Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Diễm Thi, RFA

2021-08-03

Vì sao hầu hết dân phản đối tiêm vắc- xin của Trung Quốc?Một nhân viên y tế chuẩn bị một liều vắc xin Sinopharm chích cho người dân Colombo, Sri Lanka vào ngày 30 tháng 7 năm 2021.

 AFP

Hôm 31 tháng 7, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc trong tổng số năm triệu liều đặt mua của hãng này. Đây là lô vắc-xin nhập khẩu đầu tiên do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo và ký hợp đồng mua của Sinopharm theo sự uỷ quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các văn bản được lan truyền trên mạng xã hội có nội dung cho thấy lãnh đạo, cán bộ địa phương được phân loại chích vắc xin theo thứ tự Pfizer, Moderna, Astra Zeneca mà không hề thấy có Sinopharm. Điều này khiến người dân cho rằng, khi phía Nhà nước có sự phân biệt vắc- xin như thế thì làm sao thuyết phục người dân tiêm vắc- xin Trung Quốc?

Cách đây hai hôm, báo điện tử VietNamNet có thông tin về chất lượng vắc- xin COVID -19 của Trung Quốc cho hay, hai vắc- xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ vi-rút bất hoạt truyền thống đã được WHO phê duyệt, và hiện là một trong những vắc-xin ngừa COVID-19 phổ biến nhất thế giới.

Theo quan điểm của tôi, đã là vắc- xin thì Astra Zeneca, Sinopharm, Pfizer, Moderna hay Sputnik đều có hiệu quả. Tất nhiên mỗi loại có uy lực riêng, mỗi loại cũng có tai biến riêng. Cho y tế cộng đồng thì nếu có vắc- xin cộng với lây nhiễm tự nhiên, lây nhiễm bầy đàn thì nó sẽ tạo miễn dịch cộng đồng. – Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng

Là một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng cho rằng, số lượng vắc- xin về Việt Nam hiện nay như ‘muối bỏ bể’. Muốn có hiệu quả thì phải chích ngừa kết hợp với lây nhiễm cộng đồng. Ông nêu quan điểm về vắc- xin với RFA:

“Theo quan điểm của tôi, đã là vắc- xin thì Astra Zeneca, Sinopharm, Pfizer, Moderna hay Sputnik đều có hiệu quả. Tất nhiên mỗi loại có uy lực riêng, mỗi loại cũng có tai biến riêng. Cho y tế cộng đồng thì nếu có vắc- xin cộng với lây nhiễm tự nhiên, lây nhiễm bầy đàn thì nó sẽ tạo miễn dịch cộng đồng.”

Đa số người dân không tin vào vắc- xin do Trung Quốc sản xuất vì họ không tin ‘ông bạn vàng’ của Nhà nước Việt Nam, nhưng cũng có người chấp nhận Sinopharm vì ‘có còn hơn không’. Cô Thu Trà bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng trên Facebook cá nhân của cô rằng, nếu được chọn vắc- xin để tiêm thì cô sẽ không chọn vắc- xin Trung Quốc, nhưng nếu không có sự lựa chọn nào khác thì cô đồng ý tiêm vắc- xin Trung Quốc. Lý do được cô giải thích là vì Trung Quốc đã khống chế được dịch cũng bởi chính vắc- xin Trung Quốc. Điều đó cho thấy tính hiệu quả dù không cao như vắc- xin của Mỹ, Anh nhưng vẫn có tác dụng.

000_9JM67Z.jpg
Người dân Vũ Hán thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày 3 tháng 8 năm 2021. AFP

Cô Lan, một người dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, khu cô ở rất nhiều người bị dương tính với vi-rút corona. Bản thân cô không dám ra đường nên chỉ mong được chích vắc- xin càng sớm sàng tốt, nhưng cô từ chối chích vắc- xin Trung Quốc. Cô nói:

“Ai cũng được chích ở phường hết. Tổ trưởng họ vô tận nhà hỏi mình rồi đăng ký cho mình luôn. Khi thuốc về thì phường sẽ gọi tổ trưởng rồi tổ trưởng gọi tổ viên ra phường chích.

Em đã đăng ký rồi nhưng nếu họ kêu đi chích em sẽ hỏi thuốc đó là thuốc gì rồi mình nhận diện. Nếu thuốc của Nhật, Anh, Mỹ thì chích, còn thuốc Trung Quốc em sẽ không chích. Mình đã biết Trung Quốc là một nước quá độc ác. Nó hại nhiều nước chứ không chỉ hại nước Việt Nam mình nên không thể tin Trung Quốc được.”

