Chỗ nằm
Ðối với Du, cuộc sống đã có lúc trải qua không dễ dàng như tưởng. Ngày qua, đêm xuống; đâu phải như mặt trời lên rồi tắt – mà từng phút, từng giây – ngay cả trong giấc ngủ cũng có những đối chọi trong Du. Tâm tưởng Du nhiều khi mơ hồ trôi dạt về một phía nào đó, nơi không có bóng người, nơi chỉ có mình Du đứng với nỗi mông mênh, hiu quạnh. Nhiều khi, Du thấy mình như trôi tuột xuống một chỗ trũng đen ngòm. Và, trong óc Du vang lên tiếng kĩu kịt của sợi dây thừng xoắn tít lại với nhau. Âm thanh khô khốc mà ngày xưa Du cùng mẹ đã tước từng mảnh vỏ trái dừa ra, bện lại thành những sợi dây dài. Những sợi dây đắp đổi đời sống qua ngày, nay thỉnh thoảng lại trói chặt Du lại – như một dạo đã từng trói chéo cánh tay anh Du, khi họ nắm đầu anh lôi ra từ gầm giường cùng chiếc máy đánh chữ cũ kỹ đang dở dang “tài liệu phản động”. Du nghe rõ tiếng gào thê thiết của mẹ Du, rất lớn. Du hốt hoảng ú ớ, tay chân bới cào chung quanh.
Tỉnh dậy, Du chỉ thấy mình trơ trọi trên chiếc nệm trũng một khoảng rất lớn; chiếc nệm bị gãy một số lò xo ở giữa , kê sát trong góc phòng. Bên kia, hai chiếc khác được ánh sáng của ngọn đèn đường chiếu hắt hiu một khoảng yếu ớt. Thằng bạn cùng phòng đang nằm nghiến răng trèo-trẹo. Một tên khác nằm toác mồm ra ngủ với tiếng thở ào ào thoát ra từ cuống họng, từng hồi.
Vậy đó, giấc ngủ rồi bị kéo xệch đi đâu mất. Du trở mình, mở lớn mắt vào khoảng không sền-sệt. Ðêm rì rầm tiếng máy điều hòa không đủ làm cho người Du khô ráo mồ hôi. Vài chú gián nô đùa trên bức tường vàng xỉn trước mặt. Không gian của chúng về đêm. Không! Còn Du nữa chứ. Không phải Du cũng đã từng đêm mục kích những chú gián rượt nhau làm tình trên vách à? Lỗ hổng ở trên nệm như giãn ra rộng hơn rồi đẩy tuột Du xuống dưới. Du co mình như con tôm, nằm thấp thỏm chờ sáng.
Ðêm dài. Du nghĩ tới ngày mai chợt thấy nản lòng. Một ngày chưa đến nhưng những toan tính về nó đã làm cho Du muốn điên đầu. Ngày mai. Lại những cái đơn. Lại nhảy vào xe nổ chan chát trên đường phố. Lại ngồi chờ khô mảng áo sau lưng (của khoảng thời gian gồng mình chịu nóng trên xe), để bước vào xin việc. Qua rồi những lúc áo “vest” cà-vạt cầm phong bì hồ sơ. “Anh không có kinh nghiệm nào hết”. “Mẹ kiếp! Mới ra trường thì làm sao mà có kinh nghiệm được? Mấy ông cũng phải cho người ta làm rồi mới có kinh nghiệm chứ!”. Du nổi cáu chửi thầm trong đầu, nhưng miệng vẫn cứ gắng gượng nắn một nụ cười.
Qua rồi những ngày chờ đợi thư hồi báo, hí hửng ba chân bốn cẳng chạy về phòng. Dùng kéo trịnh trọng cắt một cạnh, hồi hộp mở ra. Thấy ngay chữ “Thank You” là Du không buồn đọc tiếp. Nỗi thất vọng lại thêm một lần nữa kéo khuôn mặt Du trệ xuống một đường dài.
Giờ đây. Áo thun quần “jeans” giản dị cho mùa Hè. Vẫn những công ty. Vẫn những câu hỏi. Vẫn bị từ chối: “You’re over qualified”. Du đâm ra có… kinh nghiệm: không cần phải khai báo bằng cấp gì hết với những công việc chỉ nhờ vào đôi bàn tay. Ðó! Kinh nghiệm xin việc của Du chỉ giản dị có thế. Cho nên, Du quyết định lấy cái “job” ngày mai ở viện dưỡng lão. Nghĩ đến đây, Du chợt thấy nhói đau. Lỗ hổng càng rộng ra hơn, và Du lại bị trôi tuột xuống đó lần nữa. Du nhắm mắt, trào lệ rồi thiếp đi.
