Các lãnh đạo phong trào Taliban tại Matxcơva ngày 09/07/2021. AFP – DIMITAR DILKOFF
Thu Hằng
Nga vẫn liệt Taliban trong danh sách lực lượng khủng bố. Ngày 03/09/2021, tổng thống Vladimir Putin cho rằng cách hành xử « văn minh » của Taliban tại Afghanistan và « sự tôn trọng các quy định văn minh » là một trong những điều kiện để các nước có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với tân chính quyền Kabul.
Theo AFP, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, tổng thống Nga nhấn mạnh « lực lượng Taliban càng nhanh gia nhập các dân tộc văn văn minh thì càng dễ duy trì giao tiếp và đối thoại » với họ.
Nga không loại trừ khả năng « nói chuyện » với tân chính quyền Taliban khi kêu gọi « đối thoại quốc gia » để thành lập một chính phủ bao gồm mọi thành phần ở Afghanistan. Dù tỏ thái độ khá hòa hoãn với lực lượng này trong thời gian gần đây nhưng Taliban vẫn nằm trong danh sách « tổ chức khủng bố » của Nga.
Tuy nhiên, trên đài RFI ngày 03/09, ông Goulam Mohammad, giám đốc Trung tâm Cộng đồng người Afghanistan ở Nga, có giải thích vì sao nên công nhận tính chính đáng của Taliban.
« Tôi nghĩ là lực lượng Taliban không nên bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì họ không tấn công bên ngoài lãnh thổ Afghanistan. Họ không gây chiến ở nơi khác ngoài Afghanistan, cũng chưa bao giờ tỏ ý khuếch trương tư tưởng chính thống hay bất kỳ xu hướng tiêu cực nào khác như chúng ta thấy ở nhiều nước.
Tôi hy vọng một ngày nào đó, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ công nhận chính phủ này, nhưng chúng tôi cũng muốn là những nước khác làm tương tự. Tôi không muốn rằng họ đối xử với Afghanistan như một trường hợp cá biệt. Hơn nữa, nếu không công nhận tính chính đáng của chính phủ thì sẽ không có viện trợ nhân đạo trong khi Afghanistan lại đang rất cần ».
Một nhóm phụ nữ Afghanistan tuần hành đòi nữ quyền tại Kabaul trong khi Taliban hoãn ngày thông báo nội các mới. Kabul, ngày 03/09/2021. AFP – HOSHANG HASHIMI
Trọng Thành
Hôm nay, 04/09/2021, chính quyền Taliban một lần nữa hoãn lại việc thông báo thành phần chính phủ, trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn tại thung lũng Panchir, nơi lực lượng chống Taliban kiên quyết không hạ vũ khí.
Hai nguồn tin Taliban cho hãng tin AFP hay là sẽ không có thông báo nào về thành phần chính phủ trong ngày hôm nay. Gần ba tuần sau khi giành được chính quyền tại Kabul, lực lượng Taliban vẫn chưa thông báo được nhân sự chính phủ, thông tin vốn đang được người dân trong nước, cũng như cộng đồng quốc tế nóng lòng chờ đợi. Vẫn theo AFP, tình hình chiến sự tiếp diễn tại thung lũng Panchir có thể là một nguyên nhân chính khiến Taliban chậm công bố thành phần chính phủ.
Từ khi chiếm được Kabul, Taliban liên tục có các động thái cởi mở, và cố gắng chứng tỏ với cộng đồng quốc tế họ là một thế lực « ôn hòa ». Taliban hứa hẹn sẽ lập ra một chính phủ rộng mở cho nhiều thành phần tham gia. Trong những tuần gần đây, Taliban đã có các tiếp xúc với những đối thủ cũ có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội Afghanistan, như cựu tổng thống Hamid Karzai, hay cựu phó tổng thống Abdullah Abdullah.
Biểu tình phản đối việc không có phụ nữ trong chính phủ
Hôm qua, nhiều quốc gia một lần nữa nhắc lại là chế độ mới sẽ được phán xét dựa trên hành động cụ thể. Tổng thống Nga Vladimir Poutine hy vọng Taliban sẽ có các ứng xử « văn minh ». Bắc Kinh kêu gọi Taliban « chấm dứt » hoàn toàn quan hệ với các nhóm khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ hy vọng chính phủ mới tại Kabul sẽ thực sự bao gồm cả những thành phần không thuộc Taliban, « đại diện cho các cộng đồng và các lợi ích khác nhau tại Afghanistan ».
