Ông Zelensky được cho là đã phạm sai lầm khi tranh cãi tay đôi với ông Trump, thay vì xoa dịu Tổng thống Mỹ giữa lúc Kiev đang rất cần Washington.
Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tới Kiev hồi giữa tháng, ông đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký một thỏa thuận nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Mỹ, điều Tổng thống Donald Trump đang rất mong chờ.
Ông Trump trước đó nêu ý tưởng Ukraine dùng lượng “đất hiếm và những thứ khác” tương đương 500 tỷ USD để đổi lấy các khoản viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, trong dự thảo thỏa thuận do Bộ trưởng Bessent trình bày, Mỹ không đưa ra cam kết viện trợ cho Ukraine, ngoại trừ điều khoản bảo vệ các nguồn tài nguyên được khai thác.
Washington Post đưa tin ông Zelensky chỉ có vài phút để đọc nội dung dự thảo thỏa thuận trước cuộc gặp với ông Bessent hôm 12/2. Phía Mỹ yêu cầu Tổng thống Ukraine ký thỏa thuận trong vòng một giờ, nhưng ông Zelensky từ chối, cho rằng thỏa thuận “không bảo đảm an ninh và bảo vệ Kiev”.
Thay vào đó, ông đưa ra yêu cầu của riêng mình là tổ chức một cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng để thảo luận và chốt lại thỏa thuận khoáng sản mà ông hy vọng sẽ đảm bảo được động lực ủng hộ liên tục từ Washington dành cho Kiev.
Ông Zelensky nói chuyện với ông Trump tại Tháp Trump ở New York hồi tháng 9/2024. Ảnh: AFP
“Tôi hy vọng trong tương lai gần, mọi tài liệu sẽ sẵn sàng để chúng ta có thể ký tại cuộc gặp với Tổng thống Trump”, ông nói.
Suốt ba năm xung đột với Nga, Tổng thống Zelensky thường thể hiện mình là bên yếu thế nhưng cũng sẵn sàng quyết liệt bảo vệ lợi ích Ukraine đến cùng, nhằm kêu gọi tối đa hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Cách tiếp cận này đã được đền đáp trong các cuộc đàm phán giúp Ukraine nhận về hàng tỷ USD vũ khí và đạn dược.
Nhưng đề nghị tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Trump đã không được phía Mỹ chấp thuận, trở thành bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy phong cách cá nhân quyết liệt của ông Zelensky giờ đây không còn gây được ấn tượng với chính quyền Trump, giới quan sát đánh giá. Nó không những không tạo ra đồng cảm, mà còn khiến ông chủ Nhà Trắng mất lòng.
Sau khi đề xuất của Bộ trưởng Bessent bị từ chối, Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về xung đột Ukraine, ngày 14/2 đưa ra dự thảo thỏa thuận mới với Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, trong đó mô tả hợp tác khai thác khoáng sản là cách Ukraine phải trả “khoản nợ” 500 tỷ USD cho Mỹ. Tuy nhiên, Washington cũng không đưa ra bất cứ đảm bảo an ninh nào cho Kiev.
Tổng thống Zelensky tiếp tục bác bỏ dự thảo thỏa thuận này, điều mà Brian Hughes, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Nhà Trắng, mô tả là “thiển cận”.
Căng thẳng gia tăng sau khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, rồi tổ chức họp báo chỉ trích Ukraine là bên “bắt đầu xung đột” và không có giải pháp nào cho chiến sự trong ba năm qua.
Đáp lại lời công kích đó, thay vì khéo léo điều hướng và xoa dịu nỗi tức giận của ông Trump, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ đang bị mắc kẹt trong “mạng lưới thông tin sai lệch” của Nga. Điều này dường như càng khiến ông chủ Nhà Trắng thêm phần tức giận vì bị phản đối.
“Nếu là một chính khách, trước tiên bạn cần nghĩ đến đất nước mình chứ không phải cái tôi cá nhân”, cựu nhà ngoại giao Ukraine Kostiantyn Yelisieiev nhận xét. “Việc chỉ trích lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là lãnh đạo quốc gia đang nỗ lực hết mình để giúp đỡ bạn, đều không phải ý kiến hay”, ông nói.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko cũng ngầm phê phán cách phản ứng của Tổng thống Zelensky với ông Trump, người nổi tiếng khó lường và có những phát biểu mạnh miệng.
“Bất kể hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng không ở vị thế có thể tranh cãi với ông Trump. Chúng ta cần phải khôn ngoan hơn”, Merezhko nói. “Chúng ta cần giành được lòng tin và sự tôn trọng từ Tổng thống Trump. Điều này hiện cực kỳ khó khăn”.
Tổng thống Zelensky cũng đã nhận được lời khuyên từ các lãnh đạo châu Âu về việc tránh leo thang căng thẳng hơn nữa với Mỹ, bỏ qua những lời đả kích từ Tổng thống Trump và không nên quá vội vàng khước từ thỏa thuận khoáng sản với Mỹ.
Theo một quan chức châu Âu am hiểu vấn đề, Tổng thống Zelensky có thể đã phản ứng quá vội vã với những tuyên bố mà ông cho là sai sự thật từ người đồng cấp Mỹ.
“Tôi đã đề nghị Tổng thống Zelensky tiếp tục cam kết theo đuổi tiến trình hợp tác, đối thoại bình tĩnh và mang tính xây dựng với Tổng thống Trump”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda viết trên X sau cuộc gọi với người đồng cấp Ukraine tuần trước. “Tôi không nghi ngờ gì về việc Tổng thống Trump hành động bằng ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với ổn định và hòa bình toàn cầu”.
