Một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất nước Nga từ thời Liên Xô, bà Alla Pugacheva vừa về nước sau một thời gian dài sống ở nước ngoài.
Theo các báo Nga hôm 03/11/2023, đây là lần thứ hai bà Pugacheva, 74 tuổi, về thăm quê hương sau khi sang Israel sống cùng chồng, một nghệ sĩ Nga gốc Do Thái, kể từ khi Kremlin xâm lăng Ukraine.
Bà Pugacheva được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc pop thời Liên Xô” và nổi tiếng ở cả các nước XHCN cũ- trên mạng xã hội VN hiện vẫn còn nhiều video bà hát bài Triệu Đóa Hoa Hồng.
Hồi tháng 9/2022, nửa năm sau khi Nga đánh Ukraine, bà công khai lên tiếng phê phán cuộc chiến của ông Vladimir Putin.
Khi đó, chồng bà, ông Maxim Galkin bị chính quyền Nga cho vào danh sách “đặc vụ nước ngoài” (foreign agent) vì quan điểm phản chiến của ông.
Là ngôi sao trong ngành giải trí ở Nga, ông Galkin nói ông muốn “tổ quốc của tôi được thịnh vượng, hòa bình và có tự do ngôn luận”.
Lên tiếng ủng hộ chồng, bà Alla Pugacheva yêu cầu chính quyền cũng coi bà là “đặc vụ nước ngoài”.
Bà phát biểu trên mạng xã hội tiếng Nga năm ngoái rằng chồng bà là “người ái quốc Nga thực thụ, người không hề tham nhũng và chỉ không muốn các nam thanh niên của chúng ta phải chết vì lý do ảo”, – hàm ý cuộc động viên trai tráng Nga sang chết ở chiến trường Ukraine mà chính quyền thực hiện.
Bà cũng coi cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine “chỉ khiến đất nước của chúng ta thành kẻ ăn mày bị khinh rẻ trên thế giới, khiến cuộc sống người dân khốn khó hơn”.
Ông Galkin và bà Pugacheva tuy thế đã bỏ ra nước ngoài sống, điều khiến Giáo hội Chính thống Nga khó chịu.
Giáo hội ủng hộ chiến tranh
Nay, khi nghe tin bà quay lại Nga, người phát ngôn của Giáo hội Chính thống Nga, Vakhtang Kipshidze, yêu cầu “những kẻ bỏ nước ra đi, lại còn phỉ báng nhân dân, cần phải ngay lập tức xin lỗi”, hãng RIA-Novosti đưa tin.
Ông Kipshidze còn nói rõ, yêu cầu xin lỗi đó “áp dụng với cả Alla Borisovna”, theo cách gọi tên thứ nhì của bà theo tên cha.
Thế nhưng hiện chưa thấy bà Alla Pugacheva phản ứng gì.
Các báo châu Âu nói uy tín lớn của bà ở Nga khiến chính quyền khó dám làm gì bà.
Một số chính trị gia có quyền lực còn tỏ ra thần tượng bà. Tháng 5 năm nay, bà trở về Nga dự đám tang một nghệ sĩ. Tại buổi lễ, người ta thấy Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin tới chào và hôn tay bà Pugacheva, theo Euronews.
Giáo hội Chính thống Nga bị cho là thần phục Điện Kremlin quá mức, và đóng vai trò hô hào cho cuộc xâm lăng Ukraine của ông Putin.
Năm ngoái, khi Tổng thống Putin có sinh nhật 70 tuổi, Đại thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga tuyên bố sự lãnh đạo của Tổng thống “có tính thần thánh, được Chúa Trời giao phó” để dẫn dắt Nga.
Giáo hội cũng hay tổ chức các buổi ban phước cho binh lính sang đánh Ukraine và còn đề xuất hai ngày cầu nguyện trên cả nước Nga “vì sức khoẻ của tổng thống Putin”.
Trong thế giới Chính thống giáo, quan điểm của Giáo hội Nga bị phê phán nhiều.
Giáo hội Chính thống Ukraine đã tách khỏi quyền tối thượng của Moscow từ 2018, lên án Đại thượng phụ Kirill, coi ông “là quan chức chính quyền Nga”.
Đại giáo chủ Bartholomew I của Constantinople thì nhắc rằng về nguyên tắc, không một giáo hội Chính thống nào ủng hộ chiến tranh và bạo lực, theo trang Foreign Policy.(BBC)
Leave a Reply