Wednesday, April 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 6//10/2022

IMF: ‘Khủng hoảng chồng khủng hoảng’

Chúng ta đang ở trong một thời kỳ hỗn loạn, đầy biến động. Đại dịch, chiến tranh, các thị trường tài sản tài chính lao dốc, nợ kỷ lục khu vực công và tư, khủng hoảng tiền tệ và nguy cơ vỡ nợ công đã xuất hiện tại hàng chục quốc gia khắp toàn cầu. Báo cáo mới ra của IMF đã cảnh báo khủng hoảng kép và rằng nỗ lực phân bổ tiền dự trữ của họ tới các nền kinh tế yếu đang trở nên vô nghĩa…
Nợ công và tư toàn cầu tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2008
Theo báo cáo thường niên ra ngày 4/10/2022 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), cơ hội phục hồi kinh tế toàn cầu đã biến mất; nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái gia tăng do căng thẳng địa chính trị và căng thẳng xã hội leo thang cùng lúc đói nghèo và bất bình đẳng. Lạm phát tại nhiều quốc gia cũng đang bùng phát mạnh mẽ, được gia cường thêm bởi một lạm phát giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, năng lượng, thiếu hụt nhân lực và cả nguồn cung gián đoạn.

Nợ công và nợ tư nhân tiếp tục vươn tới một kỷ lục mới. Dư địa chính sách tài khóa và ngân sách của các chính phủ ngày một eo hẹp. Các chính phủ ngày một khó khăn vì đồng thời giải quyết lạm phát vừa đối diện với các rủi ro bất ổn và tăng trưởng đình trệ.

Chiến tranh Ukraine đang tạo thêm sự khó khăn cho tài chính công kể cả ở những đất nước đang hồi phục hồi sau đại dịch. Những chính sách hỗ trợ riêng biệt trong suốt thời gian dịch nhằm ổn định thị trường tài chính cũng như bơm tiền cho tiêu dùng và khu vực kinh tế thực; tất cả với hy vọng các nền kinh tế có thể nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Nhưng kết quả là, các nền kinh tế không thể tăng trưởng sau Covid-19 như kỳ vọng. Dòng tiền rẻ đổ vào nền kinh tế qua chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng quá mức chỉ làm tăng nợ, thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dựa theo dữ liệu nợ toàn cầu của IMF, tổng nợ nhảy vọt thêm 28 điểm phần trăm đến 256% của GDP trong năm 2020. Nợ chính phủ chiếm khoảng nửa trong số này, với sự còn lại từ các tổ chức phi lợi nhuận và hộ gia đình.

Khối nợ toàn cầu, cả công và tư, đang lớn hơn nhiều so với quy mô nợ khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu 2008.
Các chính phủ hiện đang phải vật lộn với giá nhập khẩu tăng và hóa đơn nợ trong một môi trường không chắc chắn với lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại.

Đình – Lạm: một cái bẫy khó gỡ
Đình – lạm, thuật ngữ chỉ tình trạng nền kinh tế rơi vào tăng trưởng đình trệ trong khi lạm phát tăng cao; đây là một cái bẫy khó gỡ với bất kỳ chính phủ nào.

Khi các NHTW khắp toàn cầu buộc phải theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, chi phí đi vay của chính phủ sẽ tăng lên, thu hẹp phạm vi chi tiêu của chính phủ và gia tăng các khoản nợ dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Để làm phức tạp thêm vấn đề, mức độ nợ phải trả và các điều khoản của chúng trong nhiều trường hợp không được biết đầy đủ.

Để giải quyết vấn đề nợ không bền vững, G20 và Câu lạc bộ Paris đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 năm 2020 về một Khung khổ chung cho các Xử lý Nợ ngoài Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) trước đó, nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán và các vấn đề thanh khoản kéo dài trong điều kiện các quốc gia bằng cách giảm nợ phù hợp với nhu cầu chi tiêu và khả năng thanh toán của con nợ.

