Sau vụ Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh AUKUS và Canberra quyết định hủy bỏ thương vụ mua tầu ngầm của Pháp, Paris đã có một loạt phản ứng mạnh đặc biệt nhắm vào Mỹ và Úc, mà nổi cộm là quyết định triệu hồi đại sứ Pháp ở Canberra và Washington. Một cuộc gặp giữa lãnh đạo Quốc Phòng hai nước cũng đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Paris.
Theo hãng tin Pháp AFP, nguồn tin từ bộ Quân Lực Pháp hôm qua, 19/08/2021, xác nhận rằng cuộc tiếp xúc dự kiến trong tuần này tại Luân Đôn giữa bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Paris.
Tại Luân Đôn, một nguồn tin từ bộ Quốc phòng Anh cho biết không thể phủ nhận hay xác nhận việc hủy bỏ này, nhưng khẳng định : “Vương Quốc Anh vẫn trao đổi với Pháp về các cuộc gặp. Chúng tôi vẫn có quan hệ quốc phòng chặt chẽ và hiệu quả với Pháp, nước vẫn là một đồng minh đáng tin cậy”.
Quyết định hủy bỏ cuộc tiếp xúc được đưa ra trong bối cảnh Paris chưa hết giận dữ về việc hợp đồng cung cấp tàu ngầm Pháp cho Úc bị Canberra đơn phương hủy bỏ để quay sang mua tàu ngầm của Mỹ, sau khi cùng với Washington và Luân Đôn thành lập liên minh chiến lược AUKUS để chống lại Trung Quốc, mặc nhiên gạt Pháp ra bên lề.
Trong những ngày qua, một cuộc khủng hoảng ngoại giao đã bùng lên giữa Pháp với Anh, Úc và Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 18/09 tố cáo các đồng minh là đã có hành vi “dối trá” và “khinh thường” nước Pháp.
Đối với nước Anh, dù không dùng đến biện pháp mạnh là triệu hồi đại sứ, nhưng ngoại trưởng Pháp không ngần ngại đả kích đích danh Luân Đôn về thái độ “cơ hội chủ nghĩa thường trực” và “theo đuôi” Mỹ-Úc trong liên minh AUSKUS.
Trước những phản ứng mạnh từ phía Pháp, tương tự như Hoa Kỳ, Anh Quốc cũng chủ trương đấu dịu.
Vài tiếng đồng hồ sau khi thông tin về vụ Pháp hủy bỏ cuộc họp giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng được tiết lộ, thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tuyên bố rằng hai nước luôn có một “quan hệ rất thân thiện” với một “tầm quan trọng vô cùng lớn”.
Theo hãng tin Anh Press Association, thủ tướng Anh còn nói thêm: “Tình yêu mà chúng tôi dành cho nước Pháp là điều bất diệt”.
Cuộc khủng hoảng tàu ngầm nhìn từ Bruxelles
Liên Hiệp Châu Âu và NATO đang lo ngại theo dõi đà gia tăng căng thẳng giữa Pháp và ba đồng minh trong AUKUS. Vốn chưa hết chấn động sau cuộc di tản khẩn cấp khỏi Afghanistan, các nước NATO một lần nữa rơi vào tình trạng khó xử sau khi các đại sứ Pháp từ Canberra và đặc biệt là từ Washington bị triệu hồi.
Thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles phân tích:
« Việc một số chính khách Pháp kêu gọi Paris rút khỏi NATO hoặc ít ra là rút khỏi Bộ Chỉ Huy Quân Sự của khối này từng được các thành viên NATO khác coi là một chi tiết vặt vãnh của chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Thế nhưng, giờ đây, họ hoài nghi trở lại về tính vững chắc của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Hai năm trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đánh giá là NATO bị “chết não”, và những nhận xét này đã nổi cộm trở lại vào lúc mà các thành viên còn lại của NATO đang nghĩ rằng sự ra đi của Donald Trump như đã giải tỏa được những lo ngại của Pháp.
NATO nhận thấy là khối phải tìm ra một lý do tồn tại mới kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, một cuộc khủng hoảng mà theo một số người là bằng chứng cho thấy là sự xuất hiện của Joe Biden không đồng nghĩa với một tuần trăng mật xuyên Đại Tây Dương mới.
Đối với một số nhà quan sát ở Bruxelles, cuộc khủng hoảng niềm tin hiện tại giữa Pháp và Hoa Kỳ hoàn toàn có thể kéo theo việc tước bỏ một phần bản chất của NATO, nếu Pháp quyết định dồn mọi sức lực vào việc tăng tốc xây dựng năng lực phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là khi ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu coi liên minh giữa Mỹ, Anh và Úc là một động cơ thúc đầy việc xây dựng sự tự chủ chiến lược cho Liên Âu ». (RFI)
Leave a Reply