Hôm qua, nhiều người dân Afghanistan đã biểu tình tại thủ đô Kabul, để bày tỏ mong muốn có phụ nữ trong thành phần chính phủ mới. Taliban bảo đảm sẽ tôn trọng nữ quyền, nhưng để ngỏ thông tin về khả năng sẽ không có phụ nữ nào trong hàng ngũ các bộ trưởng, tuy phụ nữ có thể tham gia chính quyền ở các cấp bậc thấp hơn.
Tin đồn « chiến thắng » tại thung lũng Panchir
Tối hôm qua, tại Kabul, nhiều người bắn súng để mừng chiến thắng của Taliban tại thung lũng Panchir, vùng núi non hiểm trở cách Kabul khoảng 80 km về phía bắc, sau khi có tin đồn trên mạng về việc quân kháng chiến thất thủ. Theo các cơ sở cấp cứu tại thủ đô, ít nhất có hai người chết và 20 người bị thương do vụ bắn súng mừng nói trên.
Hiện tại Taliban chưa đưa ra thông tin chính thức về « chiến thắng » này. Một cư dân tại Panchir cho AFP biết đây là thông tin bịa đặt. Trong một thông điệp video được phát đi tối hôm qua, cựu phó tổng thống Amrullah Saleh, một thành viên trong ban lãnh đạo lực lượng kháng chiến chống Taliban tại thung lũng Panchir, cho biết « tình hình đang rất khó khăn », nhưng bảo đảm là « cuộc kháng chiến sẽ tiếp tục ».
Trong một phát biểu hôm thứ Tư 01/09, thủ lĩnh quân kháng chiến Ahmad Massoud cho biết Taliban đã đề nghị để Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (FNR) có hai ghế trong chính phủ, nhưng lực lượng kháng chiến không chấp nhận. Ahmad Massoud nhấn mạnh là điều mà quân kháng chiến yêu cầu là một tương lai « tốt đẹp hơn cho Afghanistan », chứ không phải một sự nhân nhượng như trên.
Người Afghanistan đi sơ tán trên một chiếc máy bay vận tải của Qatar, tại sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 18 tháng 8 năm 2021. AP
Trọng Thành
Qatar, quốc gia tuyến đầu trong các thương thuyết quốc tế với chính quyền Taliban, thông báo đang nỗ lực để mở các « hành lang nhân đạo » đưa hàng cứu trợ quốc tế đến Afghanistan trong vòng 48 giờ.
AFP dẫn lời một quan chức cao cấp Qatar, hôm qua 03/09/2021, cho hay các chuyến hàng nhân đạo đầu tiên có thể « đến sân bay Kabul, và các sân bay khác tại Afghanistan đang còn hoạt động, trong vòng từ 24 đến 48 giờ ».
Theo một nhà ngoại giao Qatar, tiểu vương quốc vùng Vịnh này nỗ lực để mở lại sân bay quốc tế Kabul « ngay khi có thể ». Qatar là quốc gia nước ngoài đầu tiên đưa máy bay hạ cánh xuống Kabul hôm 01/09, ngay sau khi các đơn vị Mỹ cuối cùng rút khỏi sân bay này, theo thỏa thuận với chính quyền Taliban.
Chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Abou Dhabi
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một cường quốc vùng Vịnh khác, cũng nỗ lực trong hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Afghanistan. Cũng ngày hôm qua, chính quyền Abou Dhabi thông báo sẽ gửi một phi cơ với « hàng cứu trợ bao gồm thiết bị y tế và thực phẩm ». Về vai trò của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thông tín viên Nicolas Keraudren của RFI tại khu vực nhận định :
« Để có được vị thế quan trọng hơn trong hồ sơ Afghanistan, chính quyền Abou Dhabi sử dụng lá bài nhân đạo. Kể từ khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan từ gần ba tuần nay, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất liên tục có các sáng kiến theo hướng này. Chuyến bay chở hàng nhân đạo này là biện pháp mới nhất.
Chuyến hàng này có thể ‘‘có lợi cho hàng ngàn gia đình Afghanistan’’, theo chính quyền Abou Dhabi. Trước đó, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động di tản khỏi Afghanistan. 28.000 người đã quá cảnh qua quốc gia này. Chính quyền Abou Dhabi cũng đã tiếp nhận ‘‘tạm thời’’ hơn 8.500 công dân Afghanistan tại nước mình.
