Lễ khai mạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được chủ nhà Nhật Bản tổ chức tối 23/7 tại sân Olympic Tokyo.
Lễ khai mạc Olympic 2020 bắt đầu với những hình ảnh ảm đạm, trầm lắng, thể hiện tình cảnh chung của thế giới trong thời Covid-19. Trong đó, các VĐV cũng gặp khó khăn trong tập luyện. Sau đó, không khí tươi sáng dần nhờ những màn biểu diễn của các vũ công. Cuối lễ khai mạc là những khoảnh khắc thăng hoa với màn biểu diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái.
Ban tổ chức đan xen những nghi thức bắt buộc của lễ khai mạc như hát quốc ca, hát bài hát chủ đề Olympic, rước cờ, phát biểu của chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản và chủ tịch IOC, thắp đuốc… với những màn trình diễn nghệ thuật. Tuy không hoành tráng do ảnh hưởng của Covid-19, những tiết mục này đã thể hiện tinh thần Nhật Bản truyền thống và hiện đại. Đó là vũ điệu của những thợ mộc, những chú chim bồ câu gấp giấy theo nghệ thuật Origami, kết hợp với màn trình diễn ánh sáng bằng máy bay điều khiển từ xa hay màn biểu diễn của các nghệ sĩ tạo hình, thể hiện biểu tượng của 33 môn thể thao tranh tài tại Olympic.
Kết thúc show diễn này là màn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, khi nghệ thuật truyền thống Nogaku được biểu diễn trên nền nhạc jazz từ cây piano của nghệ sĩ Hiromi. Giữa những màn trình diễn có cung bậc cảm xúc tăng dần này là nghi thức diễu hành của VĐV các nước, trong đó có đoàn Việt Nam với hai VĐV rước cờ là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và VĐV điền kinh Quách Thị Lan.
Ban tổ chức lễ khai mạc cũng nhân dịp tri ân những người có đóng góp cho Olympic nói chung và nền thể thao Nhật Bản nói riêng. Từ nhà hoạt động xã hội Bangladesh Muhammad Yunus, cựu vô địch Olympic môn bơi lội Kirsty Coventry – người đang làm bộ trưởng thể thao Zimbabwe cho đến những người lao động trong những ngành nghề thiết yếu, các nhân viên y tế đang chống dịch để sự kiện có thể diễn ra.
Lễ khai mạc Olympic 2020 cũng là một màn trình diễn ánh sáng ấn tượng. Không quá chói chang, cũng không có sự tiếp sức của khán giả trên khán đài, đạo diễn hình ảnh đã lợi dụng những khoảng tối để hướng sự tập trung của người xem đến chi tiết quan trọng mà điểm nhấn là ánh sáng từ quả địa cầu lơ lửng trên đầu sân vận động do những chiếc máy bay tạo ra.
Về âm thanh, nghi thức diễu hành của các đoàn thể thao được tiến hành trên nền nhạc của những trò chơi điện tử nổi tiếng Nhật Bản từng sản xuất như Sonic hay Dragon Quest. Không thể bỏ qua những chất liệu âm nhạc truyền thống của Nhật Bản nhưng đạo diễn cũng lồng ghép chất liệu âm nhạc phương Tây mà một trong số đó là ca khúc Imagine của cố nhạc sĩ John Lennon, để mọi người có thể dễ dàng hòa cùng.
Nhìn chung, lễ khai mạc Olympic 2020 không hoành tráng như những sự kiện có quy mô tương tự trước đây, tại London 2012 hay Rio 2016. Nó cũng chứa đựng những khoảng lặng kéo cảm xúc của người xem xuống. Tuy nhiên, đây là một buổi lễ đầy đủ những sự gửi gắm của chủ nhà Nhật Bản với cộng đồng thế giới. Trong đó có sự biết ơn của họ với những gì thể thao đã mang lại cho Nhật Bản.(VNExpress)
Quang Huy
Leave a Reply