TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :14/07/2021
Lễ duyệt binh truyền thống mừng Quốc Khánh Pháp trên đại lộ Champs-Elysées (Paris) ngày 14/07/2021. AP – Michel Euler
Thanh Phương RFI
Hôm nay, 14/07/2021, Pháp tổ chức trở lại cuộc diễu binh truyền thống mừng Quốc Khánh sau khi đã phải hủy cuộc diễu binh này năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh.
Đây là cuộc diễu binh cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron, cũng với đầy đủ các đơn vị, trên đại lộ Champs-Elysées, Paris. Cuộc diễu binh năm nay huy động 5.000 người, trong đó có 4.300 quân nhân diễu hành trên đường, cùng với 73 phi cơ, 24 trực thăng, 221 xe cơ giới và 200 ngựa của lực lượng Vệ Binh Cộng Hoà.
Đặc biệt, lần đầu tiên xe thiết giáp Griffon, xe vận chuyển binh sĩ thế hệ mới, được phô diễn trong lễ diễu binh hôm nay. Sắp tới đây xe thiết giáp này sẽ được triển khai ở vùng Sahel, châu Phi. Tham gia diễu binh còn có một toán quân của lực lượng đặc nhiệm châu Âu mang tên Takuba, bao gồm binh lính từ 8 quốc gia châu Âu. Lực lượng này do Pháp khởi xướng, để hỗ trợ quân đội Mali trong các trận giao tranh với quân thánh chiến Hồi Giáo tại vùng Sahel, nơi mà sau 8 năm can thiệp, Pháp sẽ cắt giảm quân số.
Lần đầu tiên diễu binh trên đại lộ Champs-Elysée còn có các cảnh sát thành phố, mà ở đây là của thành phố Nice, nơi đã xảy ra hai vụ khủng bố trong những năm gần đây. Đặc biệt hôm nay còn có phần diễu hành của bộ chỉ huy Không Gian mới của lực lượng Không Quân Pháp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại Pháp do sự lây lan rất mạnh của biến thể Delta, cuộc diễu binh hôm nay diễn ra với số khán giả hạn chế. Những người nào muốn vào xem diễu binh dọc hai bên đường đều phải đeo khẩu trang và phải trình chứng nhận y tế. Số người trên khán đài cũng giới hạn ở mức 10.000 người, thay vì 25.000 lúc bình thường.
Sau lễ diễu binh, nhiều sinh hoạt mừng Quốc Khánh sẽ được tổ chức ở Paris, kết thúc bằng buổi bắn pháo bông ở khu vực tháp Eiffel, tối ngày 14/07.
Riêng trong ngày 13/07/2021, tại Pháp, có gần 800 000 người đăng ký tiêm chủng ngừa Covid-19. AP – Constantin Gouvy
Thu Hằng
Dường như biện pháp “cây gậy và củ cà rốt” có hiệu quả. Thông báo ngày 12/07/2021, được coi như lời cảnh báo, của tổng thống Pháp mở việc mở rộng phạm vi áp dụng giấy chứng nhận y tế đã có hiệu lực tức thì. Trong vòng chưa đầy 24 tiếng sau bài diễn văn đã có hơn 1,7 triệu người lấy hẹn chỉ riêng trên trang web Doctolib, chuyên về đăng kí hẹn khám bệnh.
Trên trang Facebook, tổng thống Emmanuel Macron giải thích biện pháp được đưa ra : « Lựa chọn của chúng ta rất đơn giản : để những người không tiêm chủng chịu những biện pháp hạn chế, chứ không phải buộc tất cả mọi người cùng gánh chịu. Đó là ý nghĩa của giấy chứng nhận y tế, sắp được mở rộng ».
Người phát ngôn chính phủ, ông Gabriel Attal, tỏ ra hài lòng khi thấy « thông điệp của tổng thống nước Cộng Hòa đã được lắng nghe. Không có chuyện bắt buộc tiêm chủng nhưng khuyến khích tối đa ». Còn theo giáo sư luật công Serge Slama, đại học Grenoble-Alpes, được trang Huffington Post trích dẫn ngày 13/07, « đây có lẽ là hiệu quả mà (chính phủ) muốn tìm kiếm ». Chỉ riêng tối thứ Hai 12/07, sau bài diễn văn của tổng thống, đã có thêm 926.000 Pháp đăng kí tiêm chủng.
