Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
  • Phạm Cao Phong
  • Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp
HN

NGUỒN HÌNH ẢNH,L’ENSEIGNE BALNY ET LA CONQUÊTE DU TONKIN’

Chụp lại hình ảnh,
Kiếu của quan đại thần nhà Nguyễn trên đường phố Hà Nội qua nét vẽ của sĩ quan họa đồ Pháp có mặt lúc đó, hình từ cuốn ‘L’enseigne Balny et la conquête du Tonkin’.

Nguyên soái Nguyễn Tri Phương chọn cái chết sau vụ thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất vào năm 1873 có nhiều uẩn khúc chưa được lý giải một cách thuyết phục.

Ngày 20 tháng 11 năm 1873 (tức ngày 1 tháng 10 năm Tự Đức thứ 26), quân Pháp với con số khiêm tốn 180 binh sĩ, do Francis Garnier và Jean Dupuis phối hợp đã tấn công thành Hà Nội. Sau chưa đầy một giờ, Pháp đã chiếm được thành.

Đại Nam thực lục chính biên chép:

“…ngày mồng 1 tháng 10 (âm lịch) đánh úp tỉnh thành, quan quân chia cửa chống giữ. Khâm mệnh Nguyễn Tri Phương cùng với con là Phò mã Lâm (nguyên xin đi dò thám) giữ cửa Đông Nam, quân nước Pháp phá ngay trước, Lâm bị bắn chết, Tri Phương bị thương; quân các cửa tan vỡ, thành mới bị mất”. (ĐNTLCB-quyển 23, truyện các quan, mục 13, Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tập 3.)

Sách Đại Nam liệt truyện ghi lại:

“Tri Phương cùng con là Phò mã Lâm thì giữ cửa Đông Nam thành. Quân Phú (Pháp) phá cửa ấy trước, Lâm bị súng bắn chết, Tri Phương bị thương, thành bị hãm”.

“Tri Phương nằm gan lì ở dinh, tuyệt không ăn uống gì. Bọn quân Pháp coi giữ ở thành ấy thường đem cháo và thuốc đổ cho Phương ăn uống, nhưng Phương nhất thiết đều phun mửa ra. Thong dong nói rằng: nghĩa đáng phải chết.

Sau này, các sách sử Việt Nam nhuận sắc thêm rằng: Mặc dù Nguyễn Tri Phương bị thương nặng nhưng quân Pháp vẫn bắt giữ và tìm cách chữa trị hòng mua chuộc, lợi dụng ông để thuyết phục các lực lượng khác của quân Nguyễn đầu hàng, nhưng Nguyễn Tri Phương từ chối. Ông xé băng vết thương và tuyệt thực để tuẫn tiết.

Hoặc đơn cử một cách phản ánh khác :

”Trong trận chiến này, con trai Tổng đốc Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị thương nặng và sa vào tay giặc. Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri phương, quân Pháp tìm cách chạy chữa hòng mua chuộc ông. Nguyễn Tri Phương từ chối khi chúng yêu cầu chữa trị viết thương, tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần buất khuất với câu nói đanh thép “Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”.

Cách viết và lập luận của sách sử Việt Nam đều nghiêng về bình luận sự tiết tháo của nguyên soái Phương, mà bỏ qua những sự kiện quan trọng khác.

Một loạt câu hỏi còn bỏ lửng chưa có câu trả lời:

Vì sao thành Hà Nội có một đội quân đồn trú đông đảo đến 7000 quân sĩ, dưới sự chỉ huy của một nguyên soái dầy dạn trận mạc như nguyên soái Phương lại có thể thất thủ dễ dàng như vậy ?

Trận đánh diễn ra như thế nào, tướng Phương chỉ huy phòng thủ ra sao, có những sơ xuất gì, bị thương, bị bắt và tuẫn tiết ở khu vực nào trong Hoàng thành Hà Nội ?

Sử Việt Nam không những bỏ lửng khoa học thời gian vốn cần thiết để tái hiện lại trung thực sự việc, mà còn lái theo một nhãn quan chính trị rõ rệt.

