Diễm Thi, RFA
Ngoài cáo buộc Trần Thị Ngọc Trinh (tên đầy đủ của nữ người mẫu Ngọc Trinh) gây rối trật tự công cộng vì điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm… Công an còn cho rằng cô này đã tổ chức quay phim biên tập và đăng lại các clip biểu diễn xe phân khối lớn lên các tài khoản mạng xã hội, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Ngọc Trinh trở thành tâm điểm hay thí điểm?
Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, việc đăng tải video lên mạng xã hội của cô Ngọc Trinh lại bị quy vào tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ là điều hết sức vô lý. Và chính việc này mới gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và an toàn xã hội.
Luật sư Đặng Đình Mạnh phân tích với RFA sáng 20 tháng 10 năm 2023:
“Thông tin chính thức cho rằng cô Ngọc Trinh bị cáo buộc vì hành vi đăng video biểu diễn xe phân khối lớn lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người theo dõi, “gây ảnh hưởng xấu” đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như thế thì hiện trường vụ án, địa điểm được xem là nơi cô Ngọc Trinh phạm tội không phải là trên đường phố, nơi cô ấy điều khiển xe mô tô phân khối lớn, thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, mà là trên không gian mạng xã hội. Điều này chắc chắn gây bất ngờ cho tất cả những ai từng am hiểu pháp luật.
Từ điều luật 318 Bộ luật Hình sự quy định tội danh “Gây rối trật tự công cộng” cho thấy hiện trường vụ án bắt buộc phải là nơi công cộng.
Với từ ngữ “Địa điểm” được sử dụng trong nhiều văn bản luật pháp có liên quan, cho thấy “Nơi công cộng” được xác định bằng một nơi chốn cụ thể trên mặt đất chứ không phải trên không gian mạng xã hội như cách hiểu của các cơ quan tư pháp TP.HCM hiện nay trong trường hợp khởi tố Ngọc Trinh.”
Luật sư Mạnh phân tích thêm rằng, với sự bùng nổ truyền thông hiện nay, cùng với chiếc điện thoại di động có nối mạng trong tay, mỗi cá nhân đều có thể là một nhà truyền thông độc lập, thì rõ ràng, việc nới rộng, bành trướng khái niệm “Nơi công cộng” bao gồm cả không gian mạng đã thể hiện tham vọng lẫn ý đồ không hề đơn giản của cơ quan an ninh. Ông nói tiếp:
“Họ sẽ vươn đôi tay trừng phạt dài hơn, sâu rộng hơn để trấn áp mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói đang thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, Ngọc Trinh rõ ràng là nhân vật lý tưởng cho vai trò nạn nhân đầu tiên để mở màn cho sự bành trướng của cơ quan an ninh mà thôi.”
Qua vụ Ngọc Trinh, dư luận cho rằng, cách hành xử của công an, chính quyền – đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 – mới là hành vi gây rối trật tự công cộng, khi ngang nhiên vào nhà dân lôi dân ra ngoài xét nghiệm. Khi người dân phản ứng thì lập tức bị quy vào tội ‘chống người thi hành công vụ’ hoặc ‘gây rối trật tự công cộng’. Hoặc những trường hợp người dân biểu tình phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất, phản đối Luật an ninh mạng… thì bị bắt, bị kết án tù với tội ‘gây rối trật tự công cộng’ mặc dù những cáo buộc như thế từng bị quốc tế lên án.
Họ sẽ vươn đôi tay trừng phạt dài hơn, sâu rộng hơn để trấn áp mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói đang thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, Ngọc Trinh rõ ràng là nhân vật lý tưởng cho vai trò nạn nhân đầu tiên để mở màn cho sự bành trướng của cơ quan an ninh mà thôi. – Luật sư Đặng Đình Mạnh
Truyền thông Nhà nước trong ngày 20 tháng 10 có nhiều bài viết xung quanh việc khởi tố bắt tạm giam Ngọc Trinh ngay sau khi Công an TP. HCM đọc lệnh bắt giữ. Tờ Thanh Niên cho rằng việc khởi tố, bắt tạm giam Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông (người dạy Ngọc Trinh lái xe mô tô) được cho là động thái mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng tại TP.HCM. Tờ này cũng dẫn ý kiến của cư dân mạng phản ứng việc bắt nữ người mẫu, khi cho rằng có nhiều vụ việc đua xe, lạng lách, đánh võng cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Vì vậy, trong trường hợp của Ngọc Trinh có thể chỉ cần xử phạt hành chính.
