Wednesday, January 1 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Trà Nhiên/Người Việt

BERKELEY, California (NV) – Nữ văn sĩ Mượn Thị Văn vừa xuất bản truyện tranh với tựa đề “Wishes” hồi Tháng Năm, nói về hành trình vượt biển của chính tác giả những năm đầu 1980, nhưng chỉ có vỏn vẹn 75 chữ vô cùng “ý nghĩa, súc tích, và đầy giá trị nhân văn.”

Nhà văn Mượn Thị Văn và cuốn truyện tranh nổi tiếng khác của cô, “Clever Little Witch.” (Hình: Nhân vật cung cấp)

Đây là cuốn sách ít chữ nhất của nữ nhà văn, được hai người thực hiện, cô và họa sĩ minh họa, với tổng cộng thời gian của hai người là bảy năm trời.

“Với câu chuyện này, tôi muốn khai thác một ‘màu sắc’ mới đó là viết ít hiểu nhiều,” cô Mượn chia sẻ với nhật báo Người Việt.

“Tôi muốn độc giả, đặc biệt là các em thiếu nhi, đồng cảm và gợi lên những cảm xúc, những kinh nghiệm khác nhau khi đọc 75 con chữ đó,” cô nói thêm.

Mượn Thị Văn “thai nghén” dự án viết về thuyền nhân đã lâu, nhưng chưa tìm được thời điểm thích hợp.

Năm 2017, sau khi sắc lệnh của tổng thống cấm người Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ vừa ban ra, cô quyết định thực hiện “Wishes.”

Cuốn sách này mất hơn bốn năm để hoàn thành, bao gồm thời gian nghiên cứu, viết kịch bản, và làm việc cùng họa sĩ tranh minh họa, Victo Ngai.

Cô Mượn cũng cho biết họa sĩ Victo dành khoảng ba năm để tạo nên những bức vẽ sinh động, “đong đầy xúc cảm,” cho “Wishes.”

Trong thời gian thực hiện, mỗi khi họa sĩ Victo vẽ xong tranh, cô Mượn phải xem coi có “khớp” với câu chuyện kể hay không, rồi vẽ tiếp.

Ngoài ra, những bức tranh này còn phải nộp cho nhà xuất bản để xem có đăng được không.

Cuối cuốn sách, tác giả có vài dòng chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.

Đang sống tại Berkeley, Mượn Thị Văn là một trong số ít nữ tác giả truyện tranh thiếu nhi gốc Việt nổi tiếng Hoa Kỳ.

Tác phẩm đầu tay của cô, “In A Village By the Sea,” được nhật báo The New York Times khen ngợi.

Các cuốn sách của cô đoạt nhiều giải thưởng văn học như Northern California Book Award, Golden Kite Award, New York Public Library Best Book, Kirkus Reviews Best Book, Junior Library Guild Selection, và Irma Black Award.

Truyện tranh “Wishes,” do Victo Ngai minh họa, kể về hành trình vượt biển của tác giả Mượn Thị Văn. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Nhà văn nữ sinh ra ở miền Nam Việt Nam, cha là quân nhân VNCH, nên gia đình phải luôn “ẩn nấp,” nếu không cha cô “có thể bị chế độ mới bắt và có thể ông ấy phải chết.”

Khi cô được 1 tuổi, gia đình chuyển về làng An Bằng, Huế, chuẩn bị cho hành trình rời Việt Nam đầy “sóng gió.”

Gia đình cô Mượn Thị Văn vượt biển bằng chiếc thuyền của ông ngoại, chỉ chứa được 20 người. Ông bà ngoại cô không đi trên chuyến đi này và đó cũng là lần cuối cùng cô nhìn thấy họ.

Sau hai tuần lênh đênh trên biển, chiếc thuyền cập bến Hồng Kông. Gia đình cô ở trại tị nạn khoảng một năm thì được bảo lãnh sang Mỹ.

“Tuy đến Mỹ lúc 2 tuổi nhưng tôi trải qua khoảng thời gian khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới. Tôi không nói được nhiều. Chuyện nghiêm trọng đến mức người chị họ cứ nghĩ rằng tôi bị câm,” cô Mượn nhớ lại.

“Tôi bắt đầu học tiếng Anh khi vào lớp một nhưng chưa thật sự thấy ‘thoải mái’ cho đến năm lớp bốn khi tôi quen được hai người bạn thân,” cô cho biết thêm.

