Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Trái Đất nóng lên và việc xây dựng các đập thủy điện đang phá hủy một trong những hệ sinh thái phong phú nhất thế giới, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người vốn sống nhờ vào sông.

Liệu có thể cứu được dòng sông hùng vĩ một thời?

16/11/2023 | Laura Bicker

Mai hít một hơi thật sâu trước khi biến mất dưới làn nước đục ngầu của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Mặt nước nổi lên vài chiếc bong bóng – dấu hiệu duy nhất cho thấy anh đang ở dưới nước, gỡ chiếc lưới đánh cá mà anh đã đặt giữa những lùm cây trong khu rừng ngập nước.

Tonle Sap – hay còn gọi là Biển Hồ, được đặt theo tên của sông nhánh nối hồ với sông Mekong – là môi trường đánh bắt thủy sản lớn nhất trong đất liền lớn nhất thế giới. Lượng thủy sản đánh bắt được ở đây thường cao hơn bất kỳ hồ nào khác trên Trái Đất.

Nhưng khi ngoi lên, dứt đi những con đỉa đang bám vào cổ và kéo lưới lên chiếc thuyền nhỏ sơn màu xanh dương, Mai biết rằng anh vẫn chưa kéo được mẻ cá mong muốn. Bình minh đã ló rạng. Không khí trở nên ngột ngạt và trên những tán cây bắt đầu râm ran tiếng ve kêu.

“Tôi rờ quanh lưới và thấy là không có cá mấy,” Mai ôm đầu nói.

Thật là quá thất vọng, giờ anh sẽ phải cố gắng đặt lưới tiếp. “Đặt tới bốn, năm hôm rồi mà chỉ thu được có bấy nhiêu. Tôi không có cá để bán,” Mai nói thêm vài lời.

“Mấy năm qua, càng ngày nước càng cạn, cá càng ít đi.”

Tonle Sap đã nuôi sống nhiều thế hệ ngư dân ở vùng này của Campuchia. Người dân địa phương, trong đó có Mai, nhớ lại cái thời mà cá đơn giản là cứ tự nhảy vào thuyền. Mai nhớ hồi xưa bố anh cứ rải mồi trên thuyền vào ban đêm là sáng ra sẽ có cá ăn.

Một nghiên cứu mới cho thấy có sự suy giảm đáng báo động số lượng cá ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm cả Tonle Sap. Các nhà khoa học trên khắp thế giới gần đây đã phân tích 110 loài cá trong suốt 17 năm và nhận thấy số lượng của chúng đã giảm hơn 87%. Cá da trơn khổng lồ, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và được một số người dân địa phương tôn sùng, được cho là đang trên bờ tuyệt chủng – trong khi cá da trơn sọc, từng là món ăn chủ yếu ở các nước dọc sông Mekong, hiện đang trong tình trạng khẩn nguy.

Một trong những lý do chính khiến làm thay đổi dòng chính và các nhánh phụ của sông Mekong là do tình trạng đánh bắt quá mức, và cạnh đó là tình trạng biến đổi khí hậu và xây đập chắn.

Tác động gây ra là rất rõ rệt đối với Tonle Sap, nơi được coi là trái tim đang đập của dòng sông Mekong.

Bây giờ là tháng 9, cao điểm của mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm – hay “mùa nước dâng” như Mai gọi. Đó là khi những cơn mưa gió mùa làm nước sông Mekong dâng cao, chảy xiết, mang theo cá đổ vào hồ này.

Nước sông chảy xiết khiến mực nước trong nhánh phụ, sông Tonle Sap, dâng cao, chảy ngược dòng đổ vào hồ. Đến mùa khô, điều ngược lại xảy ra – dòng nước từ hồ chảy ngược lại, xuôi về phía nam, đến Việt Nam.