Chẳng có dân tộc nào mà lịch sử chỉ trang điểm bằng huy hoàng và chiến thắng. Đối diện thẳng thắn, mổ xẻ những vấp ngã để rồi đứng lên mạnh mẽ và vững vàng, thiết tưởng thiết thân hơn là bẻ cong lịch sử.

Chẳng phải vô tình, 10 năm sau 1884, thành Hà Nội lại tuột vào tay Pháp?

Hai lần mất thành, hai lần dẫn đến hai Hiệp ước ngang trái, cái sau tồi tệ hơn cái trước. Đặc biệt tai hại là Hiệp ước Patenôtre 6/6/1884, hiệp ước áp đặt chế độ bảo hộ lên Việt Nam.

Qua những tài liệu của phía Pháp và những nghiên cứu gần đây nhất về châu bản triều Nguyễn gồm 796 tư liệu, trong đó có 40 châu bản triều vua Tự Đức liên quan đến sự kiện thành Hà Nội thất thủ lần thứ nhất.

Số tư liệu này có từ báo cáo của Thống đốc Hoàng Kế Viêm về việc tàu của lái buôn Pháp là Jean Dupuis chở đầy vũ khí neo đậu ở Hà Nội, đến bản Tấu của Nội các về việc xét xử các quan viên chịu trách nhiệm vì để mất thành Hà Nội.

‘Tuẫn tiết một tháng sau’?

Tôi cố gắng tái tạo lại các sự kiện theo trật tự thời gian và tìm hiểu những uẩn khúc về sự kiện tuẫn tiết của nguyên soái Nguyễn Tri Phương.

Về nguyên soái Phương, sử tiếng Việt không có một dòng nào đề cập tình trạng vết thương ra sao, bị thương ở phần nào trên cơ thể.

Tuy vậy tài liệu của Pháp về điểm này cũng có nhiều mâu thuẫn.

Sử gia Philippe Devillers mô tả ”le maréchal Phuong a été grièvement blessé d’une balle dans le bas-ventre alors qu’il montait sur les remparts exciter les soldats cachés derrière le pararet.” (Français et Annamites partenaires ou ennemis 1856-1902– trang 161.)

Nguyên văn: ”Nguyên soái Phương trúng một viên đạn, bị thương nặng ở bụng dưới, khi trèo lên mặt lũy cổ vũ quân lính đang ẩn trốn phía sau lan can thành”.

HN

NGUỒN HÌNH ẢNH,L’ENSEIGNE BALNY ET LA CONQUÊTE DU TONKIN

Chụp lại hình ảnh,
Thành Hà Nội trong giai đoạn tình hình Bắc Kỳ bị Pháp đánh và quân Cờ Đen nhũng loạn

Sử gia Philippe Héduy viết trong tác phẩm ‘Lịch sử Đông Dương, viên ngọc của đế chế 1625-1954’ (Histoire de l’Indochine, la perle de l’Empire 1624-1854) : ”vị nguyên soái già bị thương ở mạng sườn bởi mảnh đạn”

Cháu ruột đời thứ ba, cùng tên với trung úy hải quân chỉ huy chiến thuyền ‘Espingole’ Andrien Balny d’Avricourt, sĩ quan cùng tham dự chiến dịch đánh thành Hà nội năm 1873, cùng hy sinh ngày 21/12/1873 với Françis Garnier trong khi truy đuổi quân Cờ đen, là người sau này cũng trở thành sĩ quan tham chiến tại chiến trường Đông Dương năm 1948-1951, đã tham khảo những tư liệu gia đình, tài liệu của Bộ hải quân và thuộc địa Pháp, hậu duệ gia đình những thành viên liên hệ trực tiếp đến sự kiện Tonkin và những sử liệu thuộc ‘ Instruction publique en Indochine’ đã mô tả thêm nhiều chi tiết mới trong cuốn sách ”L’enseigne Balny ets la conquêté du Tonkin” tả lại rằng :”nguyên soái bị thương nặng ở bụng, một tháng sau thì mất.” (Trang 207).

Như vậy là có thể tạm kết luận là Nguyễn Tri Phương có bị thương.

Theo đánh giá của tôi, trong tình hợp nguyên soái Phương bị thương nặng, kịch bản chỉ có thể xảy ra là :

Nguyễn Tri Phương được quân y Pháp điều trị thành công, cứu sống.