Ngày đầu tiên nhận việc thì Du đã có cái tên mới do một bà già tặng:
“A Little Blue Boy.”
Du quay lại, nhớn nhác tìm kiếm người phát ra giọng nói đó trong phòng ăn rộn ràng âm thanh dao nĩa. Một cánh tay gân guốc vẫy vẫy từ trong góc phòng, cạnh cây “palm” giả. Du hơi khựng lại một chút rồi bước tới:
“Baby! Are you calling me?”
Bà già ngồi trên chiếc ghế lăn nghe Du nói, cười phun cả thức ăn ra thảm. Du hơi khó chịu, nhưng nhìn nụ cười móm mém dễ thương lạ, Du lại đến gần cầm khăn lau miệng cho bà. Bà già tiếp tục cười. Du đỏ mặt lúng túng:
“Bà cười gì tôi nào?”
“Tại mày gọi tao là ‘baby’”.
Du càng đỏ mặt hơn. Trước khi bắt tay vào việc, Du đã được dặn dò kỹ lưỡng. Nào là phải kiên nhẫn. Nào là người đến tuổi già, họ càng giống như trẻ con, thích được chiều chuộng. Có lúc họ còn rất thích được gọi là “babes” nữa. Nào là đừng bao giờ tỏ thái độ cho họ biết là họ già cả, vô dụng, bởi họ rất mặc cảm và dễ nóng giận… vân vân và vân vân… Nhớ lại khuôn mặt nghiêm trang của người y tá sáng nay dặn dò tới lui, làm Du muốn phì cười.
Du loay hoay với chiếc khăn trên tay, chẳng biết nói gì khác. Bà già vỗ vỗ vào chiếc ghế bên cạnh:
“Mày ngồi xuống đây. Mới làm ngày đầu hở. Mày có biết mày trông ngộ lắm không?”
Du cười:
“Tôi có gì đâu mà ngộ?’
“Mày ngơ ngác và bé bỏng như con chim. Mày là “A Little Blue Boy”.”
Du nghe giọng ví von của bà, nhìn xuống chiếc áo đồng phục của mình rồi cười theo:
“Bà không biết đâu. Tôi “già” rồi đó.”
Bà già cười lớn làm mấy khuôn mặt chung quanh bàn ngừng ăn, ngước lên nhìn Du. Bà nói trong tiếng cười như trẻ thơ:
“Mày “già” bao nhiêu thì cũng đáng tuổi cháu nội tao thôi “blue boy” à.”
Du bắt sang chuyện khác:
“Bà cần tôi giúp gì không?”
Bà già ngưng cười:
“Cần chứ. Chút nữa mày đẩy tao về phòng nghe. Lần đầu tiên tao mới nói chuyện với người Á Ðông. Mày là người Tàu phải không?”
“Không. Tôi là người Việt Nam.”
Bà già trố mắt nhìn Du kỹ hơn rồi nói:
“Mày biết làng Kỳ La không?”
“Biết! Bà đã từng đến đó sao?”
“Không! Con trai tao chết ở đó.”
Du nói vài câu chia buồn, nhưng hình như bà già không nghe thấy. Mắt bà đã để bên ngoài khung cửa kính. Bà nhìn xa xăm. Du biết bà không phải đang nhìn những cây thông rì rào ngoài kia; đầu óc bà không phải đơn giản nghĩ tới chú sóc con sau khi đùa giỡn trên thân cây rồi chạy đi đâu nữa? Chú sóc có cái đuôi viền vàng ngúng nguẩy ngộ nghĩnh. Ðôi mắt bà đã “vẽ” cho Du thấy được bầu trời mù mịt đạn bom một thuở, địa danh mà bà biết chỉ qua tên gọi. Du thấy da mặt bà co nhúm lại, những lồi trũng trên khuôn mặt bà như những đường cày sâu hoắm. Du thấy những mảng thịt rung lên dưới cuống cổ bà.
