Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 471(Đời Nay ra ngày 27.8.2021)
Trò chơi đổ lỗi
Trước cuộc tháo chạy không đẹp mắt và không vinh quang của siêu cường Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan, những người có liên hệ, nhiều hay ít, đến thảm họa này, đang chơi trò đổ lỗi cho nhau mà người Mỹ gọi là “blame game”.
Đầu tiên là Thổng thống Joe Biden, với quyền cao nhất nước và cũng chịu trách nhiệm trước nhất và lớn nhất, về những gì xảy ra tại Afghanistan trong những ngày vừa qua vì ông là người, không phải ai khác, đã ra lệnh triệt thoái.
Vậy mà khi bị chỉ trích, ông Biden đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm:
“Khi tôi nhậm chức, tôi đã thừa hưởng cái thỏa hiệp để cắt giảm quân số do người tiền nhiệm của tôi thực hiện – mà ông ta đã mời Taliban tới đàm phán tại Camp Davis vào ngày trước ngày 11 tháng 9 – việc đã đặt bọn Taliban vào vị trí quân sự  mạnh nhất kể từ năm 2001 và ấn định ngày 1 tháng 5, 2021 là thời hạn cho quân đội Hoa Kỳ. Không bao lâu trước khi rời nhiệm sở, ông ta cũng rút Quân đội Hoa Kỳ xuống tới mức tối thiểu là 2 ngàn 500.
“Vì thế, khi tôi trở thành Tổng thống, tôi chỉ có một chọn lựa trước mặt – tuân theo sự thỏa thuận ấy, với một sự gia hạn ngắn để đưa quân đội của chúng ta và quân đội của đồng minh chúng ta ra một cách an toàn, hay là tái phối trí nhanh chóng sự hiện diện của chúng ta và gửi thêm quân đội Mỹ để chiến đấu một lần nữa trong cuộc xung đột tại một quốc gia nào khác nữa.
Vài tiếng đồng hồ sau, cựu Tổng thống Donald Trump đã đáp lễ và buộc tội người kế nhiệm trong một bản tuyên bố như sau:
“Joe Biden sai lầm trong tất cả mọi lần về chính sách đối ngoại, và về nhiều vấn đề khác. Mọi người đều biết ông ta đã không thể đứng vững trước áp lực. Ngay cả Bộ Trưởng Quốc Phòng của Obama, Robert Gates, cũng đã nói nhiều lần như vậy. Ông ta đã tháo chạy khỏi Afghanistan thay vì tuân theo kế hoạch mà chính quyền của chúng tôi đã để lại cho ông ta – một kế hoạch bảo vệ nhân sự của chúng ta và tài sản của chúng ta, và bảo đảm Taliban sẽ không bao giờ mơ tưởng chiếm đoạt tòa Đại Sứ của chúng ta hay là cung cấp một căn cứ cho những cuộc tấn công khác nữa chống lại nước Mỹ. Sự rút quân nên được hướng dẫn bởi những sự kiện trên mặt đất.
Khi tôi loại trừ ISIS, tôi đã tạo ra một sự thối chí đáng tin. Sự thối chí đó bây giờ đã biến mất. Quân Taliban không còn sợ hay kính nể nước Mỹ, hay sức mạnh của nước Mỹ. Thật là một sự ô nhục khi Taliban kéo lá cờ của chúng lên trên Tòa Đại Sứ Mỹ ở Kabul. Đây là sự thất bại toàn diện do nhu nhược, bất lực, và hoàn toàn tan nát về chiến lược.
Sau đó ông cựu tổng thống đã nhiều lần lên tiếng phê phán và cáo buộc Tổng thống Biden “xao lãng nhiệm vụ không thể tha thứ”.
Trong khi đó, trên tờ The Washington Times đề ngày 20.8.2021 có đăng một bài của bỉnh bút Charles Hurt nơi trang Commentary, tựa đề là “King of false promises, Biden blames Trump for exposing his career of carnage”, đọc rất .. đã ngứa! Xin trích dịch vài đoạn như sau:
“Nghề làm chính trị 50 năm ở Washington của Joe Biden sẽ được ghi nhớ mãi mãi bởi hình ảnh của một chiếc phi cơ vận tải Hoa Kỳ rồ máy trên phi đạo ở Kabul trong khi những công dân Afghanistan vô hy vọng cố đeo bám vào bộ phận hạ cánh. Phải mất nhiều thập niên chết chóc và những lời hứa cuội để tới được mức độ đó của sự tuyệt vọng.
…..
“Nghe những chính trị gia phân tích và phán về sự sụp đổ của Kabul có vẻ giống như là họ đang cố tìm một con dê tế thần – bất cứ con dê tế thần nào – miễn không phải là họ.
