Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Thân chuyển
Lương Phúc Thọ CVA65
*****

TIẾNG CƯỜI TRÊN ẤY
 

Những vệt đèn pha loang loáng, hỗn loạn, cuồng quýt quét sâu vào màn đêm đặc kịt. Gió giật trùng trùng. Mưa đổ ào ạt. Trận bão lớn thịnh nộ trên hàng ngàn cây số núi rừng. Đoàn xe nối đuôi nhau, thận trọng trèo men theo những bờ vực, những thành cầu, vượt qua khu trại cưa, chùn lại trên con đường dốc khấp khểnh, rú máy, leo lên, tiến vào khoảng đất trống, mầu đất hiện lên từng khoảng đỏ thẫm, trơn nhẫy. Tất cả lần lượt đậu lại, máy réo ầm ầm, khói bốc khét lẹt, rồi máy tắt, những đầu xe nghi ngút đậu chúi mũi vào thềm quán.

Từ khoảng sân tối thẫm phía sau quán đàn bẹc-giê lao ra, chồm lên, sủa dữ dội. Người ta nghe thấy những tiếng chửi thề, tiếng những cánh cửa xe mở vội vã rồi đóng sập lại. Từ những ca-bin kính mờ hơi nước đọng, từ những khung vải bạt bịt bùng, những bóng người tới tấp nhảy xuống, cúi lom khom, rúm lại dưới màn mưa, chạy thốc vào thềm quán. Hàng hiên nhỏ lố nhố đầu người, mụ Năm dơ cao ngọn đèn bão, ánh lửa lay tạt chiếu vào những khuôn mặt lướt thướt, loang lổ dầu mỡ. Tài xế, lơ, khách quá giang, bạn hàng, cả thảy đến năm chục mạng, rũ mưa rào rào. Họ sô dạt mụ Năm ra, ùa vào trong quán. Mụ Năm cầm đèn đi theo, cánh cửa đóng nghiên lại, ánh sáng tắt ngấm trên khoảng hiên nhỏ đã nhòa vào bóng tối, gió giật từng hồi, như muốn bóc cái quán lên không gian, mưa lại ào ào đổ xuống.

Đám thực khách ngồi chen vai thích cánh nhau trên hai hàng ghế làm bằng những thân cây rừng vây lấy một dãy bàn dài, đối diện với cái quầy rượu ngất ngưởng. Tiếng nói chuyện, đằng hắng, chửi thề, cười nói, khạc nhổ, khịt mũi xuỵt soạt át hẳn tiếng mưa bên ngoài.

– Đói thấy ông tổ nội.

– Chuyện, từ sáng đến giờ.

– Không về được đến đây thì dễ nhịn đói suốt đêm nay, hả mày ?

– Phải cố mà bò về chứ. Phải cà rịch cà tang mà về, chứ không thì chết đói chắc. Chà, trời với đất, mưa thối đồi thối núi !

Tài xế nói chuyện với lơ, lơ nói chuyện với khách hàng, khách hàng nói chuyện với mụ Năm về chuyến đi nguy hiểm – mưa bão liên miên không dứt đã ba ngày trên khắp vùng cao nguyên này, hàng chục chiếc xe chở nặng còn đang nằm ở dọc đường bể bánh, đứt thắng, chết điện, lênh đênh nghiêng ngả, ở lưng chừng những con dốc không leo lên được, dưới lòng những vực thẳm không bò qua được. Mụ Năm cười cười nói nói, suồng sã với kẻ này, thân mật với kẻ khác, cái thân thể mập hú bì bạch như con vịt bầu te tái đi từ đầu bàn đến cuối bàn. Mụ vừa lo vừa mừng. Mụ muốn kéo dài thì giờ. Không xong. Đám người bụng đói, dạ rét ấy đã đòi ăn nhộn lên. Thật tình, mụ không ngờ họ lại về đông đến thế. Gạo còn, nhưng thịt nai thì gần hết rồi. Trong bếp chỉ còn chừng nửa nồi ra-gu, san khéo lắm chỉ đủ sáu phần ăn.

– Bây giờ các chú ăn cơm phải không ? Mụ Năm làm bộ tươi tỉnh cất tiếng hỏi tất cả.

Thế là lại ồn ào lên, lại nháo nhác lên, lại những bàn tay vung tít, nóng nảy, lại kêu giời, lại chửi thề ầm ỹ.

– Đói thấy mồ còn hỏi lẩm cẩm, chị Năm kỳ thiệt đấy nhỉ !

– Cho ăn đi mau lên chị Năm.

– Bộ nhà hết thức ăn rồi sao chị Năm ? Tụi tôi chết đói cả rồi đây, chị Năm.

Một thằng lơ oắt con, mặt choắt lại như hai cái ngón tay bắt chéo, bỗng réo lên :

– Thằng Dắc I Thằng Dắc đâu.

Những tiếng khác ồn ào phụ họa :

– Phải rồi, phải rồi, Thằng Dắc. Gọi thằng Dắc ra đây. Lôi cổ thằng Dắc ra đây cho bọn tui, mụ Năm.

