- Tác giả,Thương Lê
- BBC News Tiếng Việt
Cứ mỗi cuối tuần, bạn trai của Jessica Jones đều nhất quyết yêu cầu cô đi kèm ra công viên trước nhà thờ Đức Bà ở TP HCM để hóng gió. Không phải vì anh muốn dành thêm thời gian với cô sau một tuần bận rộn, mà cần một người giải vây trước những bạn trẻ Việt đi “săn Tây”.
“Họ thường vây quanh hoặc thậm chí là đuổi theo chúng tôi theo đúng nghĩa đen. Và nếu tôi đồng ý nói chuyện với một người, tiếp theo sẽ có 20 người đến bắt chuyện”, cô gái người Mỹ kể lại.
“Săn Tây” là việc những người học tiếng Anh tới các địa điểm đông khách du lịch như Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội hay Quận 1 ở TP HCM để bắt chuyện với những người nước ngoài nhằm cải thiện khả năng nói tiếng Anh.
Phương pháp học này trở nên phổ biến từ cách đây hơn 10 năm, và vẫn được nhiều người áp dụng cho đến hiện tại, một phần vì khá dễ gặp được du khách nước ngoài và hầu như là miễn phí. Nhưng có những ý kiến cho rằng ngày nay khi công nghệ đã rất phát triển, việc “săn Tây” không còn phù hợp, và có thể khiến người nước ngoài cảm thấy khó chịu.
Mới đây, mạng xã hội Việt Nam xôn xao vì bài đăng trên Facebook hướng dẫn “Cách ‘săn’ Tây cho người mới bắt đầu” nhằm chia sẻ một phương pháp cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh.
Một bài viết phản biện sau đó đã thu hút được hàng chục ngàn tương tác, trong đó nhiều bình luận cho rằng từ “săn” (hunting) nghe thiếu tôn trọng, cũng như những câu hỏi riêng tư dễ khiến người nước ngoài phản cảm.
Phần lớn người nước ngoài mà BBC phỏng vấn cho rằng “săn” là một từ rất tệ và nên tránh được sử dụng.
Lydia Lane, người Mỹ, làm trong ngành sản xuất cho biết cô thường sẵn lòng giúp những người muốn thực hành giao tiếp tiếng Anh vì cô đánh giá cao một người không nói tiếng bản xứ muốn luyện tập ngôn ngữ đó, nhưng không phải trường hợp nào cô cũng gật đầu đồng ý.
Theo cô, “săn lùng” không phải là một từ hay để sử dụng vì đó là hành vi tìm kiếm, truy đuổi, bắt hoặc giết động vật hoang dã, và “rõ ràng là không ai muốn bị tiếp cận với cảm giác đó”.
Jessica Jones, hiện đã chuyển tới TPHCM sau một thời gian sống ở Hà Nội nói rằng “bị săn lùng” ở cả hai thành phố là một trải nghiệm không mấy dễ chịu,
“Các em học sinh nói rằng được giao bài tập về nhà là phải “săn” một khách du lịch nước ngoài trong công viên. Thật tội cho các em nhưng cũng thật đáng sợ đối với tôi”, cô nói với BBC.
Cô gái người Mỹ kể rằng vì muốn giúp các em học sinh nên cô cũng đồng ý giao tiếp, “thế là họ sẽ chìa ra những tờ giấy ghi chú rồi đọc theo những mẫu câu tiếng Anh tương tự nhau được viết sẵn”.
Ngược lại, một số ít người cho rằng từ “săn” không quá quan trọng, vì đây chỉ là một cách diễn đạt nhanh chóng và dễ hiểu, nếu bạn không muốn giúp thì đơn giản là nói “không” rồi “cảm ơn” là được.
“Việc được những người lạ (hầu hết là) tốt bụng hỏi thực hành tiếng Anh chắc chắn không phải là điều khó khăn nhất khi sống ở Việt Nam”, Nicole Bianco, người Mỹ cho biết.
Thói quen của phụ huynh Việt
Có vẻ như phương pháp “săn Tây” rất được các phụ huynh tin tưởng và thường khuyến khích con em mình tới bắt chuyện mỗi lần gặp người nước ngoài.
Connor Kenney, giáo viên người Anh đang sinh sống tại Hà Nội nói với BBC nói rằng đã bốn năm nay anh sợ đi chơi ở hồ Hoàn Kiếm vì thường gặp những gia đình từ quê lên Hà Nội và muốn con họ thực hành tiếng Anh.
“Chẳng hạn một lần tôi gặp một gia đình ở Ninh Bình lên Hà Nội chơi, người mẹ khoát tay rồi bảo con mình, ‘con ơi đi đi, đi nói chuyện với Tây đi’, lúc đó em nhỏ sẽ chạy lên và nói xin chào bằng tiếng Anh. Tôi thấy rất đáng yêu nhưng cũng có lúc cảm thấy không thoải mái, vì tôi đang nghỉ ngơi chứ không phải đang giảng dạy”, anh cho biết.
Trong khi đó, nhiều người ngoại quốc chọn cách từ chối ngay từ đầu, và cố gắng để cho các vị phụ huynh hiểu đó không phải là nghĩa vụ của họ.
“Tôi gặp hai mẹ con người Việt trong thang máy của tòa nhà chung cư và xin học tiếng Anh. Tôi đã cố gắng giải thích với họ rằng tôi không phải là giáo viên và tôi ở đây để thư giãn”, bà Bernadette Marcum, người Mỹ kể lại.
Tuy nhiên, việc khiến nhiều người nước ngoài khó chịu nhất là những câu hỏi cá nhân vốn được cho là bình thường ở Việt Nam nhưng lại gây phản cảm trong văn hóa Phương Tây.
