Với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, năm nay sầu riêng chính thức trở thành “trái cây tỷ USD” của Việt Nam và được người Trung Quốc đặc biệt săn lùng.
Lần đầu sầu riêng lập kỷ lục, trở thành ‘vua trái cây’
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD).
Với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, năm nay sầu riêng chính thức trở thành “trái cây tỷ USD” của Việt Nam.
Theo dự báo thì từ nay đến cuối năm, sầu riêng tiếp tục có lợi thế lớn về xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm ở Trung Quốc, thị trường nhập trên 90% sầu riêng Việt Nam, tăng cao.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả tăng mạnh do sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc. Với sầu riêng, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu ở mức không đáng kể nhưng chỉ sau một năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch đã trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian tới khi đa số nguồn cung ở các nước Đông Nam Á không còn, xuất khẩu mặt hàng này có thể cán mốc 1,5 tỷ USD trong năm nay.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước khi vùng sầu riêng tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt 1,8 – 2 tỷ USD.
Sầu riêng “làm mưa làm gió” tại Trung Quốc
Được biết, giá sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên đã tăng cao kỷ lục. Cụ thể, đầu tháng 8 vừa qua, sầu riêng được thu mua tại vườn với giá 70.000-80.000 đồng/kg. Nay sầu Thái có nơi vọt lên mức 110.000 đồng/kg.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ trên VTV, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Không chỉ cuồng ăn sầu riêng tươi, người Trung Quốc còn chế biến rất nhiều món ăn khác nhau và trở thành “hot trend”.
Thậm chí, họ còn ví sầu riêng là loại quả sang trọng như cherry. Bởi vậy, tại một số địa phương ở Trung Quốc, loại quả này được nhiều người chọn để tặng quà cưới, quà đính hôn.
Sầu riêng đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Trung Quốc. Song hiện tại, duy nhất nước ta còn sầu để thu hoạch, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia đã hết mùa. Đây cũng là lý do giá loại trái cây này ở Tây Nguyên tăng mạnh.
Người dân vội vàng bán cho thương lái
Do giá sầu riêng liên tục tăng cao, các thương lái tranh mua khiến nhiều người dân bùng kèo hợp đồng với doanh nghiệp thu mua mà bán cho ai trả giá cao hơn
Lý giải về vấn đề này, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Đắk Lắk chia sẻ, thương lái thường đến tận vườn trước thời điểm thu hoạch 2 – 3 tháng và chốt giá sớm.
Trong khi đó những doanh nghiệp có sự liên kết ngay từ đầu với nông dân, hợp tác xã lại đến rất muộn, trước thời điểm thu hoạch nửa tháng mới thẩm định chất lượng quả và chốt giá. Do vậy nông dân cảm thấy không yên tâm và thường đổ xô đi bán cho thương lái.
Tuy nhiên, ông Nguyễn An Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vạn Xuân, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk cho biết bà con có tâm lý lợi nhuận, nên khi xúc tiến thu mua, bà con muốn bán sớm cho an toàn. Việc bà con bán cho các thương lái dễ dẫn đến rủi ro là khó tránh khỏi, bởi những biến động thị trường, nông dân không thể lường hết được.
Leave a Reply