Gia đình cô Mượn Thị Văn sống ở Kansas khi mới sang Mỹ, sau đó sống ở Texas, và rồi chuyển đến Hawaii, nơi cô học trung học.

Cô chọn ngành báo chí khi mới vào đại học. Sau đó, cô chuyển sang ngành học khác, mà theo cô thì phù hợp hơn với bản thân ở thời điểm đó.

Cuối cùng, cô tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học điện toán đại học North Western University, Illinois.

Sau khi ra trường, cô Mượn làm lập trình viên gần 15 năm.

“Công việc này tạo cho tôi cuộc sống ổn định, nhưng tôi không thấy vui,” cô chia sẻ. “Tôi bắt đầu phân vân về mọi thứ. Tôi tự hỏi mục tiêu cuộc đời mình sẽ là gì.”

Và rồi, nhà văn nữ quyết định sống thật với đam mê của cô… đó là viết.

“Tôi muốn sống một cuộc đời để không hối tiếc về sau,” nhà văn hào hứng khẳng định.

Cô cũng chia sẻ thêm là gia đình, nhất là mẹ cô, không ủng hộ với đam mê này của mình.

“Mạ muốn tôi và anh chị trở thành bác sĩ,” cô nhìn xa xăm nói. “Nhưng không ai trong chúng tôi theo ý nguyện của bà.”

“Tôi nhận thấy thị trường truyện tranh rất hiếm sách viết về trẻ em tị nạn hay nhập cư. Các em thật sự thấy lạc lõng và khó hòa nhập vào xã hội này nếu không có quyển sách nào đại diện cho lứa tuổi của mình,” cô nói.

Đó cũng là lý do thúc đẩy nhà văn Mượn Thị Văn theo nghiệp “cầm bút,” để viết về nhưng điều chỉ có chính tác giả mới “kể” được.

Nhà văn Mượn Thị Văn: “Hãy tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể.” (Hình: Nhân vật cung cấp)

Cô giải thích vì sao tên tác giả ở bìa sách của hai tác phẩm đầu là Muon Van, rồi sau đó là Mượn Thị Văn.

“Vì là lần đầu xuất bản sách nên tôi cũng cân nhắc về tính thương mại của tác phẩm. Tôi để tên Muon Van, viết không dấu theo kiểu Mỹ, để bậc phụ huynh nghe ‘bớt lạ tai’ và dễ đọc hơn là tên thật của tôi,” cô Mượn kể.

“Chuyện cái tên làm tôi trăn trở hoài và cuối cùng tôi quyết định sống thật và viết thật với Mượn Thị Văn,” cô nói.

Cô Mượn hiện đang sáng tác hai tác phẩm truyện tranh để xuất bản trong tương lai.

Cô cũng bật mí là hai cuốn sách, “One Is A Lot” và “If You Were Night” hiện được dịch sang Việt Ngữ và xuất bản ở Việt Nam vào khoảng năm 2022.

“Tôi rất hạnh phúc vì điều này! Mẹ tôi cuối cùng cũng đọc được sách mà con gái viết,” cô chia sẻ.

Cô cũng nói thêm: “Mạ là nguồn cảm hứng của đời tôi, đặc biệt là cho những ý tưởng viết sách. Thế nên, truyện tranh Việt Ngữ của Mượn Thị Văn mang ý nghĩa to lớn vì tôi có thể cùng bà đọc những câu chuyện ấy.”

Cô Mượn nói và hiểu tiếng Việt căn bản.

Hiện cô theo học lớp Việt Ngữ cùng ông Bắc Hoài Trần, giảng viên ngôn ngữ đại học UC Berkeley. Ước muốn tiếp theo của cô Mượn là đọc, nói, và viết tiếng Việt thành thạo.

Cô cũng gửi vài lời khích lệ đối với các nhà văn trẻ đang trên đường khẳng định chính mình.

“Sẽ có lúc các em không có sự ủng hộ của gia đình và mọi người xung quanh, nhưng điều quan trọng là hãy tin vào bản thân. Hãy có lựa chọn cho riêng mình. Lựa chọn mà làm các em hạnh phúc và hãy kiên nhẫn với nó,” cô chia sẻ

“Hãy tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể,” cô Mượn Thị Văn khẳng khái nói. [đ.d.]

Share.

Leave a Reply