Những thay đổi mang tính chu kỳ này đã mang lại cho sông Mekong mạch đập nuôi dưỡng. Đó là cách hệ thống sông vận chuyển đất, cá và phù sa qua sáu quốc gia, bồi đắp các vùng đồng bằng màu mỡ và hệ sinh thái mong manh.

Nhưng giờ đây, có những dấu hiệu cho thấy mạch đập này đang yếu đi – và khi sự sống cạn dần khỏi Mekong, Mai đã trở thành nạn nhân của cái chết từ từ của dòng sông.

Đối với người đàn ông 38 tuổi này, đánh bắt cá là kế sinh nhai. Anh cần lưới đầy cá để nuôi sống gia đình. Anh cần thêm tiền để có thể lo cho ba đứa con đi học.

“Mấy năm qua, càng ngày nước càng cạn, cá càng ít đi,” Mai nói trong khi vài con cá bạc nhỏ hơn bàn tay quẫy đuôi đập mạnh vào chiếc xô dưới chân anh.

Hầu hết là cá chép bùn địa phương hoặc cá linh gió (trey riel), được người Campuchia dẫm nát nhừ, phơi nắng và muốn cho lên men để tạo thành món mắm bò hốc (mắm Prahok). Loài cá này rất quan trọng trong văn hóa Campuchia, đến nỗi tiền tệ nước này được đặt theo tên của nó.

“Mỗi sáng tôi cần khoảng 20.000 riel (khoảng 5 USD) để có tiền cho con đi học. Nhưng những ngày này tôi không có thu nhập.”

Anh chèo thuyền về căn nhà nổi của mình. Mai không có đất. Giống như hàng trăm người khác ở ven sông Tonle Sap, anh dựng một ngôi nhà bằng gỗ, tre và những tấm nhôm. Ngôi nhà đặt nổi trên những thùng dầu và di chuyển theo mực nước mỗi khi khi nước hồ lên xuống, từ mùa mưa qua mùa khô.

Mai chèo thuyền ra Biển hồ Tonle Sap

Cuộc sống vốn luôn khó khăn nhưng hồi hai thập niên trước, Mai có thể chỉ cần đi đánh cá hai lần một tuần là kiếm đủ tiền sống thoải mái. Anh cũng cố gắng kiếm thêm bằng cách chở khách du lịch quanh hồ. Sau đó, đại dịch ập đến và trong ba năm không có khách du lịch.

Hiện tại, Mai nói rằng anh muốn chấm dứt lối sống này.

“Các con tôi, tôi muốn chúng học hành và tốt nghiệp. Tôi sẽ cho chúng đi học ngoại ngữ và tìm việc làm. Tôi không muốn chúng sống trên hồ này,” anh nói, cắn chặt răng để nước mắt không rơi thêm lần nữa.

“Dù kiếm tiền khó khăn đến đâu tôi cũng phải cố gắng để con tôi có thể học xong.”

Vợ của Mai ở nhà chuẩn bị nấu ăn

Mai trở về nhà đúng lúc phần còn lại của ngôi làng nổi đang dần trở nên sinh động. Trẻ em đu đưa trên võng đánh răng, tiếng cá kêu xèo xèo trên đống lửa và mọi người vẫy một chiếc thuyền rong ghé vào bán đồ như một cửa hàng tiện lợi.

Vợ Mai lục xô tìm cá cho bữa sáng, vứt đi những con ốc, cua không ăn được. Ai đó ở ngôi nhà kế bên bật đài phát thanh địa phương lên và tiếng trống mở đầu một bài hát của Taylor Swift cắt ngang cuộc trò chuyện. Đó là bài hát Cruel Summer.

Sông Mekong chảy qua gần 5.000km, từ băng sơn Himalaya ở Tây Tạng, qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Campuchia trước khi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Dòng chảy nhanh và mạnh mẽ của con sông đã mang lại cho nó danh hiệu “Mekong hùng vĩ”. Khi Trái Đất nóng lên, những đợt hạn hán liên tiếp đang làm giảm dòng chảy mạnh mẽ này.