Các vết thương ở ổ bụng thuộc loại những vết thương tồi tệ nhất trong chiến tranh. Thông thường nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, máu sẽ tràn ứ phổi dẫn đến ngộp thở, máu trào ra ngay từ miệng, mũi, ngăn cản đường hô hấp, gây ra tử vong.

Trường hợp đạn phá vỡ các cơ quan nội tạng dẫn đến tràn dịch ruột, gây ngộ độc, đau đớn khủng khiếp, choáng… ít ai sống được qua một ngày vì các vết thương tương tự nếu không được cấp cứu đúng.

Nguyên soái Phương một tháng sau mới mất, thì đương nhiên ông phải được hưởng những sự chạy chữa và cấp cứu của quân đội Pháp.

Sau trận Solferino 24/6/1859 giữa quân đội Pháp và quân Áo, dẫn đến việc ra đời CICR (Hội chữ thập đỏ quốc tế), Pháp đã ký công ước quốc tế ‘Convention de Genève’ 22/8/1864 về chăm sóc tù binh chiến tranh.

Là một sĩ quan dầy dạn, đã từng tham gia chiến dịch chiếm Bắc Kinh, tham gia trận Kỳ hòa, đụng đầu trực tiếp với nguyên soái Phương năm 1861, đồng thời là phó đoàn khám phá sông Mekong, Françis Garnier dầy dạn kinh nghiệm chiến trường, được đào tạo theo những quy định quân đội, nên việc đối xử với quan quân Việt không nằm ngoài thông lệ.

Việc sơ cứu và phải có trách nhiệm hỗ trợ khi nhìn thấy người bị nạn được chuẩn hóa trong tư cách công dân, quy định thành luật tại Pháp và các nước châu Âu. Ngay khi học để lấy bằng lái xe, mỗi cá nhân đều phải nằm lòng điều này, học cách xử trí và bắt buộc có nghĩa vụ thi hành, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính, có thể bị tù. Chuẩn mực này có thể chưa phổ biết thành ứng xử thường nhật ở Việt Nam dẫn đến các ngộ nhận, gán ghép cho các mục đích khác?

Sông Hồng

NGUỒN HÌNH ẢNH,L’ENSEIGNE BALNY ET LA CONQUÊTE DU TONKIN’

Chụp lại hình ảnh,
Tàu Pháp ‘Espingol do Balny d’Avricour phá chướng ngại vật quân nhà Nguyễn ngăn trên sông Hồng

Ngay với các thành viên gây ra các vụ khủng bố bị thương, bị bắt cũng luật của Pháp nghiêm cấm hành động trả thù, đánh đập. Nên các bình luận rằng Pháp chữa chạy để ‘mua chuộc’ là không cần thiết, thiếu chính xác. Các đơn vị của Pháp khi đó chỉ chiến đấu, không hề tuyển quan chức nhà Nguyễn để lo việc lậo ra bộ máy ‘thân Pháp’, điều chỉ xảy ra nhiều chục năm về sau.

Trường hợp nếu nguyên soái Phương chỉ bị thương vào phần mềm, không ảnh hưởng đến tính mạng, thì cũng không cần phải biện giải, nói thay cho ông là ”từ chối khi chúng yêu cầu chữa trị viết thương, tuyệt thực tuẫn tiết để khẳng định tinh thần buất khuất với câu nói đanh thép “Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”.

Thử xem một số khả năng khác về nguyên nhân Nguyễn Tri Phương mất

Tôi cho rằng chúng ta cần xem xét cả khả năng nguyên nhân dẫn đến cái chết của nguyên soái Phương là do ông phản ứng lại quyết định của vua Tự Đức, hoặc do ông uống thuốc độc, hoặc ông là nạn nhân của sự bôi nhọ bởi chính các đại thần triều đình Huế cử ra Hà Nội.

Đọc các chỉ dụ của vua Tự Đức, dễ nhận thấy sự thiếu tin tức, thiếu thực tế trong cách động binh của triều đình Huế. Có thể việc làm này xuất phát từ những thông tin sai lệch hoặc thầy dùi của các quan văn võ ghen tức với tướng Phương?