Đúng thằng Dắc. Tại thằng Dắc hết. Thức ăn không có là tại cái thằng Dắc. Cái quán hàng này một dạo vắng ngắt như chùa Bà Đanh là tại cái thằng trời đánh thánh vật. Đêm nay mụ mất một đám khách hàng đông đảo như thế này là tại nó hết. Mà nó đâu rồi chứ. Mụ bỗng thấy giận điên lên. Cái máu tam bành lục tặc chạy vút một vòng khắp người, bốc lửa lên đầu mụ, mụ lại muốn xỉa xói rủa xả một hồi. Mụ lạch bạch chạy vào phía sau quầy rượu. Dắc vẫn thường ngồi thu mình trong đó, với lũ chai cốc, Nhưng cái quầy vắng ngắt, vắng ngơ. Tiếng mụ Năm the thé la lớn :

– Dắc ! Dắc ! Dắc.

 Và Dắc tỉnh đậy. Dắc bàng hoàng tỉnh dậy như vừa từ một chiếc đài hoa lớn mà tỉnh dậy, tiếng thét lanh lảnh của mụ Năm là chiếc gai buốt nhọt đâm thấu suốt đài hoa. Dắc nằm ngửa, thân thể đỏ hỏn, lông lá, tênh hênh trên chiếc giường vải gấp, thần trí chập chờn của Dắc còn vang vọng tiếng mưa lũ dạt dào dội lại từ một phương trời nào, phương trời đó ở cách đây hàng vạn cây số, mịt mùng, hoa cỏ đứng yên phăng phắc, như trên một nấm mồ, một nghĩa địa và cơn mộng dữ đã đưa linh hồn Dắc trở về, đẩy cái khối linh hồn đớn đau đó thức tỉnh đột ngột bởi những tiếng thét của con quỷ cái từ buồng ngoài dội vào. Thoáng hiện, trong một giây phút ngắn ngủi, mong manh, và đã tan vỡ, đã rời gẫy, những hình ảnh cũ. Đỉnh núi chất ngất. Hoa tuyết lả tả. Những cánh rừng thông bát ngát đông đặc lại trong buổi sáng mùa Đông. Con đường nhỏ chạy vòng từ trên cao xuống đáy thung lũng như một tâm hồn thi sĩ lang thang, rồi mùa Xuân, cỏ bồng bềnh khắp hai bờ, đợt khói tà tà cuộn lên trong vòm trời tím dần, tím dần, tiếng chuông thả giọt vào lòng lũng hẹp, những mái nhà già nua thở nồng mùi gỗ cũ, người mẹ, những đàn bà. Và nó. Và nó. Và nó. Cái khăn kim tuyến bay phất phất trên suối tóc nó vàng ánh như một cánh đồng lúa mì, đôi mắt nó xanh biếc ác độc, tiếng cười ròn rã ngửa cổ trắng ngẩn thấy rõ cuống họng. Nước mắt Dắc trào ra. Dắc không biết mình đang nằm ở nơi nào, thân thể, thần trí, những hình ảnh chập chờn trong đầu thảy đều như những cục bông nõn nổi trôi trên một cái nền nhạt loãng, đục lờ đờ của sương mù. Tiêng mụ Năm lại réo lên :

– Dắc ! Dắc ! Dắc !

Dắc đã biết hắn đang nằm ở đâu rồi, Hắn chửi thề, đoạn lồm cồm bò dậy :

– Tao đây, con đĩ dại, tao đây. Dắc lầu nhầu.

Không khí rét buốt như cắt từng miếng thịt vây lấy Dắc. Hắn thả chân xuống lòng đất tối, sỏ vào đôi guốc mộc, quơ tay, nhặt lấy chiếc áo sơ mi ka ky cũ khoác lên người, loạng choạng đi ra. Cánh cửa thông kêu ken két, ánh sáng đập vào mắt Dắc, hắn gấp gay, cái thân thể lực lưỡng lắc lư giữa thân cửa, những tiếng cười phá nhất tề ngồi dậy.

– Trông nó kìa. Tội nghiệp cho tôi chưa ?

Mụ Năm chống cánh tay vào sườn, đứng khuỳnh khuỳnh, như muốn phân bua với mọi người. Mụ thở dài sườn sượt, giận dữ nhìn theo Dắc lảo đảo đi lần về phía quầy rượu. Dắc xô vào thằng lơ ngồi ở đầu dãy, thằng lơ giơ chân ngáng, Dắc ngã chúi đầu đập vào thành quầy, những đợt cười lại ào ào nổi lên. Dắc nặng nhọc đứng dậy, không thèm ngó ai, lầm lũi men theo quầy đi vào phía trong. Ngọn đèn từ trên cao trút hết ánh sáng xuống đầu xuống cổ Dắc. Mái tóc Dắc lưa thưa, những sợi ngắn và cứng quăn tít như những búi cỏ già mầu lửa, lông mày trắng toát phủ xuống tròng mắt xanh nhạt, da mặt lốm đốm tàn nhang, cái cổ to và bạnh ra như cổ bò rừng, khoảng lông lá xồm xoàm che phủ kín khắp tảng ngực để hở. Dắc rút ở trong gầm quầy ra một cái ly nhỏ, với tay lấy chai cognac trên giá, mở nút, rót đầy ly, ngửa cổ tu thẳng một hơi, men rượu chạy sộc vào người bừng bừng. Dắc đã tỉnh ngủ hẳn. Và bắt đầu nghe thấy tiếng mưa tiếng gió gào thét ngoài trời.

