Cao Nguyên
Chính phủ chi tiền tỷ xây tượng đài trong khi xin tiền dân mua vắc-xin ngừa COVID-19
Tin do báo chí Nhà nước đưa ngày 21/6 về công trình tượng đài trăm tỷ mang tên “Con tàu tập kết” sẽ khởi công vào quý 3/2021 ở tỉnh Thanh Hoá làm dấy lên làn sóng bất bình trong dư luận. Nhiều người tỏ rõ sự bất bình, phẫn nộ vì vào khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện đang bùng phát mạnh, Chính phủ kêu gọi dân chúng góp tiền mua vắc-xin để chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước, Chính phủ vẫn chi tiền cho những công trình bị cho là không thiết thực. Một vị giáo sư nói với RFA rằng đây là hành động vô tâm, thậm chí là tàn nhẫn của các quan chức Việt Nam.
Xây tượng đài trăm tỷ, vẫn xin dân tiền mua vắc-xin
Cơ quan ngôn luận tỉnh Thanh Hoá vừa có bài viết thông báo về việc đã thống nhất được phương án xây dựng tượng đài – Dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc mang tên “Con tàu tập kết”, với trị giá 255 tỷ đồng.
Bài báo này đã bị gỡ bỏ ngay sau đó. Tuy nhiên, trang web Báo Chính phủ, cơ quan ngôn luận của Chính phủ, vẫn còn một bài viết từ ngày 28/2/2021 khẳng định Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến làm việc với tỉnh này và nói rằng công trình tượng đài trên sẽ được khởi công vào quý 3/2021 và hoàn thành trong năm 2022.
Về nguồn vốn đầu tư, ông Trương Hòa Bình cho rằng, ngoài vốn ngân sách, cần phải xã hội hóa, từ đóng góp của một số địa phương, các tổ chức…
Thông tin này ngay lập tức khiến dư luận phẫn nộ, phản ứng gay gắt vì giữa lúc đang tăng cao mỗi ngày. Các gói hỗ trợ chưa đến được giải ngân hết, chưa đến tay người dân một cách đầy đủ, chính quyền liên tục kêu gọi toàn dân tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ vắc-xin COVID, nhưng lại chi hơn 250 tỷ để xây dựng tượng đài.
Trong khi đó, Thanh Hoá là tỉnh có số thôn thuộc diện “đặc biệt khó khăn” nhiều đứng thứ hai cả nước, với 186 thôn, chỉ xếp sau tỉnh Gia Lai với 203 thôn. Đây là con số thống kê trong Quyết định số 433/QĐ-UBDT, phê duyệt danh sách thôn “đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2021-2025, do Ủy ban Dân tộc ban hành ngày 18/6/2021.
Ngày 23/6, mạng báo Giao Thông đưa tin cho biết, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, cán bộ phường đang áp chỉ tiêu đóng góp 400.000 đồng/hộ dân cho Quỹ vắc-xin phòng COVID 19. Một người dân ở đây nói với báo Giao Thông rằng các đảng viên ở đây nếu không tham gia ủng hộ và vận động gia đình ủng hộ quỹ vắc-xin thì sẽ bị báo cáo về đảng ủy phường, để có căn cứ nhận xét đánh giá cuối năm 2021.
Dư luận phản ứng gay gắt
Trên Facebook page của Đài Á châu Tự do, độc giả để lại bình luận, hầu hết đều bày tỏ sự phẫn nộ:
Độc giả JB Nguyễn: “Tại sao ở Việt Nam Chính quyền lại muốn xây dựng tượng đài? Vì khi người dân ốm đau có chỗ chữa trị, khi học sinh đến trường có chỗ học, khi đói khổ nhìn tượng đài là no? Hay tượng đài là chỗ béo bở để các quan chức địa phương đục khoét làm giàu.”
Độc giả Phạm Minh Quốc: “Ôm thùng tiền đến từng nhà, “bóp cổ” từng đứa trẻ và người già lão để có vắc-xin. Vậy mả những thằng vô liêm sỉ lại có thể lên dự án để hút máu từng người dân Việt Nam trong lúc dịch bệnh như vậy!”
Độc giả Minh Trần: “Trong khi đất nước trong tình trạng bịnh dịch, khó khăn về kinh tế, thiếu thuốc vắc-xin chống dịch, phải xin đồng bào trong và ngoài nước quyên góp. Bây giờ lại lấy tiền của dân đi xây tượng đài, nghĩa là sao? Nhà nước nên cân nhắc lại cái nào cần và quan trọng hơn!”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng việc xây tượng đài trong thời điểm này thể hiện sự vô tâm của quan chức duyệt dự án này:
“Đó là một chuyện rất tai hại và chứng tỏ sự vô tâm của những người chủ trương ra chuyện này. Chẳng những tôi không đồng ý mà tôi còn lên án hành động như thế này.”
Nhà báo Nguyễn An Dân nêu quan điểm với RFA:
“Tôi cho rằng việc xây dựng tượng đài trong lúc dịch bệnh như thế này là có hại cho niềm tin của người dân đối với Đảng.