Bất chấp những nỗ lực này, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vẫn không vượt qua được Qatar. Khi trở thành người môi giới duy nhất giữa lực lượng Taliban và cộng đồng quốc tế, Qatar dường như đã thu hoạch được nhiều lợi ích về mặt ngoại giao từ tình hình hiện tại. Hoa Kỳ, Anh Quốc và Hàn Quốc đã thông báo chuyển sứ quán từ Kabul sang Doha.
Về phần mình, một cường quốc khác trong khu vực, Ả Rập Xê Út, tỏ ra dè dặt hơn nhiều. Kể từ vụ khủng bố ngày 11/09/2001, chính quyền Ryad đã quyết định giữ khoảng cách với Taliban ».
LHQ họp ngày 13/09 để tăng cường cứu trợ
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan đòi hỏi can thiệp khẩn cấp. Theo người phát ngôn Liên Hiệp Quốc, tại Genève, ngày 13/09 sẽ diễn ra cuộc họp của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với các quốc gia thành viên nhằm gia tăng cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan. Liên Hiệp Quốc báo động một nửa dân số Afghanistan, tương đương gần 15 triệu dân cần cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt là có đến một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị đói.
Theo phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric, kể từ hôm thứ Năm 02/09, các chuyến bay nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tới Afghanistan đã được nối lại, tới một số khu vực tại phía bắc và phía nam Afghanistan. Hoạt động cứu trợ do Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) điều phối vốn có sự tham gia của 160 tổ chức nhân đạo. Theo Liên Hiệp Quốc, hoạt động này cần được sớm trở lại bình thường « ngay khi điều kiện an ninh và tài chính cho phép ».
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua thông báo sẽ tới Qatar vào đầu tuần tới (từ thứ Hai 06/09 đến thứ Tư 08/09). Ngoại trưởng Mỹ không có kế hoạch gặp đại diện Taliban tại Qatar, nhưng cũng không loại trừ khả năng tiếp xúc với một lãnh đạo Taliban, « nếu cần thiết ». Sứ quán Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tạm rút về Qatar. Ngoại trưởng Mỹ bảo đảm vẫn duy trì « nhiều kênh đối thoại » với Taliban.
Ảnh minh họa: Một chiếc thăng hạng nhẹ Alpi Syton AH 130, do hãng Alpi Aviation của Ý chế tạo, trong một cuộc triễn làm hàng không năm 2011. © Wikipedia
Thu Hằng
Khoảng 75% vốn của công ty Alpi Aviation của Ý hiện do các nhà đầu tư Nhà nước Trung Quốc nắm giữ. Ngày 03/09/2021, hai nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho Reuters biết Roma đang điều tra lại thương vụ được ký cách đây ba năm.
Cụ thể, Roma muốn biết liệu chính phủ Ý lúc đó có được thông tin về việc bán 2/3 cổ phần của nhà sản xuất thiết bị bay không người lái quân sự, nằm ở phía bắc Ý, phù hợp với quy định « Golden Power » hay không. Có hiệu lực từ năm 2012, cơ chế đặc biệt này cho phép chính phủ Ý can thiệp ngăn chặn một số đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được cho là chiến lược như quốc phòng, năng lượng và viễn thông.
Trước đó, ngày 02/09, đội điều tra tài chính Ý cho biết có sáu người là đối tượng điều tra trong một thương vụ bị cho là vi phạm các quy định liên quan đến việc bán thiết bị quân sự và nghị định « Golden Power ». Đội điều tra không nêu tên công ty bị điều tra nhưng cho biết là 75% vốn của doanh nghiệp này hiện do « hai công ty Nhà nước lớn của Trung Quốc » nắm giữ thông qua một công ty nước ngoài.
Nhưng một nguồn tin thứ hai nắm rõ hồ sơ cho biết là công ty bị nhắm đến là Alpi Aviation, hai công ty Trung Quốc có liên quan là China Corporate United Investment Holding và CRRC Capital Holding.
Giá mua Alpi Aviation đã được thổi phồng nhằm mục đích chính là « thu được bí quyết công nghệ và sản xuất », sau đó đưa về Trung Quốc qua việc chuyển công ty này về khu công nghệ cao Vô Tích (Wuxi), gần thành phố Thượng Hải.
Leave a Reply