Nguyễn Tài Ngọc – August 2021
Sau một năm trì hoãn vì COVID-19, Thế Vận Hội 2020 cuối cùng cũng bắt đầu vào ngày Thứ Sáu 23-Tháng Bẩy-2021 ở Tokyo. Thế nhưng vì con virus biến thể lộng hành lây nhiễm dữ dội, Tokyo quyết định cấm tất cả khách đến xem.
Ngày khai mạc ở Sân vận động quốc gia Tokyo, Nhật Bản chỉ cho 1000 khách quan trọng đến dự. Khởi công năm 2015 xây đặc biệt cho Thế Vận Hội, Sân vận động quốc gia Tokyo có thể chứa được 68,000 người. Phí tổn xây cất là $1.8 tỷ dollars (252 tỷ Zen).
Tổ chức tranh tài lần này, không những Nhật Bản sẽ lỗ:
– vì không bán vé (phỏng đoản mất $800 triệu đô-la vì không bán vé),
– vì du khách không đến (phỏng đoán mất tiền du khách sẽ tiêu $2 tỷ đô-la cho máy bay, khách sạn, taxi, hàng hóa),
– vì tiền quảng cáo ít hơn: các hãng lớn của Nhật như Toyota, Panasonic, Fujitsu, NEC, e dè không dám gửi chức tước cao cấp đến tham dự ngày khai mạc và không quảng cáo ở Nhật Bản vì sợ làm phật lòng dân Nhật chống đối tổ chức Olympic trong hiểm họa COVID-19,
– mà còn vì phí tổn sửa soạn cho Thế Vận Hội ban đầu ước lượng là $7.4 tỷ dollars, bây giờ đã tăng lên gấp ba. Các Kiểm toán viên chính phủ ước đoán là tổng số tiền chi tiêu cho Thế Vận Hội 2020 Tokyo sẽ chắc chắn hơn $20 tỷ dollars.
Tổ chức Thế Vận Hội không khác gì phi công Nhật Bản tự tử Kamikaze đâm máy bay xuống chiến hạm Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng. Từ năm 1948 cho đến khi Hoa Kỳ tổ chức Thế Vận Hội năm 1984 ở Los Angeles, tất cả quốc gia tổ chức đều lỗ.
Thế Vận Hội là do một Hiệp Hội tư nhân, International Olympic Committee (IOC, tiếng Anh), Comité International Olympique, (CIO, tiếng Pháp), trụ sở ở Lausanne, Thụy Sĩ, tổ chức. Pierre de Coubertin sáng lập ra Hiệp Hội này vào ngày 23 June 1894, và là Giám Đốc đầu tiên. Vì Coubertin là người Pháp nên để ý khi xem Thế Vận Hội, tiếng Pháp nói trước rồi mới đến tiếng Anh, và cuối cùng là tiếng của quốc gia tổ chức.
Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế phối hợp tranh tài Thế Vận Hội mỗi hai năm (thể thao mùa Hè và mùa Đông xen kẽ). Thành phố nào muốn là địa điểm tổ chức thì “gửi tên” tham dự rồi International Olympic Committee sẽ quyết định chọn ai (Thành phố, chứ không phải quốc gia, gửi tên tham dự muốn tổ chức Thế Vận Hội. Tùy thành phố đó nói chuyện với quốc gia của mình về việc cung ứng tài chính tổ chức chi phí Thế Vận Hội).
Chỉ việc “gửi tên” thôi – chưa biết có được chọn hay không- phức tạp và tốn kém rất nhiều tiền bạc: chi phí cho việc lập chương trình, kế hoạch, thuê tư vấn, tổ chức các buổi họp mặt, chi phí máy bay, khách sạn cho quan nhỏ đến quan lớn, trung bình phải tốn từ $50 đến $100 triệu đô-la.
Hơn 15 năm về trước, Tokyo tiêu $150 triệu đô-la muốn tổ chức Thế Vận Hội 2016 nhưng thất bại tiền mất tật mang: Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế biểu quyết chọn Ba-Tây. Tokyo tiêu khoảng 80 triệu đô-la “đấu thầu” lần này và được trúng thưởng tổ chức Thế Vận Hội 2020.
Toronto, Canada đã muốn tổ chức Thế Vận Hội 2024, nhưng khi thấy số tiền phải trả chỉ để “gửi tên” xem thành phố mình có được lựa chọn hay không là $60 triệu dollars, quá đắt, nên Toronto quyết định rút lui không tham dự.
