễ gặp ở miền Bắc, ở miền Nam cũng có xảy ra nhưng chỉ đối với các xe để dưới hầm có độ ẩm cao và thiếu ánh nắng.
Để hạn chế vấn đề này, anh Vương nói: “Chủ xe nên định kỳ nổ máy xe mỗi tuần một lần, điều này không chỉ giúp ắc-quy được hoạt động mà còn cho không khí bên trong được thay đổi, hạn chế được phần nào nấm mốc”.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần giữ khoang lái khô thoáng, vệ sinh xe sạch sẽ trước khi đỗ xe lâu ngày. Việc làm này tuy không tốn nhiều thời gian nhưng hạn chế được quá trình vi khuẩn phát triển.
Trong trường hợp không may khoang lái “xế cưng” đã xuất hiện nấm mốc, điều đầu tiên chủ phương tiện cần làm là dùng khăn mềm để lau sạch các vết mốc. Ở bước tiếp theo, nên lái xe ra nơi thông thoáng và có ánh nắng Mặt Trời, hạ kính và nên mở hết cửa để độ ẩm trong xe được giảm.
Ông Cảnh cũng đưa ra lời khuyên nếu xe đã bị mốc nặng thì cần mang đến các cơ sở dịch vụ để làm vệ sinh kỹ khoang lái. Các cơ sở này có đủ dụng cụ để tháo ghế cũng như vệ sinh kỹ các khe nhỏ trong xe.
Các vấn đề khác thường gặp khi đỗ xe lâu ngày
Bên cạnh vấn đề nấm mốc, đỗ xe lâu ngày trong giai đoạn giãn cách cũng khiến cho phương tiện mắc phải nhiều “bệnh” khác. Các vấn đề dễ gặp đối với ôtô đỗ lâu ngày là ắc-quy hết điện, lốp bị mềm hay chuột chui vào xe làm ổ và cắn phá.
Tình trạng ắc-quy hết điện rất dễ xảy ra trên các dòng xe có đời sâu và sử dụng ắc-quy đã nhiều năm, các xe đời mới nhưng gắn thêm các thiết bị tiêu thụ điện như định vị hay camera hành trình cũng có khả năng gặp tình trạng này. Khi xác định đỗ xe lâu ngày, chủ xe nên tháo cọc âm của bình ắc-quy hay bật chế độ tiết kiệm điện ắc-quy đối với những dòng xe có tính năng này.
Nếu ắc-quy đã hết điện, người dùng chỉ có 3 phương án để lựa chọn: Sạc lại bình, thay bình mới hoặc kích bình. Trong 3 cách vừa nêu, kích bình là biện pháp được nhiều người lựa chọn nhất vì ít tốn thời gian và chi phí. Chủ xe có thể tự trang bị bộ kích bình với mức giá khoảng 1 triệu đồng hoặc có thể lấy điện từ xe khác qua để kích nổ động cơ.
Vấn đề lốp bị mềm sau một thời gian không sử dụng xử lý tương đối đơn giản, người dùng chỉ cần bơm lên là có thể chạy xe bình thường. Tuy nhiên nếu lốp đã bị mất hết áp suất và máy bơm cỡ nhỏ không đủ lực nén thì buộc lòng phải thay lốp dự phòng.
Vị trí lốp dự phòng thường nằm ở phía sau, đối với dòng SUV hay bán tải thì lốp dự phòng thường đặt phía dưới sàn, trong khi các mẫu xe sedan hay hatchback có vị trí đặt lốp dự phòng ẩn phía dưới khoang chứa hành lý.
Chuột chui vào xe làm ổ hay cắn phá không phải là chuyện hiếm gặp, đặc biệt là khi đỗ xe ở những không sạch sẽ. Những cách hạn chế chuột chui vào xe thường được các lái xe truyền tai nhau là đặt long não trong khoang lái, thường xuyên nổ máy xe, nuôi mèo…
Leave a Reply