“Nghị sĩ Ben Sasse, Cộng Hòa – Nebraska, viết như sau trên truyền thông xã hội: ‘Thảm họa kinh hoàng ở Afghanistan – sự bỏ rơi Kabul giống như Sài-Gòn đáng xấu hổ, sự bạo hành phụ nữ, và sự tàn sát những đồng minh của chúng ta – là hậu quả có thể tiên đoán của chủ thuyết nhu nhược Trump-Biden. Lịch sử cần phải làm sáng tỏ điều này: Quân đội Mỹ đã không thua cuộc chiến tranh này – Donald Trump và Joe Biden cố ‎ý quyết định để thua’.
“Bởi vì, hiển nhiên là từ 2001 tới 2016, nước Mỹ đang thắng tại Afghanistan – cho đến khi Donald Trump xuất hiện.
“Dĩ nhiên điều này là một sự nói dối để tự phục vụ cho chính mình được nói ra do các chính trị gia ở Washington.
“Thực ra, nước Mỹ đã thua tại Afghanistan từ khi các chính trị gia quên mục đích nguyên thủy sự có mặt của chúng ta tại đó lúc ban đầu: để thi hành sự trả thù vũ bão chống lại bất cứ kẻ nào có liên hệ gần xa với cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11.9.2001.
“Donald Trump chỉ xuất hiện như một lực lượng chính trị nhiều năm sau khi Mỹ bắt đầu thua tại Afghanistan. Ông ta chỉ ngẫu nhiên trở thành chính trị gia đầu tiên thực sự lắng nghe nguyện vọng của cử tri Mỹ và thực hiện điều đó.
“Như thế bây giờ chúng ta có những chính trị gia thối nát này tại Washington – cả Dân Chủ và Cộng Hòa – ôm trèo lên cái cột thoa dầu trơn trượt để đổ vấy tất cả những tội lỗi, gian dối, và sai lầm của chính họ lên đầu Donald Trump.
“Những người Cộng Hòa, nói riêng, thích than thở về sự ‘mất niềm tin’ của cử tri vào những định chế của họ. Nhưng thay vì sửa đổi những định chế đã thất bại vì sự dối trá và bất lực của họ, họ chỉ muốn say mê sửa đổi Donald Trump để phơi bày chính họ.” (ngưng trích)
Từ hai tuần nay những bài viết về Afghanistan tràn ngập trên báo chí Mỹ, mà tác giả là chính trị gia, bình luận gia, phân tích gia, ký giả… nổi tiếng, đã viết về mọi khía cạnh của cuộc tháo chạy khỏi Afghanistan, trong đó có những bài đã nhắc lại việc Mỹ đưa quân vào tham chiến ở Việt Nam và bỏ rơi VNCH vào năm 1975, có ý so sánh Afghanistan cũng giống Việt Nam, như bài “Saigon All Over Again” của Dinesh D’Souza đăng trên tờ The Epoch Times ngày 18.8.2021.
Dinesh D’Souza, dân Mỹ gốc Ấn-Độ, đảng Cộng Hòa, là một bình luận gia chính trị, tác giả của nhiều cuốn sách chống cộng, và là một nhà làm phim ảnh. Ông D’Souza mở đầu bài viết, xin tạm dịch như sau:
“ Nước Mỹ và thế giới đang theo dõi trong nỗi buồn đau mê thiếp khi Afghanistan rơi vào tay quân Taliban. Chỉ mới vài tuần trước đây, Tướng Mark Milley, chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân, còn nói điều đó sẽ không xảy ra. Ông ta bảo đảm: “Lực lượng An ninh Afghanistan có khả năng để chiến đấu hữu hiệu và bảo vệ đất nước của họ.”
“Tổng thống Joe Biden cũng vậy, đã nhấn mạnh rằng Quân lực Afghanistan sẽ “tiếp tục chiến đấu dũng cảm.”
“Chưa bao giờ có những sự đánh giá chủ quan chứng tỏ là sai lầm hơn như vậy. Quân đội Afghanistan do Hoa Kỳ huấn luyện trong 20 năm với phí tổn hầu như không thể tính được, đã chứng tỏ là không thể sánh với bất cứ cái gì của Taliban. Nói trắng ra, khi bảo tự chiến đấu trên chiến trường, toàn thể quân đội đã đứng dậy và bỏ chạy.