Thành phố nào muốn tổ chức Thế Vận Hội thì phải thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế. Sự đòi hỏi này càng ngày càng xa xỉ vì các quốc gia mới giầu tranh nhau tổ chức như Hàn Quốc (1988), Hy-Lạp (2004), và Trung Cộng (2008). Không những thành phố muốn tổ chức phải có khả năng xây mới hay phải có sẵn cơ sở tranh tài cho 39 môn thể thao khác nhau, mà còn phải có hệ thống giao thông hàng đầu thế giới để chuyên chở lực sĩ, có đủ khách sạn cho lực sĩ lẫn du khách đến xem (Năm nay cũng như vào năm 2016, The IOC đã đòi hỏi Tokyo phải có ít nhất 40,000 phòng khách sạn).
Căn cứ theo nhu cầu đòi hỏi này thì Saigon đến Tết Congo mới có thể tổ chức Thế Vận Hội. Chẳng lẽ khi 40,000 khách và lực sĩ đến dự thì Việt Nam nhét hết vào ngủ trên sạp ở chợ Bến Thành? Và mỗi khi lực sĩ cần phương tiện giao thông đến chỗ tranh tài thì một triệu chiếc xe Grab chở lực sĩ lạng qua lạng lại khắp đường phố?
Chính vì sự đòi hỏi quá lố này, cộng với các thành phố không lượng được sức mình mà bao nhiêu thành phố tổ chức Thế Vận Hội lâm vào tình cảnh tài chánh khánh tận: Montreal (Canada, 1976) mất 30 năm mới trả hết nợ. Sydney (Úc, 2000) lỗ hai tỷ đô-la. Rio de Janerio (Ba-Tây, 2016) lỗ 2.1 tỷ đô-la, vẫn còn trả nợ. Athens (Hy-Lạp, 2004) lỗ 14.5 tỷ đô-la khiến cả nước Hy-Lạp tuyên bố phá sản.
Chẳng những bỏ tiền xây đã lỗ, một khi Thế Vận Hội đã xong, các cơ sở xây đặc biệt cho Olympics bỏ hoang không dùng hoặc phải cho phá vỡ vì phí tổn duy trì quá cao (nhất là cơ sở thể thao xây cho Thế Vận Hội mùa Đông).
Vì nước nào cũng sợ đổ đầu máu tổ chức Thế Vận Hội nên Oslo (Na-Uy), Stockholm (Thụy Điển), Boston (Hoa Kỳ), Budapest (Hung-Gia-Lợi), Hamburg (Đức), Rome (Ý-Đại-Lợi), đều rút tên ra khỏi danh sách các quốc gia muốn tổ chức Thế Vận Hội năm 2024. Chỉ còn lại Paris (Pháp) và Los Angeles (Hoa Kỳ) là vẫn còn… điên, muốn tổ chức.
Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế sợ sẽ không còn một quốc gia nào muốn tổ chức vào năm 2028 nên quyết định nhanh chóng vô tiền khoáng hậu là cho phép Paris tổ chức năm 2024, và Los Angeles tổ chức năm 2028, không cần qua giai đoạn “xem xét” quốc gia nào được tổ chức Thế Vận Hội năm 2028.
Cũng cùng một lý do là không có một thành phố thứ hai xin tổ chức Thế Vận Hội 2032 mà vào ngày 21 Tháng 7 mới đây, Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế tuyên bố chấp nhận cho thành phố duy nhất, Brisbane, Úc, là địa điểm tranh tài của Thế Vận Hội 2032.
Tôi nghĩ nên dẹp bỏ tranh tài Thế Vận Hội, vì nhiều lý do:
1. Olympics là cơ hội để Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế hái ra tiền: Olympics mà Pierre de Coubertin sáng lập ngày xưa với ý định tranh tài thể thao không còn nữa. Olympics ngày nay chỉ để làm tiền. Trong khi các quốc gia tổ chức lỗ chỏng gọng, Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế lúc nào cũng lời: Thí dụ như trong bốn năm 2005-2008, Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế thu vào $5.45 tỷ đô-la ($3.44 tỷ đô-la tiền truyền hình và quảng cáo quốc tế + $2.01 tỷ đô-la tiền bản quyền, quảng cáo, bán vé từ nước tổ chức Thế Vận Hội). Thế nhưng tiền Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế chi ra yểm trợ tài chánh cho các quốc gia tham dự Olympics chỉ là 90% tiền thu vào. Luôn luôn Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế giữ tiền còn lại 10% riêng cho mình để làm “ngân sách hoạt động”, trong bất cứ Olympics nào.