Từ năm 2019 đến 2021, mực nước giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm. Nhưng lượng mưa giảm không phải là vấn đề duy nhất.

Sông Mekong chảy qua một số nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tất cả đều cần năng lượng để duy trì các ngành công nghiệp đang phát triển, đồng thời cung cấp điện cho một số ngôi nhà nghèo nhất thế giới. Nước tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc.

Trong nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào than đá, Bắc Kinh đã xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong mà họ gọi là Lan Thương, và hơn 95 đập trên các nhánh phụ của sông. Thủy điện hiện chiếm gần 80% lượng điện ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.

Lào có hai nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Mekong, một phần do các công ty Trung Quốc tài trợ. Cả hai nước đều có kế hoạch xây dựng thêm hàng chục nhà máy nữa.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á tăng trung bình 3% mỗi năm – xu hướng này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2030. Lào coi đây là một cách để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Nước này hy vọng sẽ trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, bán năng lượng tái tạo rất cần thiết cho các nước láng giềng.

Ủy ban Sông Mekong, một cơ quan liên chính phủ tư vấn cho cả sáu quốc gia nhưng không có quyền cưỡng chế thực thi, ước tính rằng các con đập có thể sản xuất và bán lượng điện trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Nhưng cái giá cho hệ sinh thái có thể sẽ là quá cao.

“Biến đổi khí hậu và các con đập đang cùng nhau gây ra hàng ngàn vết cắt trên hệ thống sông,” Brian Eyler, người điều hành Cơ quan Giám sát Đập Mekong tại viện nghiên cứu Stimson Center ở Washington DC, cho biết.

Mặc dù các con đập cuối cùng sẽ xả nước, nhưng các nhà phân tích tin rằng việc giữ nước lại trong các hồ chứa bê tông đang làm gián đoạn mạch đập của sông Mekong, bóp nghẹt một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới.

Nước cũng được xả từ các đập ở Trung Quốc và Lào vào những ngày và giờ khác nhau, thường gây khó khăn cho việc dự đoán mực nước ở hạ lưu, đặc biệt là ở miền bắc Thái Lan và Campuchia.

“Lượng mưa lẽ ra thường đổ xuống vào mùa mưa nay trở nên thấp hơn nhiều so với bình thường, nhưng đồng thời, các con đập ở thượng nguồn đang hạn chế nước trong mùa mưa đó. Do đó, nhịp chảy của sông bị giảm xuống và mực nước chảy xuống hạ lưu thấp hơn nhiều so với mức cần thiết,” ông Eyler nói.

“Tác động của khí hậu và các hạn chế về đập kết hợp với nhau, dẫn đến đang làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong – theo chiều hướng tồi tệ hơn nhiều.”

“Ngôi nhà này là linh hồn của tôi. Tôi vô cùng đau buồn về việc mất đi ngôi làng này.

Trong ngôi làng cũ Kbal Romeas ở phía đông bắc Campuchia, gần biên giới với Lào chỉ còn lại khung tre trơ ra của các ngôi nhà.

Nhưng Bopha, 18 tuổi, vẫn nhớ rõ từng chi tiết về ngôi làng của mình khi chiếc thuyền đi qua những vạt hoa súng đã bén rễ trong làn nước tĩnh lặng.

“Chỗ đó là chùa, chỗ kia là trường học, và kia là nhà tôi ở cạnh cái cây đó.”

Việc xây đập và hồ chứa đã làm ngập lụt nhiều khu vực rộng lớn vào năm 2017, bao gồm cả làng của Bopha cùng các cánh đồng và khu rừng xung quanh.

Cô và hàng ngàn người khác thuộc cộng đồng người Bunong bản địa bị buộc phải rời bỏ nhà cửa bên bờ sông Srepok, chảy vào sông Mekong.