– Ngủ chảy thây suốt ngày suốt đêm, mở mắt đã rượu, đầy, đầy.

Mụ Năm rên lên và lại nói như phân vua :

– Đấy đấy, các ông các bà xem, đã bảo tôi chịu hết nổi rồi mà I

Mụ hùng hổ, tiến vào quầy, giật cái ly khỏi tay Dắc, ném mạnh xuống đất. Cái ly vỡ tan. Dắc ngó theo, nét mặt bình thản không thay đổi, thoáng một chút khinh bỉ ngao ngán. Những tiếng cười nói im bặt. Những cái mồm há hốc chờ mụ Năm làm dữ thêm nữa với Dắc. Mụ Năm đứng đối diện với Dắc, dằn mạnh từng tiếng :

– Dắc, nhà hết thịt nai từ ba bữa nay rồi, mày biết không ?

– Biết.

– Biết mà mày cứ ngủ lăn ra, mày không đi thì tao làm sao với khách hàng đây. Bộ việc đó tao phải làm cho mày nữa sao ?

Dắc nín thinh không trả lời. Hắn bình tĩnh rút ở quầy ra một chiếc ly khác, rót đầy rượu, ngửa cổ tu thẳng một hơi, đặt phịch cái ly xuống, đóng nút chai rượu, đẩy mụ Năm lạng sang một bên, đoạn lẳng lặng đi ra. Cái bóng cao lớn mất đi sau cánh cửa thông sang chỗ Dắc vừa ngủ dậy. Mụ Năm nhìn theo chép miệng :

– Chồng với con. Thế đấy.

Một người đàn bà, vẻ người hiền lành, cất tiếng bảo mụ Năm :

– Mưa gió thế này, chị Năm. Bắt nó đi làm gì tội nghiệp. Thôi đói chúng tôi nhịn cũng được mà !

– Nó nghỉ nhà đã ba hôm rồi cơ. Đêm nay không đi không được. Mặc nó.

– Tao đi rồi đây, mày còn nỏ mồm gì nữa con quỷ cái ?

Tiếng thét lớn giận dữ đến cực điểm làm mọi người giật mình. Mụ Năm nín bặt quay lại. Dắc đứng quắc mắt nhìn mụ Năm, sự phẫn nộ dồn nén, chịu đựng, bừng bừng trên khuôn mặt hầm hầm, đôi mắt tóe lửa. Dắc như đã đổi khác, hoàn toàn đổi khác. Thành một con người mới. Và con người mới đó thật dữ dội, thật hùng dũng. Chiếc áo choàng nhà binh mầu cứt ngựa, cài hết khuy, buông xuống đầu gối, phủ lên đôi ủng đen. Khẩu súng săn cầm lăm lăm trong tay, băng đạn da thò ra những cái đầu đồng sáng loáng, chiếc đèn chiếu đeo giữa trán, một sợi dây chun bịt sát đầu làm hằn lên những đường gân xanh biếc nơi thái dương tạo cho Dắc một vẻ kỳ dị, quái đản, lẫm liệt của một nhà thám hiểm, một tên biệt kích. Mụ Năm lùi lại. Đám người châu đầu nhìn theo Dắc và đám dụng cụ kềnh càng từ từ đi ra phía cửa. Mụ Năm lon ton chạy theo. Mụ mỡ cửa cho Dắc, giọng đấu dịu :

– Thôi chịu khó, Dắc. Nhà hết thịt rồi. Săn cố một con rồi về ngay, nhé Dắc.

Dắc mở cửa. Mụ Năm nói theo :

– Cẩn thận nhé Dắc. Rồi mai nầy lại ở nhà cả tuần. Nhớ tránh xa cái vực Chàm-Bàm đó Dắc.

Dắc đứng yên lặng một giây. Hắn nhìn ra khoảng tối đen hoa mắt, mưa gió ào ào lồng lộn trong đó. Đoạn hắn đẩy mụ Năm ra và không thèm ngó lại, cúi đầu bước vội ra ngoài. Người ta nghe thấy tiếng mưa, tiếng gió vi vút và tiếng sủa khô khan của bầy chó săn chạy theo Dắc xa dần về phía đầu dốc.