Đây là biểu đồ lấy trực tiếp từ trang mạng của International Olympic Committee, cho thấy là họ giữ lại 10% tiền thu vào. Vì thế, chỉ có quốc gia tổ chức lỗ chứ Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế không bao giờ lỗ:
2. Mang danh là cơ sở bất vụ lợi, trụ sở của Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế đặt tại Thụy Sĩ: Ai cũng biết Thụy Sĩ là thiên đàng của những cá nhân hay hội đoàn nào muốn tránh bị đánh thuế.
3. Tiền bạc và quyền hành lúc nào cũng mang đến tham nhũng: Vì hơn trăm hội viên của Hiệp Hội Thế Vận Hội Quốc Tế biểu quyết cho thành phố nào được tổ chức, trong quá khứ, các quốc gia muốn tổ chức Thế Vận Hội hối lộ những hội viên này để họ bỏ phiếu cho thành phố của mình.
4. Lúc nào cũng có nước gian lận cho lực sĩ nước mình thắng: Nga tìm đủ mọi cách gian lận cung ứng thuốc kích thích cho lực sĩ của mình. Nga là quốc gia có huy chương nhiều nhất bị Thế Vận Hội lấy lại vì gian lận: 46 (Thứ nhì là Ukraine, với 11 huy chương bị lấy lại). Chính phủ Nga âm mưu gian lận đến nỗi bị cấm tranh tài trong hai năm, kể cả năm nay ở Tokyo. Tuy nhiên, lực sĩ Nga không gian lận được phép tranh tài dưới tên tắt ROC (Russia Olympic Committee), không được dùng tên hẳn hòi Russia.
5. Có đến 39 môn thể thao tranh tài ở Thế Vận Hội. Ngoại trừ chỉ vài môn đếm được trên đầu ngón tay có nhiều người xem như túc cầu, bơi lội, điền kinh, bóng rổ, bóng chuyền, tennis, pingpong, vũ cầu, gymnastics…, đại đa số các môn khác chẳng ma nào xem như chèo thuyền, bắn cung, bắn súng, đánh kiếm, judo, taekwondo, cử tạ, đua thuyền, golf, bóng chuyền dưới nước…, thế thì tranh tài làm gì?
6. Không công bằng về sức lực: Khi tranh tài thể thao, nếu hai người cùng thể lực thì cuộc tranh tài mới có ý nghĩa. Thí dụ như cử tạ hay boxing chia ra nhiều cấp sức nặng khác nhau, 50 kí-lô, 60 kí-lô, 70 kí-lô…, những người cùng hạng tranh tài với nhau, rất công bằng. Thế nhưng những môn thể thao không cần biết nặng nhẹ bao nhiêu như bơi lội, chạy đua, túc cầu… thì các nước Tây Phương giầu có sẽ được lợi thế vì họ to con, ăn uống hamburger, khoai tây chiên, sinh dưỡng đầy đủ. Trong khi lực sĩ, xin lỗi, tôi nên dùng chữ bây giờ, vận động viên của nước Việt Nam chúng ta quen với thế hệ cha ông đi bộ ngày đêm ròng rã tháng ngày trên đường mòn Hồ Chí Minh chỉ ăn khoai sắn và bobo, đạt được huy chương làm bằng… lúa mì đã khó, huống chi mà tranh thắng huy chương vàng, bạc, hay đồng?
Khi nào Thế Vận Hội thay đổi, bao gồm những môn thể thao khác mà An Nam Mít chúng ta có thể tranh tài ngang ngửa như tạt lon, dích hình, lò cò, đánh đũa, sống lâu nhất dưới đường hầm Củ Chi, mang súng phóng lựu chạy nhanh nhất trong 100 mét…(lúc đó bảo đảm vận động viên chúng ta sẽ mang huy chương vàng, bạc, đồng, về cho Việt Nam siêu việt nhiều hơn là số xe bán bánh mì thịt ở Sài-Gòn), thì lúc ấy may ra tôi mới thay đổi sự suy nghĩ là nên tiếp tục tổ chức tranh tài Olympics.
Nguyễn Tài Ngọc
August 2021
https://saigonocean.com/trangNTN.htm
Leave a Reply