Vài giọt nước mắt lăn qua những kẻ lõm trên khuôn mặt bà chảy xuống cổ, kéo theo một đường phấn dài. Du bối rối cầm tay nắm của chiếc xe lăn:
“Ðể tôi đưa bà về phòng.”
Bà già quay lại vỗ vào bàn tay Du nhè nhẹ. Du hiểu ý kéo bà ra khỏi bàn, đẩy bà đi vào hành lang hun hút, xa dần tiếng động ồn ào của căn phòng ăn.
Lúc đặt bà lên giường nằm, Du mới để ý bà đang mặc một chiếc váy thật đẹp, nền đen điểm những đóa hoa cẩm chướng màu hồng phơn phớt. Du dợm bước định quay đi thì bà đã vội vàng nhoẻn miệng cười, hỏi:
“Mày tên gì?”
Du lạ lùng nhìn bà-già-khóc-cười-bất-chợt:
“Tôi tên Du.”
Bà già lặp lại rồi cười thích thú:
“Tên mày thật dễ nhớ, có phải đánh vần là Y.O.U. không?”
“Không. Ðọc gần giống nhưng đánh vần là D.U.”
“Ngộ quá hở?”
“Vâng! Còn nhiều cái ngộ hơn nữa.”
“Cái gì?”
“Ðể khi khác tôi sẽ nói cho bà biết.”
Mặt bà bỗng chùng xuống như giận dỗi. Du lơ đãng nhìn quanh phòng. Bắt gặp khung kính lồng bức hình được cắt từ trang bìa một tạp chí. Người thiếu nữ trong hình đẹp lộng lẫy, làn da tươi mát với mái tóc màu vàng lúa mì dợn sóng mênh mông. Ðôi mắt xanh biếc đại dương như đang cười tình tứ. Tấm hình gợi cho Du một nửa cảm giác bát ngát của ruộng lúa đã đến kỳ thu gặt, một nửa của mặt đại dương dưới con nắng rực rỡ mùa Hè. Du bâng khuâng hỏi trống không:
“Ai đó?”
Hình như đã theo dõi cử chỉ của Du từ trước. Và, hình như cũng chờ đợi câu hỏi này như một vài người nào đó trước đây đã từng hỏi, bà hãnh diện đáp:
“Tao đó!”
Du trầm trồ, mắt không rời tấm hình. Ðầu óc Du như bay giạt trên ruộng lúa rì rào:
“Ngày xưa bà đẹp quá.”
Bà thích thú cười rung cả chiếc giường đang nằm:
“Dĩ nhiên rồi. Ngày xưa tao là người mẫu có tiếng mà.”
Du nhìn bà già kỹ hơn. Mái tóc màu lúa mì đã đổi thành màu trắng thưa thớt như sợi mây nào buồn bã bay lạc. Ðôi mắt đục màu nằm hõm xuống hốc thâm, khiến đôi gò má bà càng nhô cao. Bà cố gắng che đậy những vết chém của thời gian càng ngày càng khó ưa trên khuôn mặt bà, bằng cách tô đen viền mắt và đánh rất nhiều phấn hồng, trông càng ảm đạm. Du chắc lưỡi. Thời gian tàn phá con người thành tồi tệ!
Du cáo từ bước ra, lòng mang đầy hình ảnh người thiếu nữ trong tranh với mái tóc như cánh đồng lúa mì vừa chín tới.
oOo
Du choáng ngợp trước những quả bóng đầy màu sắc, được cột chung quanh chiếc giường bà Jennifer. Có những sợi dây hồng, xanh bằng giấy nhún được giăng tua tủa trên đầu giường. Nơi chiếc xe lăn của bà cũng được buộc một chùm bong bóng hình trái tim nhiều màu, in chữ “Happy birthday”.
Bên giường, một người đàn ông mặc bộ “suit” màu xanh nước biển đậm. Cạnh đó, một người đàn bà tóc vàng đang cặm cụi gọt táo, chiếc váy màu hoàng yến xòe rộng trên ghế ngồi. Du định quay đi, nhưng bà Jennifer đã nhanh mắt thấy Du, bà gọi giật lại:
“Du, đến đây đi.”
Du bước hẳn vào phòng:
“Tôi đến để đưa bà đi dùng bữa trưa, phòng ăn đã chuẩn bị xong rồi”. Nhìn lên những quả bóng, Du ngập ngừng – “Xin lỗi, tôi không biết hôm nay là sinh nhật của bà. Chúc bà một sinh nhật vui vẻ.”