Đáng chú ý có bản Phụng thượng dụ của Cơ Mật viện (Châu bản tập 156, tờ 36, ngày 5/10, năm Tự Đức thứ 26) chép:

…Lệnh cho Nguyễn Trị Phương thu gom quân sĩ tìm cách đánh chiếm lại thành Hà Nội để chuộc tội“.

Trong vòng chưa đầy một tháng, các tỉnh thành xứ Bắc (Pháp gọi là Tonkin) lần lượt rơi rụng. Ngày 24/11, Hưng Yên mất không nổ một phát súng, ngày 26/11, Phủ Lý rơi vào tay Balny trong tay chỉ có 15 lính, ngày 4/12 Balny chiếm Hải Dương thu được một kho bạc lớn, 200 đại bác, hàng tấn gạo muối, ngày 10/12 Garnier chỉ huy 30 lính chiếm thành Nam Định.

Nguyễn Tri Phương bị thương, nằm trong tay quân Pháp đương nhiên bất khả thi tuân lệnh vua?

Thiếu sự ủng hộ của người dân là một nguyên nhân quân Nam Triều thua Pháp?

Tình thế này có làm nhớ đến câu nói của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), người được chính Trung Quốc gọi là Hỏa khí tri thần (火器之神), sáng tạo ra những khẩu đại bác nổi tiếng khi nói với Hồ Quý Ly : ”Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” ?

Liệu có phải người dân Bắc Kỳ chán ghét sự nhu nhược của quan quân triều Nguyễn, sự lộng hành của các đảng cướp Trung Hoa trên khắp các tỉnh thành, cả trên biển lẫn đất liền đã quay lưng lại với Huế ?

Hơn nữa, những hủ bại trong tư tưởng, cách bắt chước tồi tệ tư tưởng Trung Hoa đã dẫn đến việc số đông nhà nho coi nhà Lê đã lùi vào lịch sử cao hơn dòng nhà Nguyễn chỉ là dòng chúa.

Việc đàn áp người Thiên Chúa giáo một cách bất công của nhà Nguyễn cũng làm xiêu tán lòng người. Một người chị của chúa Trịnh cũng theo đạo Công giáo giai đoạn 1634, chứng tỏ niềm tin này không dễ loại bỏ bằng các biện pháp cấm đoán vô lý.

An Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,L’ILLUSTRATION

Chụp lại hình ảnh,
Võ quan An Nam cưỡi ngựa – tranh của Pháp năm 1864

Ở đây cần chú ý đến thời điểm Nguyễn Tri Phương chọn việc tuẫn tiết.

Sau khi bốn tỉnh quan yếu của Bắc Kỳ thất thủ, vua Tự Đức gửi ra Hà Nội hai phái đoàn, một do Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hiệp dẫn đầu. Phái đoàn thứ hai do đại thần Nguyễn văn Tường đi cùng với Philastre theo tàu chiến Pháp.

Châu bản tập 156, tờ 49, ngày 12/10, năm Tự Đức 26 (bản Phụng mật dụ của Cơ Mật viện) chép: Căn cứ vào việc phía Pháp là Garnier đưa thư đến xin đặt lại quan chức mới và họ không có ý định chiếm thành trì. Đã dụ chuẩn cho tân Tổng đốc Hà – Ninh là Trần Đình Túc, tân Tuần Phủ Hà Nội là Nguyễn Trọng Hợp cùng các quan chức: Bố chánh, Án sát, Đề lĩnh Hà Nội nhận chức, nhân đó thương thuyết với Garnier về việc thông thương, sớm chất dứt chiến tranh giữa hai bên.

Quốc triều chính biên toát yếu trang 193 viết :

Tháng 11 (âm lịch), quan Tổng đốc mới Hà Ninh là Trần Đình Túc, tuân lời chỉ chuẩn, trước đương bệnh cũng gắng đi cùng quan tuần phủ mới là Nguyễn Trọng Hiệp, lãnh binh Hoàng Đồn Diên, giám mục Bình, linh mục Đăng cũng đều tới một lần, An Nghiệp (Françis Garnier ) rước vào thành thương thuyết.

Nguyễn Tri Phương mất ngày 20/12/1873, sau khi được tiếp xúc với phái đoàn Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hiệp. Cuộc gặp gỡ này chắc chắn có liên quan đến tâm tư suy nghĩ của nguyên soái Phương.

