- Elizabeth Preston
- Knowable Magazine
Lee Gettler không mấy khi rảnh rỗi để trả lời điện thoại, vì lý do rất bình thường là anh bận rộn chăm sóc hai đứa con nhỏ. Tuy nhiên, trong số các sinh vật hữu nhũ, điều đó khiến anh trở thành khác thường.
Động vật làm cha thế nào?
“Kiểu làm cha của con người là có các kiểu chăm nom thực sự tốn kém,” Gettler, nhà nhân chủng học tại Đại học Notre Dame, nói.
Bằng cách đó, con người nổi bật so với hầu hết động vật có vú khác. Các bậc làm cha, và cha mẹ nói chung, là lĩnh vực nghiên cứu của Gettler. Ông và những người khác đã phát hiện ra rằng vai trò của người cha trong các nền văn hóa rất khác nhau – và một số động vật khác làm cha có thể đem đến cái nhìn hữu ích về quá khứ tiến hóa của chúng ta.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn về cách người cha phát triển vai trò đặc trưng vốn bỏ nhiều công sức, bao gồm thay đổi nội tiết tố đi kèm với việc làm cha.
Hiểu biết sâu sắc hơn người cha đến từ đâu, và tại sao việc làm cha lại quan trọng đối với cả người cha và con cái, có thể làm lợi cho tất cả các gia đình.
“Nếu nhìn vào các loài động vật có vú khác, cá thể cha thường không làm gì ngoài cung cấp tinh trùng,” Rebecca Sear, nhà nhân khẩu học và nhân chủng học tiến hóa tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết. Gánh nặng đè lên các cá thể mẹ ở hầu hết các loài phải chăm sóc con cái. (Cá là một ngoại lệ – hầu hết các loài cá không hề chăm sóc con cái, nhưng nếu có chăm sóc thì thường là cá thể cha. Và các cặp chim trống mái nổi tiếng với việc cùng chăm sóc con.)
Ngay cả ở những loài linh trưởng khác, họ hàng gần nhất của chúng ta, hầu hết các con vượn cha không làm gì nhiều. Điều đó có nghĩa là các con vượn mẹ bị kẹt với tất cả các công việc và cần phải giãn cách thời gian có con để đảm bảo nó có thể chăm sóc con cái.
Chẳng hạn tinh tinh hoang dã sinh con cứ cách bốn đến sáu năm. Đười ươi đợi từ sáu đến tám năm mới sinh con một lần.
Chiến lược khác của loài người
Tuy nhiên, tổ tiên loài người lại đi theo một chiến lược khác. Những người mẹ đã được cộng đồng và họ hàng của họ, bao gồm cả những người cha, giúp đỡ.
Điều này giải phóng các bà mẹ vừa đủ để họ có thể sinh nhiều con hơn, cách quãng ngắn hơn – trung bình mỗi ba năm, trong các xã hội phi công nghiệp ngày nay.
Chiến lược đó “là một phần trong thành công tiến hóa của loài người”, Gettler nói.
Một số manh mối về nguồn gốc của việc làm cha tận tâm của loài người đến từ họ hàng linh trưởng gần gũi của chúng ta.
Stacy Rosenbaum, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Michigan, nghiên cứu khỉ đột núi hoang dã ở Rwanda. Những con khỉ đột này đem đến những manh mối thu hút về nguồn gốc của các cá thể vượn làm cha, như Gettler và các đồng tác giả Rosenbaum và Adam Boyette tranh luận trong Đánh giá nhân chủng học hàng năm 2020.
Khỉ đột núi là một loại khỉ đột phương Đông. Chúng khác với khỉ đột phương Tây – một loài riêng biệt thường thấy trong vườn thú – về môi trường sống và chế độ ăn uống.
Rosenbaum quan tâm nhiều hơn đến một điều khác khiến khỉ đột núi khác biệt: “Con non dành rất nhiều thời gian xung quanh con đực,” bà nói.
Những con đực này có thể hoặc không phải là cha của chúng. Khỉ đột núi đực dường như không biết hoặc quan tâm con nào là con của chúng. Nhưng gần như tất cả con đực đều chịu được sự hiện diện của khỉ đột con.
Không giống như bất kỳ loài vượn lớn nào khác được nghiên cứu trong môi trường hoang dã, những con đực này – lớn gấp đôi kích thước con cái, với cơ bắp và những chiếc răng khổng lồ – cơ bản biết giữ con. Một số con đực còn bắt khỉ đột con, chơi với chúng và thậm chí ôm chúng vào lòng ngủ.
Tốt cho con
Sự hiện diện của con đực có thể bảo vệ khỉ đột con còn rất nhỏ trước các động vật ăn thịt, và giữ cho con non không bị các con khỉ đột đực xâm nhập giết hại. Một lợi ích quan trọng khác có thể là sự giao tiếp, Rosenbaum suy đoán.
