Tuesday, April 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
May 21, 2023

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc khoe “trục xuất tàu nước ngoài” khi nó tiến gần đảo nhân tạo đá Chữ Thập trong khi cũng khoe tập trận trên Biển Đông.

Ngày Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, báo mạng của quân đội Trung Quốc khoe hai khinh hạm của họ phối hợp tập trận với các chiến đấu cơ tại Biển Đông nhưng không cho biết tại khu vực nào. Trước đó một ngày, đài truyền hình Bắc Kinh khoe lính của họ cũng “trục xuất” một tàu lạ khi nó tiến gần đá Chữ Thập.

Đảo nhân tạo đá Chữ Thập có phi đạo và các doanh trại cho lính, cở sở viễn thông, hangar cho máy bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp. (Hình: Ezra Acayan/GettyImages)

Nhật báo The South China Morning Post khi thuật lại tin của đài CCTV của Trung Quốc nói rằng không thấy đài này nói tàu bị “trục xuất” là loại tàu gì và của nước nào. Chỉ thấy nói rằng lực lượng đồn trú trên Đá Chữ Thập cho hai chiếc tàu cao tốc ra xua đuổi khi thấy “tàu lạ” tiến đến gần. Trước đây, mỗi khi có chiến hạm Mỹ biểu diễn “tự do hải hành” gần các vị trí Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp, Bắc Kinh đều la lối ầm ĩ và nêu đích danh tàu Mỹ bị “xua đuổi.”

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử tiêu) là một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cướp năm 1988 cùng với đá Gạc Ma và một số bãi đá ngầm khác. Từ năm 2014, Bắc Kinh cho tàu hút cát, đá san hô từ lòng biển, bồi đắp đá Chữ Thập, đá Gạc Ma và năm bãi đá ngầm khác thành đảo nhân tạo. Hiện nay, các bãi đá này được biến thành những căn cứ quân sự khổng lồ với các doanh trại, vị trí phòng không, đài radar, cơ sở truyền tin, phi đạo, v.v… giúp Trung Quốc khống chế Biển Đông.

Cùng với tin “trục xuất” tàu nước ngoài của CCTV, báo mạng quân đội Trung Quốc khoe cuộc tập trận tại Biển Đông diễn ra nhằm giúp các thành phần này tập luyện nhiều bài học phối hợp tác chiến khác nhau. Cuộc tập trận diễn ra vào lúc báo chí quốc tế đưa tin Bắc Kinh cho tàu khảo sát biển với khoảng một chục tàu hộ tống, gồm cả tàu hải cảnh và tàu đánh cá “dân quân biển” hoạt động gần các dàn khai thác dầu khí của Việt Nam thuộc bãi Tư Chính và phía Bắc bồn trũng Nam Côn Sơn.

Hà Nội cho hai chiếc tàu kiểm ngư bám theo nhóm tàu Trung Quốc nhưng không thấy có tin tức gì xảy ra. Giữa tuần qua, người ta thấy Hà Nội cho phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao phát biểu bâng quơ rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” và “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình.”

Các vòm radar và các giàn hỏa tiễn phòng không và phòng vệ biển tại một góc đá Chữ Thập. (Hình: Ezra Acayan/Getty Images)

Báo SCMP dẫn một nhóm thông tin trên mạng nói rằng Trung Quốc cho nhóm tàu khảo sát tới các bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn vì nghi Việt Nam mở rộng các hoạt động khoan tìm thêm dầu khí trên vùng biển Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền dựa theo “đường lưỡi bò chín đoạn” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông.

Khi đang có những hành động căng thẳng trên biển, các nước ASEAN và Trung Quốc họp nhau ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Hãng tin Reuters cho biết bản đọc thứ nhì cho khung của Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC) hy vọng có thể đạt được trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ COC có thể đạt được vì nó có thể đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc. (TN) [đ.d.]

Share.

Leave a Reply