Lúc này, ông vẫn nguyên giữ chức Tuyên sát đổng sức đại thần, chức vụ được vua Tự Đức phong khi cử ông cử ra xem xét trị an ở Bắc Kỳ tháng 7/1872. Trong số tù binh bị Pháp bắt cùng Nguyễn Tri Phương còn có hai con trai của đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867), người đã uống thuốc độc tự tử và di chúc lại cho con cháu không được ra làm quan với triều Nguyễn.

Sau sự kiện Đại đồn Kỳ Hòa mất dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, Việt sử tân biên chép :

”Cuộc bại trận của Nguyễn Tri Phương lúc này làm Triều đình Huế như điên dại. Tự Đức tức tốc phái Nguyễn Bá Nghi làm khâm sai đại thần, Tôn Thất Đính làm đề đốc mang 4000 lính vào Biên Hòa tiếp viện và lập hội đồng nghị tội những kẻ chiến bại để nghiêm quân luật. Đồng thời có lệnh xuống cho các tướng địa phương thu nhặt tàn quân để bảo vệ các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên, Biên Hòa.

Đình nghị chiểu luật ”Bất cổ hủ” giải chức Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Cáp và trảm giam hậu các quan dự vào chiến cuộc và các tỉnh thần đều bị bãi chức, nhưng Tự Đức cho hưởng giảm khinh là lấy công chuộc tội vì trước kia họ đã khó nhọc nhiều từ ngày quốc biến. Rồi chỉ thị giáng Nguyễn Tri Phương xuống tham tri, Phạm Thế Hiển lang trung, Tôn Thất Cáp xuống Viên ngoại và các liên thuộc cũng được ân giảm theo.” (VSTB, quyển 5, trang 144).

Quý Dậu, Tự Đức năm thứ 26 [1873], tháng 7, chỉ vài tháng trước sự kiện mất thành Hà Nội, Tự Đức lại khiển trách Nguyễn Tri Phương rằng:

Ngươi vâng mệnh đến các quân thứ và các tỉnh ở Bắc Kỳ, Tuyên sát đổng sức đã lâu ngày, từ đấy đến nay chưa thấy làm được việc gì, các quân thứ và các tỉnh đoàn kết thổ dõng, chỉ thấy hư ứng không thấy có việc gì thực hành, thì gọi là tuyên sát đổng sức ở chỗ nào? (ĐNTL).

Có thể thấy, đình thần và vua Tự Đức có phần không nương tay với Nguyễn Tri Phương. Hoạn lộ của ông thăng trầm, lên lên xuống xuống, điều đó ảnh hưởng không ít đến tâm tư và hành động của ông trong năm định mệnh gọi tên 1873.

Lần này lại thêm chuyện chủ quan để mất Hà Nội, giáng thêm một đòn nặng vào tâm tư của nguyên soái Phương ?

Mộ nguyên soái Nguyễn Tri Phương hoang vắng và cô đơn tại quê ông

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAO PHONG PHAM

Chụp lại hình ảnh,
Mộ nguyên soái Nguyễn Tri Phương hoang vắng và cô đơn tại quê ông

Những tin tức từ Huế do các đại thần Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp một vị thư ký của vua Tự Đức không mang lại điều gì tốt lành cho nguyên soái Phương.

”Nguyễn Thứ phải chém lập tức; Phạm Đăng Tuấn, Bùi Văn Thú phải thắt cổ ngay, Đỗ Phát, Doãn Khuê xử phải phạt trượng và phát lưu.

”Thự đốc Bùi Thức Kiên phải trảm giam hậu, và tước bỏ tên ở bia, sổ tiến sĩ; Đại thần Nguyễn Tri Phương cách mất chức hàm, còn án trảm giam hậu mãi; Đề đốc Đặng Văn Siêu phải trảm giam hậu ; Bố chính Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phó lãnh binh Lê Tiến Khoa xử giảm xuống phải phạt trượng và phát lưu;

Theo định nghĩa của GS Đỗ Văn Ninh, viện phó Viện sử học Việt Nam trong sách ‘Từ điển chức quan Việt Nam’, Nguyễn Tri Phương với hàm ‘Khâm mạng’ là người có quyền được phép thay mặt vua quyết định tại chỗ. Chức vụ cao hơn khâm sai và khâm phái.

