Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bài phân tích của Nguyễn Quang Dần

2021-08-22

Mỹ rút khỏi Afghanistan, Việt Nam mừng hay lo?Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris lên đường công du Châu Á hôm 22/8/2021

 Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khởi hành tới Singapore và Việt Nam trong chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác đang chịu sức ép của Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ khu vực chống lại đại dịch COVID-19.

Kurt Campbell- chuyên gia về châu Á của chính quyền Biden- đã khẳng định: Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để can dự vào một Trung Quốc quyết đoán hơn là cộng tác với các đồng minh, đối tác và bạn bè”. Đây cũng là nội dung chuyến thăm của Phó tổng thống Harris. Chuyến thăm được xem là một bổ sung quan trọng cho sự can dự trực tiếp với Trung Quốc của Blinken, Sullivan và những nhân vật khác, bao gồm cả Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.

Tuy nhiên, chuyến đi của bà Harris gặp một vấn đề là trong khi Phó Tổng thống mang đến thông điệp rằng Mỹ cam kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, thì sự kiện Taliban giành quyền kiểm soát ở Afghanistan khiến bạn bè và kẻ thù của Mỹ đều đặt câu hỏi về khả năng và ý chí của Washington trong việc duy trì những cam kết đó.

Trung Quốc đã không bỏ qua thời cơ để xoáy sâu vào việc này, báo chí Trung Quốc đã “nhắc nhở” Đài Loan và các nước Đông Nam Á cần nhìn kỹ vào “tấm gương Afghanistan” để hiểu về các cam kết của Mỹ.

Vậy chúng ta cần hiểu vấn đề này như thế nào? Các cam kết của Mỹ có thực sự đáng tin cậy?

Thay đổi chiến lược

Trong suốt thời kỳ của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã thực một chiến lược lớn để tập trung vào việc kiềm chế sức mạnh của Liên Xô. Điều này đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất đóng vai trò chi phối ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Một bước ngoặt về chiến lược đã đến với Hoa Kỳ. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 của lực lượng Al Qaeda, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã chuyển sang một chiến lược được gọi là “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. Chính cách tiếp cận  sai lầm này đã dẫn đến những cuộc chiến kéo dài do Hoa Kỳ lãnh đạo ở những quốc gia như Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, từ năm 2017, Hoa Kỳ dưới thời Trump đã quay trở lại chiến lược cạnh tranh giữa các cường quốc”, mà tâm điểm của chiến lược này chính là Trung Quốc.

Biden cũng không hề kêu gọi rút quân lính Mỹ về nước một cách tùy tiện. Người Afghanistan đã có 20 năm để phát triển năng lực và tính hợp pháp. Việc Mỹ dành 20 năm nữa để tiếp tục hoạt động triển khai quân sự đầy tốn kém và đôi khi gây thiệt hại về tính mạng cũng sẽ không làm thay đổi những triển vọng ở đây. Chính sự hiện diện của quân đội Mỹ, chứ không phải lực lượng an ninh Afghanistan, đã ngăn chặn Taliban. Theo Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về Afghanistan, trong 20 năm qua, Mỹ đã chi khoảng 83 tỷ USD để trang bị và huấn luyện cho Lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan. Tuy nhiên, khi Taliban xuất hiện, những lực lượng đó dường như đã tan rã.

Chính quyền Biden cam kết sẽ can dự chặt chẽ với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, vì thế chính quyền Biden đang có một sự đánh đổi chiến lược đầy tinh vi liên quan đến các ưu tiên toàn cầu, nhằm mục đích giảm nhẹ gánh nặng của họ ở Tây Nam Á để tập trung vào các lợi ích sâu rộng hơn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các cố vấn hàng đầu của Mỹ đã đánh giá đúng rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với rủi ro từ thất bại của nhà nước Afghanistan.

Quyết định chiến lược của Chính quyền Biden ở Afghanistan thể hiện chiến lược xoay trục” thực sự sang châu Á, chứ không chỉ là một định hướng chiến lược được nêu ra dưới thời Chính quyền Obama.

Nhưng sự đánh đổi nhiều khi đòi hỏi phải thay đổi các ưu tiên chiến lược. Chẳng hạn, sức mạnh hải quân đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược đã có từ lâu của Mỹ. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện toàn cầu và nhịp độ hoạt động cao ngay cả khi cơ cấu lực lượng của họ hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa so với hơn ba thập kỷ trước. Trong khi đó, Hải quân cùng với các lực lượng quân sự khác của Trung Quốc đã được tăng cường và hiện đại hoá, cùng với các lực lượng quân sự khác của Trung Quốc từ lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chống tiếp cận trở thành lực lượng triển khai sức mạnh. Mỹ có thể không tránh khỏi những sự đánh đổi về mặt chiến lược liên quan đến mức độ chi tiêu dành cho các lực lượng quốc phòng trong tương lai.