Tuy nhiên, những gì IMF hay WB nỗ lực hướng tới để tái cấu trúc nợ công cho các nền kinh tế cũng thể giải quyết vấn đề của đình – lạm. Bởi vì nợ khu vực tư nhân và các thị trường tài sản tài chính có nguy cơ nổ bong bóng vì lãi suất tăng mới là rủi ro lớn nhất. Điều này có thể thúc đẩy đổ vỡ theo hiệu ứng ‘domino’ trên các thị trường tài chính khắp toàn cầu. Tương lai về một một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô và chi phí lớn hơn nhiều khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đang hiện hữu.

Ba Lan muốn được Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân để đối phó mối đe dọa từ Nga

Theo báo Gazeta Polska, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 5/10 cho hay, nước này đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân.

Ba Lan, quốc gia láng giềng với Nga, trong thời gian qua đã đẩy mạnh chi tiêu quân sự sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2.

Theo ông Duda, nỗ lực đàm phán hiện tại của Ba Lan nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Nga.

Chia sẻ vũ khí hạt nhân là một khái niệm trong chính sách răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chương trình này cho phép các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO. 

“Vấn đề đầu tiên là Ba Lan không có vũ khí hạt nhân. Sẽ luôn có những cơ hội tiềm tàng để tham gia vào chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã trao đổi với các lãnh đạo Mỹ về việc liệu Washington có xem đây là một khả năng hay không. Chủ đề này vẫn mở”, ông Duda cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chưa có dấu hiệu nào trong tương lai gần cho thấy Ba Lan sẽ có sự hiện diện vũ khí hạt nhân.

Hồi đầu tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marcin Ociepa cảnh báo: “Chúng ta phải chuẩn bị bởi Ba Lan có thể rơi vào xung đột quân sự với Nga trong vòng 3-10 năm tới. Trong thời gian đó, chúng ta nên trang bị cho quân đội Ba Lan nhiều nhất có thể”.

Hiện tình hình châu Âu đang căng thẳng khi cuộc đối đầu giữa Nga và NATO đang dồn dập leo thang. Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất là Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine trong một nỗ lực ngăn liên minh quân sự mở rộng về phía Đông, điều mà Moscow cho rằng ảnh hưởng tới an ninh của họ. Nếu vũ khí hạt nhân Mỹ được đặt ở Ba Lan, quốc gia nằm ngay sát Nga, động thái này có thể kích hoạt một diễn biến phức tạp. 

Trong những tháng qua, NATO, trong đó có Ba Lan, đã tích cực viện trợ vũ khí cho Ukraine. Khối liên minh đồng thời cũng bật đèn xanh để kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu nằm gần Nga là Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Các diễn biến trên khiến giới quan sát quan ngại căng thẳng Nga – NATO sẽ tiếp tục leo thang dồn dập hơn nữa.

Mỹ điều siêu tiêm kích F-35 tập trận răn đe Triều Tiên

Chúng tôi cam kết bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản”, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố. Đơn vị này cho biết cuộc tập trận hôm 4/10 được thực hiện với sự tham gia của các máy bay chiến đấu đến từ lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ và lực lượng Phòng vệ Đường không Nhật Bản.

Theo đó, máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35B của Mỹ đã được hộ tống bởi các tiêm kích hạng nặng F-15 của Nhật Bản và thực hiện các bài diễn tập bay và xếp đội hình chiến đấu trên vùng trời phía Nam đảo Kyushu.

Đây được xem là động thái đáp trả mạnh mẽ của Washington D.C và Tokyo nhằm vào vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng đã phóng hàng loạt tên lửa xuống biển để trả đũa Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada ngày 4/10 cho biết, Triều Tiên vào cùng ngày dường như đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12. Đây là vụ thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng trong 10 ngày qua và thứ 23 trong năm nay. Tần suất thực hiện thử tên lửa của Triều Tiên đang được xem là dồn dập.

Vụ phóng đã khiến Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản họp khẩn cấp. Theo ông Hamada, vũ khí của Triều Tiên đã bay quãng đường dài 4.600km, khoảng cách xa nhất trong lịch sử các vụ thử tên lửa của Triều Tiên từ trước tới nay.