Phong cách đối ngoại quyết liệt của ông Zelensky từng gây tranh cãi và bất đồng với các đồng minh phương Tây. Trong những chuyến thăm tới các nước châu Âu để vận động thêm viện trợ cho Ukraine, ông nhiều lúc đã chỉ trích, thậm chí thuyết giảng, với lãnh đạo các cường quốc phương Tây, khiến họ cảm thấy khó chịu và cho rằng Kiev “vô ơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng nói rằng “dù thích hay không, mọi người vẫn muốn thấy Ukraine thể hiện một chút lòng biết ơn”.
Tổng thống Ukraine còn khiến các lãnh đạo quân sự Mỹ thất vọng khi phớt lờ lời khuyên của họ về chiến lược trên chiến trường. Hiện tại, khi tương lai viện trợ quân sự và hậu thuẫn từ Mỹ bị đe dọa, phong cách của Tổng thống Zelensky rõ ràng đang gây ra vấn đề lớn hơn rất nhiều, giới quan sát đánh giá.
Hai tuần qua, ông Zelensky liên tục nhấn mạnh rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận khoáng sản nào từ Mỹ nếu Ukraine không được đảm bảo an ninh lâu dài và được góp mặt trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Ukraine Lana Zerkal cho biết nếu ông Zelensky ký thỏa thuận khai thác khoáng sản với Mỹ ngay từ đầu, ông Trump có thể đã nồng nhiệt hơn với Kiev. Việc Tổng thống Ukraine vội vã chỉ trích dự thảo thỏa thuận khoáng sản “chắc chắn là một sai lầm”, bà nhận xét.
“Tất nhiên rất khó kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng việc này là cần thiết từ vị trí đó, bởi ông ấy không phải một người bình thường, ông ấy là một tổng thống”, Zerkal nhấn mạnh.
Ngoài ra, thay vì một lần nêu rõ lập trường của mình, ông Zelensky liên tục nhắc lại tại hội nghị an ninh ở Munich, tại một cuộc họp báo ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ và hai cuộc họp báo ở Kiev rằng Ukraine sẽ không chấp nhận các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga nếu họ bị gạt sang bên lề.
Việc lặp lại liên tục thông điệp này dường như càng khiến Tổng thống Trump bất bình và tức giận.
Từ trái qua: Ông Trump, lúc bấy giờ là Tổng thống đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Zelensky tại Paris, tháng 12/2024. Ảnh: AP
“Ông ấy tham gia các cuộc họp trong ba năm và không có thỏa thuận nào được thực hiện”, Tổng thống Mỹ nói trên Fox News Radio tuần trước. “Vì vậy, tôi không nghĩ ông ấy là người quan trọng để tham gia đàm phán”.
Nhưng ông Trump cũng thường sử dụng những lời cảnh báo và chiến thuật răn đe như một cách để thúc đẩy mọi thứ tiến triển. Nếu không bị chọc giận, nếu những yêu cầu của ông được đáp ứng, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể để người đồng cấp Ukraine tham gia tiến trình đàm phán với Nga, thay vì gạt Ukraine sang một bên như hiện nay, giới phân tích nhận định.
Hôm 23/2, thay vì hạ giọng như lời khuyên của một số lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Zelensky đã không rút lại bình luận trước đó rằng Tổng thống Trump đang bị bao vây bởi “thông tin sai lệch” từ Nga về cuộc xung đột.
Ông đưa ra những số liệu để chứng minh ông Trump đã thổi phồng số tiền viện trợ mà Washington đã trao cho Kiev. Và Tổng thống Ukraine tiếp tục bác bỏ thông tin mà người đồng cấp Mỹ đưa ra rằng tỷ lệ ủng hộ của ông Zelensky chỉ ở mức 4%, điều mà giới phê bình cho là “một cuộc khẩu chiến thiếu khôn ngoan”.
Theo Ivanna Klympush-Tsintsadze, chủ tịch ủy ban Ukraine về hội nhập Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Zelensky đáng lẽ không nên đáp lại lời chế giễu từ Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ, bởi “khi đất nước bị đe dọa, bạn sẽ không nghĩ đến xếp hạng của mình”.
Một số nghị sĩ Ukraine cáo buộc Tổng thống Zelensky đã không chuẩn bị trước cho ngày ông Trump trở lại nắm quyền. Họ cho rằng ông nên kết nối với ứng viên Cộng hòa từ sớm, giành lòng tin từ đội ngũ của Tổng thống Mỹ.
“Văn phòng Tổng thống Zelensky gần như khó có thể sửa chữa những thất bại trong giao tiếp hiện nay”, Volodymyr Ariev, nghị sĩ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, bình luận. “Bất kỳ đòn công kích bằng ngôn từ nào nhằm vào ông Trump đều sẽ phản tác dụng”.
Tuy nhiên, nhiều người Ukraine vẫn giữ quan điểm rằng Kiev cần có tiếng nói trong các cuộc đàm phán định hình tương lai của mình và những yêu cầu từ Tổng thống Zelensky là nhằm thể hiện lập trường được ủng hộ rộng rãi ở trong nước, không phải biểu hiện cố chấp, thiếu khôn ngoan.
“Người dân Ukraine muốn hòa bình hơn bất kỳ ai khác, nhưng cuộc đấu tranh của chúng tôi và khả năng kháng cự của quân đội Ukraine là lý do duy nhất khiến chúng tôi vẫn tồn tại như một quốc gia và là chủ thể trong quan hệ quốc tế”, trung úy Pavlo Velychko, người đang chiến đấu ở đông bắc Ukraine, nói. “Ông Zelensky không có quyền quyết định muốn hay không muốn gì, mà quyền đó thuộc về tất cả người dân Ukraine đã đứng lên chiến đấu”.
VH (Theo Washington Post, AFP, Reuters)
Leave a Reply