Friday, January 10 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

RFA

2023.09.22
sharethis sharing button

Phái đoàn Liên minh Châu Âu kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình Lê Văn MạnhBà Nguyễn Thị Việt (ngoài cùng bên trái) cùng ông Nguyễn Trường Chinh- bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, kêu oan cho con

 Fb Nguyễn Trường Chinh

Tuyên bố được đưa ra trong ngày 21/9, là thời hạn chót Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá yêu cầu gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đăng ký nhận xác người thân cho dù cơ quan này không ấn định thời điểm thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Trong Tuyên bố chung đăng tải trên trang Facebook của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện ngoại giao của khối 27 quốc gia và ba quốc gia khác viết:

Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.”

Tuyên bố cũng nói hiện nay án tử hình được bãi bỏ trong luật pháp hoặc trên thực tiễn của hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới và ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình là xu hướng toàn cầu.

Theo đó, không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù.

Tuyên bố chung cho rằng khi áp dụng án tử hình thì bất kỳ sai sót nào- điều có thể xảy ra với mọi hệ thống luật pháp, đều không thể đảo ngược.

Các phái đoàn ngoại giao cũng cho biết, “sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ này.”

Đây là tuyên bố chung thứ hai của EU và Anh quốc, Na Uy và Canada về án tử hình ở Việt Nam trong hai tháng gần đây. Cuối tháng trước, các quốc gia trên đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Việt Nam dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, người cũng bị kết tội giết người trong một vụ án hình sự ở Hải Phòng năm 2007.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Tuyên bố chung nói trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Như tin đã đưa, ngày 18/9, gia đình nhận được thông báo của toà án về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.

Kể từ hôm đó tới nay, mẹ của ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt, cùng những người thân trong gia đình ra Hà Nội kêu oan cho người tử tù sinh năm 1982.

Bà Việt cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bà đã đưa đơn đề nghị xem xét lại bản án tới Văn phòng Quốc hội và nhiều cơ quan trung ương khác.

Trong ngày 22/9, bà cùng ba con gái đến Ban tiếp dân của Chủ tịch nước. Bà nói qua điện thoại:

Gia đình có nguyện vọng gặp Ban tiếp dân của Chủ tịch nước để đề nghị xem xét lại bản án, xem xét lại hồ sơ vụ án của Lê Văn Mạnh, xét xử cho nó một cách minh bạch đúng người đúng tội.

Qua bảy phiên toà, vừa sơ thẩm vừa phúc thẩm và giám đốc thẩm vẫn chưa đưa ra được cái bằng chứng thuyết phục (nào) để gia đình tôi cảm thấy vụ án đó xử nghiêm minh. Bảy phiên toà đó đang còn nhiều uẩn khúc.”

Thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch nước

Cũng trong ngày 21/9, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội gửi Thỉnh nguyện thư tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với đề nghị người đứng đầu nhà nước ra quyết định tạm dừng/tạm đình chỉ việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.

Trong bức thư, trưởng văn phòng luật sư cho rằng trong vụ án của Lê Văn Mạnh có những sai sót và vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng hình sự, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.

Việc kết tội tại các bản án vốn còn chưa bảo đảm sự chắc chắn sẽ cần phải được xem xét li; và do đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Ngài ra quyết định tạm dừng/tạm đình chỉ việc thi hành án tử hình đối với bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh trong thời hạn rất ngắn ngủi còn lại, bởi đó là một điều cấp thiết đầu tiên và hiển nhiên cũng thuộc thẩm quyền ngay lập tức của Ngài.

Luật sư Nguyễn Hà Luân, người đứng đầu Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long, cũng là người đã đề nghị Chủ tịch nước hoãn thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh trong năm 2015 sau khi Toà án Thanh Hoá gửi thông báo cho gia đình với yêu cầu đăng ký nhận thi hài.

Việc tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan với những sai sót trong tố tụng nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bên cạnh hai trường hợp của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.

Năm 2015, Ân xá Quốc tế gửi thư ngỏ kêu gọi Chủ tịch nước khi đó Trương Tấn Sang dừng thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh và ra lệnh điều tra cáo buộc tra tấn đối đối với ông này.

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sau đó đã dừng quyết định thi hành án để rà soát lại vụ án.(RFA)

Share.

Leave a Reply