Lối sống của người dân Bunong gắn bó mật thiết với vùng đất tổ tiên của họ, nhưng lũ lụt đã khiến phần lớn cộng đồng phải phân tán. Một số người chấp nhận bồi thường hoặc phí tái định cư và chuyển đến một ngôi làng tái định cư nằm cách xa dòng sông. Những người khác, như Bopha, đã bất chấp mà xây một cộng đồng nhỏ – nằm gần ngôi làng cũ của họ ở mức gần nhất có thể.

Để đến được đó bằng đường bộ, bạn phải trải qua một chuyến đi gập ghềnh trên một chiếc máy kéo tạm bợ qua lớp bùn sâu trong gần hai giờ tính từ con đường chính gần nhất. Bopha có một chiếc điện thoại di động, cô cẩn thận đặt gần nó cửa sau nhà mình – một trong số ít nơi ở khu dân cư xa xôi này mà cô có thể bắt được tín hiệu. Bopha có đứa con gái một tuổi rất thích đi theo mẹ – ngay cả khi cô đang đốn củi bằng một con dao lớn để nhóm lửa. Ngôi nhà mới của gia đình họ không được hưởng nguồn điện từ con đập.

Bopha và con gái của của cô

“Hồi đó, chúng tôi rất hạnh phúc,” Bopha nói. “Có đủ thức ăn để ăn. Giờ tìm đồ ăn khó quá.” Sống bên bờ sông màu mỡ, hai bên là nước và ruộng lúa, người dân tự cung tự cấp tự trồng trọt hoặc đánh bắt cá. Cả hai cộng đồng nay đều gặp khó khăn ở nơi ở mới, cách xa dòng sông.

Ngôi làng Kbal Romeas ngập trong nước

Nhà cũ của Bopha cách nhà mới một giờ đi thuyền. Chiếc thuyền di chuyển chậm rãi nhưng cô gái bám chặt vào mạn thuyền. Dù sống trên sông cả đời nhưng cô không biết bơi. Con thuyền đi qua một mê cung những thân cây đã bị nước lụt tước đi sự sống.

“Phải nhìn mọi thứ như thế này thật là đau lòng,” cô nói. “Tôi không thể giúp được tất cả những cái cây này, tôi chỉ có thể giúp chính mình.”

Cô chia sẻ rằng vẫn khó có thể rời bỏ nơi tổ tiên sinh sống: “Ngay cả linh hồn của họ cũng không muốn rời khỏi ngôi làng này.”

“Ngôi nhà này là linh hồn của tôi,” cô nói. “Tôi vô cùng đau buồn vì mất đi ngôi làng này.”

Bopha đi thăm mộ ông nội để tỏ lòng thành kính. Cô ngồi phía trước, cố gắng tìm kiếm những địa điểm quen thuộc. Mỗi năm nước lại dâng cao hơn so với trước.

“Thường thì ta có thể nhìn thấy những tấm bia mộ cũ,” cô nói khi động cơ của con thuyền chạy chậm hơn. “Nay biến mất cả rồi. Tất cả đều chìm dưới nước.”

Cô quyết định cúng bái trên một cây cột hàng rào – nơi gần khu mộ cũ nhất mà cô có thể nhớ được.

Bopha thắp những nén hương mang theo và khi làn khói thơm bay lên trời, giọng cô nhỏ xuống gần như thì thầm.

Cô chuyển từ tiếng Khmer sang tiếng mẹ đẻ của mình – Bunong – đọc tên các vị tổ tiên và cầu phước cho họ.

Chính phủ Campuchia cho biết đập Lower Sesan II, vốn đã khiến ngôi làng của Bopha phải di dời, đang phát huy hết tiềm năng. Con đập cung cấp 20% lượng điện của đất nước. Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ số liệu này và cho rằng sản lượng điện từ đập còn hạn chế, đặc biệt là vào mùa khô.

