Thanh Trúc
Tu sĩ các tôn giáo được phép tham gia lực lượng tình nguyện chống dịch: tín hiệu công nhận?
Tin nói các tình nguyện viên này, hầu hết là tu sĩ nam nữ Công giáo, Phật giáo, Tin lành, đã ‘không quản ngày đêm vượt mọi khó khăn, làm rất nhiều công việc khác nhau tại Bệnh viện Hồi Sức COVID-19, Bệnh Viện Dã Chiến số 10 và số 12’.
Điển hình, tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 12, các tu sĩ mà báo Thanh Niên gọi là tình nguyện viên, đã tham gia vào những công việc tại các bộ phận hành chính, kế hoạch tổng hợp, sàng lọc bệnh nhân, lâm sàng, hồi sức cấp cứu, hổ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, các tình nguyện viên này còn lau dọn vệ sinh, lấy rác thải…chưa kể chia sẻ và xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt.
Người phụ trách thu dọn vệ sinh, vận chuyển rác thải mà báo nhắc tới là Nữ tu Công giáo Maria Nguyễn Thị Duyên Anh.
Người thứ hai trong đội cấp cứu, Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, đã cùng nhóm tình nguyện viên Phật tử trao tặng những vật dụng y khoa cần thiết để phòng COVID-19 cho Bệnh viện Dã chiến 12, khẳng định ở lại làm việc cho tới khi hết dịch.
Đã có bốn tu sĩ Công giáo, ba nam ở bộ phận sàng lọc bệnh nhân, một nữ ở bộ phận lâm sàng, bị lây nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ. Sau khi được chữa khỏi, cả bốn tình nguyện ở lại cùng các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Báo Thanh Niên dẫn lời hai vị bác sĩ chuyên khoa Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12, và bác sĩ Phó giám đốc Lưu Ngọc Đông, gọi các vị tình nguyện viên này là những người luôn giữ tinh thần lạc quan, tham gia rất hăng say vào hoạt động của bệnh viện.
Các bác sĩ cũng cho biết ban đầu các tu sĩ chỉ hứa làm việc trong một tháng, về sau đã xin ở lại để tiếp tục đóng góp thêm cho công việc phòng chống dịch.
Đây là tin khá hiếm được đăng trên những tờ báo Nhà Nước. Tuy nhiên, theo Mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng thì công tác phục vụ và cống hiến là một trong những trách vụ của giới tu sĩ, tăng lữ các đạo giáo từ hồi nào tới giờ chứ không cứ phải đại dịch mới tham gia:
Có điều, vẫn lời mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, về các tu sĩ Công giáo hay Phật giáo thì ông có nghe biết, nhưng về tình nguyện viên Tin Lành thì ông không rõ lắm:
“Tôi cũng chưa nghe nói về Tin Lành hoặc là tôn giáo nào khác. Nhà nước vẫn cho phép tổ chức lễ hội như 30/4, tổ chức bầu cử tập trung đông người nhưng mà không sao. Riêng Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng ở Gò Vấp vừa rồi, là chỉ thờ phượng nhưng bị o ép, bị cáo buộc chuyện lây lan dịch bệnh, thậm chí bị khởi tố”
“Thực sự mà nói ở Việt Nam, đối với các tôn giáo, các hệ phái độc lập mà muốn làm thiện nguyện thì hết sức khó khăn. Tôi nghĩ đây chỉ là cách tuyên truyền, đưa vào vài cá nhân, vài sự việc nho nhỏ để tạo hình ảnh là các tôn giáo cùng tham gia chống dịch với nhà cầm quyền, để cộng đồng người Việt trong nước và cộng đồng thế giới thấy Việt Nam luôn được các tôn giáo ủng hộ”.
Theo ông Vũ Sinh Hiên, chuyên viết về lịch sử và nguồn gốc đất đai của Giáo hội Công Giáo Việt Nam từ Nam ra Bắc trước giờ, hiếm khi báo chí có bài về công việc tình nguyện của các tu sĩ Công giáo, Phật giáo hay Tin Lành. Phải chăng đây là cách xoa dịu quần chúng, xoa dịu dư luận, ông đặt câu hỏi: :
“Tương đối tờ Thanh Niên và tờ Tuổi Trẻ trong Sài Gòn họ viết khá đàng hoàng, nhưng tất cả đều là lệnh của Tuyên Huấn cả”
“Đây không phải sự thừa nhận, chỉ là cách xoa dịu là vì quần chúng mất tin tưởng rồi, cách đối phó với thời cuộc, với COVID bị bể bị toang rồi, bây giờ họ muốn xoa dịu dư luận bằng cách khen chỗ này khen chỗ kia.
