Giang Nguyễn
Tại buổi hội thảo trực tuyến diễn ra hôm 30 tháng 6 vừa qua, một liên minh gồm 10 tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn về thảm hoạ môi trường do nhân tai mà trực tiếp là do Tập đoàn Formosa của Đài Loan gây ra, thông qua một “tour thăm quan trực tuyến” đến một số “địa điểm” trên thế giới.
Bà Kaytlin Joshua, người điều khiển chương trình, cho biết, các nơi ‘dừng chân’ trong ‘tour’ là những nơi Formosa đã đầu tư xây nhà máy, như tại Vũng Áng (Việt Nam), Texas (Hoa Kỳ) và tại Đài Loan.
Cũng theo lời bà Kaylin, các nhà đấu tranh vì môi trường cho biết, những hoạt động kinh doanh công ty này đã để lại một sự tàn phá môi trường và cuộc sống của người dân địa phương.
Để dẫn chứng cho đúc kết trên, bà Huiting Hsu cho biết, tại quê nhà của bà, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan rõ rệt giữa các công ty dầu hỏa của Formosa và tỷ lệ ung thư sau 10 năm vận hành. Tuy nhiên Formosa đã tìm mọi cách để dập tắt những tiếng nói chỉ trích. Bà chia sẻ thêm:
“Formosa Plastics sau đó đã kiện ngược lại một giáo sư – người đã cố gắng chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm của công ty và bệnh tật trong người dân. Động thái này được xem là cách nhanh nhất để Formosa bịt miệng các nhà nghiên cứu dám thách thức họ”.
Riêng tại Hà Tĩnh (Việt Nam), Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh, người quản nhiệm Giáo xứ Đông Sơn, xã Kỳ nam, gần đây chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do những gì ông chứng kiến từ khi ông về quản nhiệm giáo xứ Đông Sơn, cách địa giới hành chính Nhà máy Gang thép Hưng nghiệp Formosa chừng ba cây số:
“Ở trong giáo xứ của tôi cũng kiếm lên đến tầm khoảng 60% những người chết mà nguyên nhân dẫn đến cái chết là ung thư. Chắc chắn cũng chưa thể có một cái bằng chứng khoa học nào hoặc ai có thể chứng minh được rằng là vấn đề của Formosa là nguyên nhân dẫn đến việc ung thư. Nhưng mà nhìn thấy cảnh người chết vì ung thư nhiều như thế thì chính bản thân tôi cũng đặt lại vấn đề là môi trường chúng ta đang sống này nó như thế nào mà khiến cho bệnh ung thư trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh dẫn đến cái chết nhiều như thế”.
Trình bày về hậu quả của Formosa tại Việt Nam, diễn giả – ký giả Nancy Bùi nói, ngày hôm nay, hơn năm năm sau khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, người dân tại đây vẫn phải gánh chịu hậu quả: mất việc, phải bỏ nước đi tìm việc ở nơi khác, gia đình tan nát, con lớn lên không mẹ cha bên cạnh và họ phải chịu cảnh mưu sinh khổ cực.
Bà Nancy Bùi là Phó Chủ tịch Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa, tổ chức đang hỗ trợ pháp lý cho gần 8.000 nạn nhân Việt Nam trong vụ kiện Formosa tại Đài Loan.
Và những phản đối kịch liệt
Tập đoàn Nhựa Formosa đang có kế hoạch gọi là “dự án Ánh mặt trời”, đầu tư 12 tỷ USD xây 14 nhà máy chế biến nhựa tại Giáo xứ St. James, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ nhưng gặp sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương và phải hoãn ngày bắt đầu thi công.
Ban tổ chức buổi hội thảo “Tour Chất độc hại Formosa” đã đưa ra lời kêu gọi mọi người cùng tham gia hành động chống Formosa qua chiến dịch “tố cáo, ngưng tài trợ và thoái vốn” các dự án Formosa tại Louisiana và trên khắp thế giới.
Bà Michelle Chan của tổ chức Friends of the Earth (Bạn của Trái Đất) giải thích rằng Formosa cần gây quỹ 12 tỷ USD cho dự án và sẽ cần nhờ đến các ngân hàng và đây là cơ hội các nhà hoạt động có thể tấn công, tố cáo Formosa trên mạng xã hội cũng như viết thư qua email, Twitter, Facebook nhằm yêu cầu các ngân hàng như Bank of America, JP Morgan Chase và Wells Fargo ngưng tài trợ Formosa:
“Formosa rất cần những ngân hàng này, nhưng các ngân hàng không nhất thiết cần Formosa. Vì vậy, chúng tôi đang ở một vị trí tuyệt vời để cùng hợp tác đặt áp lực lên Wall Street, khiến các ngân hàng phải tránh xa Dự án Ánh mặt trời này”.
Những chiến thuật thoái vốn cũng đã được thực hiện tại Đài Loan với sự hỗ trợ của 10 tổ chức liên đới vì môi trường. Bà Nancy Bùi cho biết:
“Thực tế thì Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa cũng đang cố gắng làm việc theo hướng đó. Quý vị chắc cũng có nghe nói là bốn ngân hàng quốc doanh của Đài Loan có bỏ ra 2,5 tỷ đô la cho Formosa Hà Tĩnh vay để phát triển thêm nhà máy ở Vũng Áng, Hà Tĩnh. Các tổ chức đã giúp Hội Công lý cho nạn nhân Formosa làm các cuộc biểu tình, vận động thủ tướng Đài Loan vào khoảng tháng 4, tháng 5 vừa qua. Đó cũng là một trong những sinh hoạt của nhóm No Formosa Global”.
Ngoài ra, các nhà hoạt động cũng đã khởi động một kiến nghị kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa ra chỉ đạo thu hồi giấy phép liên bang cho Formosa Plastics xây dựng khu phức hợp hóa dầu ở Giáo xứ St. James, Louisiana.
Bà Nancy cũng cho biết thêm: “Nếu mà quý vị có cơ hội thì xin ký vào đó vì sự thành công của nhóm ngăn cản việc xây nhà máy mới tại Louisiana, nếu thành công thì cũng là một trong những cơ hội để tiếng nói của (người Việt) chúng ta mạnh mẽ hơn.”
Ban tổ chức đã kết thúc buổi hội thảo với những lời kêu gọi “Stop Formosa”.(RFA)
Leave a Reply