“Tôi đã trao đổi với các quan chức cấp cao ở Campuchia, những người đã bày tỏ rất tiếc nuối về con đập đó,” ông Eyler thuộc Cơ quan Giám sát Đập Mekong cho biết.

“Ở phần thượng nguồn của con đập nơi hồ chứa bị ngập, nghề cá đã bị xóa sổ hoàn toàn.”

Vào năm 2020, chính phủ Campuchia đã ban hành lệnh cấm xây dựng đập trên dòng sông Mekong chính trong 10 năm, mặc dù không loại trừ khả năng phát triển thêm thủy điện ở những nơi khác.

Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Campuchia công bố vào tháng trước rằng nước này hy vọng sẽ hướng tới năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Thủy điện đã tỏ ra không đáng tin cậy đối với Campuchia vì tình trạng thiếu nước và mực nước sông thấp gần đây. Ngay cả sau khi nhập khẩu điện từ các nước láng giềng Lào, Việt Nam và Thái Lan, tình trạng mất điện ở các khu đô thị vẫn thường xuyên xảy ra.

Trên khắp châu Á, sản lượng thủy điện vào năm 2023 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các cơ quan quản lý điện lực đang phải chống chọi với thời tiết thất thường phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.

Lý tưởng nhất là các con đập có thể đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, nhưng ông Eyler tin rằng khu vực cần phải suy nghĩ lại về chính sách năng lượng của mình.

“Công nghệ sản xuất điện đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Những con đập này không nên được coi là một giải pháp hiện đại cho các vấn đề hiện đại, đặc biệt là xét đến những tác động mà chúng mang lại tới các cộng đồng nghèo.”

Theo một số nghiên cứu, trong đó bao gồm của Ủy ban Sông Mekong, các con đập ở thượng nguồn không chỉ giữ nước mà còn tích trữ trầm tích, đang khiến cho sông Mekong thiếu đi nguồn dinh dưỡng thiết yếu.

Nước sông Mekong có màu nâu đục không phải vì bụi bẩn mà vì phù sa mà dòng sông lấy được trên hành trình về phía nam. Thuỷ sản và đất nông nghiệp ở Việt Nam cần phù sa đó không chỉ để tồn tại mà còn để phát triển.

Theo Ủy ban sông Mekong, nếu không hành động ngay bây giờ, lượng trầm tích chảy vào lưu vực sông có thể giảm hơn 90% vào năm 2040.

Đập thủy điện Lower Sesan II (Hạ Sesan 2)

Nếu điều đó xảy đến, nó có thể gây ra tác động tàn khốc đối với dòng sông – đối với Mai, người đang cố gắng nuôi sống gia đình mình, đối với Bopha, người đang cố gắng xây dựng một cuộc sống mới, và với hơn 60 triệu người khác đang phụ thuộc vào dòng chảy huyết mạch này.

Mối đe doạ hiện đang thúc đẩy quyết tâm của thế hệ trẻ Campuchia. Họ muốn cứu sông Mekong, hoặc ít nhất là bảo vệ dòng sông được mệnh danh là “mẹ nước” trong nhiều ngôn ngữ được sử dụng dọc hai bên bờ.

Họ không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như không thể ngăn cản việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn ở Lào hay Trung Quốc. Nhưng họ có thể cố gắng cứu các loài cá khỏi nạn đánh bắt bất hợp pháp, mất kiểm soát – đặc biệt là những loài cá đi theo dòng chảy về hạ lưu, đến môi trường sống là rừng ngập nước độc đáo ở miền bắc Campuchia.

Những khu rừng được bảo vệ này đã thích nghi qua hàng trăm năm với hai mùa – những tháng thời tiết khô hạn và những tháng mưa nhiệt đới gió mùa. Tuy nhiên, dòng nước chảy từ các đập thượng nguồn vào mùa khô khiến khu rừng không có thời gian để khô cạn. Khi đó, những loài nấm sẽ phát triển trong điều kiện ẩm ướt, gây khô thối.