Những con khỉ đột con sống hòa nhập với các con đực trưởng thành có thể tiếp nhận các kỹ năng xã hội như trẻ em chập chững tiếp nhận từ những đứa trẻ khác tại cơ sở giữ trẻ ban ngày.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng quan hệ giữa khỉ đột con và con đực trưởng thành vẫn tiếp diễn khi chúng lớn lên.
Một manh mối trêu ngươi khác về cách khỉ đột đực làm lợi cho khỉ con trong đàn đến từ một nghiên cứu mới đây về khỉ đột núi con bị mất mẹ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc mất mẹ không làm cho bản thân những con khỉ đột mồ côi này dễ chết hơn. Chúng cũng không trả những cái giá khác, chẳng hạn phải mất thời gian lâu hơn mới có con của chính mình. Mối quan hệ của khỉ mồ côi với cá thể khác trong đàn, nhất là những con đực thống trị, dường như bảo vệ chúng khỏi những tác động xấu.
Khỉ đột núi đực không phải là loài linh trưởng duy nhất gắn bó với con non.
Khỉ đuôi dài đực trưởng thành cũng dành thời gian với con non. Và khỉ đầu chó đực xây dựng ‘tình bạn’ với khỉ đầu chó cái và con non của chúng, thường (nhưng không phải lúc nào) là con cái của chúng.
Những hành vi này khiến các linh trưởng đực gần như không thiệt hại gì. Do đó, mặc dù con đực có thể củng cố năng lực sinh tồn của con cái chúng, cũng không là vấn đề lớn nếu chúng dành thời gian với những con non không quan hệ ruột rà.
Hấp dẫn hơn nếu làm cha
Nhưng việc chăm con cũng có thể có lợi cho khỉ đột đực theo một cách khác: làm chúng trở nên hấp dẫn hơn.
“Một trong những suy đoán của chúng tôi là con cái thực sự thích kết đôi với những con đực có tương tác nhiều với con non,” Rosenbaum cho biết.
Bà phát hiện ra rằng những con đực chăm sóc con non nhiều hơn lúc còn trẻ sẽ tiếp tục làm cha của nhiều con hơn khi chúng lớn hơn.
Tương tự, khỉ đuôi dài dường như cũng trở nên cuốn hút con cái hơn nếu chúng dành nhiều thời gian bên cạnh con non hơn.
Các nhà nhân chủng học trước đây cho rằng hành vi làm cha chỉ có thể tiến hóa ở động vật một vợ một chồng, Rosenbaum nói. Những loài như khỉ đột núi làm suy yếu giả định này.
Chúng cũng cho thấy rằng, bất chấp những gì các nhà khoa học lâu nay vẫn nghĩ, con đực không phải lựa chọn giữa việc dành năng lượng cho giao phối hay làm cho việc làm cha. Có vẻ như chăm sóc con cái có thể là một cách để có được bạn tình.
Các nghiên cứu về cha và cha kế ở con người đã cho thấy điều tương tự.
“Nhiều người đàn ông sẵn sàng gắn bó với những đứa trẻ họ biết không phải con của họ,” Kermyt Anderson, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Oklahoma, nói.
Trên quan điểm tiến hóa, sự đầu tư đó có vẻ trớ trêu. Nhưng nghiên cứu của Anderson cho thấy đàn ông bỏ công sức cho con riêng của vợ và thậm chí con ruột của họ một phần là đầu tư cho tình cảm với người mẹ. Khi tình cảm đó kết thúc, đàn ông trở nên bớt mặn mà với con hơn.
Dĩ nhiên, người cha chăm sóc con ruột hay con riêng khác với vượn hay khỉ vốn chỉ để con non quanh quẩn.
Nhưng, Gettler và Rosenbaum tự hỏi, liệu tổ tiên chúng ta có thói quen tương tự như khỉ đột núi hay khỉ đuôi dài hay không.
Dưới áp lực tiến hóa họ đối mặt, xu hướng làm thân với trẻ có thể đã nâng lên thành tình cha tận tụy.
Nồng độ testosterone
Một số manh mối về lịch sử tiến hóa của việc làm cha cũng được tìm thấy trên các phân tử trong cơ thể người.
Gettler đã nghiên cứu dài hạn về nam giới ở Philippines, thu thập dữ liệu sinh học của họ trong độ tuổi 20 và tiếp tục theo dõi 5 năm sau đó.
Ông và các đồng sự phát hiện rằng đàn ông có nồng độ testosterone cao ở độ tuổi 20 nhiều khả năng có bạn tình và con cái về sau.
Nhưng những người mới làm cha không còn mức testosterone cao nữa – nó giảm đáng kể, nhất là khi họ có trẻ sơ sinh ở nhà.
Một khi đứa con nhỏ nhất của họ bắt đầu đi chập chững, testosterone của đàn ông bắt đầu lên cao trở lại.