Mặc dù có những hoảng hốt khi chứng kiến Taliban tiếp quản Kabul sau khi Mỹ rút lui, chí ít thì các đồng minh và đối tác của Mỹ gồm Nhật Bản, Singapore, Philippines, Việt Nam, Australia, Ấn Độ và các nước khác có thể rút kinh nghiệm từ việc nghiên cứu những lợi thế bất đối xứng của việc bảo vệ lãnh thổ của một nước và giúp đất nước trở nên bất khả xâm phạm.

Quân đội các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn đã có động lực để cải thiện khả năng chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực (A2/AD – cách tiếp cận thường được sử dụng để miêu tả năng lực phòng thủ của Quân đội Trung Quốc – PLA). Khi các năng lực tấn công chính xác thông thường tầm xa ngày càng trở nên dễ tiếp cận, thì ngay cả những lực lượng quân đội tiên tiến nhất cũng phải thừa nhận sự gia tăng rủi ro trong hành động.

Việt Nam nên mừng hay lo?

Một trong những vấn đề quan trọng đã thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ thời gian vừa qua, đó chính là vấn đề Biển Đông.

Từ khi học thuyết “Xoay trục châu Á” được Hilary Clinton trình bày năm 2010 cho đến nay, Mỹ vẫn giữ vững lập trường không đứng về các tuyên bố chủ quyền của bất cứ quốc gia nào ở Biển Đông, nhưng sẽ ủng hộ các tuyên bố phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngay từ 1998, khi bắt đầu thực hiện chính sách đối ngoại “mở cửa”, Việt Nam đã tuyên bố chính sách quốc phòng “ba không”, mà cho tới sách trắng quốc phòng mới nhất năm 2019, chính sách này được mở rộng thành “bốn không, một tuỳ” nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi, đó là “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia…” Xác định như vậy, thể hiện Việt Nam luôn hiểu rõ việc tự mình thực hiện các hoạt động quốc phòng, chứ không thể dựa vào ai. Kinh nghiệm xương máu này, Việt Nam đã học được sau rất nhiều sự kiện đau thương, trong đó có thể phải kể đến Chiến tranh Biên giới năm 1979 với Trung Quốc, Sự kiện Gạc Ma năm 1988, khi Việt Nam và Liên Xô có Hiệp ước hỗ tương quốc phòng nhưng Liên Xô đã “án binh bất động” trong lúc Việt Nam bị Trung Quốc tấn công.

Năm 2019, trong một lần đến nói chuyện về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Sài Gòn, một cử toạ đã đặt câu hỏi cho diễn giả là Elbridge Colby (Người đã từng giữ vai trò quan trọng khi soạn thảo Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2018, cũng là cháu nội của Cựu Giám đốc CIA Wiliam Colby) rằng nếu trở thành đồng minh của Hoa Kỳ thì sẽ tốt hơn cho Việt Nam trong việc bảo vệ biển đảo của mình hay không? Elbridge Colby đã trả lời là không có chuyện đó đâu, Hoa Kỳ chỉ muốn giúp đỡ Việt Nam mạnh lên mà thôi, chứ không có chuyện Hoa Kỳ sẽ bảo vệ biển đảo giúp Việt Nam được.

Nói vậy để thấy rằng, Hoa Kỳ cũng không hứa hẹn việc bảo vệ Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Quốc và Việt Nam cũng không “ngây thơ” đến mức nghĩ rằng có thể dựa vào Hoa Kỳ để “đánh” Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ muốn lúc này là có thể hỗ trợ Việt Nam trở thành một “cường quốc tầm trung” để Việt Nam có thể độc lập trong mọi quyết định của mình, tránh xa sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Và Việt Nam cũng thấy điều đó là cần thiết để Việt Nam có thể mạnh lên về mọi mặt, để có thể giữ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Chính vì vậy, với quyết tâm “xoay trục Đông Nam Á” lần này của chính quyền Biden, thông qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển mọi mặt, từ đó có thể đứng vững trước các đe doạ từ Trung Quốc. Với cơ hội như vậy, Việt Nam nên mừng hơn là lo, và nhất là nên biết tận dụng cơ hội.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Share.

Leave a Reply