Điều này đến lượt nó lại tác động đến loài cá – bởi vì những rễ cây ngập nước nhưng khỏe mạnh là nơi trú ẩn an toàn cho cá sinh sản. Hệ sinh thái xung quanh rễ cây cũng cung cấp thức ăn cho cá.

Cánh rừng ngập nước ở tỉnh Stung Treng là một hệ sinh thái độc đáo

“Tôi muốn bảo tồn dòng sông này cho thế hệ sau,” Meta, 19 tuổi, nói khi chèo phía trước con thuyền tuần tra trên sông trong bóng tối.

Meta nằm trong nhóm thanh niên ở tỉnh Stung Treng, phần lớn là thanh thiếu niên – họ lặng lẽ di chuyển trong bóng tối, bật đèn pin và lùng sục bờ sông để phát hiện những ngư dân dùng thuốc nổ hoặc điện giật để bẫy chết bất hợp pháp hàng trăm con cá.

​ “Nếu phát hiện bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào, chúng tôi phải lái thuyền thật nhanh để đuổi theo họ.”

Họ tình nguyện làm ca đêm trong khuôn khổ cuộc tuần tra do Hiệp hội Bảo tồn Môi trường và Văn hóa Campuchia (CEPA) điều hành.

“Nếu những hoạt động đánh bắt trái phép đó gia tăng, dân làng sẽ không thể có đủ cá cho họ và gia đình họ”, Meta nói.

Việc này khiến những người tuần tra không được yêu mến cho lắm. Ngư dân thường tìm đến các phương pháp bất hợp pháp khi họ cần phải kiếm tiền.

Meta, người luôn mang theo dao bên mình khi đi tuần, thừa nhận rằng cậu rất sợ hãi trong ca làm việc đầu tiên. “Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật, chúng tôi phải cho tàu chạy thật nhanh đuổi theo, có lúc tôi sợ thuyền bị lật. Tôi cũng lo lắng rằng một số người trong số họ sẽ trang bị vũ khí – tôi sẽ phải làm gì?”

Khi len lỏi qua khu rừng ngập nước, đội tuần tra chuyển từ dùng mái chèo sang động cơ máy vì nước sông dâng cao do mưa gió mùa và dòng nước xoáy quanh rễ cây. Nhưng khi họ cố gắng đi ngược dòng, ngay cả động cơ cũng gặp khó khăn.

Họ cho rằng điều quan trọng là phải canh giữ dòng sông vào thời điểm này vì đây là lúc cá sinh sản và phát triển.

“Khi còn nhỏ, mỗi khi cùng bố ra sông, tôi cảm thấy rất vui khi được nhìn thấy dòng sông rộng lớn,” Meta nói.

“Bây giờ, khi tôi nhìn dòng sông, tôi cảm thấy muốn bảo vệ nó – vì nó gần như đã biến mất.”

Meta và nhóm thanh thiếu niên tuần tra trên sông vào ban đêm

Sự phát triển của con người, cùng với biến đổi khí hậu, sẽ tiếp tục làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong – và cuộc sống của những người sinh sống hai bên bờ.

Nhưng dòng chảy của con sông vẫn chưa dừng lại. Những người bảo vệ dòng sông trẻ tuổi hơn như Meta là dấu hiệu của hy vọng.

Tất cả sáu chính phủ của những nước nằm dọc theo con sông gần đây cũng đã cam kết bắt đầu phối hợp về dòng nước và xây dựng đập.

Số phận của dòng sông có thể phụ thuộc vào khả năng phục hồi của những người dân sống dựa vào sông. Và vào sự sẵn sàng của họ trong việc đi bao xa để bảo vệ nó – cũng như khôi phục sự hùng vĩ nổi tiếng đó cho sông Mekong.

Nghe podcast ‘Niềm hy vọng cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ’ trên BBC Sounds

Share.

Leave a Reply