Bà Jennifer khoát tay:
“Tao cũng không nhớ hôm nay là sinh nhật của tao nữa đó.”
Nói xong, bà cười khằng khặc, chỉ vào hai người còn lại trong phòng:
“Ðây là con trai tao, Larry. Và đây là vợ nó, Mary – Quay qua họ, bà cười cười – nó là thằng Du mà có lần mẹ đã nói qua phone với các con đó.”
Du gật đầu chào, nói vài câu xã giao rồi cáo từ.
Chiều hôm đó, trước khi ra về, Du bắt gặp bà Jennifer ngồi trầm ngâm trên xe. Trên đầu bà, chùm bong bóng hình trái tim lung lay như giễu cợt. Bà nhìn mông lung ra bãi cỏ vàng tê tái trước mặt. Mùa Ðông đã đến. Mấy bồn hoa dọc hai bên lối đi đã úa héo, trơ cành tàn tạ.
Du bước tới, định nói vài câu từ giã thì bắt gặp được đôi mắt mừng rỡ của bà Jennifer nhìn Du. Du chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh bà, nhỏ nhẹ:
“Phải bà có chuyện muốn nói với tôi không?”
“Phải! tao tìm mày cả buổi chiều nay nhưng chẳng thấy mày đâu hết.”
Du nhìn thẳng vào mắt bà Jennifer. Ðôi mắt bà như dại hẳn ra:
“Tôi nghe bà đây. Chuyện gì vậy?”
Bà Jennifer lại nhìn qua khung cửa, vài bông tuyết đã bắt đầu bay lất phất trong gió.
Bà run rẩy kéo cao cổ áo, ngập ngừng một chút rồi mới lên tiếng, giọng nói bà chùng xuống, khô đục như nốt nhạc trầm của cây dương cầm lâu ngày chưa từng được đụng tới. Tiếng nói bật ra, mang theo thứ âm thanh gãy đổ tội tình:
“Mày biết là tao ghét con tao lắm không? Cái thằng Larry đó.”
Du tròn mắt ngạc nhiên, hơi lớn tiếng hỏi:
“Tại sao vậy?”
“Mày nhớ có lần tao đã nói với mày về thằng con tao chết ở Kỳ La không? Nó tên là Barry. Tao thương nó nhất đó.”
Bà bật khóc. Du cầm bàn tay gân guốc, móp méo của bà lên vuốt ve, nói như vỗ về:
“Tôi hiểu. Tôi hiểu.”
Bà Jennifer nhỏ giọng, xa vắng:
“Ðứa tao thương nhất lại chết. Còn một đứa tao không muốn thấy mặt thì cứ chờn vờn trước mắt tao hoài.”
Du nghĩ ngay đến gã đàn ông lúc trưa. Khuôn mặt xương xương, hai hố mắt lõm sâu và chiếc mũi thì dài hơi quá khổ, quặp xuống gần đụng chùm râu xồm xoàm trên mép. Nếu so sánh thì gã không có một chút nào giống bà Jennifer lúc trẻ cả. Bà Jennifer vẫn cất giọng đều đều:
“Thật ra thì nó cũng chẳng thương yêu gì tao hết. Nó chỉ chờ tao chết quách cho xong để lấy tiền của tao mà thôi. Mày có biết sáng nay vợ chồng nó nói với tao cái gì không? Nó xin tiền tao để góp phần xây dựng cái gì đó gọi là “làng hòa bình” ở Kỳ La. Trời ơi! Nó làm tao điên lên được. Nó không nhớ là thằng anh của nó đã chết ở đấy kia mà. Với tao, nơi chốn đã giết con tao thì không thể nào gọi là hòa bình hết. Mày biết không, chiến tranh mới thật sự âm ỉ trong lòng tao từ khi con tao chết đến giờ. Phải! Ðã hơn hai mươi năm rồi mà tao mới ngỡ ngày hôm qua.”
Du nhìn bà như thông cảm. Bà Jennifer cười héo hắt:
“Tao nhớ ngày xưa khi thằng Barry còn đi lính ở Việt Nam. Nó ở bên này theo đám Hippy đi lang thang hút xách như lũ ăn mày. Ðã vậy rồi còn xuống đường biểu tình, đả đảo. Tao biết nó sợ chết không dám đi lính cho nên mới làm như vậy để phản đối, hơn nữa đó như là một cái “mốt” của thời bấy giờ, Nhưng tao không thể nào tha thứ cho nó được, khi nghe tin anh nó chết, nó trở về nhà nghênh ngang ra điều việc làm của nó là đúng. Nó nói với tao một câu, tao giận quá tống cổ nó ra khỏi nhà”.