“Điều này nói gì về huấn luyện quân sự của Hoa Kỳ? Nhiều nhà bình luận đang có những lời lẽ ác ý về quân đội Mỹ đã “thức tỉnh” (woke) tới đâu. Có lẽ, thiên hạ đã nhận xét một cách chế giễu, với thêm một ít gã đàn ông mang giày cao gót, một ít những cuộc giải phẫu chuyển giống nữa, hay một ít lớp học lý thuyết hệ trọng về chủng tộc (CRT), Quân đội Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng một lần nữa để trở nên được nể sợ nhất trên thế giới.”
Rồi tác giả nói tới những phản ứng ngớ ngẩn của Tòa Bạch Ốc và của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mà không ai có thể tưởng tượng nổi trong lúc phiến quân Taliban tung ra cuộc tổng tấn công. Ông D’Souza viết tiếp:
“Bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh cáo quân Taliban hãy làm chậm đà tiến quân, nếu không, Hoa Kỳ có thể rút lại sự thừa nhận ngoại giao đối với chế độ mới. Bộ trưởng Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki thì đe dọa Taliban nên thận trọng cân nhắc hậu quả nặng nề của những hành động đang diễn ra trên cơ hội của họ được chấp nhận bởi “cộng đồng quốc tế”.
“Ngay cả bây giờ, sau sự quan hệ lâu dài của chúng ta tại Afghanistan, những người này có biết là họ đang trực diện với những ai? Phiến quân Taliban hoạt động theo kiểu cách cổ xưa. Cái tên Taliban của họ có nghĩa là ‘sinh viên’, nhưng nhiều người trong bọn họ ở lứa tuổi trung niên hay cả cao niên. Đây là những người không muốn phụ nữ trên 10 tuổi được đi học. Họ không ray rứt gì về việc phá hủy những tượng Phật Bamiyan. Họ không quan tâm lắm tới những việc như là thừa nhận ngoại giao của Hoa Kỳ hay là sự chấp nhận hoàn toàn do Liên Hiệp Quốc.
“Người ta có thể mường tượng một tư lệnh phiến quân Taliban trả lới Bộ Ngoại Giao và Psaki như vầy: ‘Chúng tôi sẽ muốn tới dự các cuộc hội họp quốc tế của mấy người nếu như chúng tôi có thể mang theo vũ khí của chúng tôi và thú vật của chúng tôi. Chúng tôi nhấn mạnh về quyền được bán vài loại thuốc phiện ở bên lề để có tiền chi tiêu cho những cuộc hành quân của chúng tôi. Chúng tôi không muốn rời khỏi cuộc họp mà không lấy thủ cấp mỗi người có mặt tại đó. Và để chứng tỏ cảm nghĩ thật sự của chúng tôi về cái cộng đồng quốc tế, chúng tôi muốn phóng uế lên sàn nhà trước khi chúng tôi rời khỏi nơi đó’.
“Đây là chuyện nửa đùa cố ý, nhưng chỉ là nửa đùa mà thôi. Toàn thể câu hỏi nghiêm chỉnh mà chúng tôi sẽ được hỏi là, làm cách nào chúng ta có cái kết cuộc thảm hại này.
“Đây không phải câu hỏi Hoa Kỳ có nên rút khỏi Afghanistan hay không. Việc đó hoàn toàn là một vấn đề riêng với câu hỏi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan như thế nào. Dĩ nhiên chính quyền Biden không chịu trách nhiệm về chính cuộc chiến ấy. Nhưng chính quyền ấy phải chịu trách nhiệm về sự kết thúc bẽ mặt của cuộc chiến ấy.
“Nhưng làm cách nào mà Biden và Milley có thể làm một ước tính sai lầm tệ hại như vậy về sự kiên cường và bền vững của quân đội Afghanistan? Hình như mặc dù với hai thập niên tốn kém và nỗ lực không ngừng, Hoa Kỳ không bao giờ huấn luyện quân lính Afghanistan để trở thành một lực lượng chiến đấu độc lập.  Ngay từ lúc khởi đầu, họ đã được đối xử và huấn luyện như một bộ phận phụ thuộc của quân đội Hoa Kỳ.”
Viết tới đây, D’Souza đã trích dẫn một đoạn trong bài của Yaroslav Trofimov trên tờ The Wall Street Journal để giải thích tại sao chính quyền Afghanistan đã tan rã mau chóng và chắc là cũng để giải thích l‎ý do ông ta đã dùng cái tựa đề “Saigon All Over Again”:
“Yaroslav Trofimov của tờ The Wall Street Journal viết: ‘Quân đội Afghanistan chiến đấu bên cạnh quân lính Mỹ đã được rập khuôn theo cách điều hành của người Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ, tân tiến nhất thế giới, lệ thuộc nặng nề vào sự phối hợp giữ những cuộc hành quân trên bộ với lực lượng không quân, dùng phi cơ để tiếp tế cho các tiền đồn, không kích các mục tiêu, di tản thương binh,  và thu nhận tin tình báo.’