Ra khỏi sân quán, Dắc bấm đèn, lần mò đi ngược con dốc trơn nhãy về phía cửa rừng. Mưa tạt vào mặt buốt rát như hàng nghìn bàn tay tát liên hồi vào mặt vào mũi. Những đợt tóc ướt sũng dán bết vào trán vào gáy, vào màng tai, nước rỉ qua cổ áo thấm vào người. Dắc bắt đầu thấy rét run lên. Một bên vai mỏi rời, báng súng đập lanh canh vào những đầu xương đau nhói. Đôi ủng lết đi trên những vũng sình, chật chưỡng trên những cạnh đá nhọn hoắt. Cái áo thấm nước đè nặng lên người Dắc như một tấm áo giáp. Dắc cúi gập người xuống, dò từng thước đường một. Hai bên, những giẫy nhà sàn thưa thớt đã lùi khuất sau những chùm cây tối đen, con đường nhỏ dần rồi thình lình đổ xuống giữa những bãi cỏ rậm rạp kêu loạc xoạc dưới những gót giày giẫm đạp lên, tiến dần vào. Con đường độc đạo này Dắc đã thuộc lòng. Nhắm mắt lại cũng đoán được từng gốc cây, từng khúc quặt, từng cái cành thấp nếu không cúi xuống thì nó sẽ đập vỡ tan ngọn đèn chiếu, từng khúc rễ ngang nếu không nhấc chân lên thì nó sẽ phạt thẳng vào ống xương. Phải không Dắc ? Mười năm rồi. Hàng nghìn đêm, những đêm hãi hùng địa ngục. Một cuộc đời, một cuộc đời như chết rồi, như đã xong, đã đứng, đã tịch mịch, đã thôi, đã hết, cuộc đời đó như một thân cây mục bị sét đốn ngã giữa rừng, mọt mối đùn lên, gặm nhấm, đục khoét từng thớ gỗ, đến xương, đến tủy đến hồn, phải không Dắc ? Những đêm ngủ dày đặc những ác mộng què quặt, nhớp nhớp, vật vã, để tỉnh dậy, bị đuổi vào rừng như một con vật bị hất hủi, mày đã khổ sở quá lắm, tuyệt vọng đến cùng, nó xinh đẹp quá lắm, nhưng nó cũng ác độc đến cùng, phải không Dắc. Vòm trời quê hương, những đỉnh núi tuyết lả tả, con đường lượn vòng xuống đáy thung lũng như một tâm hồn thi sĩ lang thang, những lòng suối sỏi lăn trắng muốt, những mái nhà thờ nồng mùi gỗ mục, cái vòm trời Alsace xa xôi cách trở nghìn trùng, tiếng cười thủy tinh vỡ vụn như hàng triệu mũi nhọn đâm suốt trái tim nức nở, trái tim đó mỗi khi ngó xuống vẫn ròng ròng chảy máu, vết thương đó từ mười năm nay dùng đủ thứ : chiến tranh, chém giết, thời gian, xê dịch, giấc ngủ, men rượu và cái thân thể hàng trăm con đàn bà khác, để lấp đầy, để bôi kín mà không được, phải không Dắc ? Mày muốn quên, nhưng mày vẫn nhớ đến nó. Trong lạnh buốt giấc ngủ ma quỷ choáng váng. Trên chuyến tầu chở mày sang Viễn Đông, trên kênh Suez, ở Nasan, Điện Biên, đường 39, đường số 5, trên những cánh đồng lầy ngoài Bắc, trong một hộp đêm Hà-nội năm nào, ở Đồng Tháp Mười, và bây giờ, đã sáu năm trời đằng đẵng, ở vùng Ba Biên Giới heo hút này phải không Dắc ? Mày đã mất nó. Mày đã giết nó. Cho nó vĩnh viễn thuộc về mày. Nhưng nó chết rồi mà vẫn chẳng bao giờ thuộc về mày. Nó cười ngặt nghẽo, nó chế nhạo, nó giễu cợt, nó bám vào tiềm thức, linh hồn mày như một con yêu, một con quỷ, mày điên cuồng chạy trốn, nó đuổi theo mày cùng khắp các xứ sở, các vòm trời, nó vẫn còn đó, như một trừng phạt, một cực hình và mày lại nổi gai ốc, lại rùng rợn cả người mày lên, phải không Dắc?

Phải. Phải. Phải. Phải. Phải. Trời ơi ! Bây giờ xin cho tôi được nói. Xin đừng tra khảo, đừng hành hạ, xin để cho thằng Dắc đáng thương này được nói. Xin để cho tôi được kể cái chết của tôi.

Xin cho thằng Dắc này được khai về cái chết của nó. Chỉ có người chết rồi mới biết đích thực nó chết như thế nào. Đau đớn, thảm thiết, lạ lùng, kỳ dị như thế nào. Tôi muốn chết, chết thực. Tôi muốn chết đã hàng nghìn lần. Nhưng tôi vẫn sống. Sờ sờ, tơi tả. Như một miếng rẻ rách buộc lòng thòng vào cái đuôi tháng ngày lê thê. Tôi chỉ muốn quên nhưng tôi còn nhớ. Mãi mãi, Câu chuyện xưa, vết thương thuở ấy, cái sống, cái chết bây giờ, giấc mộng nõn nà, thiên tiểu thuyết đầm đầm nước mắt, cái thế giới chiêm bao thức tỉnh bàng hoàng. Tất cả đã xảy ra vào cái đêm định mệnh đó, Ở Alsace.