Bà ngừng lại thở hổn hển rồi lim dim đôi mắt. Hình như sự việc cách đây hai mươi năm như cuốn phim quay chậm lại trong đầu bà rất rõ. Du không nén nổi tò mò:
“Câu gì thế?’
Bà Jennifer mở mắt nhìn Du. Rồi bà òa khóc, nấc lên từng chữ, như từng tiếng động hỗn độn của cây dương cầm bị ai đó đấm lên từng chặp:
“Nó nói: Barry chết một cách ngu xuẩn!”
o O o
Chia tay bà Jennifer xong, Du lái xe trở về cùng nhiều mối ngổn ngang trong đầu. Tuyết đã phủ trắng mặt đường. Du rà thắng xe từng chập. Từng sợi tuyết quất vào mặt kính xe tàn bạo. Không dưng, lòng Du nghe ran rát. Hình ảnh Barry nổ tung thành nhiều mảnh. Từng mảnh da thịt bay lên giữa bầu trời khói lửa mịt mù. Bên kia. Nơi đó là quê hương Du, là những trầm luân đau đớn, là những cuộc tản cư nối tiếp từ tháng này qua năm khác, là những tiếng đạn bom đêm đêm ầm ì đe dọa, là mất mát, là tang hoang, chia lìa… Bên này, cũng thời gian đó, hình ảnh của Larry cùng bạn bè nhảy tung vào trí tưởng Du. Ðó, Larry của mái tóc để dài lòng thòng lâu ngày không thèm tắm gội trông bẩn thỉu: chiếc thân trần lép kẹp mang nặng dấu hiệu chân chim bồ câu trệ xuống chiếc ngực lông lá xum xuê. Du còn nghe được tiếng thét cuồng dại của Larry và tiếng nhạc kích động của người ca sĩ phản chiến đang xách động quần chúng Mỹ:
“One, two, three
What’re we fightin’ for?
Don’t ask me I don’t give a damn
Next stop is Vietnam
An’ it’s five, six, seven
Open up the pearly gates.
Well ain’t no time to wonder why.
Whoopee we’re all gonna die.
C’mon mothers throughout the land.
Pack your boys off to Vietnam
C’mon fathers don’t hesitate.
Send your sons off before it’s too late…” (*)
Những tiếng hét la điên loạn của giới Hippy ở Woodstock, nơi mà Larry cùng bạn bè lái xe từ Texas qua New York. Nơi Larry cùng bốn trăm ngàn người khác ăn hút, nghe nhạc, làm tình ở đó để phản đối chiến tranh Việt Nam trong ba ngày. Nơi Larry phản bội Barry và đồng đội đã đem xương máu của mình bảo vệ cho tự do ở một góc thẳm nhỏ bé khiêm nhường trên bản đồ thế giới, địa danh mà chính Larry cũng như nhiều người Mỹ khác vẫn chưa biết tới.
Du còn thấy được hình ảnh của Larry nằm lim dim đôi mắt, tận hưởng hơi thuốc bạch phiến cuối cùng hắn vừa hít được từ tay chuyền của kẻ khác. Chúng đang “ma túy” nhau. Du còn nghe được rất rõ những bước chân của đồng đội Barry giẫm lên nhau ơi ới ở một chiến trường xa, nơi điểm tựa cuối cùng đang nằm trên đầu súng. Những tiếng la liều mạng xung phong, những tiếng gào rú đớn đau thảm khốc. Và bên này, Larry cùng bạn bè thân trần trước ống kính thu hình; thuốc chuyền tay nhau từng hơi, rượu truyền cho nhau từng nốc. Phản đối, chửi thề trên tự do, trên xác chết của anh em mình đang bị đạn phá, chôn dập đâu đó ở một đất nước bạn ngàn dặm xa.
Du không thể nào tin tưởng vào đầu óc của mình qua những hình ảnh, tài liệu đã từng bắt gặp được trước đây. Thanh niên ở Mỹ khoảng thời gian đó thật là bệnh hoạn do hướng dẫn của những phương tiện truyền thông thiên tả và đầy dối trá.