Vì thế khi Biden rút sự yểm trợ của Không quân, tình báo, và những phi cơ vận tải của các nhà thầu, và phi cơ trực thăng, và như vậy có nghĩa là quân đội Afghanistan không còn có thể vận hành nữa.  Chuyện giống hệt đã xảy ra với một nỗ lực khác, Quân đội miền Nam Việt Nam trong những năm của thập niên 1970.’
Và, đây là lời của ông D’Souza: “Một lần nữa, quân đội hùng mạnh nhất thế giới đã bị làm nhục bởi một nhóm người bộ lạc và nông dân.”
Nhân danh một người Việt Nam tị nạn cộng sản trên nước Mỹ, người phụ trách mục này tự thấy có bổn phận cần phải giúp trí nhớ cho hai ông D’Souza và Trofimov những sự kiện lịch sử cho thấy Việt Nam năm 1975 không giống Afghanistan năm 2021:
–         Trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống lại cộng sản kéo dài 30 năm (1945-1975), Hoa Kỳ chỉ gửi quân tham chiến 8 năm (1965-1973).
–         Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) không phải do người Mỹ lập ra mà đã được thành lập trong hoàn cảnh lịch sử phức tạp và khó khăn của thời hậu Thế Chiến II với sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.
–         QLVNCH không chỉ là những người lính chuyên nghiệp mà còn là những chiến sĩ có lý tưởng, chiến đấu để bảo vệ đời sống tự do của Miền Nam Việt Nam từ khi đất nước bị chia đôi vào năm 1955.
–   Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam là một quốc gia có chủ quyền được hơn 100 nước trên thế giới nhìn nhìn nhận và thiết lập bang giao.
–         Khi Hoa Kỳ rút quân vào năm 1973, QLVNCH vẫn tiếp tục chiến đấu trong hai năm, sau khi bị Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ quân sự và cấm không quân yểm trợ. Thống thống Biden chắc chưa quên chuyện này vì khi ấy Nghị sĩ Joe Biden, Dân Chủ – Delaware, vừa được bầu vào Thượng viện lúc 29 tuổi (sinh ngày 20.11.1942), và đã bỏ lá phiếu bỏ rơi “đồng minh” VNCH.
–         Quân đội của Cộng sản miền Bắc VN không phải là “một nhóm người bộ lạc và nông dân”, nhưng là một đội quân xâm lược nhân danh chủ thuyết cộng sản “đánh cho Liên-Xô, cho Trung quốc” (lời Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CSVN), đã được quan thầy đế quốc đỏ Sô-viết và Trung Cộng chi viện tối đa với xe tăng, đại pháo. Trong khi đó, đại bác của QLVNCH hết đạn, phi cơ không còn bom.
–         Tháng 4 năm 1975, QLVNCH vẫn chiến đấu cho đến ngày cuối cùng. Bảy viên Tướng và không biết bao nhiên chiến sĩ đã tự sát, thay vì đầu hàng quân cộng sản.
Ngày 30.4.1975, quân đội CSBV đã lái những xe tăng T.54 của cộng sản Nga ủi sập cánh cổng Dinh Độc Lập ở Sài-Gòn trong khi những người Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Việt Nam trên những chiếc trực thăng bốc họ từ sân thượng của tòa nhà trên đường Gia Long gần Tòa Đại sứ Hoa Kỳ.
Số phận của những người đã ở lại Miền Nam VN sau ngày 30.4.1975 ra sao? Bao nhiêu người đã bị lùa vào các ‘trại cải tạo” trên khắp nước, bao nhiêu người đã phải tới bỏ xác nơi các vùng “kinh tế mới”, bao nhiêu người đã vùi thân dưới Biển Đông hay trong rừng rậm miền Tây, và bao nhiêu người đã bị xử bắn vì có “nợ máu với nhân dân”?
Một trong những người này là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn. Ngày 14 tháng 8 vừa qua là ngày giỗ thứ 46 của ông Cẩn. Trước pháp trường ngày 14.8.1975, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã hiên ngang nói:
“Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh đã kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh đã làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh những câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt. Đả đảo cộng sản! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!”
Xin thắp một nén hương lòng dâng anh linh Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và mong những lời lẽ hào hùng của ông đến tai những chính trị gia “yêu xã hội chủ nghĩa” và những người thiên tả đấu tranh “thức tỉnh” (woke) phá rối trị an tại Mỹ.
Ký Thiệt
Share.

Leave a Reply