- Phil Mercer
- BBC News, Sydney
Trong một ca lần đầu tiên bắt gặp trên thế giới, các nhà khoa học cho biết một con giun dài 8cm đã được phát hiện trong não một phụ nữ người Úc.
“Vật nhìn như sợi dây” được lôi ra khỏi thùy trán bị tổn thương của bà trong một ca mổ tại thủ đô Canberra năm ngoái.
“Chắc chắn đây không phải là điều chúng tôi trông đợi. Ai cũng sốc,” bác sỹ phẫu thuật Hari Priya Bandi cho biết.
Phụ nữ 64 tuổi này bị các triệu chứng như đau dạ dày, ho và ra mồ hôi đêm hàng tháng trời, và sau đó bà suy giảm trí nhớ và trầm cảm.
Sau đó bà được đưa vào viện cuối tháng 1/2021, và kết quả chiếu chụp cho thấy bà có “một cục bên trong thùy trán bên phải của não.”
Nhưng nguyên nhân gây ra các bệnh của bà chỉ được làm rõ khi TS Bandi dùng dao để làm sinh thiết tháng 6/2022.
Con giun có thể đã sống trong não của phụ nữ này tới hai tháng, các bác sỹ nói.
Người phụ nữ, sống gần khu vực hồ ở bang New South Wales đông bắc Úc, hiện đang hồi phục tốt.
Trường hợp của bà được cho là ca đầu tiên trứng giun thâm nhập và phát triển trong não người, các nhà nghiên cứu nói trong tạp chí Các bệnh lây Mới xuất hiện (Emerging Infectious Diseases journal).
‘Tôi lôi nó ra…và nó ngọ nguậy’
Bác sỹ phẫu thuật thần kinh người tìm thấy con giun nói bà mới bắt đầu động vào phần não bất thường trong hình ảnh chụp chiếu thì bà cảm thấy con giun.
“Tôi nghĩ, trời, cái gì mà thấy lạ thế này, không thể thấy cái gì lạ hơn thế,” TS Bandi nói.
“Và rồi tôi có thể cảm thấy cái gì đó, tôi lấy cái nhíp và tôi kéo nó ra và tôi nghĩ ‘Trời! Cái gì đây? Nó động đậy!”
“Tất cả mọi người đều sốc. Và con giun chúng tôi phát hiện ra ngọ nguậy mạnh ở bên ngoài não,” bà kể.
Sau đó bà hội ý với đồng nghiệp Sanjaya Senanayake, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, xem họ nên làm gì.
“Tất cả mọi người trong phòng mổ đều sốc nặng khi bác sỹ phẫu thuật lấy nhíp và gắp ra một vật bất thường và vật bất thường đó hóa ra là một con giun đỏ dài 8cm đang ngọ nguậy,” TS Senanayake kể.
“Ngay cả nếu bạn loại trừ yếu tố kinh tởm, đây là một dạng lây bệnh chưa bao giờ được ghi nhận ở người từ trước tới này”.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo trường hợp này nhấn mạnh nguy cơ bệnh tật lây lan từ động vật sang người.
Loài giun thân tròn Ophidascaris robertsi là rất phổ biến ở loài trăn thảm – loại trăn không có nọc độc có ở khắp nước Úc.
Các nhà khoa học nói người phụ nữ này nhiều khả năng bị nhiễm giun sau khi đi hái một loại rau rừng, có tên Warrigal greens, ven hồ gần nơi bà sống. Khu vực này cũng là nơi loài trăn thảm sinh sống.
Viết trong tạp chí Các bệnh lây Mới xuất hiện, chuyên gia ký sinh trùng học người Úc Mehrab Hossain nói bà nghi ngờ người phụ nữ này trở thành một “vật chủ tình cờ” sau khi nấu và ăn rau rừng bị nhiễm phân trăn và trứng ký sinh trùng.
“Việc trứng giun Ophidascaris nhiễm vào não chưa từng được ghi nhận trước đây,” TS Hosain viết.
“Việc phát triển trứng giun qua trung gian lần ba trong vật chủ người là đáng quan tâm, trong bối cảnh các nghiên cứu thử nghiệm trước đây chưa cho thấy trứng giun phát triển trong các loài vật nuôi như cừu, chó và mèo.”
TS Senanayake – người cũng là giáo sư thỉnh giảng khoa y tại Đại học Quốc gia ANU – nói với BBC ca này là một lời cảnh báo.
Nhóm nghiên cứu ở ANU ghi nhận 30 loại bênh lây nhiễm mới đã xuất hiện trong 30 năm qua. Ba phần tư chúng là bệnh lây chuyển từ động vật sang người.
“Điều này cho thấy khi dân số người tăng lên, chúng ta sống gần nhau hơn và xâm phạm vào môi trường sống của động vật. Đây là một vấn đề chúng ta gặp đi gặp lại, cho dù đó là virus Nipah đã chuyển từ dơi sang heo nuôi rồi sang người, hay là virus corona như Sars hay Mers đã chuyển từ dơi sang một động vật trung gian rồi sang người.”
“Cho dù Covid đang dần yếu đi, điều rất quan trọng cho các nhà nghiên cứu dịch bệnh và các chính phủ là phải đảm bảo chúng ta có cách theo dõi bệnh lây nhiễm hiệu quả“.(BBC)
Leave a Reply