Quyết định của tổng thống Pháp đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Những nhà bảo vệ Hiến Pháp ủng hộ khi nhắc lại nghĩa vụ của Nhà nước là bảo vệ nền y tế công cộng. Ngược lại, nhiều luật gia chỉ trích những biện pháp trên là « bất cân xứng » và vi phạm đến nhiều quyền tự do cơ bản. Giới « chống vac-xin » được dịp tiếp tục chỉ trích « chế độ độc tài y tế ».
Tuy nhiên, theo AFP, người phát ngôn chính phủ bác bỏ cáo buộc trên khi nói « tại sao ở một nước bắt buộc tiêm chủng đến 11 loại vac-xin », việc đốc thúc người dân đi tiêm chủng để tránh tái lập « các biện pháp hạn chế về tự do của người dân Pháp, lại bị coi là độc tài ».
Để có thể triển khai các biện pháp cụ thể, Nghị Viện Pháp sẽ họp bất thường kể từ ngày 21/07, ngày đầu tiên của giai đoạn một liên quan đến việc mở rộng phạm vi áp dụng giấy chứng nhận y tế.
Ảnh tư liệu: Một khu công nghiệp tại vùng tự trị Tân Cương, có vọng gác và tường rào dây thép gai bao quanh. Đây là một trong nhiều trại giam Người Duy Ngô Nhĩ, mà số lượng được ước tính lên đến 1 triệu người. AP – Ng Han Guan
Thanh Phương
Chính phủ Hoa Kỳ hôm qua, 13/07/2021, gia tăng mức cảnh báo với các doanh nghiệp về nguy cơ đối với các chuỗi cung ứng và đầu tư có liên quan đến vùng Tân Cương, do có những vụ cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền tại vùng này.
Trong một tuyên bố, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh: “ Với sự gia tăng mức độ và phạm vi của các vụ vi phạm này, các doanh nghiệp và các cá nhân vẫn duy trì chuỗi cung ứng, các liên doanh hay các nhà đầu tư tại Tân Cương càng có nhiều nguy cơ bị xem là vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ”. Bộ Lao Động và Văn phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ cũng tham gia vào bản tuyên bố nói trên, cập nhật lời cảnh báo được đưa ra lần đầu tiên ngày 1/07/ 2020.
Một nguồn tin nắm rõ tình hình cho hãng tin Reuters biết chính quyền Hoa Kỳ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới. Một nguồn tin khác cho biết chính quyền có thể sẽ công bố các cảnh báo tương tự với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Hồng Kông, căn cứ vào tình hình ngày càng tồi tệ tại đặc khu hành chính này. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ned Price nói Washington có thể ban hành các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Thứ Sáu tuần trước, chính quyền Joe Biden đã thêm 14 công ty và các thực thể khác của Trung Quốc vào danh sách đen về vi phạm nhân quyền và giám sát bằng công nghệ cao tại Tân Cương.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, Trung Quốc tiếp tục có “những sự lạm dụng kinh khủng” tại Tân Cương và những nơi khác, nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, Kyrgyzistan, mà đa số theo Hồi Giáo, cũng như nhắm vào các thiểu số sắc tộc và tôn giáo khác. Trung Quốc vẫn bác bỏ các cáo buộc đó, khẳng định họ chỉ lập các trung tâm dạy nghề ở Tân Cương để chống xu hướng cực đoan tôn giáo.
Reuters nhắc lại là tổng thống Joe Biden đang tìm kiếm hỗ trợ từ các đồng minh để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền này.
Một người bị cảnh sát bắt trong lúc biểu tình chống chính phủ Cuba, tại La Habana, ngày 11/07/2021. AFP – ADALBERTO ROQUE
Thụy My
Sau các cuộc biểu tình chưa từng thấy trên toàn quốc hôm Chủ Nhật 11/07/2021, cuộc sống dường như trở lại bình thường ở Cuba, với sự hiện diện hùng hậu của lực lượng công an mặc sắc phục hoặc thường phục và quân đội, nhưng internet vẫn bị cắt. Chính quyền Cuba cố làm nhẹ bớt sự kiện lịch sử này, biện minh rằng cấm vận của Mỹ gây khó khăn kinh tế khiến người dân xuống đường.
Ngoại trưởng Cuba, ông Bruno Rodriguez tuyên bố trong cuộc họp báo hôm qua : « Hôm 11/07, không có một sự bùng nổ xã hội nào ở Cuba, đó là do ý nguyện của người dân và sự ủng hộ của nhân dân đối với Cách mạng và chính phủ ». Theo ông thì không có cuộc nổi dậy nào, chỉ có vài vụ lộn xộn. Tuy nhiên khoảng 130 người đã bị bắt hoặc bị cho là mất tích.
Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron gởi về bài tường trình :
Bị bắt vì đi biểu tình : Khoảng hơn 100 người đã bị bắt giữ từ hôm Chủ Nhật, sau các cuộc xuống đường quy mô chưa từng thấy đã làm đảo lộn Cuba, bình thường vốn yên tĩnh. Theo giải thích của chính quyền, đã xảy ra một số vụ đụng với độ lực lượng an ninh trong những cuộc biểu tình này, vì vậy mới có bắt bớ, và một người Cuba 36 tuổi đã tử vong.
Trong số những người bị bắt hoặc không có tin tức, có các khuôn mặt ly khai của Cuba như José Daniel Ferrer, Manuel Cuesta Morua và lãnh đạo nhóm Phụ nữ Áo trắng, bà Berte Soler, cũng như nghệ sĩ đối lập Luis Manuel Otero Alcantara.
Hôm Chủ Nhật, hàng ngàn người Cuba đã xuống đường để nói lên sự bất mãn trước cuộc khủng hoảng kinh tế, được mạng xã hội tiếp sức tạo ra phản ứng dây chuyền trên cả nước.
Từ hôm thứ Hai, mạng internet di động đã bị cắt, những người hiếm hoi kết nối được và phổ biến thông tin đã bị bắt, như nhà báo độc lập kiêm thông tín viên của tờ báo Tây Ban Nha ABC, cô Camila Acosta. Cô bị cáo buộc « bất tuân nhân viên công lực và gây rối », tội danh có khung hình phạt từ 3 đến 6 năm tù. Và hôm qua, trong lúc đang tham gia trực tiếp trên truyền hình Tây Ban Nha, một nhân vật có ảnh hưởng là Dina Stars cũng bị chính quyền bắt đưa đi ».
Hoa Kỳ thúc giục Cuba tái lập internet, và trả tự do cho những người biểu tình bị bắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố : Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Cuba kềm chế và tôn trọng tiếng nói của người dân qua việc mở lại tất cả các phương tiện liên lạc.
Mỹ sẽ không cho nhập cảnh người Cuba và Haiti vượt biên
Trong một diễn biến khác, bộ Nội An Hoa Kỳ hôm qua 13/07 cho biết sẽ không để cho những người Cuba hay Haiti vượt biển được vào nước Mỹ, đồng thời kêu gọi họ không nên mạo hiểm : 20 người đã tử nạn trong những tuần lễ vừa qua. Tuần duyên Mỹ đã triển khai giám sát trên không, sau vụ ám sát tổng thống Haiti ngày 07/07 và các cuộc biểu tình lịch sử ở Cuba hôm Chủ Nhật 11/07.
Từ sau cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959, Hoa Kỳ cho phép những người Cuba đã đi vào lãnh hải được ở lại nước Mỹ. Năm 1996, chỉ những ai đặt chân lên đất Mỹ mới được nhập cư, và đến 2017, tổng thống Obama chấm dứt chính sách ưu đãi « chân ướt, chân khô », tất cả những người Cuba vượt biên đều bị trả về nước.
Biển Đông: Nước thải từ tàu cá Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô
Ảnh minh họa: Tuần duyền Philippines giám sát tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh chụp ngày 15/04/2021. © Philippine Coast Guard/Handout via REUTERS
Thụy My
Tiếp theo cảnh báo của một cựu thuyền trưởng Mỹ rằng hàng tháng các tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải ra Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 14/07/2021 dẫn thông tin từ công ty Simularity khẳng định việc xả thải này làm hủy hoại các rạn san hô. Hậu quả có thể nhìn thấy được từ các hình ảnh vệ tinh.
Công ty Mỹ chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh đã theo dõi trên 200 tàu đánh cá Trung Quốc tập trung từ nhiều tháng qua tại Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam và Philippines đều đòi hỏi chủ quyền.
Hồi tháng Tư, cựu thuyền trưởng Mỹ Carl Schuster nay là giáo sư đại học Pacific ở Hawai tố cáo trên 200 tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu xả 1.000 tấn nước thải hàng tháng, gây tác hại lâu dài.
Bà Liz Derr, tổng giám đốc Simularity trong cuộc hội thảo qua mạng do công ty tư vấn Stratbase ADR ở Manila tổ chức hôm thứ Hai 12/07 khẳng định, nước thải từ đoàn tàu cá Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Khi các tàu này không di chuyển, chất thải càng dồn lại, các vi tảo còn gọi là tảo đơn bào phiêu sinh nhanh chóng sinh sôi nảy nở, và có thể nhìn thấy qua vệ tinh nhờ các vi tảo này chứa vi khuẩn có sắc tố.