Có lúc, Du mơ hồ nhận thấy chỗ nằm của Barry bên giao thông hào cũng có rất nhiều lỗ hổng: lỗ hổng của đạn bom, lỗ hổng của niềm tin. Và chỗ nằm của Larry ở trong lùm cây, trên chăn nệm cũng có những lỗ hổng: lỗ hổng của cỏ dại bị đè rạp xuống, lỗ hổng của chăn nệm cùng hai thân thể đè bẹp lên nhau nhơm nhớp mồ hôi. Larry còn có một lỗ hổng rất lớn nữa, đó là lỗ hổng của tư tưởng với chẳng có gì hết ngoài tiếng gào thét cho Tự Do một cách vô ý thức.
Còn Du, Du cũng có một chỗ nằm không phải trên quê hương mình, không phải cạnh giao thông hào như Barry. Nhưng chỗ nằm của Du cũng có một lỗ hổng với những chiếc lò-xo cũ kỹ bung ra, nghiến vào lưng Du – như những mảnh nhọn thủy tinh lấp lánh nhiều màu sắc tuổi thơ – bật máu. Cứ mỗi lần như vậy là Du lại có cảm giác rằng, càng ngày Du càng bị tuột xuống đó, với những chiếc lò-xo như thoa mỡ đâm lút vào da thịt Du cùng những nỗi đau đớn dịu dàng.
Sau đó, Du lại bị rớt vào vũng lầy của ký ức, nơi Du đã được sinh ra trong đói khổ, đã được ném vào đời với những hệ lụy buộc ràng. Ở đó, Du và mẹ đã thấp thỏm từng đêm chờ sáng, với hai con tim muốn bay khỏi buồng ngực khi có tiếng chó sủa, có tiếng chân ai đâm ngang vào vườn quạnh quẽ.
Còn chỗ nằm nào nữa dành cho bà Jennifer? Phải rồi, một chỗ nằm khiêm nhường trong căn phòng cuối dãy hành lang ở viện dưỡng lão. Chỗ nằm mà hàng đêm đưa đẩy bà rớt vào lỗ hổng to tướng trong đầu bà.. Ít ra Du cũng biết về lỗ hổng đó của bà. Lỗ hổng mà đã hơn hai mươi năm, từ ngày con bà chết, mà dấu vết chiến tranh Việt Nam đem lại cho bà. Bà vẫn không thể nào bồi lấp được. Ðó là Barry: đứa con của người tình thân, hạt giống của một mối tình thần thánh lúc bà còn danh vọng – Thằng con nó giống tao như đúc. Mày biết không, lúc nhỏ nó như thiên thần, nó thật là rực rỡ với mái tóc màu vàng hung, từng sợi, từng sợi mềm mại cong cong. Ai cũng khen nó hết. Vậy mà nó bỏ tao đi. Bà khóc sụt sùi. Còn thằng kia (đứa con bất đắc dĩ) – Trời ơi! Nó giống như thằng cha nghiện rượu và ma túy của nó quá thể, suốt ngày chỉ muốn làm phiền và làm tiền tao mà thôi. Ðúng là một bản “copy”. Bà gằn từng tiếng: “like father, like son”, thiệt đúng là “cha nào, con nấy” – Bà lặp lại lần nữa, và chép chép cái miệng móm của bà thêm dăm ba cái.
Du thật tình thấy tiếc đã không có dịp nói lời từ giã với bà Jennifer lúc nãy. Mải nghe bà tâm sự nỉ non, thấy nét đau khổ hằn trên khuôn mặt bà như những đường cứa vết dao, Du không nỡ nói cho bà biết là Du đã bị mất việc. Du biết bà sẽ càng buồn thêm khi nghe được tin này. Với bà, Du đã trở thành một người bạn tâm tình từ mấy tháng nay. Mỗi sáng, Du đã thấy bà ngồi sẵn ở hành lang chờ Du đến tự lúc nào, rồi lại lăn xe theo Du nói những câu vu vơ trong khi chờ đợi Du bấm thẻ. Vậy đó, nhiều khi chẳng có chuyện gì để nói nữa, bà lại nhìn Du lảm nhảm: “A little blue boy. A little blue boy”. Rồi lại chép chép cái miệng móm làm Du cũng phì cười.