Biến tướng của Điều 331?
Liên quan việc bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh của Công an TP. HCM với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”, Luật sư Nguyễn Văn Miếng hôm 20 tháng 10 cũng cho rằng, đây là điều hết sức vô lý. Ông nói với RFA:
“Đối với một người của quần chúng như cô Ngọc Trinh thì có rất nhiều người quan tâm. Và hành vi của cô Trinh dẫn đến bị khởi tố lại xảy ra trên không gian mạng. Trong khi đó, tiêu chí cụ thể của tội ‘gây rối trật tự công cộng’ là phải ở địa điểm có đông người. Nó gây ảnh hưởng đến người khác như gây kẹt xe hoặc ảnh hưởng đến hoạt đông của các cơ quan, của nhà nước. Nó phải gây tác hại với cơ quan cụ thể nào đó.
Trước đây nhà nước hay áp tội ‘gây rối trật tự công cộng’ cho những người biểu tình. Nhưng bản thân những người biểu tình họ hành động có mục đích và ý nghĩa khác, chứ không phải mục đích của họ là làm ảnh hưởng đến giao thông hay trật tự xã hội.
Với trường hợp cô Ngọc Trinh, chỉ đăng video trên mạng mà bị kết tội ‘gây rối trật tự công cộng’ thì đây là một việc làm hàm hồ và không thể hình dung được của nhà nước Việt Nam. Về mặt luật pháp, nó mâu thuẫn ngay tại nội hàm của chính điều luật này chứ chưa nói đến chi tiết.
Theo tôi, cách làm này của Nhà nước chỉ nhằm mục đích bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, một biến tấu của Điều 331 (Bộ luật Hình sự về Lợi dụng các quyền tự do dân chủ). Trước đây, bất cứ ai viết gì đụng chạm đến nhà nước thì bị quy vi phạm Điều 117 (Bộ luật Hình sự về tuyên truyền chống Chính phủ). Khi quốc tế lên án quá thì họ chuyển qua Điều 331. Bây giờ, họ bắt đầu chuyển hướng qua tội ‘gây rối trật tự công cộng’ trên không gian mạng. Vụ cô Ngọc Trinh là vụ đầu tiên.
Nếu vụ này truy tố thành công và đưa ra xét xử nó sẽ dẫn đến hệ lụy là bất cứ ai đưa một clip nào đó lên mạng chẳng nhắm đến ai, cũng chẳng đụng chạm đến ai vẫn có thể bị chụp cái mũ “gây rối trật tự công cộng’. Nó cho thấy sự chuyển hướng của công an với mục đích bóp nghẹt tiếng nói người dân trên các trang mạng xã hội.”
Luật sư Nguyễn Văn Miếng lo ngại sẽ có thêm điều luật nhằm hạn chế tối đa quyền biểu đạt của người dân trên không gian mạng bên cạnh Điều 117 và Điều 331.
Nếu vụ này truy tố thành công và đưa ra xét xử nó sẽ dẫn đến hệ lụy là bất cứ ai đưa một clip nào đó lên mạng chẳng nhắm đến ai, cũng chẳng đụng chạm đến ai vẫn có thể bị chụp cái mũ “gây rối trật tự công cộng’. Nó cho thấy sự chuyển hướng của công an với mục đích bóp nghẹt tiếng nói người dân trên các trang mạng xã hội. – Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Điều này được sửa đổi, bổ sung từ Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bộ luật hình sự 2015 bổ sung thêm một tội mới là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Quy định về tội này được tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Điều 331. Trong thư chung đề ngày 21 tháng 11 năm 2021, các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc nêu quan ngại của họ về “những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự” và cho rằng điều này dường như “không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế.” Họ nhắc đến các điều “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” (Điều 117) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331) được dùng để chống lại những cá nhân “chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin.”
Các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hai điều này vì chúng đi ngược với quyền tự do ngôn luận và lập hội được quy định theo Điều 9 và 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Trong thư phản hồi, Việt Nam khẳng định những việc các cơ quan chức năng làm đều tuân thủ luật pháp Việt Nam và tuân thủ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo Bộ công an, việc kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Điều 331 là đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội.
Leave a Reply