“Trong đời thường chỗ nào khó khăn vất vả thì tu sĩ các tôn giáo đều phải nhào vào làm việc, chuyện đó là bình thường. Bây giờ khen là trễ tràng quá rồi, các tôn giáo đâu có nhà thương, đâu có trường học, đâu có bệnh viện. Cái cách để cho tôn giáo làm thì tốt đẹp hơn thì không có, tất cả những cái khen này là râu ria thôi”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, một người am hiểu và rất trân trọng những công việc xã hội của các linh mục Công giáo cũng như các tu sĩ Phật giáo, nhận định thông tin về các nhóm của các tôn giáo khác nhau tình nguyện tham gia chống dịch chẳng có gì đáng ngạc nhiên:
“Bởi nếu không để ý thì thôi, chứ nếu để ý thì biết đối với các tổ chức tôn giáo công việc thiện nguyện, cống hiến, hy sinh thầm lặng vẫn là việc đều đều diễn ra. Truyền thông Nhà Nước lâu lâu cũng phản ánh chứ không phải chỉ có đợt COVID này mới phản ánh, nhưng mà cũng không được nhiều và đầy đủ”
“Cũng không phải do có điều gì kỳ thị đâu, mà nếu có thì chỉ có thể trong chủ trương chính trị cấp cao, chuyện đó thì ai cũng biết. Người cộng sản nói tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân, nhưng vì chủ trương muốn trấn an xã hội thì đôi lúc người ta cũng phải có thái độ động viên”
“Trong những lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này thì các tổ chức tôn giáo tham gia thì báo chí thấy đó là tốt, là phù hợp với chính sách đoàn kết và chủ trương tập trung mọi nguồn lực chống dịch. Đó chỉ là phạm vi tương đối nào đó thôi chứ còn tôn giáo mà mạnh lên thì tình hình khác ngay”.
Bài báo trên tờ Thanh Niên đưa tin Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12 đánh giá cao sự tận tụy, nhiệt huyết, đồng thời tri ân những tu sĩ nam nữ thiện nguyện viên này.
Người cộng sản nói tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân, nhưng vì chủ trương muốn trấn an xã hội thì đôi lúc người ta cũng phải có thái độ động viên. – Nhà báo Võ Văn Tạo
Ghi nhận của báo chí về sự nhiệt thành lớn lao của các tu sĩ Phật giáo, Ki- Tô giáo cũng như những tổ chức xã hội khác đang tham gia vào đại dịch COVID này là một dấu hiệu tốt và tích cực cho xã hội, theo lời đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả bộ phim Chuyện Tử Tế những năm xưa:
“Thực ra mà nói thì công việc xã hội nó bao la, không phải chỉ một nhóm người nào, một tổ chức nào mà có thể quán xuyến hết được. Nếu như huy động được sức mạnh của xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo, thì rất là quý”.
Thế nhưng trị ân hoặc đánh giá cao đều không ý nghĩa gì đối với những người đã và đang phó thác cuộc đời cho đức tin và tình yêu đồng loại, chưa kể bổn phận một công dân đối với đất nước, là xác quyết của đạo diễn Trần Văn Thủy:
“Cách đây gần 40 năm tôi có làm bộ phim tên là Chuyện Tử Tế. Thời kỳ đó chưa ai dám nói về những mặt tích cực của những người Ki- Tô cả. Xã hội Việt Nam né tránh tôn giáo nhưng mà tôi thấy sự thật như thế nào thì tôi phải nói như thế ấy thôi”
“Tôi thật sự xúc động và bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi tiếp xúc với các nữ tu trong dòng Thừa Sai Đức Mẹ, tôi đã làm đoạn phim thực tế về các nữ tu ở trại phong Tuy Hòa thời ký đó.
Từ các Linh mục, các Giám mục, tôi học ở họ đức tin, sự hy sinh và tình yêu. Cho nên tôi cám ơn số phận, cám ơn cái linh tính của tôi mách bảo tôi qua một, hai, ba, năm hay sáu chục năm thì mọi chuyện vẫn diễn tiến như thế”.
Đó là những chuyện tử tế của đời thường, đạo diễn Trần Văn Thủy nhấn mạnh. Ông nói ông tin cảm xúc của giới y bác sĩ cũng như các nhà báo trước sự dấn thân tự nguyện từ các nam nữ tu sĩ các tôn giáo khác nhau, là những cảm xúc thật.
Và cho dù có thế nào, tác giả Chuyện Tử Tế nhắc lại, những người khổ đau vì dịch bệnh ít nhiều hưởng được sự an lành từ các nghĩa cử tốt đẹp đó.
Sau năm 1975, nhiều tu sĩ các tôn giáo hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục bị Nhà Nước buộc nghỉ việc. Các tôn giáo không được tham gia hai lĩnh vực này dù từng đóng góp hữu hiệu.
Tại một số bệnh viện bị chính quyền trưng thu vẫn còn những khu vực thờ tự lưu lại và hằng ngày bệnh nhân đến để khấn nguyện.
Leave a Reply