Trần Đình Túc trước đó chỉ là Tán lý quân thứ Tuyên Quang, một ‘chức quan phụ trách tham mưu khi cần thiết ‘ (Đỗ văn Ninh. Sđd-CQVN, trang 484). Vậy mà Túc lại được vua tin cậy, cử ra thế chỗ một nguyên soái lớn, vốn được quyền ‘chém trước tâu sau’, là sự sỉ nhục với một công thần đầu triều như nguyên soái Phương ?

Trong sách của Pháp miêu tả ngày 21/12, khi tiếp Trần Đình Túc tại chính hành dinh nơi tướng Phương mất, Garnier tỏ ra rất tức giận. Đáng tiếc là, cùng ngày đó, cả Balny, Garnier đều chết trận, nên những trao đổi giữa họ với phái đoàn Huế không được ghi lại.

Những chỉ thị thiếu tầm nhìn thực tế, cách chức tại trận Nguyễn Tri Phương của vua Tự Đức đã mang lại những suy nghĩ tiêu cực cho vị nguyên soái già đầu bạc? Người đã trải qua ba đời vua vẫn vác gươm đi giúp nước, em ruột và con trai đều hy sinh trên trận tiền đã không được hiểu và trân trọng nên tìm cho mình lối thoát tiêu cực?

Đại Nam liệt truyện chính biên viết :

‘Lúc sắp chết, Phương tắm gội, thay áo, thần sắc vẫn không thay đổi. Phương tuyệt thực từ ngày 1 tháng 10, đến ngày 1 tháng 11 (âm lịch), đầy 1 tháng mới chết, thọ 74 tuổi“.

Người tuyệt thực cả một tháng ở tuổi 74 không thể tự chọn cho mình ngày đi. Đây là một thực tế. Phải chăng ông chọn ra đi vì bị vua Tự Đức đối xử bất công?

Việc ông tắm gội, thay quần áo rồi đi, được coi như một hành động lễ sống vua.

Triều đại vua Tự Đức đã mang tai tiếng sau sự ra đi của Phan Thanh Giản (1796-1864), nếu phải chịu thêm tiếng xấu là đẩy Nguyễn Tri Phương tự tìm cái chết sẽ mất thêm uy tín vốn đang đi xuống. Có phải vì vậy mà tướng Phương đã được giải thích vì giận Pháp quyên sinh ?

Vua Tự Đức đã phán xử nguyên soái Phương với những dòng nặng nề như dành cho một tội đồ đã bẻ gẫy ý chí của vị tướng già.

“Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ còn có thể khen về tiết nghĩa, còn không có công lao tài năng thu chuyển, mà mượn cớ trốn trước, thì chỉ là giữ lấy thân mà thôi ; dẫu có trăm miệng muôn đời cũng không thể khỏi tội được, đâu đáng kể đến làm gì?”

Nguyễn Tri Phương đã tránh gặp vua, như Phan Thanh Giản đợi tin vua về việc nước nửa tháng không thấy cũng đến gặp cái chết, như một mái tóc trầm hương cúi xuống cho chính mình, như nhỏ giọt nước mắt rồi tự lau.

Một dòng viết sử Việt Nam sau này tiếp tục ‘tinh thần Tự Đức’, thắng thì không sao, thua thì coi như tội đồ, nhận hết cả trách nhiệm cho chiến lược sai của vua, của lãnh đạo.

Ai lỡ bị địch bắt thì ‘tốt nhất’ là tự sát, vì sống trở về sẽ chỉ là tù nhân suốt đời của nghi kỵ, oán hờn từ ‘phe ta’.

HN

NGUỒN HÌNH ẢNH,CAOPHONG PHAM

Chụp lại hình ảnh,
Hoàng thành Thăng Long ngày nay

Sự tàn bạo này giết đi nhiều tài năng. Những linh hồn oan uổng ấy đã ra đi chỉ còn những ngôi mộ cô đơn, hoang vu từ ngày ấy, từ đó, đến nay và vẫn vậy.

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong, hiện sống ở Paris, Pháp.

Share.

Leave a Reply