 

Tôi thủ sẵn một cái búa chim lớn từ chiều hôm trước, sau khi nó nhận lời gặp tôi lần cuối cùng. Tôi vẫn dùng cái búa đó để bổ củi, đốt lửa cho mẹ tôi sưởi, mẹ tôi bị bệnh tê thấp không biết đã bao nhiêu năm. Suốt ngày người ngồi trên chiếc xe lăn đặt sát lò sưởi, người nhìn ánh lửa bập bùng trong lò và người cầu nguyện. Buổi tối hôm đó, khi tôi từ trên lầu bước xuống, mẹ tôi cũng đang lâm râm cầu nguyện. Nghe thấy tiếng chân tôi, mẹ tôi ngửng lên, khuôn mặt hiện đầy vẻ buồn rầu :

– Con đi đâu đấy Dắc ?

Tôi ngoảnh mặt, tránh cái nhìn soi thấu linh hồn:

– Con ra ngoài hóng mát.

– Đêm núi lạnh như đêm địa ngục. Bộ con điên sao, hả con của mẹ ?

Tôi vùng đi ra cửa. Tiếng mẹ nghẹn ngào đuổi theo; người đã biết hết chuyện tôi với nó :

– Mẹ xin con, con quên nó đi. Nó không thể là vợ con, nó không thể là dâu mẹ, nó chỉ là một con đĩ trăm thằng.

Câm mẹ không được nói thế. Tôi làm gì mặc tôi, trời ơi !

Tôi hét lên và mở cửa lao mình vào bóng tối. Tôi chạy như bay trên con đường dốc dẫn lên sườn núi. Nó đợi tôi ở đó, bên thành chiếc cầu treo vắt qua lòng vực thắm. Sao dải lân tinh trên khắp vòm trời Alsace. Những đỉnh núi tuyết lấp lánh. Tiếng ngọn suối rì rào đổ xuống ở một khoảng xa thấp dưới chân. Nó đứng đó, tựa lưng vào thành cầu, cái khăn kim tuyến gió thổi phất phất, những sợi tóc vàng óng ánh trong bóng đêm, đôi mắt ngời sáng, chiếc váy lụa trắng chạm vào tay tôi như một cánh bướm mỏng chấp chới muốn bay đi, bay thật xa về một thế giới nào ờ những triền núi bên kia. Tôi ôm lấy nó, nó đẩy tôi ra. Tôi cầu xin nó ở lại. Tôi nói tôi không thể sống không có nó, tôi không thể mất nó. Tôi van nó đừng đi khỏi thung lũng, tôi nhắc lại mối tình đầu đằm thắm, những kỷ niệm tuổi thơ, nghẹn ngào giải thích cho nó nghe là thằng khốn nạn chỉ là một kẻ đàng điếm, không cùng một giai cấp với nó, rồi thằng ấy sẽ bỏ nó lạc lõng, bơ vơ như một con chó đói trên những hè đường ở Paris, lúc đó nó tỉnh ngộ, nó hối hận cũng không kịp nữa. Nó thờ ơ nghe tôi, rồi nghiêng mình ném một vật gì từ lòng tay xuống vực, nhìn theo :

– Anh khỏi phải nói. Tôi không yêu thằng cha ấy. Chuyện nó bỏ tôi sau này không thành vấn đề.

– Thế tại sao em lại bỏ anh?

– Tôi không thể ở mãi nơi này. Sáng mai tôi sẽ rời khỏi thung lũng. Tôi sẽ lên Paris và không ai có thể ngăn cản tôi được.

Tôi định nói nữa, nhưng nó đã ra hiệu cản lại :

– Tôi đã nhất quyết. Giữa chúng ta, tất cả đã hết. Thôi khuya rồi, anh về đi. Tôi về phải thu xếp hành lý mai còn lên đường sớm.

Thoắt một cái, nó đã quay đi. Mắt tôi hoa lên. Hơi thở tôi nghẹn ứ. Tôi gọi nó lại nhưng nó cứ lầm lũi bước. Thật hết, thật hết rồi. Tôi đã mất nó. Không được. Không thể như thế được. Cái búa đã từ vạt áo nằm lăm lăm trong tay tôi tự lúc nào. Tôi lao theo nó. Tất cả xảy ra như một cơn mê hoảng. Chỉ nghe thấy thình thình vang vọng khắp thung lũng, tiếng thét thất thanh của nó, rồi tôi bổ xuống cái đống lầy nhầy ngã quỵ, bổ xuống cái váy lụa trắng, cái khăn kim tuyến, mái tóc vàng óng ánh không biết bao nhiêu là nhát búa nữa. Khi tôi ngừng lại, thân thể tôi rời rã như muốn ngã quỵ xuống theo. Tôi bàng hoàng đứng đó, nhìn trời, nhìn những vì sao, những đỉnh núi tuyết không biết bao lâu. Không khí núi lạnh buốt làm tôi hồi tỉnh lại. Tôi kéo lết cái tử thi trở lại đầu cầu, thu hết tàn lực, hầt mạnh xuống lòng vực. Và ném cái búa xuống theo.