Để chứng tỏ những thay đổi tai hại từ tảo phiêu sinh, bà Derr so sánh với các hình ảnh từ năm địa điểm khác là Cụm Sinh Tồn (Union Bank), Đá Gạc Ma (Johnson South), Đá Len Đao (Landsdowne), Đá An Bình (Ross) và Đá Cô Lin (Collins). Ảnh vệ tinh thu thập vào ngày 14/05/2016 cho thấy rất ít tảo, và ngày 17/06/2021 khi 236 tàu cá Trung Quốc nằm bất động tại Đá Ba Đầu thì vi tảo lan tràn.
Bà Derr báo động các hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra, vì tất cả các dạng sinh thái biển đều có tương quan với nhau. Trên Biển Đông, cá bột chủ yếu sống tại các rạn san hô, và nguồn cá này cung cấp lượng protein chính của 85% cư dân ven biển.
Hôm qua bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố nếu cáo buộc trên được xác nhận sẽ chứng tỏ cách hành xử vô trách nhiệm của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia cảnh báo tác hại của nước thải lên các rạn san hô. Trong một nghiên cứu mang tên « Phân tích xuyên biên giới về Biển Đông » do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc công bố năm 2000, chuyên gia Liana Talaue-McManus lên tiếng báo động nạn ô nhiễm đang đe dọa an ninh lương thực của bảy quốc gia ven biển là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt.
Ảnh minh họa: Trong dự án chống biến đổi khí hậu công bố ngày 14/07/2021, Uỷ ban Châu Âu kiên quyết việc ngưng bán xe hơi chạy bằng xăng dầu kể từ năm 2035, AFP Photos/Damien Meyer
Thanh Phương
Hôm nay, 14/07/2021, Uỷ Ban Châu Âu công bố dự án cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bao gồm 12 đề nghị, trong đó có một số biện pháp gây tranh cãi. Dự án với mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí phát thải vào năm 2030 so với năm 1990 được coi là một vụ nổ “big bang” về mặt lập pháp.
Theo hãng tin AFP, một trong những điểm chính của dự án đó là Uỷ Ban Châu Âu kiên quyết chủ trương ngưng bán xe hơi chạy bằng xăng dầu kể từ năm 2035, đồng thời sẽ áp dụng một thuế mới đối với nhiên liệu cho máy bay trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, điểm quan trọng hơn là việc mở rộng đáng kể thị trường carbon của châu Âu (viết tắt là ETS) vốn được hình thành từ năm 2005, và là nơi trao đổi các “giấy phép ô nhiễm” đối với một số ngành chiếm 40% lượng khí thải của toàn châu Âu.
Cho đến nay, các công ty có thể trao đổi quota (hạn ngạch) lượng khí thải cho phép, bằng cách bán lại phần của mình, nếu họ gây ô nhiễm ít hơn. Bruxelles mong muốn giảm đáng kể các quota khí thải này.
Ngoài ra, một số hàng nhập khẩu như sắt, xi măng hay điện sẽ phải dần dần tuân theo các quy định của ETS, nhằm chống lại sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài vốn bị xem là gian lận trong lĩnh vực này, qua đó có thể thu hồi đến khoảng 14 tỷ euro hàng năm cho ngân sách châu Âu . Cũng theo dự án của Ủy Ban Châu Âu, hạn ngạch khí thải được cấp cho các công ty công nghiệp và các hãng hàng không của châu Âu vốn đang chịu sự cạnh tranh từ nước ngoài sẽ giảm dần trong vòng mười năm từ 2026 đến 2036.
Ông Pascal Canfin, chủ tịch Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu cho rằng, giá khí thải CO2 tăng cao sẽ gây tác động mạnh mẽ lên mô hình kinh tế của các ngành công nghiệp, buộc các ngành này phải chuyển sang sử dụng những công nghệ sạch. Bruxelles cũng mở rộng thị trường carbon sang các ngành vận tải đường bộ, đường biển hay hệ thống sưởi trong các toà nhà. Điều này sẽ buộc các nhà cung cấp xăng dầu nhiên liệu gia dụng phải mua các hạn ngạch khí thải, do đó sẽ làm tăng mức chi tiêu của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, các tổ chức phi chính phủ về môi trường cũng như các nghị sĩ châu Âu đều kiên quyết chống lại điều đó, vì sợ sẽ nổ ra các phong trào xã hội. Theo ông Canfin, “cái giá phải trả về mặt chính trị có lẽ còn cao hơn rất nhiều so với mối lợi khá nhỏ về môi trường”.
Leave a Reply