Đó là tư duy nhiệm kỳ của các lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo nào nên củng cố gắng vẽ ra một dự án để xây dựng tượng đài cho địa phương của mình, để qua đó tiện tham ô, khoét ngân sách.
Và cái việc này là vi phạm tinh thần chống dịch của Đảng, khi mà đã hô hào là cả nước tập trung lo cho việc chống dịch, huy động mọi nguồn lực, kể cả sức dân để phục vụ cho chuyện chống dịch. Vậy cái chuyện xây dựng tượng đài trong lúc này rõ ràng và không hợp lý.
Trong khi Chính phủ xin tiền dân để đóng góp cho quỹ vắc-xin chống dịch mà địa phương lại xài tiền ngân sách cho cái chuyện không cần thiết là chuyện xây dựng tượng đài.”
Đi ngược chủ trương “hoà hợp-hoà giải” của Đảng
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trong buổi họp triển khai xây dựng dự án đã đánh giá, dự án Khu lưu niệm, đặc biệt là hạng mục tượng đài “Con tàu tập kết” mang “nhiều ý nghĩa, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn giúp giáo dục các thế hệ sau này về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc. Đặc biệt, công trình còn nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, công trình tượng đài này khơi lại nỗi đau của dân tộc, không khác gì một sự kích động thêm nỗi thù hằn nhau:
“Thời buổi này, sau bốn mươi mấy năm chiến tranh đã đi qua, bây giờ đáng lẽ ra người Việt phải tìm lại với nhau để quên đi những điều không hay cũ, nhưng cứ làm cho nó rỉ lại, cái vết thương của một thời nội chiến. Tôi nghĩ đây là một sự kích động.
Có những chuyện đáng lẽ ra nên làm nhưng họ không làm. Ví dụ như hoàn thành cái tượng đài những chiến sỹ đã hiến mình vì Tổ quốc để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tượng đài đó đã bắt đầu xây dựng rồi, thế mà đã nay bị dừng lại.
Đây là tượng đài không phải của nhà nước. Đây là tượng đài của xã hội kêu gọi nhân dân đóng góp. Tôi biết là số tiền gần như đã có đủ rồi. Thế mà có một thế lực đã làm cho nó phải dừng lại.”
Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn An Dân nói Việt Nam luôn tuyên truyền về chủ trương “hoà hợp-hoà giải dân tộc”. Nếu bây giờ xây tượng đài tôn vinh những người ở miền Nam tập kết ra Bắc thì sẽ càng khoét sâu hơn vào mối bất hoà:
“Nó cũng không có lợi cho tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc mà lâu nay đảng đã hô hào. Đó cũng là việc nên xét lại. Theo tôi bây giờ nên dừng lại những chuyện xây dựng tượng đài này để tập trung chống dịch cho dân nhờ.”
Tuyên truyền về một Nhà nước phụng sự, và thực tế
Tiến sỹ Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định trả lời trên báo Chính phủ rằng việc “Ra mắt Quỹ vắc-xin chống COVID 19 và phát động toàn dân, cả kiều bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng cùng Chính phủ” là phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, phát huy đại đoàn kết mà còn thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về một nhà nước phụng sự, lấy hiệu quả, phúc lợi của nhân dân làm đầu.
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn làm ngược lại với những điều họ tuyên bố. Không những không nghĩ tới người dân mà còn lợi dụng dịch bệnh để “bòn rút” tiền của trong nhân dân:
“Tôi rất buồn khi Việt Nam bây giờ đang đứng chót trong những nước đã lo tiêm chủng cho người dân, chỉ chưa tới 1% thôi. Ngay cả Campuchia và Lào cũng làm hơn Việt Nam. Đó là một sự tủi nhục.
Ngoài ra còn cái chuyện đi huy động người dân để có tiền. Thế nhưng, thay vì lấy tiền đó để mua vắc-xin, nhanh chóng giảm thiểu số người tử vong do dịch bệnh, thì lại đem bỏ số tiền này vào ngân hàng để lấy lãi. Như vậy là một điều rất mâu thuẫn và rất là tàn nhẫn.”
Theo số liệu của Ban quản lý quỹ vắc-xin, Quỹ này hiện đã nhận được hơn 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này được Kho bạc Nhà nước đấu thầu để gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, với mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, cho đến ngày 5/6, tiến độ tiêm vắc-xin COVID 19 ở Việt Nam là rất thấp. Số người được tiêm đủ 2 mũi là 31.777 người, tương đường 0,03% dân số, thua cả Lào và Campuchia về tỷ lệ dân số đã được tiêm vắc-xin.
Liên quan gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ được ban hành từ tháng Ba năm ngoái, đến 5/2021, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết chỉ mới giải ngân được 53%. Lý do được đưa ra là vì các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận khó khăn nên dù đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa được nhận.
Giải ngân gói hỗ trợ cho người dân thì hơn một năm nay chưa xong. Vậy nhưng ngày 20/6 vừa qua, tỉnh Bình Phước vừa khánh thành cụm công trình 300 tỷ “hành trình cứu nước của Hun Sen”. Thời gian thi công công trình chỉ mất có 40 ngày là hoàn thành. (RFA)
Leave a Reply