Đêm đó tôi không trở về nhà mà từ cái cầu treo trên sườn núi đi thẳng xuống thung lũng. Tôi lén ra khỏi xóm khi sương mù còn trắng xóa. Một ngày sau tôi đã ở Marseille. Tôi ẩn mình ở một khách sạn tồi tàn dưới bến. Một tuần lễ sau, tôi đã đăng tên vào đoàn lê dương tình nguyện. Thế là vào một buổi sáng mưa lớn, một con tàu rời bến chờ chúng tôi sang chiến trường Đông Dương.

 Địa ngục nuốt chửng Dắc vào một thế giới lông lá, ma quỷ. Dắc chỉ còn là một tên lính đánh thuê. Dắc không nhớ được nữa. Đó là một cuộc đi dài, rã rời, vật vờ, hết chiến trường này đến chiến trường khác, hết đồn bót này đến đồn bót khác, qua những vũng lội, những sình lầy, những hầm hố, những bãi hoang, những vòng đai trắng, những làng xóm hủy phá, những cánh đồng sa mạc, những ngọn suối độc, những cánh rừng thắm, những thây người. Thần trí chập chờn hồi tưởng lại, hình ảnh lướt thướt hiện lên, nhờ nhờ, chới với như những hoang đảo trên một mặt biển tiền sử đầy bão tố. Những cái bóng thấp thoáng, tiếng đại bác đinh tai nhức óc, những tiếng kêu thét rợn người và ngón tay Dắc bấm liên hồi vào cò súng, những tảng óc tóe ra trắng như màu tuyết trên những đỉnh núi nơi quê hương thăm thẳm nghìn trùng, tiếng Dắc cười điên dại, hắn bắn sà vào những ám ảnh xưa, những hình hài cũ, nước mắt Dắc dòng dòng, đôi mắt Dắc như hai khối lửa đỏ khé, máu tưới đẫm lên đầu lên tóc lên tim lên hồn Dắc, những viên đạn đồng bóng loáng như bắn ngược trở lại đâm thủng bộ ngực lông lá của Dắc. Dắc không nhớ nữa. Hẳn đứng trên một con tàu say, hắn sa vào một vùng gió lốc quay tít chóng mặt, hắn ngã xuống, hắn đứng dậy, hắn lại đi nữa, lại bắn nữa, lại uống rượu cho đến khi gục xuống, lại cười, lại khóc, lại đạp phá tan tành, lại hò hét điên đại ở tất cả những quán rượu hắn đã dừng lại, đã bỏ đi, ngày tháng sô dạt, bay biến, đẩy Dắc ngã sấp xuống nữa, xuống mãi, cánh đầm lầy vô hình dâng lên, tới ngực, tới cổ, tới mũi, tới mắt, Dắc sặc sụa, Dắc la thét, địa ngục úp chụp xuống Dắc, cái nắp ván thiên đóng sập lại, những tiếng vồ chát chúa vang lên kinh hoàng. Tất cả tối đen và Dắc thiếp đi để tỉnh dậy thấy mình nằm trong một bệnh viện.

Những ngày tháng tĩnh dưỡng kéo dài trong trạng thái sượng sần bất động, đống tro than phủ xuống khối linh hồn lửa bỏng, Dắc ra khỏi nhà thương và Dắc gặp mụ Năm.