Là một tài xế xe tải, anh Minh có dịp tiếp xúc với nhiều người. Anh cho biết tất cả đều từ chối chích vắc- xin của Trung Quốc. Bản thân anh cũng thẳng thừng từ chối:

“Không, không, không, dứt khoát là không chích vắc- xin Trung Quốc. Thứ nhất, không thể tin cái ông vừa ‘sản xuất’ và có thể phát tán ra con vi-rút này, vừa sản xuất ra thuốc ngừa để bán. Cá nhân tôi và rất nhiều bạn bè của tôi không tin vắc- xin Trung Quốc. Không thể tin được ‘ông bạn vàng’ này. Thứ hai là tâm lý cảm thấy không công bằng khi các loại thuốc nổi tiếng về thương hiệu và hiệu quả thì lại được dùng để tiêm cho cán bộ, cho quan chức, thậm chí cả người nhà của quan chức.

Bây giờ nhập đến năm triệu liều vắc xin Trung Quốc về Sài Gòn để tiêm cho ai? Tôi chở hàng nên gặp gỡ nhiều người. Ai cũng bảo dứt khoát không tiêm vắc- xin Trung Quốc dù trước đó có ký đơn tự nguyện tiêm.”

Khó cho chính phủ?

Thống kê cho thấy tính đến tối ngày 3 tháng 8, tổng số liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 6.959.197; trong đó có 6.246.333 liều tiêm mũi thứ nhất, 1.712.864 liều tiêm mũi thứ hai.

Việc người dân từ chối chích vắc- xin của Trung Quốc sẽ khó cho Chính phủ đạt mục tiêu 70% dân được chích ngừa. Ngoài việc người phản đối chích Sinopharm do không tin bất cứ sản phẩm nào từ Trung Quốc và tâm lý ‘bài Hoa’, người dân phản đối còn vì lý do không công bằng giữa dân và cán bộ. Thêm vào đó là những thông tin về vắc-xin Trung Quốc được báo chí quốc tế loan tải và Việt Nam dẫn lại.

Thứ nhất, không thể tin cái ông vừa ‘sản xuất’ và có thể phát tán ra con virus này, vừa sản xuất ra thuốc ngừa để bán. Không thể tin được ‘ông bạn vàng’ này. Thứ hai là tâm lý cảm thấy không công bằng khi các loại thuốc nổi tiếng về thương hiệu và hiệu qủa thì lại được dùng để tiêm cho cán bộ, cho quan chức, thậm chí cả người nhà của quan chức. – Anh Minh

Theo thông tin từ báo Công an nhân dân hôm 11 tháng 4 năm 2021, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc xác nhận vắc-xin ngừa COVID-19 do nước này chế tạo có tỷ lệ bảo vệ không cao và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc xin khác nhau để tăng hiệu quả.

Cũng trong tháng 4, báo Tuổi trẻ có bài viết “Chile bị COVID-19 ‘nhấn chìm’ vì ỷ lại vào vắc xin Trung Quốc”. Theo đó, dù nằm trong top đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng nhưng Chile vẫn bị COVID-19 nhấn chìm, do hoàn toàn ỷ lại vào vắc- xin. Vắc xin CoronaVac của Trung Quốc đang chiếm tới 93% lượng vắc xin được triển khai cho chương trình tiêm chủng của Chile.

Gần đây nhất, tờ The Star đưa tin Giám đốc Sở Y tế bang Kelantan của Malaysia, ông Zaini Hussin, cho biết Kelantan sẽ ngừng tiêm vắc- xin Sinovac và thay bằng vắc- xin Pfizer-BioNTech tại tất cả các điểm tiêm chủng từ cuối tháng 7 năm 2021. Vị Giám đốc sở này từ chối đưa ra lý do ngưng sử dụng loại vắc- xin trên, dù khẳng định vấn đề không liên quan tới việc thiếu nguồn cung.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 3 tháng 8 trích lời ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 ở thành phố rằng người dân có quyền từ chối tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc mà không bị phạt. Vắc-xin này vẫn chưa được tiêm cho người dân TPHCM trong đợt tiêm mới nhất bắt đầu từ ngày 3 tháng 8 năm 2021.

 

Share.

Leave a Reply