Những câu hỏi “kém duyên”
Bên cạnh những câu hỏi cơ bản như “bạn đến từ đâu”, “sang Việt Nam lâu chưa”, hầu hết người nước ngoài đều phàn nàn với BBC rằng thường bị hỏi những vấn đề tế nhị.
“Những câu hỏi như ‘Bạn đã lấy vợ chưa’ hay ‘Lương tháng bao nhiêu’ thật sự khiến tôi cảm thấy không thoải mái”, Connor nói. “Đây là một chủ đề quá quen thuộc với cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam nhưng họ thường ít nói đến trên mạng vì sợ bị đánh giá là thô lỗ.”
Có những người phản ứng rất mạnh khi bị hỏi những câu về cá nhân, bao gồm Leigh Olson, đến từ Úc, người cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến tình trạng hôn nhân, nỗ lực sinh con hoặc thu nhập của cô đều có thể dẫn đến một bài học từ vựng tiếng Anh để chửi thề.
Tương tự, dù rất thích sự nhiệt tình tập luyện tiếng Anh của người Việt Nam, nhưng Simone Elliot nói rằng các chủ đề về ‘cân nặng’, hay việc bạn nên ‘xinh đẹp’ hay ‘trang điểm’ như thế nào đối với một người phụ nữ bị coi là cực kỳ bất lịch sự trong văn hóa phương Tây.
“Tôi phát điên khi nghe những câu hỏi này”, cô nói.
“Nếu muốn nói chuyện với chúng tôi, hãy nói như một người bạn chứ không phải một người mẹ, người bà hay la mắng. Trong sách giáo khoa có đủ các từ vựng và nếu không biết thì bạn có thể mô tả từ đó và học được từ mới”, Lydia Lane đồng tình.
Làm thế nào để không gây phản cảm?
Nhiều người nước ngoài cho biết họ sẵn lòng giúp người Việt thực hành giao tiếp khi được tiếp cận bằng những cách thú vị.
“Câu hỏi ‘Tôi có thể luyện tập tiếng Anh với bạn không?’ sẽ đảm bảo nhận được một từ ‘không’ từ tôi. Nhưng có một lần tôi gặp một cô gái rất sáng tạo khi đang xếp hàng tính tiền trong siêu thị, cô ấy huých nhẹ vào xe đẩy của tôi rồi khơi dậy một cuộc nói chuyện thú vị mà không có bất kỳ câu hỏi cá nhân nào, khiến việc chờ đợi xếp hàng trở nên thú vị hơn cho cả hai chúng tôi”, Moray Heather, người Mỹ kể lại.
Việc đọc ngôn ngữ cơ thể của người khác, xác định họ có sẵn sàng hay không cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tự nhận là một người hướng nội, Lisa-Jade Collins nói cô muốn được ở một mình, mặc dù có thể sẽ bị đánh giá là cáu kỉnh.
“Tôi biết mọi người có ý tốt và tò mò nhưng không phải ai cũng hướng ngoại hoặc có năng lượng khi nói chuyện với người lạ”, cô giải thích.
Với thói quen đến công viên lớn trên đường Hai Bà Trưng ở TPHCM vào buổi tối và đeo tai nghe để thư giãn, ngắm nhìn dòng đời trôi qua, cô gái người Anh cho biết hầu như tối nào cũng được yêu cầu tập luyện tiếng Anh.
“Tôi luôn cảm thấy hơi tội lỗi khi từ chối và nói lời xin lỗi nhưng tôi mệt mỏi và chỉ cố gắng thư giãn khi nhìn thấy vẻ mặt bối rối của họ vì tôi biết phải mất rất nhiều can đảm để tiếp cận ai đó và yêu cầu nói chuyện bằng thứ tiếng không phải mẹ đẻ, nhưng tôi khá hướng nội và không có năng lượng để giao tiếp với họ”, Lisa-Jade giải thích.
“Tôi nghĩ đơn giản là họ không đọc được ngôn ngữ cơ thể của người khác”, cô nói thêm.
“Không có phương pháp nào là hoàn hảo”
Không thể phủ nhận rằng ngày nay, việc học tiếng Anh được nhiều người trẻ coi trọng bởi ngoại ngữ tốt mang lại nhiều cơ hội hơn cho mọi người trong cả học tập lẫn công việc.
Nguyễn Đặng Anh Huy, một giáo viên dạy Tiếng Anh tại TPHCM cho rằng việc học tiếng Anh tại Việt Nam Nam về bản chất vẫn là cố gắng xây dựng môi trường tiếng Anh giả lập, bao gồm xem phim, nghe nhạc nước ngoài, xem diễn thuyết, hỏi và đáp với giáo viên, shadowing (bắt chước ngữ điệu của người nói), học qua hình ảnh, hay phỏng vấn người bản xứ, tham gia các câu lạc bộ…
“Không có một phương pháp nào hoàn hảo, bạn không thể trông cậy vào một phương pháp mà cần thử nhiều cách khác nhau để không cảm thấy nhàm chán”, anh Huy cho biết.
Anh tiết lộ rằng tệp học viên năm 2023 của mình là những người đi làm vì vậy anh ưu tiên các phương pháp khác hơn là hoạt động “săn Tây”.
Còn theo Lydia Ditzenberger, có rất nhiều cách khác ngoài việc “săn” một người nước ngoài chỉ để luyện tập tiếng Anh như đăng bài trên một nhóm facebook, hỏi bạn bè của bạn xem họ có bạn bè người nước ngoài nào có thể luyện tập cùng không, đến các sự kiện trao đổi ngôn ngữ…
“Ngày ngay tất cả chúng ta đều có Internet, không có lý do gì để ‘săn’ một con người để luyện tập cả”, Lydia nói.
Leave a Reply