Dắc ăn ở với mụ Năm ở Lái Thiêu được hai tháng thì mụ Năm nhường lại cái tiệm nước cạnh bệnh viện dọn lên mở quán Ba Biên Giới. Dắc đã đổi khác, khác hẳn. Xưa hung bạo cục cằn, giờ hiền khô như một đứa con nít. Dắc lầm lầm lì lì suốt ngày, mụ Năm bảo gì Dắc làm vậy, như một con vật, một tên nô lệ. Buổi sáng, Dắc trở dậy thật sớm, mở cửa hàng, lau bàn ghế, quét nhà, xuống suối kín nước, cho chó ăn. Buổi chiều khi những đoàn xe từ miệt Ban Mê Thuột đổ về, từ miệt Bù Đăng đổ lên tới nghỉ đêm ở sân quán, Dắc lại ra khuân đỡ hàng cho khách, giúp bọn tài lơ bơm lại một cái bánh, sửa lại một ngọn đèn lái, chế dầu mỡ vào máy và dọn cơm nai ra-gu cho họ ăn. Thoạt đầu, chúng có vẻ ngán Dắc. Lâu dần thấy Dắc hiền, chúng trêu ghẹo và bắt nạt. Cũng vui thôi chứ chẳng có ác ý gì. Nhiều khi chúng làm quá Dắc cũng mặc. Duy có một lần, Dắc nổi khùng lên, và cái tâm tính cục cằn lỗ mãng của một tên lính đánh thuê giết mướn ở Dắc lại chồm dậy. Hôm đó chúng hè nhau tắt đèn tối bưng rồi nhảy đại vào Dắc, vật cổ Dắc xuống. Chúng cười hơ hớ. Dắc vung mạnh tay chồm dậy đấm đá, chửi loạn xạ. Sau đó, mụ Năm mắng Dắc như tát nước và cũng từ đó Dắc không bao giờ nổi nóng nữa. Công việc chính của Dắc là đi săn. Thường thường Dắc ăn cơm chiều xong là lừ đừ đi ngủ ngay. Thức giấc vào khoảng nửa đêm, Dắc đeo đèn, mang súng, gọi đàn bẹc giê đi vào những cánh rừng Ba Biên Giới. Dắc săn thật giỏi, không mấy khi là không khiêng về một con nai vào lúc tảng sáng. Lâu dần thịt nai là món ăn chính của khách hàng, và đã thành cữ, cứ hai ngày là Dắc phải đem về cho mụ Năm một con nai. Bán không hết thì ướp muối, phơi nắng ngoài hàng rào làm khô nai.

 Nhưng vết thương đó không bao giờ lành, những kỷ niệm đó không bao giờ chết, dĩ vãng đó vẫn chờ rình trở lại, con quỷ cái vẫn đuổi theo mày xuống tận cùng địa ngục, phải thế không Dắc ? – Phải.

 Càng đi sâu vào, những búi cỏ càng cao hơn, rậm rạp hơn. Rừng cây đặc kịt. Cành lá thoang thoảng sát mắt. Mưa vẫn đổ xuống ào ào. Tiếng sấm sét rền rền dội lại từ những triền núi không nhìn thấy. Dắc kẹp chặt báng súng vào nách, điều chỉnh lại ngọn đèn chiếu, đứng dừng lại, thở dốc một hơi. Bầy chó gầm gừ quần vào chân Dắc. Dắc đạp mạnh chúng ra, chửi thề, rồi lại tiếp tục cất bước. Hết khoảng rừng rậm, tới một khoảng rừng thưa, cao hơn. Mưa ngớt dần và Dắc cũng đã đi được một đoạn khá dài. Hắn hạ súng, tháo ngọn đèn chiếu trên trán, lần mò đến một gốc cây và ngồi xuống. Trời đêm lờ mờ. Những tảng mây lớn vần vũ chuyển qua nền trời còn nặng trĩu hơi nước, nhòa vào những bóng núi trập trùng, lổ đổ, kéo dài khắp bốn phía, âm âm trên những vòm lá trên đầu. Tiếng mưa nhỏ rì rào, như những ngón tay lướt thật nhẹ trên một phím dương cầm. Dắc tỳ người vào báng súng gục đầu xuống, những giọt nước lọt qua kẽ lá rỏ tý tách trên những vũng nước thoang thoáng hai bên. Những tiếng động của trận mưa lớn vẫn còn gây cho Dắc cảm giác tương tự về âm thanh của những tàn than nổ yếu ớt trên một đống lửa đã phai tàn, nhưng rõ rệt là rừng cây đang đi dần vào yên tĩnh. Định thân một lát rồi Dắc ngẩng đầu giơ cao ngọn đèn, xem lại phương hướng và địa thế. Khoảng trống mịt mùng hẫng xuống ở phía sau những hàng cây sao cao vút cho Dắc biết hắn đang ngồi nghỉ trên một thân cây chỉ cách cái vực thẳm Chàm Bàm độ mười thước. Nơi này họa hoằn lắm Dắc mới lần tới, thường những đêm săn vào mùa khan hiếm thú này, các tay súng trong vùng trừ Dắc, không ai dám bén mảng tới vào ban đêm, phần sợ cọp, phần sợ sảy chân sa xuống vực. Chính vì thế mà khu rừng này nhiều thú nhất. Dắc yên trí thế nào lát nửa hắn cũng hạ được dễ dàng một chú nai lớn. Chỉ cần ngồi yên đó và chờ đợi cho trận mưa ngớt hắn.