Testosterone có liên quan đến việc kết đôi và hành vi cạnh tranh ở con đực.
Đè nén nó có thể là phương cách của tự nhiên để chuẩn bị cho người cha chung sức với bạn đời chăm sóc con cái, các nhà nghiên cứu cho biết.
Mặc dù hiếm có chuyện cha chăm sóc con cái ở động vật có vú và hầu hết các loài khác, nhưng nhiều ông bố kiểu này có thể có ở loài chim – và những con chim trống đó cũng bị giảm testosterone.
Prolactin là một hormone khác liên quan đến hành vi làm cha ở chim – và với prolactin, chim bố tận tụy có nhiều hơn – và một số nghiên cứu đã cho thấy tác dụng tương tự ở người.
Mặc dù loài người chỉ có quan hệ xa với chim, nhưng sự tiến hóa có thể đã sử dụng cơ chế tương tự để khuyến khích hành vi làm cha ở cả hai loài.
Hiểu rõ hơn về những cơ chế này có thể giúp chúng ta hiểu được việc làm cha đã tiến hóa như thế nào.
Rõ ràng vai trò làm cha ở người khác thường ở sự quan tâm đến con cái. “Tuy nhiên, rõ ràng việc làm cha ở người cũng khá đa dạng,” Sear nói. Không phải tất cả người cha đều tận tụy, hay thậm chí hiện diện bên con.
Cha có quan trọng không?
Nhưng việc đó không nhất thiết tác động đến sự sống còn cơ bản.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2008, Sear và đồng tác giả Ruth Mace đặt vấn đề là liệu trẻ thiếu sự hiện diện của người cha có dễ tử vong hơn hay không.
Họ xem xét dữ liệu về sự sống còn của trẻ em từ 43 nghiên cứu dân số trên khắp thế giới, chủ yếu những ai không tiếp cận được chăm sóc y tế hiện đại.
Họ phát hiện ra rằng trong một phần ba các nghiên cứu về người cha, trẻ em nhiều khả năng sống sót sau thời thơ ấu nếu có cha bên cạnh.
Nhưng trong hai phần ba còn lại, những đứa trẻ không cha cũng có khả năng sống sót cao như vậy. (Ngược lại, các nghiên cứu về trẻ không có mẹ đều cho thấy chúng ít có khả năng sống sót)
“Đó không phải là điều bạn trông đợi nếu người cha thực sự quan trọng đối với sự phát triển của trẻ,” Sear nói.
Thay vào đó, bà ngờ rằng điều quan trọng là người bố thực hiện vai trò như thế nào.
Khi không có người cha, những người khác trong gia đình hoặc cộng đồng có thể thế chỗ. “Có thể vai trò làm cha là quan trọng, nhưng nó có thể được thay thế bởi các thành viên xã hội khác,” bà nói.
Vai trò đó là gì? Về mặt lịch sử, Gettler nói, các nhà nhân chủng học xem làm cha tất cả là ‘kiếm ăn’ – đem thịt về theo đúng nghĩa đen.
Trong cộng đồng tìm kiếm thức ăn, những người đi săn giỏi cũng sẽ sinh nhiều con hơn, chăm lo cho nhiều con hơn.
Nhưng Gettler hy vọng sẽ mở rộng định nghĩa về người cha. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người cha có thể có vai trò quan trọng trong chăm sóc con cái trực tiếp chẳng hạn, và dạy trẻ ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội.
Người cha cũng có thể giúp con cái bằng cách xây dựng quan hệ trong cộng đồng của họ, Gettler nói. Khi nói đến sự sống còn, “tạo dựng quan hệ có thể là tất cả.”
“Ở phương Tây, chúng ta lý tưởng hóa kiểu gia đình hạt nhân như thế này,” Sear nói: cặp đôi dị tính, tự lực cánh sinh mà trong đó người cha làm tất cả mọi việc kiếm sống và người mẹ bao thầu chăm sóc con cái.
Nhưng trên toàn thế giới, bà nói, những gia đình như thế này là rất hiếm. Cha mẹ ruột của một đứa trẻ có thể không nhất thiết sống cùng nhau, Sear viết trong một nghiên cứu gần đây.
Việc trông con và đảm bảo thức ăn có thể đến từ cha hoặc mẹ – hoặc không ai cả. Chẳng hạn, đối với dân Himba ở Namibia, trẻ em thường do đại gia đình nuôi dưỡng.
“Tôi nghĩ chúng ta cần một cái nhìn không phán xét về gia đình con người, và các kiểu cấu trúc gia đình trong đó trẻ em có thể phát triển làm mạnh để cải thiện sức khỏe của người mẹ, người cha và con cái,” Sear nói.
Bài này được đăng đầu tiên trên tạp chí Knowable Magazine, và được đăng lại theo giấy phép Creative Commons.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Leave a Reply