Vụ thử tên lửa trên đã khiến còi báo động vang khắp lãnh thổ Nhật Bản và buộc Tokyo phải cảnh báo người dân đi trú ẩn cũng như dừng hoạt động của hệ thống đường sắt tại khu vực phía Bắc nước này. Tên lửa Triều Tiên sau đó đã rơi xuống Thái Bình Dương, ở khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Giám đốc CIA: Putin bị dồn vào chân tường, có thể khá nguy hiểm và liều lĩnh

“Những rắc rối ngày càng gia tăng của Nga đã khiến Tổng thống Vladimir Putin có ít phương án hành động hơn, khiến ông ta có khả năng trở nên nguy hiểm hơn”. Điều này được Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, William Burns, tuyên bố vào ngày 4 tháng 10 trong một cuộc phỏng vấn với CBS.

Theo lời ông, Putin không chỉ phải quan tâm đến những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraina, mà còn với những gì đang diễn ra “ở trong nước và trên thế giới”.

Ông Burns lưu ý rằng, bất chấp cam kết vào tháng 2 của Trung Quốc về “tình hữu nghị vô bờ bến”, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị hỗ trợ quân sự mà Putin yêu cầu và “kiềm chế sự nhiệt tình của họ đối với cuộc chiến của Nga”.

Theo lời ông Burns, những rắc rối ngày càng gia tăng của Nga đã khiến Tổng thống của họ không có nhiều phương án hành động, khiến ông ta có nguy cơ trở nên nguy hiểm hơn.

“Một Putin bị dồn vào đường cùng, một Putin có cảm giác như lưng mình dựa vào tường, có thể khá nguy hiểm và liều lĩnh”, ông nói.

Trước đó, hãng thông tấn Ý La Repubblica hôm 2 tháng 10 dẫn nguồn tin tình báo của NATO cho biết, K-529 Belgorod, tàu ngầm hạt nhân của Nga đã rời căn cứ ở Bạch Hải, tây bắc nước Nga. Chiếc tàu ngầm này đang hướng đến Biển Kara để thử ngư lôi hạt nhân Poseidon, đây còn được gọi là “vũ khí của ngày tận thế”.

Hiện giới quan sát đang theo dõi động thái này, không rõ nguồn tin của La Repubblica có thật hay không, nhưng Cơ quan An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina [NSDC] gọi thông tin này không có căn cứ vì nó không đăng tải trên trang web của NATO, NSDC kêu gọi không phát tán thông tin sai lệch.

Hết xe tăng, Nga phải lấy hàng xuất khẩu cho khách quốc tế để dùng trên chiến trường?

Chiến tranh Nga-Ukraine đã kéo dài hơn nửa năm, theo trang tin quân sự Defense Blog nhận định, lực lượng tăng thiết giáp Nga tiếp tục bị tổn thất nặng nề và chỉ có thể tìm kiếm sự bổ sung từ các xe tăng dự trữ.

Mặt khác, Nga cũng hạ thấp uy tín thương mại của mình khi giữ lại các xe tăng T-90S vốn được hứa hẹn xuất khẩu cho khách hàng quốc tế, để dùng cho quân đội của mình. Nga có thể sẽ phải đối mặt với những vụ kiện sau đó của khách hàng quốc tế, và cũng có thể phải gánh chịu những hậu quả từ việc này.

Defense Blog đưa tin, một số bức ảnh và video lan truyền trên Twitter cho thấy một nhóm xe tăng T-90 của Nga được sơn ký hiệu V, thoạt nhìn trông giống như thiết bị mới của lực lượng thiết giáp Nga, nhưng khi nhìn kỹ, đó là T-90S, phiên bản nâng cao của loại xe tăng được chế tạo cho các khách hàng quốc tế, bao gồm Algeria, Turkmenistan và Việt Nam đã đặt hàng từ Nga trước đó.

Rosoboron export, công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước của Nga, cho biết T-90S cao cấp hơn T-90 của Quân đội Nga, cung cấp hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ cao hơn. Số xe tăng này có thể bù đắp được tổn thất xe tăng của quân đội Nga trên chiến trường, nhưng đây cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản trá hình của các quốc gia khác.