Và Dắc làm thế. Hắn ngã người vào thân cây, đôi ủng duỗi dài trên những nhánh rễ chằng chịt, khẩu súng đặt ghếch trên đùi gối. Tiếng mưa lao xao, dịu dịu, nhẹ nhẹ trầm trầm đưa hồn Dắc bay đi. Và hồn Dắc bay đến với những giọt lệ cũ, những hình ảnh thuốc độc, những kỷ niệm ung thư. Giấc ngủ chập chờn như ủ kín trong một đài hoa lớn. Chiếc gai nhọn đâm suốt qua đài hoa và tỉnh dậy. Cái vật gì ở lòng tay ấy rơi xuống vực thẳm ? Người mẹ tê liệt với chiếc chăn da cừu cũ, khuôn mặt úa héo trong ánh lửa lay tạt. Những đỉnh tuyết ngời ngời, những bông tuyết lả tả. Tôi vẫn không thể, vẫn chẳng bao giờ quên được nó. Tất cả không thay đổi, sự trốn chạy ngu xuẩn và vô ích. Đêm nay, tôi ngồi một mình ở cánh rừng thưa này làm gì ? Tôi muốn được một ngày trở lại thung lũng cũ, sốc lại quần áo, vuốt lại tóc, đi lên. Những căn nhà thấp, thở nồng mùi gỗ cũ nằm nép bóng dưới triền núi chất ngất. Những đàn bò lừ đừ. Con đường uốn khúc men theo dòng suối sẽ đưa tới trở lại cái cánh cửa khép hờ, tôi đẩy nhẹ bước vào, mẹ tôi vẫn ngồi đó và tôi sẽ nói : “Con đã trở lại, không bao giờ rời khỏi thung lũng nữa đâu mẹ”. Đám bụi phấn lả tả dấy lên theo những gót chân đặt lên từng bực cầu thang già nua. Khung cửa tò vò nhìn xuống một vùng hoa cỏ xanh biếc. Cuộc sống sẽ tiếp diễn như không một thảm kịch nào đã xảy ra, và buổi sáng thức dậy tôi sẽ lại đứng ở khoảng sân đầu nhà vung búa bổ xuồng những thân gỗ. Anh sẽ trở về, anh không thể trốn chạy em mãi mãi, và em sẽ tha thứ cho anh, cho em hiện hình trong những giấc mộng anh bằng cái hình ảnh lộng lẫy tươi cười của em mặc dầu em đã phản bội, nhưng anh vẫn chỉ nhìn thấy em lộng lẩy, tươi cười và dịu dàng như thế đó.

 Tiếng gầm gừ ở phía sau làm Dẳc bàng hoàng sực tỉnh. Hắn đứng vụt dậy, đeo vô ngọn đèn chiếu trên trán, rất từ từ, rầt từ từ cúi xuống nhặt lấy khẩu súng, đoạn lùi lại ba thước. Ánh đèn chiếu thành một đường ánh sáng thắng vút ngang tầm trán và Dắc nhìn thấy đôi mắt đỏ rực như hai cục lửa của nó. Đó là một con cọp vằn cực lớn. Nó đứng thu hình, hai cục lửa như bắt chặt vào luồng ánh sáng. Tiếng gầm gừ nghe thấy thật rõ trong bầu không khí đã ngớt mưa, đã yên tĩnh hoàn toàn.

Dắc vừa lùi vừa thong thả đưa dần khẩu súng lên, đặt vào bả vai. Một con mắt Dắc từ từ khép lại, con mắt kia mở lớn, nòng súng nhích dần nhích dần, cái đầu ruồi rung rung rồi đứng lại giữa khoảng cách của hai khối lửa đỏ rực. Ngón tay Dắc móc vào cò súng bỗng nhiên lạnh toát, tê đi, rồi trong đầu Dắc một tiếng cười rùng rợn nổi lên. Tiếng cười lan đi, vang dội khắp thân thể, thần trí Dắc, tiếng cười của nó, tiếng cười cất lên từ địa ngục, từ vực thẳm. Bắn đi Dắc. Bắn đi. Để cứu lấy đời mày, để sống, Dắc. Nhưng mày sống nửa để làm gì Dắc ! Phải, tôi chết rồi. Phải, tôi chết rồi. Nhưng tôi muốn trở về, tôi muốn trở về. Nước mắt Dắc dàn dụa trào ra. Dắc vừa khóc vừa nói. Chân Dắc run lẩy bẩy. Dắc thảng thốt lùi lại, tiếng gầm gừ của con thú, tiếng cười của nó đuổi theo Dắc. Dắc lùi mãi, Dắc biết Dắc phải bấm tay vào cò súng cho viên đạn vọt ra, nhưng Dắc không bấm được, ngón tay Dắc cứng nhắc như chết, Dắc biết cái vực sâu thẳm ở phía sau đã gần mãi lại, gần mãi lại, nhưng Dắc không ngừng bước được, miệng vực đen ngòm hút lấy Dắc như một sức mạnh kỳ quái. Rồi khẩu súng ở tay Dắc rớt xuống, một tiếng nổ vang lên, con thú gầm lớn, chỏm tới và Dắc chới với ngã ngửa về phía sau.

Dắc thấy hắn rơi xuống, thân thể, thần trí thoắt như được giải thoát. Hắn muốn thét lên vì khoái lạc, vì sung sướng. Rồi sự va chạm dữ dội đầy hắn bổng lên, toàn thân hắn chìm dần, chìm dần vào một lớp bông nõn mềm mại vô tận và những hoa tuyết lả tả bắt đầu phủ xuống.

Mai Thảo

Share.

Leave a Reply