Có lần bà hỏi tại sao Du còn nhỏ mà không chịu đi học, làm chi ba cái việc này. Du chỉ biết cười không đáp. Một lần, bà thấy Du đứng dài mặt ở một góc, sau khi bị bà y tá bắt nạt, la lối. Bà lăn xe tới khều tay Du. Du hiểu ý đẩy bà về phòng. Bà hỏi:
“Nếu tao cho mày tiền để đi học thì mày nghĩ sao?”
Du trố mắt nhìn bà Jennifer. Nỗi uất ức vừa bị chửi trước đám đông vì vô ý làm đổ ly nước cam của bà Brown khó tính, bị bà la lên oai-oái; cộng thêm sự cảm động mà bà Jennifer vừa dành cho Du, làm Du bật khóc bất ngờ. Bà Jennifer ngạc nhiên nhìn Du:
“Tao nói có sai điều gì không?”
Du chùi nước mắt, lắc đầu, gượng cười:
“Không, nhưng tôi nói với bà điều này bà đừng cho ai biết hết nghe. Tôi đã tốt nghiệp đại học rồi đó, nhưng kiếm không ra việc, tạm thời làm ở đây thôi.”
Bà Jennifer càng ngạc nhiên hơn:
“Mày nói đùa đó phải không? Mày học ngành gì nào?”
“Ðiện tử”.
“Vậy mày là kỹ sư?”
“Phải!”
“Oh! My God. Mày có làm nhầm chỗ không?”
Du cười. Bà lại lẩm bẩm: “Oh! My God. Oh! My a little boy”.
Vậy đó, trong công việc chạy tới chạy lui lắm lúc cũng làm cho Du tủi thân và nản chí, bởi mấy người già khó tính lại hay mè nheo như con nít; thì Du cũng tìm được chỗ tựa nơi bà Jennifer để được an ủi. Nhiều đêm, nằm trên lỗ hổng của chiếc nệm lò-xo. Du ước có một phép lạ nào đó để tuột xuống lỗ rồi trôi đi mất hút khi chợt nghĩ đến công việc ngày mai, nghĩ đến những khuôn mặt cau có của mấy bà y tá. Nhưng khi nghĩ tới bà Jennifer đang ngồi đợi Du với cái miệng móm chóp chép dễ thương, là Du lại phải trồi đầu ra khỏi lỗ hổng đó, vào phòng tắm rửa chuẩn bị cho một ngày mới.
o O o
Bước vào cửa với bó hoa cẩm chướng màu hồng trên tay, Du cười chào đáp trả lại những khuôn mặt cùng sở quen thuộc. Thật ra, Du không cần trở lại chỗ làm lần nữa để lấy tấm “cheque” cuối cùng vì họ bảo là sẽ gửi đến cho Du, nhưng Du muốn làm một công hai chuyện: Vừa lấy được tiền sớm để trả cho mấy cái “bills” đang đợi và thùng thuốc tây cho mẹ mua dồn dần cũng đang chờ tiền cước phí; hơn nữa là đi thăm lại bà Jennifer.
Sau khi ký tên nhận tấm chi phiếu, Du bước đến phòng bà Jennifer. Những người già đang ngồi trên xe lăn dọc theo hành lang. Vài khuôn mặt khó đăm đăm ngẩng lên nhìn Du, hỏi thăm dăm ba câu; kẻ vu vơ nghịch với vòng xe. Du bước tới. Phòng bà Jennifer trống trơn. Ðồ đạc trong phòng không còn nữa. Chiếc giường của bà được bọc lại gọn gàng bằng một tấm phủ giường khác, cùng màu hồng với màn cửa. Du sững sờ đứng nhìn đăm đăm vào chỗ nằm của bà Jennifer, đầu óc hỗn mang. Có một bàn tay đặt lên vai Du, giọng một người y tá vang lên sau lưng:
“Bà ấy đã mất rồi. Ngày hôm qua.”
o O o
Ðêm đó, Du thấy lỗ hổng nơi chỗ nằm của Du chợt giãn ra rộng hơn. Rồi Du bị trôi tuột vào lỗ hổng đó lần nữa. Và, lần này trên tay Du có cầm thêm một bó cẩm chướng màu hồng sáng lên rực rỡ…
(*) “Next stop is Vietnam”, song by Country Joe and the Fish (1967).
VP
—
Leave a Reply