Trong 100 ngày đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine đẫm máu, trung bình mỗi ngày Nga mất khoảng 7 xe tăng, trong khi con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Theo tính toán của trang web phân tích quân sự Oryx, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, số lượng xe tăng Nga có ảnh bằng chứng đã bị tiêu diệt ít nhất là khoảng 1.200 chiếc, tương đương 40% tổng số xe tăng của Nga. Và hầu hết chúng đều thuộc loại tiên tiến như T-72, T-80, T-90.

Theo Defense Blog, tổn thất lớn như vậy buộc quân đội Nga phải sử dụng những chiếc xe tăng cũ trong kho, tất nhiên tình trạng và hiệu suất của xe không thể được bảo đảm. Theo các báo cáo và hình ảnh chiến trường tiền tuyến của Ukraine, họ đã nhìn thấy một số xe tăng loại cổ như T-62 trên chiến trường.

Lãnh đạo Chechnya nói được Tổng thống Putin thăng hàm thượng tướng

“Tổng thống Nga đã phong quân hàm thượng tướng cho tôi. Đây là một sự thăng cấp đối với tôi”, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov thông báo trên Telegram hôm 5/10.

Nhà lãnh đạo Chechnya 46 tuổi cho biết đây là một “vinh dự to lớn” đối với ông.

Ông Kadyrov cho biết Tổng thống Putin đã “đích thân” thông báo cho ông về quyết định này.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Chechnya được Sách Kỷ lục Nga ghi nhận là người hứng chịu nhiều lệnh cấm vận cá nhân nhất thế giới.

Thông tin nhà lãnh đạo Chechnya thăng hàm được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phản công mạnh mẽ trên nhiều mặt trận. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuần này tuyên bố quân đội Ukraine giải phóng hàng chục thị trấn ở miền Nam và miền Đông, đồng thời tiếp đà phản công mạnh mẽ trên khắp lãnh thổ.

Tổng thống Zelensky hôm 2/10 tuyên bố lực lượng Ukraine đã giải phóng hoàn toàn thành phố Lyman ở vùng Donetsk miền Đông. Cùng ngày, quân đội Ukraine tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này đã đẩy lùi cuộc tiến công của Nga ở một số khu vực, đặc biệt ở Donetsk và Lugansk.

Ông Kadyrov tuyên bố ông sẽ làm “mọi cách để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt một cách nhanh chóng”.

Ông Kadyrov là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Hồi tháng 9, ông đề xuất Nga huy động một nửa số nhân viên lực lượng hành pháp nước này tham gia chiến dịch ở Ukraine. Ông cho rằng, Nga sở hữu tiềm lực quân sự hùng hậu, đủ sức đối phó với bất cứ đội quân nào của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Chechnya kêu gọi mỗi vùng của Nga huy động ít nhất 1.000 quân đã được huấn luyện để điều đến Ukraine. Ông Kadyrov đề nghị đưa 85.000 quân Nga tới chiến trường để tiếp viện cho tiền tuyến.

Ông Kadyrov thông báo sẽ tái triển khai lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tới khu vực đang diễn ra chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sau thời gian các binh sĩ này nghỉ ngơi. Hôm 1/10, ông đề xuất Nga cân nhắc sử dụng “vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ” trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ ý tưởng này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/10 cho biết Nga không dựa trên cảm tính khi thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Khi được hỏi liệu phát biểu của ông Kadyrov có thể được coi là phát biểu cảm tính không phù hợp hay không, ông Peskov nói rằng ở Nga, “vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân”.

Nhà lãnh đạo Chechnya cũng kêu gọi Nga thực hiện “các biện pháp quyết liệt hơn” ở Ukraine, đề xuất thiết quân luật ở các khu vực của Nga giáp Ukraine. Ông Kadyrov thông báo sẽ điều động 3 con trai, lần lượt 14, 15, 16 tuổi, tới Ukraine để tham gia chiến dịch quân sự của Nga.

Share.

Leave a Reply